Nhà văn Trần Thị Trường: “Người đàn bà phải giữ bếp lửa của mình”

Chủ Nhật, 09/03/2014, 09:15
Nhà văn Trần Thị Trường cầm bút viết văn khi bước sang tuổi trung niên, khi vốn sống và sự chiêm nghiệm của mình nhiều hơn những bươn chải vật chất hàng ngày. Những truyện ngắn, tiểu thuyết của bà, từ “Lời cuối cho em”, “Tình như chút nắng” hay “Sóng vỗ mạn thuyền”… đều thể hiện tiếng nói đầy trân trọng, yêu thương đến người phụ nữ. Với nét viết cổ điển, thâm trầm, những câu chuyện được hư cấu từ đời thực của bà đầy chất chiêm nghiệm, triết lý và không kém phần hài hước. Nhân kỉ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nữ nhà văn, nhà báo Trần Thị Trường.

PV: Thưa nhà văn Trần Thị Trường, bà từng nói “tôi luôn đứng về phe nước mắt”. Điều đó, có lẽ đâu chỉ bởi bà là một người vợ, người mẹ?

Nhà văn Trần Thị Trường: Câu nói “Chúng tôi luôn đứng về phe nước mắt” không phải là câu nói của tôi, mà là của một người khác. Người ta hay bảo “Nước chảy chỗ trũng” hay “muốn chơi thì tìm chỗ giàu sang mà chơi” để còn được nhờ vả. Bản thân tôi, tôi thấy những người đi trước mình đứng về phe nước mắt thì quả thật đó là hành động của trái tim, của những con người mang nặng trong lòng tính nhân văn sâu sắc. Tôi nghĩ rằng, khi đứng về phe nước mắt nhiều khi cũng bị trả giá bởi vì người ta bảo “thương người thì khó tiến thân”. Hay là đứng về phe nước mắt thì họ có gì đâu, người ta chỉ có sự đau khổ thôi. Thế thì mình phải chia sẻ, cũng như bản thân mình nếu như mình đau khổ cũng hi vọng được ai đó chia sẻ.

PV: Từ những tác phẩm của mình, bà có thể nói thêm về những người phụ nữ - nguyên mẫu từ đời thực được phản ánh như thế nào trong ngòi bút văn học?

Nhà văn Trần Thị Trường: Chẳng hạn cuốn “Lời cuối cho em” ra từ năm 1990, với một số lượng lên tới hàng vạn bản. Tác phẩm kể lại cuộc tình của một người tù với một người phụ nữ đoan trang, chín chắn. Nhưng rồi cuối cùng vì tình thương với một người đi tù oan, lại mang thai với anh ta rồi bị người đời nguyền rủa.

Những người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là thời kì của tôi, mới bước ra từ một não trạng xã hội phong kiến. Tôi viết về những phân vân trong lòng họ, những điều không dũng cảm của họ. Mà nếu ai dũng cảm thì bị xã hội lúc bấy giờ gọi là con đĩ. Ví dụ như trong truyện “Ngược nắng”. Một mảng truyện thứ 3 cũng viết về thân phận người phụ nữ, đó là đôi khi người phụ nữ là con bài chính trị, ví dụ như Huyền Trân công chúa. Đứng ở góc độ nhân văn của một nhà văn thì tôi thấy phụ nữ chúng ta bị chia sẻ bởi rất nhiều mối ràng buộc xã hội. Và tôi đã viết “Sóng vỗ mạn thuyền”.

Tôi cũng viết về xã hội Việt Nam với những người đàn ông. Người ta bảo “chả có đàn ông nào không sợ vợ”. Thế nhưng họ lại sợ một kiểu nhưng lại bạo lực một kiểu khác. Cuộc sống của họ ngoài sự sợ ra thì lại hoàn toàn tự do theo một cách khác. Đàn bà cứ tưởng là chồng sợ mình, nhưng thực ra là “đười ươi giữ ống” thôi. Đấy là một mảng rất hài hước và tôi nghĩ cũng là cách tôi chia sẻ với những người phụ nữ.

Nữ nhà văn, nhà báo Trần Thị Trường.

PV: Tôi nghĩ trong xã hội phong kiến cũng có cái lý, bởi có sự phân chia rõ: đàn ông lo việc lớn, đàn bà khuôn phép trong gia đình. Còn bây giờ, phụ nữ cùng lúc phải lo rất nhiều việc, thậm chí có những việc không hề nhỏ chút nào, lại dành thời gian chăm sóc gia đình. Dường như trong cuộc sống hàng ngày, chính họ phải luôn lựa chọn?

Nhà văn Trần Thị Trường: Hiện nay, tôi nghĩ cái số những người phụ nữ rất xuất sắc cũng không nhiều, số quá đáng cũng không nhiều nhưng còn những người trung bình, không hiểu mình nên như thế nào thì rất đông. Có lẽ vì điều đó mà chúng ta có buổi gặp gỡ hôm nay. Cư xử nên như thế nào nhỉ? Tôi nghĩ là phải cư xử hài hòa. Trước hết là phải học truyền thống một chút - người đàn bà phải giữ bếp lửa của mình, cơm ngon canh ngọt nhưng cũng không quá lệ thuộc. Còn muốn vượt lên cũng không vượt lên được, thì mình cũng không được yêu cầu anh phải để cho tôi giống như cô bên cạnh. Mình phải biết so sánh với cô bên cạnh là như thế nào. Tôi nghĩ câu chuyện đó nghe đơn giản nhưng nó quá khó.

PV: Có phải vì thế mà trong khá nhiều câu chuyện về người phụ nữ bà đều chọn một cái kết theo hướng khá an toàn. Ví dụ như trong chuyện “Những bông hoa hồng xanh”- người phụ nữ vẫn phải giữ một điều lớn hơn, đó là gia đình?

Nhà văn Trần Thị Trường: Không có một người phụ nữ nào không yêu thương con cái. Đã yêu thương thì bao giờ cũng nhẹ dạ. Mà đã nhẹ dạ thì đàn ông rất dễ lừa. Cho nên tôi nghĩ bản chất của phụ nữ đã là yêu thương rồi, đã khờ dại rồi. Còn sự khôn ngoan nào đó thì cũng tích lại để có cái dại khờ lớn hơn mà thôi. Cuối cùng, cái kết của tôi hoặc con người tôi nó thế, tôi không nỡ đặt bút để viết cho một người đàn bà nào trả thù một người đàn ông nào. Họ chọn con đường hi sinh để an toàn cho bản thân mình sau còn an toàn cho con là trước. Cho nên cuối cùng, người phụ nữ dại dột nhưng lại đáng yêu.

PV: 64 tuổi đời, nhìn lại, bà có hài lòng với những lựa chọn của mình không?

Nhà văn Trần Thị Trường: Từ thuở ban đầu tôi được sinh ra trong một gia đình nền nếp. Nhưng cuộc sống đã thay đổi toàn bộ các gia đình trong xã hội Việt Nam. Vì thế chúng ta bất kể người giàu hay người nghèo, từ người trí thức cho đến tất cả các thứ hạng trong cuộc sống đã về mốc số 0 bằng nhau bởi những cuộc chiến tranh. Nhưng, tôi cảm thấy rất mừng bởi nền tảng văn hóa gia đình đã giúp tôi đi đúng con đường của mình.

PV: Vâng, xin cảm ơn nhà văn!

Cảnh Vũ - Phương Thúy
.
.
.