Nhà văn Sao Mai từ trần

Thứ Tư, 26/11/2008, 10:59
Nhà văn Sao Mai, một trong những người sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, sau thời gian dài bị bệnh nặng, đã giã biệt trần thế vào ngày 24/11/2008 tại xã Văn Luông, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Hưởng thọ 85 tuổi.

Nhà văn Sao Mai tên thật là Tân Khải Minh, sinh ngày 15/2/1924, quê ông ở xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Thế nhưng, mấy chục năm qua, Sao Mai cùng gia đình đã chọn vùng đất nghèo của xã Văn Luông, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ làm nơi sinh sống và ông đã trút hơi thở cuối cùng tại đây.

Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1943, vừa dạy học truyền bá chữ quốc ngữ tại khu tế bần ở Hải Phòng. Sau Cách mạng Tháng 8/1945, ông tiếp tục tham gia công tác ở Bình dân học vụ Nam Định, làm kiểm soát viên rồi Trưởng ty Bình dân học vụ. Thời gian này, Sao Mai còn hoạt động với vai trò một nhà báo.

Ông đã là phóng viên của báo Nam Định kháng chiến, báo Công dân, báo Cứu quốc Thủ đô (Hà Nội), là biên tập viên báo Thủ đô, công tác văn nghệ Liên khu III. Năm 1948, ông tham gia Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam tại Việt Bắc. Từ năm 1955, ông công tác tại Hội Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, rồi làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn (khóa I), Phó Chủ tịch, và quyền Chủ tịch Hội Văn nghệ Vĩnh Phú.

 Trong sự nghiệp rất dài của mình, nhà văn Sao Mai đã để lại nhiều tác phẩm quý: Uất (tập truyện, 1946); Ánh mắt mùa thu (tập truyện, 1953); Đôi chim gi đá (truyện, 1953); Trại di cư Pagốt Hải Phòng (phóng sự, 1954); Thôn Bầu thắc mắc (tiểu thuyết, 1957); Tìm đất (ký sự, 1966); Làng Cao (tiểu thuyết, 1972); Ba Vì núi mới (truyện ký, 1968); Sông Rừng (tiểu thuyết, 1977); Tiếng gọi rừng xa (tiểu thuyết, 1990); Mắt chim le (tiểu thuyết, 1990); Thơ Lê Đạt - Sao Mai (in chung, 1991); Lông chim nhạn (tập truyện, 1994); Tuyển tập Sao Mai (năm 2003)…

Lễ viếng nhà văn Sao Mai được tổ chức từ hồi 13 giờ ngày 25/11/2008. Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 14 giờ ngày 26/11/2008 tại xã Văn Luông, Thanh Sơn, Phú Thọ

PV
.
.
.