Nhà văn Tô Hoài trong lòng bè bạn: Thanh thản đi vào cõi bất tử

Thứ Ba, 08/07/2014, 09:38
Những ký ức tốt đẹp về nhà văn Tô Hoài dường như vẫn đọng mãi trong tâm trí các nhà văn từng có mối quan hệ gần gũi, thân thiết với ông, trong công việc, hoặc trong đời sống…

Nhà văn Tô Hoài - bậc thầy của làng văn, người thầy lớn của nhiều thế hệ nhà văn đã lặng lẽ rời bước khỏi cõi trần, để lại một khoảng mênh mông trống vắng. Với những tác phẩm nổi tiếng, cùng số lượng tác phẩm đồ sộ trên 100 cuốn, Tô Hoài thực sự để lại dấu ấn trên văn đàn Việt Nam. Là một nhà văn mà tên tuổi đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam, Tô Hoài có ảnh hưởng lớn đến các thế hệ cầm bút sau này. Là một con người, ông sống như ông muốn và luôn là một nhà văn được nhiều người yêu mến. Vẫn biết rằng cuộc sống là hữu hạn, nhưng tin ông ra đi vẫn khiến nhiều người hụt hẫng. Những ký ức tốt đẹp về ông dường như vẫn đọng mãi trong tâm trí các nhà văn từng có mối quan hệ gần gũi, thân thiết với ông, trong công việc, hoặc trong đời sống…

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Kỷ niệm thân yêu với nhà văn Tô Hoài

… Trong cuộc sống, có những chuyện, tôi thấy nhà văn Tô Hoài như một người cha của mình. Nhưng nhiều hơn, tôi thấy bác như một người bạn chu đáo, quan tâm đến tôi một cách thật chi tiết và cảm động. Đôi khi, nhà văn mang cho tôi một chai tương Bần (hồi đó - những năm 70, cuộc sống còn vô cùng vất vả), cho con gái tôi cái nơ buộc tóc hoặc  cái cặp tóc xinh xinh. Lúc tôi mới dọn về khu Thành Công, bác xách đến một  vỏ dừa khô đựng cành cây đang xanh mướt và nói: “Cô cứ treo ra ban công, ít lâu nữa nó nở hoa thơm lắm, hoa Cẩm Cù  cô ạ. Cô cứ quên nó khoảng hai năm, nó vẫn xanh tươi và nở hoa đều đều”... Có lần đi Nga về, bác tặng tôi chiếc đồng hồ xinh xắn (mà tôi hồi đó mơ cũng không thể có), nói là quà được các bạn Nga kỷ niệm. Đi ra nước ngoài, bác cũng thường viết thư cho tôi, kể các chuyện buồn cười, ví dụ: “Tôi ở khách sạn gần ngã tư thành phố Matxcơva, bà Ina hẹn tôi chờ ở cửa để đưa đi tham quan, tôi xuống cửa, chờ mãi chả thấy, lại lên phòng. Mãi sau, bà ấy tìm lên và hỏi sao tôi không chờ ở cửa hôm qua bà ấy đưa về, tôi bảo, bốn mặt cửa đều giống nhau, tôi làm sao nhớ được, thế là bà ấy phá ra cười. Đi nước  ngoài, dân mình…nhà quê lắm cô ạ”.

Năm 1997, tôi sang Nga dự Hội nghị các nhà văn trẻ khối XHCN, nhà văn cũng cùng đi một chuyến bay, lúc nghỉ ở sân bay Karachi chờ đổ xăng, bác dặn: “Cô đi lần đầu ra nước ngoài, đừng có ham hố mua mua bán bán. Hãy quan sát và ghi chép tất cả nhé, trước khi đi đâu hoặc trước khi ăn uống, nhớ quan sát xem họ dùng thìa nĩa ra sao, đường đi lối lại thế nào, kẻo lạc là khổ. Ghi tên khách sạn vào sổ tay, số phòng nữa. Chuyện nhỏ mà cần lắm đó”.  Các bạn ơi, hồi đó nước mình cái gì cũng thiếu, nên những điều nhà văn Tô Hoài dặn tôi thật là cần thiết.

Cuốn sách đầu tiên “Xóm đê ngày ấy” của tôi cũng được nhà văn đọc kỹ và chỉ bảo nhiều. Tô Hoài nói: “Cô viết ẩu lắm, ví dụ: “Con đê mọc đầy cỏ dại” là không ổn. Cô phải biết con đê ấy mọc cỏ gì, cỏ mần trầu, cỏ may hay cỏ dại, mùa ấy nó có hoa không hay đang héo, nhà văn phải làm sống động trang viết bằng chi tiết, tức là phải quan sát thật kỹ cô ạ”.

Tôi tin là Tô Hoài còn sống mãi trong lòng bạn đọc, trong những kỷ niệm thân thương với riêng tôi.

Nhà văn Tô Hoài.

Nhà thơ Trần Ninh Hồ: Như ngọn đèn phía trước

Một trong những cây đại thụ tỏa bóng mát xuống làng văn đã nhẹ bước về miền cực lạc. Với những người đi sau như chúng tôi, nhà văn Tô Hoài luôn là một người thầy lớn. Nhà văn Tô Hoài từng tâm sự rằng: Phóng viên thời nào mà chả có hai việc chính là ghi chép và chụp ảnh, bây giờ thêm ghi âm. Ghi ngày giờ, đi đâu, gặp ai, việc gì... Mới ghi xong thì tưởng là rất ngán vì ngày nào cũng thế, phải không?. Nhưng ít ngày sau mở ra xem, những ghi chép ấy nhắc mình nhớ lại rất nhiều thứ thì lại cứ bồi hồi. Mà bồi hồi là dễ có văn hay... Có chỗ ghi chép cách đến hàng chục năm vẫn cho mình những trang văn, trang báo như vừa mới chứng kiến...

