Nhà văn Nguyễn Đình Thi: Hạt bụi vàng đơn độc…

Chủ Nhật, 27/04/2008, 21:30
Nguyễn Đình Thi trở thành nghệ sĩ đa tài là trường hợp đặc biệt thuận với lịch sử vận động trong tiến trình hiện đại của văn nghệ Việt Nam. Ông điển hình cho số phận nhà văn Việt Nam mà tài năng được phát lộ, tỏa sáng viên mãn về nhiều phương diện trong thời tiết đặc thù của cách mạng Tháng Tám, hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, kéo dài suốt từ những năm 40 của TK XX, khi Nguyễn Đình Thi còn đầu xanh tuổi trẻ, cho đến ngày ông về cõi, năm 2003, đầu TK XXI.

Sinh vào những năm 20 của TK XX, Nguyễn Đình Thi không trải qua hành trình triết học-mỹ học nhọc nhằn, khổ ải như Chế Lan Viên từng nghiệm sinh "Ta là ai như ngọn gió siêu hình/ Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt"… Ông đến với Cách mạng Tháng Tám bằng tấm tình trong trắng của một thanh niên "Tây học", yêu nước như yêu tình đầu. Cuộc lột xác của ông theo kháng chiến cũng là một cuộc lột xác lãng mạn, dù cho "rớm máu".

Với những lý do lịch sử - thẩm mỹ đặc trưng ấy, đường văn nghệ của ông không ngẫu nhiên, khởi đi từ thơ tự do, mối tình đầu, và không tình cờ, khép lại ở thể loại kịch, như mối tình cuối…

Theo một chỉ định triết học về tự do thơ, Nguyễn Đình Thi đã dõi theo ánh sáng xanh của ngôi sao thơ tự do, từng lấp lánh suốt thời trai trẻ, "soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây" mà dò tìm tới kịch. Ông lại nhọc nhằn một mình phát quang con đường chông gai, có lúc đổ cả máu, theo nghĩa bóng, mới gắn được mấy cột mốc chói lọi trên đường kịch nghệ của ông, của thời đại, mà đằng sau cái hào quang ấy, không gì khác, chính là bi kịch riêng của sự đơn độc "một mình tôi trên đường".

"Con nai đen" của ông, bị đình diễn sau vài buổi diễn hiếm hoi. "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" rực sáng cũng chỉ vài đêm trên sàn diễn Nhà hát Kịch Việt Nam, dù đó là vở diễn hoành tráng nhất tại Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1980. Và nữa, kịch bản đỉnh cao của ông, "Rừng trúc", viết xong từ 1978, mà mãi tới năm 2000 mới được diễn-và thành công vang dội-trong Hội diễn sân khấu toàn quốc.

Kịch là một thể loại vốn được trình diễn trước đông đảo công chúng. Kịch bản văn học hoàn thành trên văn bản, mới là xong đoạn đầu; sau đó, chuyển sang ngôn ngữ dàn dựng của đạo diễn, ngôn ngữ biểu diễn vai kịch của diễn viên trên sàn diễn,… Tóm lại, phải được một cộng đồng tiếp biến sáng tạo, mới thành vở diễn.

Trong vai trò người viết, với lối thể hiện độc đáo, đong đầy suy tư thế sự, Nguyễn Đình Thi vẫn cứ là kẻ lữ hành đơn chiếc trên đường của một nghệ thuật đông vui: sân khấu. Có lẽ chính lối viết đơn độc, đau đớn khắc khoải nhân tình của ông đã được cái nghệ thuật đông vui này chia sẻ và chính cái nghệ thuật đông vui này, dường như đã là nơi trú ngụ bình an nhất cho nỗi niềm thế sự cô đơn của ông?

Đi đến chặng cuối sáng tạo, thấy nhất thiết phải hẹn cho bằng được cuộc gặp sinh tử với thể loại kịch, Nguyễn Đình Thi đốn ngộ: có một bản thể thơ trong kịch, và ơrêka rằng, thơ đi đến thể thức kịch sẽ đạt "khoái cảm" cao độ, thăng hoa trên đôi cánh lãng mạng cách mạng.

Về triết học, thể loại kịch dường như đã nở tung mãn khai cái bản ngã kín bưng, ém chặt trong nụ hoa hàm tiếu vốn dĩ của thơ. Trong trạng thái hân hoan mãn khai của kịch, Nguyễn Đình Thi phát hiện nhu cầu cảm và nghĩ đau đáu thường trực của ông về thế sự, đã được phóng chiếu đến không… bến bờ.

