Nhà văn Nam Hà: Đi qua chiến tranh, tôi là người có lãi!

Chủ Nhật, 01/05/2011, 11:26
Năm 2009, sau mấy chục năm cầm bút, nhà văn Nam Hà xuất bản cuốn sách cuối cùng trong đời viết văn của mình "Thời hậu chiến" trong gia tài hàng nghìn trang sách viết chiến tranh. Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, song đối với những nhà văn đã đi qua một thời chiến trận như ông thì câu chuyện chiến tranh chắc chắn sẽ không thể phai mờ trong ký ức.

Nhà văn Nam Hà khẳng định rằng ông đến với cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc không chỉ với tư cách của một nhà văn đi thực tế ở chiến trường để chứng kiến, ghi chép những chiến công hiển vinh nhưng cũng không ít những hy sinh mất mát của bạn bè, đồng đội, mà chiến tranh đã ăn sâu vào da thịt ông với những vết thương trở trời là đau nhức vì mảnh đạn vẫn còn tồn tại trong cơ thể. Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, song đối với những nhà văn đã đi qua một thời chiến trận như ông thì câu chuyện chiến tranh chắc chắn sẽ không thể phai mờ trong ký ức.

- Thưa nhà văn Nam Hà, nhiều người vẫn nói rằng, văn chương là trời cho và đã có rất nhiều câu chuyện ngẫu nhiên về văn chương xảy ra, một người là thần đồng có thể viết văn và nổi tiếng từ rất sớm nhưng cũng có những nhà văn cho tới gần cuối đời mới có được tác phẩm tâm đắc. Ông từng công bố rằng, tiểu thuyết "Thời hậu chiến" là cuốn sách cuối cùng trong sự nghiệp viết văn của mình liệu có quá sớm không, thưa nhà văn?

- Tôi biết lượng sức mình và chắc chắn là sau "Thời hậu chiến" tôi sẽ không viết gì nữa. Tôi đã ở tuổi 76, thương binh và mang nhiều căn bệnh của tuổi già, bởi vậy giờ đây tôi không thể ngồi vào bàn để suy nghĩ, hư cấu văn chương được. "Thời hậu chiến" là cuốn sách viết về câu chuyện ở làng quê tôi, về ông Trầm, một người đồng đội ở Đô Lương, Nghệ An. Trong đó có cả những bi kịch, những mâu thuẫn của tri thức sau chiến tranh khi mang trong mình chất độc da cam… Tôi viết cuốn sách này trong vòng 60 ngày, viết bằng tay, đó cũng là thời gian về quê để xây lại nhà thờ họ, tôi viết như lên đồng, như một lời cảm ơn làng quê, mẹ cha, nơi tôi đã sinh ra lớn lên cũng là để đóng lại chặng hành trình tôi đến với văn chương, đến với cuộc chiến tranh và làm nhiệm vụ của một nhà văn chiến trường. Trong đó, tôi cũng đề cập những quan niệm của mình đối với cuộc chiến tranh mà tôi là một người trong cuộc, coi như tôi đã hoàn thành sứ mệnh của mình đối với quê hương, bạn bè.

- Có lẽ ông là một trong số ít các nhà văn Việt Nam viết tiểu thuyết sử thi có số lượng áp đảo với liên bộ tiểu thuyết sử thi về mười năm chiến tranh (với hơn 4.000 trang): "Ngày rất dài", "Trong vùng tam giác sắt" và "Đất miền Đông". Dường như, những nhà văn trở về sau chiến tranh như ông là người "có lãi"?

