Nhà văn Ngô Tất Tố: Những điều ít được biết đúng

Chủ Nhật, 27/12/2009, 10:23
Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của Ngô Tất Tố, trên sách báo in (của cả các cơ quan có trách nhiệm) nửa thế kỷ vừa qua và trên mạng Internet nhiều năm gần đây, bạn đọc thường gặp sự khác nhau về năm sinh và chưa rõ về tên bằng chữ Hán của tác giả.

Sự không đồng nhất như vậy gây khó khăn cho nhu cầu giới thiệu nhân vật trong các nhà truyền thống, viện bảo tàng, cho việc tính định các ngày kỷ niệm, mặt khác không lợi cho việc dựng văn bia, lập biểu bảng tưởng niệm và có ảnh hưởng không nhỏ tới việc nhận diện cốt cách, sắc thần văn hoá của tác giả.

Kết luận chính xác năm sinh và tên bằng chữ Hán của tác giả chỉ có sức thuyết phục lớn nhất khi xuất phát từ nguồn tư liệu do chính tác giả để lại và được nghiêm cẩn khảo cứu.

Vì sao và lúc nào Ngô Tất Tố biết quốc ngữ

Trên báo Con ong Số 3, ngày 18/3/1939, trả lời phỏng vấn "Vì sao nảy ra ý tưởng viết văn" của Thiết Can, Ngô Tất Tố kể: "Hồi ấy, vào năm 1907, 1908 gì đó tôi không nhớ kỹ, chỉ biết rằng trước khoa thi Kỷ Dậu hai năm đã có lệnh của Chính phủ ban bố rằng bắt đầu từ khoa Kỷ Dậu ngoài chữ Nho ra, còn có bài thi quốc ngữ..., quốc ngữ tôi cũng như phần nhiều bạn đồng thời đều có biết. Hồi ấy tôi mới có 14 tuổi".

Khoa thi Kỷ Dậu tổ chức vào năm 1909. "Trước đó hai năm" - tức là năm 1907, khi có lệnh "phải thi chữ quốc ngữ", tác giả nhớ lại lúc đó mình 14 tuổi.

Những người 14 tuổi vào năm 1907, đều sinh ra trong năm 1894 mà không thể là 1893 được.

Dịch Cẩm Hương đình năm 22 tuổi

Tiếp theo nội dung bài phỏng vấn, Ngô Tất Tố kể: "... cho đến khoa Ất Mão là khoa cuối cùng... Thi chữ Nho bãi rồi tôi mới tính đến nước đi ngồi dạy học. Ngồi dạy học tôi mới nảy ra ý tưởng viết văn. Tôi dịch cuốn Cẩm Hương đình. Năm ấy tôi đã 22 tuổi".

Ất Mão là năm 1915, tác giả "đã 22 tuổi", trùng khớp với năm 1907 tác giả 14 tuổi và đều dẫn đến kết luận năm sinh của tác giả là 1894.

Nhớ tới "năm ngoái khi bác tôi về làng khao cử nhân"

Trong Hồi ký "Tết cổ điển" đăng trên Ngày Mai - Số Tết Ất Dậu - 1945, có đoạn Ngô Tất Tố viết:

"Trời sáng rõ. Mẹ tôi bảo chúng tôi vào chúc mừng tuổi ông bà. Bấy giờ tôi mới có một em trai hai tuổi, mẹ tôi dắt chị tôi và ẵm nó, còn tôi thì theo thầy tôi...".

Sau khi cho tiền mừng tuổi... "Ông tôi vui vẻ nhìn tôi mà hỏi :

-  Cháu định để tiền làm gì?

Bà tôi nói tiếp:

-  Hẳn nó lại để tiền để ăn khao chứ gì?    

