Nhà văn Nguyễn Minh Châu “không hiểu gì về… điện”

Chủ Nhật, 23/04/2006, 07:12

Nhà thơ Nguyễn Trung Thu kể có lần nhà văn Nguyễn Minh Châu sang nhà ông Thu gọi điện nhờ. Ông quay các số vẻ rất... thành thạo, nhưng vẫn để nguyên ống nghe ở vị trí ban đầu. Quay đủ các số rồi ông mới cầm ống nghe lên, thành thử ông "alô" mãi mà đầu dây vẫn "chưa thông", cuối cùng phải nhờ ông Thu gọi cho.

Nói theo ngôn ngữ vỉa hè thì các nhà văn thường là những người "không hiểu gì về... điện". Sử dụng những thứ có vẻ "máy móc" một chút là họ lóng nga lóng ngóng như gà mắc tóc. Chính vì lẽ ấy mà câu chuyện sau đây nghe thì vui, song chưa hẳn đã làm ai đó ngạc nhiên:

"Sau năm 1975, thấy nhà văn Nguyễn Minh Châu vẫn cứ cưỡi cái xe đạp tòng tọc (ghi đông luôn treo cái mũ lá) đến cơ quan, có người bạn mới rỉ tai nhà văn: "Nên tậu cái xe máy đi lại cho đỡ tốn thời gian". Nguyễn Minh Châu mê lắm. Khốn nỗi là xe máy đối với ông quả là một thứ xa lạ. Xa lạ thì phải làm quen, làm quen tức là phải tập đi. Bốn, năm buổi chiều đánh vật với những "số", "côn" ngoài quảng trường vắng mà không tài nào điều khiển được xe đi, xe dừng. Kết quả là tốn sức, tốn thời gian, Nguyễn Minh Châu bảo bạn: "Thôi vậy ông ạ, với tôi xe đạp vẫn thuận hơn". Từ đó người ta lại thấy nhà văn bạn đường với chiếc xe tòng tọc, lủng lẳng bên tay lái chiếc mũ lá".

("Giai thoại nhà văn Việt Nam" - NXB Văn hóa Dân tộc, 1999).

Bà Nguyễn Thị Doanh năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi. Nghe tôi kể lại câu chuyện về người chồng quá cố của mình, bà phẩy tay cười buồn:

- Không có chuyện đó. Tôi cam đoan với anh là nhà tôi chưa bao giờ tập đi xe máy. Cho tới khi nhà tôi mất (năm 1989), chúng tôi cũng chưa bao giờ dám nghĩ đến việc có tiền mua xe máy, huống hồ là ngay sau năm 1975...

- Có thể bác trai mượn xe của ai đó ở cơ quan để tập đi mà bác không biết?

- Tôi ở với nhà tôi lâu, tôi biết. Không bao giờ anh ấy chịu tập như vậy. Vì không có tiền mua xe thì tập đi xe làm gì? Cả đời tôi, tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhà tôi ngồi sau xe máy của ai nữa là... Lại nói về cái xe đạp. Bây giờ nhìn nó, tôi càng thương nhà tôi quá! Chiếc xe được mua từ năm 1959, nhà tôi dùng nó suốt 30 năm, tới khi anh ấy mất. Nó tróc ghẻ, lọc xọc. Đến nỗi, có hôm khách khứa ngồi chờ, tôi nghe thấy tiếng lọc xọc ngoài đường, tôi bảo: "Nhà tôi về rồi". Ông khách ngạc nhiên hỏi: "Sao chị biết?". Tôi nói: "Chỉ cần nghe tiếng xe kêu là tôi biết". Hiện chiếc xe tôi vẫn giữ cái khung. Có ông sửa xe gạ mua, nhưng tôi không bán. Tôi muốn tặng nó cho Bảo tàng Nhà văn.

Như chợt nhớ ra điều gì, bà Doanh dở cười dở mếu:

- Có thể người ta nhầm chuyện xe máy với chuyện nhà tôi sử dụng máy chữ. Chẳng là, gần nhà tôi có anh An đánh máy chữ rất giỏi. Nhà tôi trông thấy thèm lắm, mơ ước mua được một cái. Đến khi có máy rồi, nhà tôi kỳ cạch xoay xoay gõ gõ mấy ngày liền, xong cũng chẳng chữ nào ra chữ nào. Thế là anh ấy đâm nản. Được ít ngày nhà tôi mắc bệnh nên việc cũng gác lại luôn. Bây giờ, nhìn chiếc máy chữ cóc cáy ấy, tôi không cầm được nước mắt.

- Nhà thơ Nguyễn Trung Thu kể rằng, ngay cả với việc sử dụng điện thoại, nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng tỏ ra hết sức lúng túng. Có lần ông sang nhà ông Thu gọi điện nhờ. Ông quay các số vẻ rất... thành thạo, nhưng vẫn để nguyên ống nghe ở vị trí ban đầu. Quay đủ các số rồi ông mới cầm ống nghe lên, thành thử ông "alô" mãi mà đầu dây vẫn "chưa thông", cuối cùng phải nhờ ông Thu gọi cho. Bác có bao giờ nghe nói tới chuyện này không?

- Chuyện ấy có thể có đấy - bà Doanh bật cười khanh khách - Anh Thu vốn là hàng xóm và là người được nhà tôi rất yêu quý, tin tưởng. Tôi tin là anh ấy kể thật. Cũng phải nói thêm với anh là, nhà tôi con út, bố mẹ lại giàu, thành thử hồi bé anh ấy được cho đi học suốt, có biết làm gì đâu. Tôi nhớ, có lần nhà tôi nối được cái dây may so ở bếp điện khiến nó đỏ lên được, anh ấy mừng lắm, cứ xuýt xoa chờ vợ con khen. Tôi động viên anh: "Bố nó tiến bộ quá". Thế là anh ấy thích lắm.

- Hình ảnh nào mà bác nhớ nhất về bác trai trong việc tề gia nội trợ?

- Đó là hình ảnh nhà tôi rang cơm. Đây có lẽ là việc duy nhất tôi hướng dẫn anh ấy làm mà anh ấy... làm được - bà Doanh cười hồn hậu

.
.
.