- Chính xác là chúng tôi "có lãi"! Từ năm 16 tuổi tôi đã gia nhập bộ đội, làm phóng viên cho tờ báo "Giữ làng" của Tỉnh đội Nghệ An. Rồi đi vào chiến trường suốt từ thời kỳ ấy. Trong kháng chiến chống Pháp, tôi là một cán bộ chỉ huy quân đội, là thương binh; trong kháng chiến chống Mỹ, tôi vẫn là người lính trực tiếp tham gia các chiến dịch, vừa là người viết văn trực tiếp quan sát cuộc chiến tranh từ nhiều phía, nghiền ngẫm và phát hiện những vấn đề bí ẩn của cuộc chiến tranh từ vĩ mô đến vi mô. Năm 1964, trước khi lên đường vào chiến trường cực Nam Trung Bộ, đồng chí Trung tướng Lê Quang Đạo - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nói với tôi: "Vào trong ấy trước hết là viết ngắn, viết nhanh, phục vụ kịp thời, nhưng nhớ phải tích luỹ để sau này viết dài về chiến tranh". Đó là tầm nhìn chiến lược. Trong các cuộc chiến tranh xưa nay, sau khi chiến tranh kết thúc, đều có nhiều tiểu thuyết sử thi. Tiểu thuyết sử thi khác với tiểu thuyết thông thường là những sự kiện lịch sử, sự kiện chiến tranh và những con người chủ yếu tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tranh có một vị trí quan trọng và chủ yếu, tác giả phải tôn trọng nguyên tắc này, nhân vật được hư cấu theo nguyên mẫu, có khi là người thực. Mối quan hệ giữa sự kiện lịch sử, sự kiện chiến tranh với nhân vật là mối quan hệ hữu cơ, tác động và chi phối lẫn nhau, trong đó nhân vật giữ vai trò quyết định. Liên bộ tiểu thuyết sử thi của tôi về mười năm chiến tranh (1965 - 1975) được viết theo tinh thần ấy.

Nhà văn Nam Hà trò chuyện với một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Bình Dương (năm 1980).

- Với những công sức lao động của mình, ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Vậy, trong số những bộ tiểu thuyết ấy, ông dành nhiều tâm huyết cho tác phẩm nào?

- Sau chiến tranh, tôi gần như để việc nhà, chuyện con cái cho vợ chăm sóc, còn tôi chỉ ăn rồi ngồi viết văn, bởi vậy tôi rất vui vì những gì mình viết ra được ghi nhận, cũng như một lời cảm ơn đối với gia đình, bè bạn. Giải thưởng Nhà nước được dành cho hai bộ tiểu thuyết "Trong vùng tam giác sắt" và "Đất miền Đông", nhưng rất khó để nói mình thích tác phẩm nào nhất, bởi xét cho cùng, nó là máu thịt của mình, của đồng đội mình cả. Trong niềm vui này, có cả sự nghẹn ngào vì để có những cuốn sách ngày hôm nay của mình, tôi đã phải nhiều lần gạt nước mắt xót thương để chôn cất đồng đội, những người lính ra đi chiến đấu với một niềm tự hào dân tộc vững chắc, không sợ phải hy sinh xương máu đời mình… Tôi chỉ là một người may mắn hơn nhiều người, được sống với sứ mệnh của một nhà văn để kể lại câu chuyện ác liệt của chiến tranh. "Ngày rất dài" tôi tái hiện không chỉ cuộc chiến đấu của quân dân khu 6 trong giai đoạn chiến tranh cục bộ, giai đoạn mà cả thế giới đều lo lắng, hồi hộp không biết Việt Nam có đứng vững trước sức mạnh quân sự khổng lồ của Mỹ hay không? Qua các nhân vật và bối cảnh, người đọc còn thấy được cuộc kháng chiến chống Pháp. Cuộc chiến đấu khốc liệt của quân dân miền Nam sau năm 1954 đến cuộc Đồng Khởi năm 1960. "Trong  vùng tam giác sắt", viết về giai đoạn Việt Nam hoá chiến tranh vô cùng ác liệt. Trong tiểu thuyết này nhân vật ít hơn, vì vậy tính điển hình và tính cách nhân vật được đẩy lên cao, đặc biệt tôi đã xây dựng thành công một nhân vật là sĩ quan Mỹ tiêu biểu cho tình hình nước Mỹ trong cuộc chiến tranh. Tôi cho rằng vì xây dựng nhân vật như thế "Trong vùng tam giác sắt" tốt hơn, sâu sắc hơn. Còn "Đất miền Đông" viết về bộ đội chính quy và những chiến dịch lớn, đặc biệt chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc chiến tranh. Đây là một tiểu thuyết hoành tráng về không gian, thời gian, diễn biến chiến tranh được đề cập thông qua hàng trăm nhân vật được xây dựng. Những vấn đề lớn của chiến tranh không chỉ của ta, đặc biệt của ngụy quân, ngụy quyền và của chính Mỹ đã được tái hiện một cách trung thực, khách quan, sống động, các nhân vật cao cấp nhất của Mỹ - ngụy ở Sài Gòn đã trở thành những nhân vật văn học. Hai bộ tiểu thuyết "Trong vùng tam giác sắt" và "Đất miền Đông" tôi viết trong 10 năm mới xong. Đó là 10 năm sống lại cuộc chiến tranh đẫm máu và nước mắt của cả dân tộc.