Nghe xong câu nói tự nhiên tôi thấy xấu hổ đỏ bừng hai má. Bởi vì năm ngoái khi bác tôi về làng khao cử nhân cũng cho tôi hai xu và hỏi: cháu để làm gì? Lúc ấy sự linh đình của cuộc yến ẩm làm cho óc tôi sôi nổi khiến tôi buột miệng mà thưa rằng:

- Cháu cũng để khao!" ...                                          

"Năm ngoái bác tôi về làng khao cử nhân" ý tác giả nhắc đến cụ Ngô Ngọc Liên, người đậu cử nhân khoa Đinh Dậu (1897). Thế thì "năm nay" - năm mà tác giả viết trong Hồi ký phải là năm 1898, "bấy giờ tôi mới có một em trai hai tuổi". Do đó người em trai sinh năm 1896. Nếu các cụ sinh ra cách nhau 2 năm một thì năm sinh của tác giả có căn cứ chắc chắn là năm 1894.

Từ bài thơ viết gửi người con trai cả       

Ngày 24/2/1945, hai câu mở đầu bài thơ gửi cho người con trai cả tác giả viết:

"Năm mươi hai tuổi đã già chưa?

Cái tính ngông thơ vẫn chẳng chừa"

Sinh ra trong năm 1894, đến năm 1945 đúng được "Năm mươi hai tuổi", tác giả còn tự hỏi "đã già chưa?". Nếu sinh năm 1893 thì phải viết chệch đi là 53 tuổi. 

Kết quả tìm hiểu nguồn tư liệu của chính cụ để lại đã khẳng định:  Cụ Ngô Tất Tố sinh năm Ngọ (Giáp Ngọ - 1894). 

Xuất thân thuộc cựu học, đỗ Đầu xứ, lại viết văn làm báo tân học, Ngô Tất Tố nhận được sự ưu ái của các nhà làm sách, của giới nghiên cứu... trong việc xác định tên bằng chữ Hán, nhưng đều đã không thật đúng.

Theo di bút của tác giả, hai chữ "Tất" ? và "Tố" ? trong "Ngô Tất Tố" ??? có nghĩa là "ắt phải, tất phải", là "làm, bắt tay vào việc", đã không đúng (như những chữ gạch dưới) của NXB TP Hồ Chí Minh đã in sai là: ??? khi tái bản sách Kinh Dịch (các năm 1991, 1995...). Hoặc của Viện Văn học: ??? đã dự đoán và đăng tải trên mạng (năm 2005)...

Ra đời năm Ngọ (Giáp Ngọ 1894), "trở về trời" lại đúng năm Ngọ (Giáp Ngọ 1954). Thật là kỳ thú: Hàm ý "ắt phải bắt tay vào công việc" từ diễn nghĩa của tên và đệm bằng chữ Hán trong di bút để lại khi sắp bước sang tuổi "tri thiên mệnh" của tác giả đã thực sự  trùng khớp với tính khí hăng làm, làm việc thật sự với niềm tự tin cao, không chịu theo một khuôn khổ nào... của nhiều người tuổi Ngọ sinh ra trong cõi đời.

Gọn một Hoa Giáp (60 năm) trên dương thế, "vó ngựa" của cây bút viết văn làm báo Ngô Tất Tố hết sức năng động, luôn dọc ngang đây đó, từ trong Nam ra ngoài Bắc và trên nhiều vùng miền của đất nước, luôn luôn say mê quan sát việc đời, người đời nhằm mưu cầu tự do và phát hiện những cái mới vượt trước đương đại để chuyển gửi tới bạn đọc.

Điều thật kỳ lạ là mãi đến năm 14 tuổi Ngô Tất Tố mới biết và làm quen với chữ quốc ngữ, thế nhưng với những gì đã thực học nơi "cửa Khổng sân Trình", với "tố chất trời cho" là tự học, là không ngừng tu rèn hiểu biết nên trên con đường muôn dặm cầm bút lập ngôn dựng nghiệp, Ngô Tất Tố đã để lại sự nghiệp văn chương to lớn, phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực.

Tháng 12/2009

Cao Đắc Điểm
.
.
.