Là kẻ hậu sinh, không được tận mắt chứng kiến "bi kịch" bị gẫy đổ vở diễn "Con nai đen", vở kịch đầu tay của ông, nhưng là một "ký giả kịch trường" của Tạp chí Sân khấu từ 1977, tôi tận mắt chứng kiến, ít nhiều tham dự vào hai vở đặc hiệu chất Nguyễn Đình Thi, đó là "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" và "Rừng trúc", với số phận ba đào ghềnh thác của cả hai trên sân khấu và trong giới sân khấu, từ 1978 đến năm 2000, vắt sang đầu thế kỷ XXI.

So với văn chương, là cái viết, kịch là loại hình "lưỡng nghi", tổng hòa cả cái viết, cái dàn dựng, để dẫn đến cái diễn. Cặp đôi tác giả quan trọng nhất của "lưỡng nghi" này là tác giả và đạo diễn. Hai kịch bản này của Nguyễn Đình Thi đều do một tay Nguyễn Đình Nghi dàn dựng. Vì thế, đây là một trong vài cuộc hạnh ngộ sang trọng, sáng giá nhất của giới sân khấu Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ vận động "hiện đại hóa" của mình.

Từ góc nhìn sân khấu, có thể thấy Nguyễn Đình Thi đã chạm vào một vấn đề cơ bản nhất về cái-viết-sân-khấu: viết về các nhân vật lịch sử trong thì hiện tại. Cái viết độc đáo này của ông đã dựng lên những nhân vật lịch sử sừng sững trên sân khấu Việt hiện đại. Không phải ngẫu nhiên, nhân vật chính của "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" là Nguyễn Trãi, và nhân vật chính của "Rừng trúc" là bộ ba: Trần Thủ Độ, Trần Cảnh, Lý Chiêu Hoàng.

Những trầm tư thế sự về lịch sử, mà trong đó, chìm dưới đáy sâu  là những trầm tư triết học về cái đương đại, đã là sự gửi gắm đa nghĩa của Nguyễn Đình Thi trong kịch bản, một mặt, tạo thành rào cản cho chính ông, mặt  khác, lại kích hoạt tư duy đạo diễn cho Nguyễn Đình Nghi, người có phẩm chất sáng tạo "đồng căn" với Nguyễn Đình Thi, mà cả hai vở nói trên là biểu thị sáng rõ…

Trong "Hồi ức về kịch" , Nguyễn Đình Thi kể: ông có ba vở kịch viết trong ngày Tết, ("Hoa và Ngần", Tết Giáp Dần 1974, "Rừng Trúc", Tết Mậu Ngọ, 1978 và "Nguyễn Trãi ở Đông Quan", Tết Kỉ Mùi, 1979) "đều lấy việc xảy ra ở Thăng Long Hà Nội và kết thúc ở cảnh Tết, (…) viết xong mỗi vở, đọc lại, thấy trong kịch còn nhiều uẩn khúc đau đớn, nguy hiểm trắc trở, song cuối cùng đều tự nhiên có hậu, như vậy có ai đi xem bói kịch ngày Tết, cũng sẽ không thấy là bị xúi.

Tiếc rằng cả ba vở kịch Tết của tôi đều không được may mắn… Dù sao tôi cũng được nhìn thấy các nhân vật kịch của tôi sống trong ánh điện sân khấu. Tôi nghĩ đến anh Nguyễn Huy Tưởng, khi vở Vũ Như Tô của anh được diễn thì anh đã mất trên 30 năm".

Nguyễn Đình Thi nhớ chính xác, hai vở kịch lịch sử long đong lận đận ấy, viết về hai nhân vật ông quá mến yêu: Lý Chiêu Hoàng, Nguyễn Trãi, đúng vào hai năm ông 54 và 55 tuổi, những năm ông tự nhủ "đã đến lúc mà các cụ ngày trước cho là nghe thấy tiếng trên cao gọi rồi".

Ông đã viết trong tâm thế thăng hoa bát ngát từ một tình yêu Hà Nội thắm đượm màu lịch sử. Lung linh hiển hiện Nguyễn Trãi, Ức Trai vằng vặc sao Khuê; long lanh đỏ tươi giọt máu cuối cùng của hơn 200 năm vương triều nhà Lý hiển hách, đã buộc phải kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình trong bi kịch Lý Chiêu Hoàng:

"Trong Rừng trúc, tôi cho Lý Chiêu Hoàng từ bỏ cung điện, lên ở ven hồ (Tây), trong một căn nhà gỗ khiêm tốn; ở đây bà đã nói với Trần Thủ Độ: "Thưa quốc công, việc nước là lớn nhất, nhưng việc người với người cũng không phải là nhỏ hơn".

