Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Phải hiểu mới yêu và sẽ hay

Thứ Sáu, 13/07/2012, 18:04
"Phải có tình yêu Công an, không có tình yêu và tình thương thì sẽ không hòa nhập, không cảm thông, chia sẻ, không hiểu được họ thì rất khó sáng tạo ra nhân vật văn học".

Ăn khách, lại rất có duyên với các giải thưởng, đặc biệt là giải thưởng của lực lượng Công an, nhà văn Quân đội Sương Nguyệt Minh luôn là cái tên gây dư chấn trên công luận mỗi khi công bố tác phẩm mới. Coi mỗi thành công ấy chỉ là một khoảnh khắc, một dấu mốc trên hành trình văn chương nhọc nhằn và dằng dặc dài, giải nhất cuộc thi bút ký và truyện ngắn Cây bút vàng lần thứ 2 (1998-2001) do Tạp chí Văn hóa Văn nghệ Công an Chuyên đề ANTG tổ chức, nhà văn Sương Nguyệt Minh đang chất chứa nhiều suy tư về một tác phẩm đỉnh cao.

PV: Anh dường như luôn thi đâu thắng đấy, rất phát về đường giải thưởng văn chương. Vậy giải thưởng có tác động nhiều trở lại đến đời sống và sáng tác của anh không?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Có chứ, nhưng không nhiều. Tôi luôn tự nhủ mình không bao giờ làm giàu từ viết văn, càng không giàu có từ giải thưởng. Tôi coi tác phẩm đoạt giải đơn thuần như một cột mốc đánh dấu chặng đường sáng tác dài dằng dặc và quá nhọc nhằn của mình thôi.

PV: Xòe bàn tay tính đếm, anh đã có quá nhiều “cột mốc” đáng tự hào. Mỗi một “cột mốc” - một tác phẩm được giải thưởng ấy có phải là những gì xuất sắc, tinh túy nhất của anh?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Chưa hẳn thế. Giải thưởng chỉ là ở một cuộc thi, mà đời văn thì đằng đẵng, có tác phẩm xuất sắc của tác giả viết lúc không có cuộc thi, hoặc họ không có nhu cầu dự thi. Với lại, được giải cũng chỉ là tương đối. Giải ấy của ban giám khảo ấy. Nếu thay bằng ban giám khảo khác có thể kết quả sẽ khác, thậm chí chỉ thay một giám khảo nam bằng một giám khảo nữ cũng cho đáp số giải thưởng khác nhau.

PV: Vậy “Lửa cháy trong rừng hoang”, truyện ngắn đoạt giải nhất cuộc thi Cây bút vàng lần 2 nằm vị trí nào trong các sáng tác của anh?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: “Lửa cháy trong rừng hoang” là “đứa con” hay nhất trong những “đứa con” sinh ra ở mảng đề tài “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” của tôi. Có những truyện ngắn tôi tự chọn là một trong 5 tác phẩm hay nhất của mình như “Đồi con gái”, “Mùa trâu ăn sương”, “Ánh trăng trong lò mổ”, hoặc “Đêm thánh vô cùng” thì lại chưa hề được giải thưởng với tư cách là một tác phẩm độc lập.

http://cand.com.vn/Uploaded_CANDONLINE/phuonglien/6_nha2543-450.jpg
Nhà văn Sương Nguyệt Minh.

PV: Là một nhà văn Quân đội, một người lính viết về Công an, gặt hái thành công với mảng đề tài Công an, hẳn anh có những chiêm nghiệm hoặc chí ít là các kinh nghiệm cá nhân muốn chia sẻ?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Tôi nghĩ đi sâu vào thân phận con người nói chung và người chiến sĩ Công an nói riêng, rồi sáng tạo họ bằng hình tượng văn học điển hình sẽ thành công. Tuy nhiên, phải có tình yêu Công an, không có tình yêu và tình thương thì sẽ không hòa nhập, không cảm thông, chia sẻ, không hiểu được họ thì rất khó sáng tạo ra nhân vật văn học. Tôi có cảm giác như các nhà văn (trong đó có tôi) viết về Công an, nhưng chưa thực sự yêu Công an.

PV: Theo anh có nghịch lý không khi cuộc sống, chiến đấu của lực lượng Cảnh sát luôn là mảng đề tài rất “hot” trên báo chí, phim ảnh. Nhiều tờ báo chỉ khai thác chuyện Cảnh sát phá án đã được bạn đọc nhiệt tình quan tâm. Vậy nhưng mảng hiện thực ngồn ngộn ấy lại chưa trở thành hình tượng điển hình và hấp dẫn mà nhà văn dành cho độc giả?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Không nghịch lí đâu. Kết quả đều bắt đầu từ các nguyên nhân. Gieo trồng, chăm bẵm như thế nào sẽ gặt hái mùa màng như thế. Trước hết, phải hỏi các nhà văn Công an đã. Còn chúng tôi ở ngoài  lực lượng, sự hiểu biết về Công an rất hạn hẹp. Một khi viết về cái mình chưa hiểu nhiều thì sẽ gượng gạo, khiên cưỡng. Vả lại, thật khó quyến rũ người sáng tác khi viết ra một cuốn tiểu thuyết về Công an in vài ngàn bản với mức nhuận bút chỉ hơn 5, 6 bài phóng sự. Theo tôi, văn học Công an đang thiếu vắng tác phẩm hay. Đấy là điều vô cùng đáng tiếc. Nhưng trách nhiệm này còn thuộc về nhiều phía chứ không riêng các nhà văn chúng tôi.

PV: Nếu bây giờ có đơn đặt hàng trong 5 năm, được phép đi đến các trại giam, tìm hiểu các kho hồ sơ lưu trữ (đã được giải mật), nói chung là tất cả những nơi cần đến, có thể đến, liệu anh và các nhà văn Việt Nam có thể cho ra đời được những tác phẩm xứng đáng?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Các nhà văn Việt Nam đang bị tán tài. Có nghĩa là họ thừa sức lực, trí tuệ, cảm xúc để viết được tác phẩm hay, nhưng có những điều quan trọng khác quyến rũ, hấp dẫn họ hơn là ngồi viết một tiểu thuyết đỉnh cao của họ. Nước ta ít ai sống được bằng nghề viết văn, nên cùng lúc nhà văn phải bươn trải mưu sinh, không dành toàn tâm, toàn trí cho văn chương. Các đảm bảo này còn phải thêm một điều kiện: 5 năm ấy, nhà văn không cần lo cơm áo gạo tiền cho mình và gia đình mình. Hãy chọn 20 nhà văn để làm “phép thử”, sau 5 năm có 20 cuốn tiểu thuyết, trong đó 5 quyển xuất sắc; không, 3 thôi, thậm chí chỉ cần 1 quyển cỡ như “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân” của văn học Xôviết cũng đã là thành công lắm rồi, mừng lắm rồi.

 PV: Vâng, tôi cũng nghĩ thế. Trân trọng cảm ơn nhà văn Sương Nguyệt Minh

Thế Hương (thực hiện)
.
.
.