Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh kiến giải về tâm thức người Việt

Chủ Nhật, 26/06/2011, 11:03
Tiểu thuyết Đội gạo lên chùa của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh vừa ra mắt bạn đọc là sự nối tiếp hành trình kiến giải về tâm thức người Việt. Trong hơn một thập kỷ, nhà văn này đã cho ra mắt bộ ba tiểu thuyết, ghi dấu ấn trong văn đàn Việt Nam, Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn và giờ là Đội gạo lên chùa, cho thấy sức làm việc lặng lẽ và bền bỉ của ông.

Lấy ý tưởng từ một  câu ca dao đầy hàm ý xưa, "Ba cô đội gạo lên chùa, một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư…", nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã dẫn dắt người đọc vào cuộc phiêu lưu mới của mình. Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với ông.

- Thưa nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, cuốn tiểu thuyết này quả là một thách thức đối với bạn đọc, vì nó quá dày, nhà văn phải cảm ơn vì bạn đọc đã mua, và đọc nhưng đọc xong, hiện bạn đọc có cảm ơn nhà văn vì những gì ông đã viết?

- Tôi viết bằng sự chiêm nghiệm của mình, 79 năm sống trên cõi nhân gian. Cuốn sách miêu tả về một cái làng, có tên là làng Sọ qua những biến thiên của lịch sử từ kháng chiến chống Pháp, đến cải cách ruộng đất và sau này. Tôi tả xã hội Việt Nam qua một ngôi chùa, tôi đã đi bằng hết các ngôi chùa miền Bắc, bởi tôi có cảm tình với Phật giáo từ những năm 60, và đọc rất nhiều sách về Phật giáo, nhất là thời điểm tôi viết cuốn sách này.

- Đạo Phật không còn xa lạ với người Việt Nam, nó trở thành một phần văn hóa trong tâm thức của người Việt, vậy ông có cách tiếp cận đạo Phật như thế nào trong tác phẩm của mình, để khiến cho sự gần gũi thân thuộc đó không quá nhàm chán.

- Đạo Phật là một thành tố lớn trong văn hóa Việt Nam, bất cứ một người Việt Nam nào dù không tôn giáo cũng đều có phần Phật tính trong mình. Theo tôi, tâm hồn người Việt Nam gồm 2 mặt, phần Phật giáo là phần âm tính trong người Việt, phần Nho giáo là phần dương tính. Nho giáo là cương cường, là lý trí chống ngoại xâm, tổ chức xã hội, tập quyền,  còn Phật giáo là sự chịu đựng, có một khả năng tiềm ẩn trong mình, và khi cần thiết Phật giáo bùng nổ rất ghê như 1.000 năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ chẳng hạn, sự chịu đựng tạo nên sức bùng nổ. Vai trò Phật giáo thể hiện rõ trong thời Lý - Trần. Biểu hiện là làng nào cũng có một ngôi chùa, chùa xóm, chùa làng, chùa thôn, và hình ảnh người phụ nữ gắn liền với ngôi chùa làm việc thiện, báo ứng, nuôi dạy con… Tuy Khổng giáo đóng vai trò lớn trong xã hội nhưng Phật giáo cũng có vai trò tiềm ẩn, có sức bền bỉ chịu đựng tiềm ẩn rất ghê. Vì thế nên nhiều người Việt không theo một tôn giáo nào nhưng sự tiềm ẩn, bền bỉ và chịu đựng của Phật giáo trong tâm hồn người Việt rất lớn, nó cân bằng sức sống của người Việt.

- Vậy hồn cốt của Phật giáo trong tác phẩm của ông là gì?

- Đó là lối sống Phật giáo. Tôi không cổ vũ cho người ta đi tu, bởi Phật giáo quan trọng là lối sống Phật giáo, từ ngôn ngữ, thân pháp của đạo Phật, ta không thể đi tu nhưng có thể tự rèn cho mình cái từ, bi, hỷ, xả. Hỷ cũng khó lắm đấy chứ, vì trước niềm vui của người khác mình dễ sinh lòng đố kỵ. Xả là không bám víu quan trọng danh lợi. Nếu con người có một lối sống cao thượng, văn minh thì xã hội sẽ tốt đẹp.

