Nhà văn Tô Hoài: Vì sao tôi được "xuất ngoại" nhiều?

Chủ Nhật, 08/06/2008, 17:05
Từ nhiều năm nay, anh em trong làng văn vẫn ngấm ngầm truyền nhau mấy câu thơ nói về cái sự… "tranh" đi nước ngoài của lão nhà văn Tô Hoài. Thậm chí, mượn lời một nhà văn cao niên, họ còn tung ra một nhận xét, đại ý: "Tô Hoài khôn như cáo. Thời kỳ chống Pháp, lão ấy mò lên vùng núi cao hẻo lánh, tiếng là thâm nhập thực tế để sáng tác, kỳ thực là vừa để tránh… Tây càn, lại vừa có dịp quơ quàng… chị em".

Và rồi, cái sự xì xào, tai nọ truyền tai kia đã bất ngờ được "đúc kết" lại trong bài viết "Cưỡi con dế mèn bay đi khắp thế gian…" của tác giả Trần Ngọc Lãng (được tải trên trang web của một nhà thơ trẻ). Không rõ căn cứ vào đâu, tác giả này đã khẳng định chắc như đinh đóng cột: "Hội Nhà văn Việt Nam hồi đó có hơn 150 hội viên mà hằng năm chỉ có dăm bảy suất đi nước ngoài, bởi vậy đó là cuộc đấu tranh sinh tử, giành giật âm thầm và quyết liệt chẳng thua gì vũ đài quyền Anh...

Ấy thế mà, riêng Tô Hoài, tổng kết lại trong thời bao cấp ông đã xuất ngoại tới… 105 lượt, đủ các nước Á, Âu, Mỹ, Úc,  Phi". Và Trần Ngọc Lãng trích dẫn mấy câu thơ gọi là "của dân gian" để nói về hiện tượng trên, trong đó nêu trường hợp nhà thơ Hoàng Trung Thông "ở đâu có rượu là ông tới liền" và nhà văn Tô Hoài "Hễ đi nước ngoài là có ông ngay".

Vậy nhà văn Tô Hoài đã có ý kiến ra sao về bài viết nói trên?

PV: Thưa nhà văn Tô Hoài, đã có khi nào ông nghe nói tới mấy câu thơ chế giễu cái sự… đi nước ngoài nhiều lần của ông?

Nhà văn Tô Hoài: Có, trước đây tôi cũng đã được nghe. Nhưng là nói về tôi và cụ Nguyễn Đình Thi, chứ không phải cụ Hoàng Trung Thông. So với nhiều nhà văn, cụ Thông đi nước ngoài có là bao…

PV: Có phải đó là 2 câu: "Hội trưởng là Hội trưởng Thi/ Không đi thực tế chỉ đi nước ngoài". Và với Tô Hoài thì "Chỉ đi nước ngoài thực tế không đi".

Nhà văn Tô Hoài: Thì đại khái như thế. Nhưng tôi nhớ là không có cái vế "không đi thực tế". Vì nói tôi và cụ Thi không đi thực tế thì… vô lý quá (cười).

PV: Đến nay, ông có nhớ được số lần mình… xuất ngoại không? Liệu có đến con số 105 như tác giả Trần Ngọc Lãng đã liệt kê?

Nhà văn Tô Hoài: Không. Nhiều thì nhiều thật chứ còn xa mới tới… 105 lần. Nhưng có điều buồn cười, là việc đi đứng này, có phải cứ tôi muốn đi là đi được đâu.

PV: Ông từng viết rằng, thời kỳ ông làm Bí thư Đảng ủy Hội Nhà văn, có lần nhà thơ Xuân Diệu đi nước ngoài về, đã tặng ông chiếc khăn mùi soa để lần sau có suất nào, ông còn "nhớ" tới Xuân Diệu…

Nhà văn Tô Hoài (cười): Không phải mùi soa mà là đôi bít tất. Đúng là thời ấy, tuy Hội Nhà văn có Ban Đối ngoại, song việc đi nước ngoài cơ bản vẫn do Đảng ủy Hội Nhà văn họp bàn, quyết định. Nhưng nói thật, việc đi nước ngoài "theo" Hội Nhà văn cũng đâu có nhiều. Mà các suất đi của Hội cũng nghèo lắm. Tiền vé máy bay phải "mượn" của Liên Xô, Trung Quốc. Tiền chi tiêu Hội phải đề nghị Bộ Tài chính.