- Suốt chặng hành trình trong đạn bom ác liệt, ông đã sống cùng những người lính và đã cùng hứng chịu một thực tế vô cùng khắc nghiệt, có câu chuyện nào khiến ông bị ám ảnh?

- Trong suốt năm 1967 tôi đi thực tế ở hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, cuối năm bị sốt rét nặng không về được, tôi viết thư về cho Tổng cục Chính trị quân khu báo cáo tình hình một năm đi công tác của mình. Thư gửi theo đường giao liên, bọn biệt kích Mỹ bắt được giao liên và lấy được bức thư. Và trong một lần đến Mỹ, nhà văn Phạm Tiến Duật đã nhìn thấy bức thư của tôi viết gửi miền Bắc từ chiến trường đã bị thất lạc và hiện nay đang nằm trong Bảo tàng Quân đội Mỹ. Bức thư sau này đã đăng trên tuần báo Văn nghệ...

- Ông nổi lên với tư cách là một người viết tiểu thuyết, vì thế, có lúc người ta quên mất rằng, ông vốn là một nhà thơ có một tác phẩm "để đời" từng vang dội trong suốt những năm tháng chiến tranh, bài thơ "Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi!" với những câu thơ xúc động: "Đất nước của những người con trai con gái/ Đẹp như hoa hồng cứng hơn sắt thép/ Xa nhau không rơi nước mắt/ Nước mắt dành cho ngày gặp mặt", ông có thể chia sẻ về điều này?

- Bài thơ "Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi" tôi làm từ năm 1964 đến tháng 6 năm 1966 mới xong, bài thơ được hoàn thành sau một trận đánh thắng giòn giã, trong đó có một đại đội Mỹ bị tiêu diệt. Niềm vui thắng trận tạo nên những dòng thơ và tôi đã hoàn thành bài thơ liền một mạch trong hai tiếng đồng hồ, không sửa chữ nào, sau ba năm trời thai nghén. Bài thơ viết cho thế hệ thanh niên thời chống Mỹ, tôi khái quát lịch sử và truyền thống, vẻ đẹp của đất nước bằng những đoạn thơ giản dị, đẹp và sâu sắc, đi thẳng vào tình cảm của người lính, vì vậy bài thơ đã được coi là bài thơ của thời chống Mỹ, đến những tù nhân của ta trong các chuồng cọp Côn Đảo cũng thuộc. Nhiều năm sau chiến tranh tôi nhận được nhiều thư ở nhiều nơi trong cả nước yêu cầu tôi chép bài thơ, có chữ ký của tôi để tặng họ. Đó là kỷ niệm sâu sắc và đẹp đẽ trong đời viết văn của tôi...

- Ông thuộc lớp nhà văn ra chiến trường và nỗi ám ảnh về chiến tranh đã khiến người ta không thoát ra khỏi được những trang văn về đề tài chiến tranh cách mạng. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là ngày nay lớp các nhà văn trẻ, những độc giả trẻ không còn mặn mà với đề tài văn học chiến tranh cách mạng nữa, ông nghĩ sao về điều này?

- Cũng dễ hiểu thôi, người ta lấy vốn sống đâu mà viết. Người ta không có một thực tế trải qua chiến tranh, người ta cũng không đọc sách về chiến tranh thì làm sao người ta có thể viết được. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng, lớp nhà văn trẻ cũng đi theo xu thế của thời đại mới, họ tìm đến những đề tài dễ dãi hơn, sách bán chạy để tăng doanh thu, chứ người ta không có nhu cầu tìm hiểu những đề tài mà lớp cha chú đã có thành tựu cũng là điều dễ hiểu, điều tất yếu của cuộc sống. Tôi cũng không quá buồn vì điều đó, chỉ buồn vì một điều nguy hiểm của lớp trẻ bây giờ là hưởng thụ, từ sự hưởng thụ đó, có nhiều câu chuyện đau lòng như đâm chém, trộm cắp tràn lan… xảy ra. Tôi nghĩ, nếu các nhà văn trẻ tìm được đáp án cho một thời đại mới và làm cho con người ta, một lớp thanh niên sống tốt hơn lên thì cũng bổ ích. Thật sự là các nhà văn trẻ hiện nay có một điều kiện thuận lợi gấp nhiều lần thời của chúng tôi đã sống, vì thế họ chỉ cần có chút tài năng, bản lĩnh và sự chuyên cần thì tác phẩm của họ sẽ có chỗ đứng.

- Xin cảm ơn nhà văn Nam Hà!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.
.