- Có nhiều chi tiết trong tác phẩm của ông rất gần gũi và đời thường, ông cũng từng nói, đó là những trải nghiệm trong cuộc đời

 - Đúng vậy, có rất nhiều chi tiết là những câu chuyện có thật ngoài cuộc sống, mà tôi góp nhặt, chiêm nghiệm. Hầu hết các nhân vật của tôi đều có bóng dáng thực ngoài đời, như nhân vật Nguyệt, là hình ảnh bà chị tôi, khi mẹ sinh ra tôi bà bị ốm nặng, và mất sữa, chị tôi đã phải đi khắp làng xin sữa cho tôi, đó không còn là người chị nữa, mà còn là người mẹ. Hay nhân vật An, năm 1977, tôi bị viêm phổi, hồi đó người ta kết luận tôi bị ung thư phổi, nên phải vào viện nằm cùng phòng với một vị sư. Có một anh thanh niên đến hầu cụ, anh này đi bộ đội trở về và đi tu. Câu chuyện đó gợi ý cho tôi xây dựng nhân vật An….

- Thực tế, đối với nhà văn là cuộc sống hàng ngày đang diễn ra thưa ông, và nhà văn là người chiết xuất

- Đúng thế, thực tế là sống và chiêm nghiệm hàng ngày. Nhà tôi xưa là một ngôi làng, làng Thanh Nhàn, phía sau nhà có một cái ao to. Nhưng những thứ tôi viết về nhà quê là từ cái làng gốc ở Cổ Nhuế, ông anh cả sợ tôi quên quê cha đất tổ, nên hè và giỗ chạp, tôi đều về. Đừng tưởng không quan trọng, nó ngấm vào trong người. Tôi theo dõi họ lớn lên, thực tế là những gì xảy ra hàng ngày, những con người hàng ngày mình gặp. Đó là thực tế sống động nhất mà nhiều người viết trẻ hiện nay thiếu…

- Đội gạo lên chùa vẫn tiếp tục cái mạch đi tìm những kiến giải cho dân tộc Việt, vậy so với Hồ Quý Ly, hay Mẫu thượng ngàn, cuốn tiểu thuyết này có đột phá mới gì trong tư tưởng cũng như nghệ thuật hay không?

- Đội gạo lên chùa là mạch nối bằng bạc từ trong Mẫu thượng ngàn hay Hồ Quý Ly. Tôi sử dụng khá nhiều thủ pháp mới mẻ, nhưng nhìn chung vẫn là theo lối truyền thống. Tôi nghĩ, cái mới quan trọng nhất là mới về tư tưởng, phần tư tưởng phóng khoáng, và có ý nghĩa thời cuộc. Còn các thủ pháp, tôi sử dụng khá nhiều thủ pháp hoài nghi, một cách đặt vấn đề của chủ nghĩa hậu hiện đại. Ông Thích Ca sợ hay thế nào, mà mãi cụ không cho phụ nữ đi tu, đến cuối đời, ông Anni Đà khẩn khoản mãi, cụ mới thay đổi quan điểm. Ngay cả những chân lý ghê gớm, vẫn có thể đặt dấu hỏi, bởi không có gì hoàn thiện quá.

Hay như thủ pháp cực tả, tả một cách tỷ mỷ khiến người đọc phát sợ, phát ghét, khiến người ta thích quá đi. Tôi không né tránh những vấn đề về nhục cảm của con người, có ý thức hẳn hoi, nhưng không dừng lại ở mức độ thô thiển, mà luôn có một ẩn ngầm nào đó.

- Nhà văn thường quan tâm đến những vấn đề của thời cuộc, liệu những vấn đề ông đặt ra trong Đội gạo lên chùa, có quá xa với đời sống hiện nay?

