Nhà văn Tô Nhuận Vỹ: Chiến trường đã cho tôi những trang viết

Chủ Nhật, 11/04/2010, 16:38
Trong số gần ba mươi nhà văn đến với Trại sáng tác văn học "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 2007-2010" đang được Bộ Công an và Hội nhà văn Việt Nam tổ chức tại Nha Trang, có nhà văn Tô Nhuận Vỹ. Ông là người của sông Hương xứ Huế, giàu vốn sống và nhiều trải nghiệm về nghề báo, nghiệp văn sau hành trình 45 năm cầm bút trong chiến tranh và hòa bình, nhưng luôn tỏ ra khiêm tốn trong từng câu nói về mình.

Với phong cách rất dân dã, ông tiếp chuyện tôi bên bờ biển Nha Trang giữa buổi chiều cuối tháng ba đầy nắng gió.

Tên thật của ông là Tô Thế Quảng, quê ở làng Mai Vĩnh, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sau khi Hiệp định Giơnevơ ký kết, ông theo ba mẹ ra Bắc, đi học văn hóa ở Trường cấp 3 Chu Văn An, Hà Nội rồi học khoa văn - sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp, ông vào Thanh Hóa dạy học.

Cuối năm 1965, ông trở về quê hương với tư cách phóng viên báo Cờ Giải phóng và sau đó là biên tập viên tạp chí Văn nghệ Trị Thiên - Huế, đồng thời phụ trách một tuyến cơ sở nội thành khi mới 24 tuổi. Là phóng viên mặt trận, nên khi đặt chân tới quê nhà, ông chỉ lưu lại chiến khu 14 ngày, sau đó xuống vùng sâu mặt trận Huế, nằm hầm bí mật, đối mặt với các cuộc càn quét của địch. Rồi nhiều đêm bám theo các đội biệt động, bộ đội và du kích địa phương, ra ngoại ô Huế chứng kiến những trận đánh địch để viết tin bài gửi theo đường giao liên nội bộ lên chiến khu.

Khi nghe tôi hỏi "Điều gì đã khiến ông đến với nghiệp văn?", bằng chất giọng xứ Huế trầm ấm, nhẹ nhàng, Tô Nhuận Vỹ tâm sự: "Thời còn là phóng viên chiến trường, những tư liệu sống động về phẩm chất anh hùng của đồng đội và nhân dân cứ đầy ắp. Những bài báo không thể nào chuyển tải hết những hình ảnh rất đẹp về con người trong chiến tranh, nên tôi phải viết văn. Chiến trường đã cho tôi những trang viết".

Sau khi tập truyện ngắn "Người sông Hương" ra mắt bạn đọc năm 1970, ông đã viết một mạch để trình làng những tác phẩm văn học nối tiếp như các tập truyện ngắn "Em bé làng đảo", "Người sông Hương","Làng thức", các tiểu thuyết "Ngoại ô", "Phía ấy là chân trời" và bộ tiểu thuyết ba tập "Dòng sông phẳng lặng" đã tái bản lần thứ sáu…

Ông bày tỏ: "So với nhiều nhà văn khác, số đầu sách của tôi còn quá ít". Điều đó cũng dễ hiểu vì cả chục năm trời Tô Nhuận Vỹ vừa đảm nhiệm công việc Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, Tổng thư ký, Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, rồi Hội Văn nghệ, Giám đốc Sở Ngoại vụ Thừa Thiên - Huế. Tiếp đó là tai nạn khủng khiếp ập đến với cô con gái đầu lòng hồi tháng 9/1996, khiến ông hụt hẫng không còn đủ trí lực ngồi trước trang viết.