PV: Vậy cụ thể việc đi nước ngoài của ông diễn ra theo cách nào?

Nhà văn Tô Hoài: Sau khi tác phẩm "Miền Tây" của mình được giải thưởng của Hội Nhà văn Á - Phi thì điều kiện đi nước ngoài của mình thuận hơn. Không phải vì tôi là nhà văn, mà vì sau đấy, tôi được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Á - Phi, và sau này là Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Á - Phi - Mỹ Latinh. Mãi tới năm vừa rồi, tôi mới thôi mọi chức vụ liên quan đến tổ chức này. Thời chiến tranh, bao cấp, tôi đi Cuba, tất cả các nước châu Phi, châu Á chủ yếu là với danh nghĩa ấy. Không ai có thể đi thay được. Và không phải đi với danh nghĩa nhà văn. Ngoài ra, tôi vừa là lãnh đạo Hội Nhà văn, vừa là Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, lại còn là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Ấn, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hữu nghị Việt - Xô, rồi là Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội. Nói chung là "nhiều chức lắm" (cười).

PV: Nhà văn Đoàn Minh Tuấn từng viết rằng, khi sang nước ngoài, có lần ông "gà" Đoàn Minh Tuấn nói cách nào đó để các nhà văn nước ngoài họ mời Tô Hoài sang chơi với tư cách cá nhân?

Nhà văn Tô Hoài: Cũng có điều đó. Nhưng không nhiều. Cuốn "Dế mèn phiêu lưu ký" của tôi được dịch in ở nhiều nước. Nhưng mời tôi sang với tư cách tác giả chỉ có Hội Nhà văn Liên Xô. Mà cũng chỉ một đôi lần thôi.

PV: Trong bài viết của mình, tác giả Trần Ngọc Lãng có nói cái ý, trong những năm  Mỹ đánh Hà Nội, Tô Hoài thường tìm cách… chuồn  lên rừng?

Nhà văn Tô Hoài: Cũng chẳng hiểu sao "nó" lại viết như vậy. Năm 1972, Mỹ đánh bom Hà Nội, tôi còn đèo chai câu liên (bình chữa cháy) cùng dân phòng xuống Khâm Thiên để dập lửa kia mà.

PV: Đúng là tôi cũng từng đọc trong một trích đoạn nhật ký của nhà văn Bùi Hiển, là khi Mỹ rải bom Khâm Thiên, nhà văn Tô Hoài còn chen chân xuống thực địa, nhưng bị lực lượng cứu hộ ngăn lại…

Nhà văn Tô Hoài: Mỹ nó đánh bom nhiều nơi. May sống, rủi chết, ai biết được thế nào mà tránh. Như cái đợt tôi lên Hà Giang, dọc đường bị Mỹ ném bom, hút chết. Khi cụ Nguyễn Tuân "trực chiến" tại  Hà Nội để viết "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi", tôi là tổ trưởng dân phố, từng dẫn cụ đi la cà quán xá vì tôi đeo băng đỏ, anh em mậu dịch viên thường cho uống bia "chùa", không tính tiền.

PV: Tóm lại, khi xảy ra "đấu tranh tư tưởng", nhà văn Tô Hoài thường tìm cách lánh đi… nằm viện. Còn khi bom lửa, ông vẫn sẵn sàng có mặt ở những nơi nguy hiểm.

Nhà văn Tô Hoài (cười): Thì cứ cho là như vậy. Với mình, mọi sự cũng đơn giản thôi mà

Phạm Khải
.
.
.