- Xã hội hiện đại bây giờ không chỉ Việt Nam mà thế giới, người ta rất chú ý đến Phật giáo, đó là những giá trị nội tại tốt đẹp của con người. Càng hiện đại, càng sống gấp, càng bị stress bao nhiêu thì càng cần Phật giáo để tự cân bằng mình. Nếu nó trở thành lối sống thì rất tốt, nó không làm hại ai cả, mà chỉ giúp con người cao thượng hơn thôi. Đó là những giá trị Đông phương không phải đã lỗi thời mà còn có lợi với hiện đại, khi đời sống đang có những tan rã, con người mất niềm tin, thì đạo Phật là một cách hướng con người đến niềm tin. Tôi nghĩ, đạo Phật đã được Việt hóa, và tôi chú trọng tính nhập thế của nó.

- Ông cũng từng đặt ra những vấn đề về văn hóa Việt trong Mẫu thượng ngàn, những thứ rất đẹp đẽ nhưng có lẽ đã thuộc về quá khứ xa xôi, vậy điều khác biệt ở đây là gì thưa ông?

- Ẩn ngầm trong Mẫu thượng ngàn là sự giao lưu văn hóa Đông Tây, chúng ta phải chấp nhận văn hóa Tây Phương, vì nó cũng có nhiều cái hấp dẫn. Anh con hoang là biểu tượng của sự kết hợp đó, nhưng làm sao đứa con hoang đó đừng lạc giữa bầy đàn dân tộc. Đạo Mẫu là cách để người Việt giữ bản sắc của mình, thấy được cái đẹp của nó và cái yếu của mình để chấp nhận. Dù trong văn hóa Việt, đạo Mẫu độc đáo nhưng nó chưa được giới trí thức hay những nhà nghiên cứu nâng tầm lên thành triết lý sâu sắc như một thứ tôn giáo như Ki Tô chẳng hạn, nó mang tính chất dân gian, thần linh nhiều hơn. Nhưng hạt nhân có nó rất đẹp, nhưng chưa thành một tầng sâu văn hóa mà vẫn ở dạng xuất thần. Còn ở Đội gạo lên chùa, như tôi đã nói, là lối sống Phật giáo… Có nhiều giá trị văn hóa đã mất, nhưng xã hội phát triển đến một mức nào đó lại quay trở lại với những giá trị truyền thống, đó là quy luật của sự phát triển.

- Vâng, ông vẫn luôn có cái nhìn đẹp về con người, và những giá trị. Phải chăng đó là sứ mệnh của văn chương thưa ông?

- Nhà văn, tôi nghĩ, phải nói được những tầng sâu ẩn ngầm của dân tộc, chứ không phải chỉ là vấn đề của từng cá nhân. Tôi từng làm giáo viên dạy học, năm 1958 về Văn nghệ Quân đội. Tôi mê văn chương từ bé, 9-10 tuổi, tôi đã đọc hết Tự lực văn đoàn, những Tố tâm, Gánh hàng hoa, Lạnh lùng… Văn chương đến với tôi cũng như định mệnh, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thành nhà văn. Hồi nhỏ, tôi đọc truyện ngắn Lá thư rơi đăng trên Tiểu thuyết Thứ bảy hay báo Tân Dân gì đó, một truyện ngắn rất thường của Tô Hoài, mà khóc nức nở. Đúng là văn chương nó đánh thức xúc cảm của tâm hồn con người. Đó mới là văn chương đích thực.

- Tôi nhớ hình ảnh trở đi trở lại nhiều trong tác phẩm, đó là ánh sáng của con đom đóm, và nó được dùng làm kết của tiểu thuyết, ông muốn gửi gắm thông điệp gì thưa ông?

-  Tôi rất mê ánh sáng của con đom đóm, mỗi con người đều có phần Phật tính trong mình, giống như ánh sáng của con đom đóm, không phải do thượng đế ban cho mình mà con người tự tỏa sáng, ánh sáng từ bên trong.

- Xin cảm ơn ông

Khánh Linh (thực hiện)
.
.
.