Có lẽ vì thế, Tô Hoài là một nhà văn có nhiều sổ tay ghi chép nhất, để từ đấy sinh ra bạt ngàn các bài báo và gần hai trăm đầu sách. Sẽ không còn ai để chúng tôi trông vào mà thấy mình còn có một ngọn đèn phía trước, tỏa ra ánh sáng ấm áp của tri thức, nhân cách, trí tuệ và tình yêu đời, yêu người. Nhưng người thầy lớn ấy sẽ mãi luôn bên cạnh chúng ta

Nhà văn Lê Phương Liên, Giám đốc Quỹ Doraemon, NXB Kim Đồng: Người đau đáu với văn học thiếu nhi

Nhà văn Tô Hoài không chỉ  là cha đẻ của tác phẩm lừng danh “Dế mèn phiêu lưu ký”, ông còn cùng nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sáng lập ra Tủ sách Kim Đồng ở chiến khu Việt Bắc. Cũng chính ông là người đặt tên Kim Đồng cho NXB đầu tiên dành cho trẻ em, ra đời năm 1957.

Nhà văn Tô Hoài có tài quan sát tinh tế ngoại cảnh, cùng cách nói, cách nghĩ thật hóm hỉnh và luôn làm việc quên tuổi tác. Với  bộ ba tác phẩm tiểu thuyết lịch sử “Đảo hoang”, “Nhà Chử”, “Chuyện Nỏ thần”, nhà văn Tô Hoài đã sáng tạo ra một cách viết tiểu thuyết lịch sử riêng, những trang sách tràn ngập không khí dân dã huyền ảo, hiển hiện trong vẻ đẹp của ngôn từ thuần Việt.

Nhà văn Tô Hoài là người sáng lập và là Chủ tịch đầu tiên của Hội Văn nghệ Hà Nội sau này là Hội liên hiệp VHNT Hà Nội. Ông cũng là Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Văn học thiếu nhi – Hội Nhà văn Việt Nam. Với các nhà văn trẻ, vừa có tác phẩm mới ra đời, ông thường tự tìm đọc và có những nhận xét kịp thời. Nhà văn Tô Hoài luôn “đau đáu” với văn học thiếu nhi cả nước. Vào cuối những năm 80, khi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh xuất hiện trên văn đàn, dư luận Hà Nội còn có nhiều ý kiến khen chê, nhà văn Tô Hoài đã khẳng định: “Cậu ấy viết được đấy”. Còn nhớ những năm tháng đầu thời kỳ đổi mới, khi những ý kiến về tranh truyện chưa ngã ngũ, nhà văn Tô Hoài đã ủng hộ sự đổi mới văn học thiếu nhi và góp phần làm nên uy tín của Quỹ hỗ trợ giáo dục trẻ em Việt Nam mang tên Doraemon.

Cái chết chỉ có nghĩa là giã từ cõi tạm, hình như nhà văn Tô Hoài vẫn đang cười và… thản nhiên vào cõi bất tử.

Nhà văn Hà Phạm Phú, nguyên Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam: Một nhà văn có tầm ảnh hưởng lớn

Nhà văn Tô Hoài là một hiện tượng văn học Việt Nam. Ra đi, ông để lại một khối lượng tác phẩm lớn, đặc biệt là những hồi kí.

Là nhà văn nổi tiếng, nhưng Tô Hoài sống thân thiện và gần gũi với mọi người. Vì thế, tôi thường có dịp cùng ông uống bia hơi và hàn huyên chuyện văn chương.  Trong văn chương, ông cũng là người thẳng thắng và chân thật, rất đáng trân trọng. Điều tôi đặc biệt ấn tượng với Tô Hoài là, bạn bè tặng sách, ông đều đọc hết rồi viết bài bình luận, nhận xét về tác phẩm một cách thẳng thắn. Điều đó cho thấy ông rất chí tình với bạn bè, đồng nghiệp. Tôi cũng từng có lần tặng sách ông, rồi sau, tình cờ đọc được một bài phê bình của ông về cuốn sách trên báo Văn Nghệ, chứ ông cũng không hề nói cho biết. Có lần, ông còn viết phê bình thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh trên báo Văn Nghệ, khi đó, Hữu Thỉnh vừa làm Chủ tịch Hội Nhà văn, vừa làm Tổng Biên tập tờ này, với những lời khá bộc trực khi cho rằng, cuốn thơ mới ra khi đó của Hữu Thỉnh “như gánh đồng nát”. Khi nói về phê bình văn học, ông nêu quan điểm rõ ràng: Phê bình văn học nói chung của chúng ta hay có khuynh hướng qui kết, chụp mũ và ngược lại bốc thơm tưng bừng, vô lối. Các cuộc thảo luận, tranh luận chỉ có thể đi sâu vào học thuật thì mới kích thích được sáng tạo, mới khơi gợi có được tác phẩm hay.

Tô Hoài là người rất tâm huyết với  văn học thiếu nhi. Ông băn khoăn về việc lí luận phê bình văn học (LLPBVH) thiếu nhi không có, khi không có cuộc thảo luận nào, không có câu trả lời xung quanh những vấn đề lớn của văn học thiếu nhi. Ông cho biết: tôi đã lập kế hoạch Tủ sách LLPBVH thiếu nhi, rồi làm việc với NXB Giáo dục, NXB Kim Đồng. Các vị lãnh đạo các NXB đều hoan nghênh, nhưng chẳng ai làm. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, LLPBVH về văn học thiếu nhi vẫn hầu như là con số không.

Có lẽ, một tài năng và nhân cách như ông, đâu phải dễ gặp? 

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.