Quãng thời gian đó, ông coi như một chuyến đi thực tế dài ngày, nhưng có một thực tế khác sống động mãi trong cuộc đời, khiến ông trăn trở suy tư với nghiệp viết. Đó là chuyện những bà mẹ, cô gái vùng sâu Phú Vang với tấm lòng yêu thương tha thiết đã che chở ông cùng nhiều cán bộ cách mạng, bộ đội nằm hầm bí mật khi địch mở nhiều cuộc càn quét, lùng sục, mà có lần Tô Nhuận Vỹ đã kể lại bằng tâm huyết cho sinh viên tham dự lớp sáng tác Đại học Massachusetts ở Mỹ. Rồi hình ảnh những chiến sĩ đặc công dũng cảm, những người rời bỏ hàng ngũ của địch đến với cách mạng, hay phong trào đấu tranh đô thị…

Tất cả đã được ông tái hiện bằng những trang viết dung dị, nhưng giàu hình ảnh, đầy kịch tính và đậm chất nhân văn.

Tiểu thuyết "Ngoại ô" của ông đã được Hãng phim Giải phóng chuyển thể phim nhựa năm 1987. Bộ tiểu thuyết "Dòng sông phẳng lặng" thì được Hãng phim truyền hình Việt Nam dựng thành bộ phim cùng tên 15 tập. 

Thời Tô Nhuận Vỹ còn ngồi ghế Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, mấy người Mỹ ở Trung tâm Wiliam Joiner (WJC) - một tổ chức văn nghệ phản đối chiến tranh, thu hút các nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa, cựu chiến binh Mỹ thuộc Đại học Massachusetts - Boston đã có cuộc tiếp xúc với ông. Từ mối quan hệ đó, hơn 20 năm qua, WJC đã nhiều lần mời ông cùng nhiều nhà văn Việt Nam sang thăm và dự một số cuộc hội thảo văn học ở Mỹ. Văn học đã là chiếc cầu nối để Tô Nhuận Vỹ có thêm bạn bè ở WJC như Kevin Bowen, Nguyễn Bá Chung, Fred Marchant, Bob Glasmann, M.Jame tại Mỹ…

Trong những chuyến đi Mỹ, Tô Nhuận Vỹ đã có nhiều cuộc nói chuyện về chiến tranh và cuộc sống mà ông đã trải nghiệm để nhiều sinh viên và trí thức Mỹ có cái nhìn đúng đắn hơn đối với Việt Nam - một đất nước, một dân tộc hiếu hòa đã phải cầm súng đi suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ, để giành lại độc lập tự do. Có lẽ vì thế nên các nhân vật trong truyện ngắn và tiểu thuyết của ông đều có nguyên mẫu trong cuộc sống với ý chí kiên cường bất khuất, lặng lẽ hy sinh.

Ví như tuyến cơ sở nội thành Huế do Tô Nhuận Vỹ đảm trách có cô nữ sinh Đồng Khánh Phạm Thị Cúc hoạt động trong phong trào học sinh - sinh viên. Gian khổ hiểm nguy đã giúp cho ông gắn bó với cô nữ sinh đó, để sau này nên duyên chồng vợ. Câu chuyện của cô nữ sinh Đồng Khánh - nhân vật Diệu Linh trong "Dòng sông phẳng lặng" có những phần đời thực của vợ ông. Còn nhân vật Hạnh, người phụ nữ thủy chung, tần tảo nuôi con, khi đối mặt với địch trong cuộc đấu tranh trực diện, cũng từ một nguyên mẫu vào tác phẩm…

Đến với trại sáng tác văn học về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" lần này, nhà văn Tô Nhuận Vỹ tập trung thời gian hoàn thành những chương cuối tiểu thuyết "Vùng sâu" có độ dày khoảng 300 trang, với nhiều tuyến nhân vật. Ông "bật mí" với tôi rằng, đó chính là tiểu thuyết "Mưa rơi trên cầu", ông bỏ dở cách đây vài năm khi đã viết được hai phần ba. Bỏ dở rồi làm lại vì những nhân vật mà ông đề cập có một thực tế cuộc sống sâu sắc hơn, cần phải có những trang viết xứng tầm hơn. Còn chuyện xứng tầm như thế nào sau một thời gian chững lại để chiêm nghiệm, thì ông bảo "Xin chờ khi cuốn sách được xuất bản".

Vâng! Bạn đọc từ trước đến giờ vẫn chờ những trang viết mới của ông bằng tình cảm và tấm lòng trân trọng

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.