Một cách minh triết, Nguyễn Đình Thi nhận thấy quy luật vận hành sử Việt trong những nhân vật lịch sử và trong mạch sống của dân tộc, nhất là vào những thời kỳ tưởng chừng đứt gãy. Những lúc ấy, vai trò lịch sử đích đáng thường nằm trong những nhân vật trí thức lớn, tầm cỡ khác thường.

Không hề ngẫu nhiên khi Nguyễn Đình Thi thường cắt một lớp thời gian trong văn bản kịch trùng với một biến thiên vĩ đại của lịch sử, thông qua cá nhân có số phận và tính cách khác thường. Thơ, kể cả thơ tự do, khởi nguồn từ triết học, đến lúc không chứa nổi suy tư của ông về nhân tình thế thái trong chính thời đại ông, đang đặt ra những vấn đề lớn trước người trí thức Việt.

Đập vào cánh cửa còn im lìm của lịch sử, ông đã chiêm nghiệm và tìm câu trả lời, hoặc ít nhất, cũng diễn đạt  cá nhâncặn kẽ, sống động những suy tư không ngừng của ông về vai trò của trí thức đối với lịch sử dân tộc.

Trong trời cao đất rộng, đi một mình, nhưng tác phẩm của Nguyễn Đình Thi vẫn tìm được tri âm và tìm được đối thoại mới. Tri âm lớn nhất của ông, người đã đối thoại được với ông bằng sân khấu, là đạo diễn Nguyễn Đình Nghi.

Bằng con mắt tinh đời và một trái tim thao thức thế sự, cùng tri thức được xây cất trên nền tảng "Tây học", mẫu số chung về văn hóa với Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Đình Nghi đặc biệt thích lối viết kịch lịch sử độc đáo của Nguyễn Đình Thi. Nguyễn Đình Nghi cũng yêu nhất hai nhân vật Nguyễn Đình Thi đã yêu: Nguyễn Trãi và Lý Chiêu Hoàng, thích thú cách vuốt sắc chủ đề trong trầm tư lịch sử, và sống động đầy quyến rũ của văn chương Nguyễn Đình Thi.

Xung đột kịch trong trang viết Nguyễn Đình Thi là những xung đột ngầm âm ỉ dồn nén trong nội tâm nhân vật. Nguyễn Trãi và Lý Chiêu Hoàng đều được đặt trong những nút thắt lịch sử. Mười năm nếm mật nằm gai ở Đông Quan, góc thành Nam, lều một gian, Nguyễn Trãi buộc phải thao thức nhận đường, tìm đường cứu nước.

Cuộc nhận đường của một trí thức lớn như Nguyễn Trãi trong kịch của Nguyễn Đình Thi, phải chăng, là ở cấp độ khác, cao hơn, bi thiết hơn và có phần cô đơn triết học hơn cuộc "nhận đường" nồng nhiệt, hào sảng của Nguyễn Đình Thi thời trẻ, lần đầu theo cách mạng và kháng chiến, còn quá nhiều mộng mơ, lãng mạn của tuổi thanh niên sôi nổi.

Như một mặc khải của định mệnh và thời cuộc, Nguyễn Đình Thi đã phải vác trên vai cây thánh giá của người nhận đường và vì thế, luôn phải vượt lên trước trên nhiều địa hạt văn hoá: từ triết học, ông khởi viết những tác phẩm đồ sộ khi còn rất trẻ, cho đến thơ và kịch. (Truyện vừa, tiểu thuyết hay tiểu luận Nguyễn Đình Thi, là đối tượng nghiên cứu của những bài viết khác). Trong đời sống cũng như trên hành trình văn hoá, những người vượt lên trước ấy, đã dũng cảm đảm nhận công việc phát quang nặng nhọc, để người khác "đi nhiều mà thành đường" (ý của văn hào Lỗ Tấn),  nên dường như, mặc nhiên phải mang số phận người lữ hành đơn độc.

Nhiều năm trước, Nguyễn Đình Thi từng viết một bài thơ chỉ hai câu. Bài thơ tình ấy , trong cái nhìn thiên lệch, đầy thương mến, trọng thị của tôi với Nguyễn Đình Thi, đã như gợi ý tiên tri về số phận ông: hạt bụi vàng bay một mình trên đường thiên lý văn nghệ luôn khấp khểnh gập ghềnh.

Qua những chặng lữ hành vừa vinh quang vừa nghiệt ngã của số phận mình, hạt bụi vàng Nguyễn Đình Thi, do bay bổng trên nền tảng của gạch đá triết học, đã để lại những cột cây số đề tên thơ tự do hay kịch thế sự…Chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ để tên ông mãi lưu danh trong ngôi đền vĩnh hằng của văn hóa Việt Nam

.
.
.