Nhà văn Khuất Quang Thụy: Đội ngũ trẻ phải hài hòa cái ‘tôi’ và 'chúng ta'
Dường như, đây không chỉ là vấn đề của người viết trẻ Hà Nội, mà còn là tình hình chung của cả nước. Vì thế, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Khuất Quang Thụy (KQT), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban Kiểm tra của Hội, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ.
+ Là Tổng Biên tập tờ Văn Nghệ, anh có điều kiện theo dõi sát sao hoạt động sáng tác văn học. Vậy ông nhận xét về lực lượng viết trẻ hiện nay ra sao?
Nhà văn KQT: Lực lượng viết trẻ ngày càng đông đảo. Chất lượng của đội ngũ cũng được khi nền tảng văn hóa của những người viết trẻ tốt hơn thế hệ chúng tôi rất nhiều. Họ được chuẩn bị khá đầy đủ về phông văn hóa, về trải nghiệm cuộc sống, mặc dù cuộc sống bây giờ không quyết liệt như thời chiến tranh hay thời bao cấp, nhưng lại có tốc độ thay đổi rất nhanh, mà trải nghiệm rất quan trọng. Điều kiện tiếp xúc giao lưu văn hóa của Việt Nam và thế giới tốt hơn rất nhiều, tạo điều kiện cho lớp trẻ giao lưu văn hóa với thế giới. Vì thế, họ có nền tảng văn hóa, trải nghiệm cuộc sống hiện đại rất tốt.
+ Nhưng chất lượng sáng tác của các cây viết thì sao, thưa ông?
Nhà văn KQT: Chất lượng sáng tác thì phải từng bước, nhưng những năm gần đây có các xu hướng thế này. Những cây bút trẻ có điều kiện giao lưu văn hóa với thế giới nên có xu hướng tiếp thu rất nhanh sáng tác của văn học nước ngoài. Đó là một ưu điểm nhưng chính điều đó cũng lại có hạn chế là sự chuyển hóa, tiếp nhận chưa nhuần nhuyễn, hài hòa với văn hóa truyền thống của Việt Nam. Vì thế, những sáng tác theo hướng đổi mới mạnh mẽ và đối ngoại chưa đạt được độ chín và nhuần nhuyễn cần thiết.
+ Nhiều người cho rằng, giờ đây nếu tìm một tác giả trẻ nổi bật thật không dễ. Ông có thấy thế không?
Nhà văn KQT: Giới trẻ hiện nay cũng có những thành tựu tương đối rõ rệt, mà có thể nhắc đến ngay như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy (của lớp 7X, 8X), còn lớp trẻ mới cũng đã xuất hiện, thậm chí có thời gian xuất hiện rầm rộ, nhưng độ bền vững trong văn chương thì phải chờ. Một số cây bút mới như Trân Nhân, Vũ Thị Huyền Trang, Chu Minh Huệ, Tô Lan, Vũ Thiên Kiều… càng ngày càng chiếm lĩnh diễn dàn với tần suất khá nhiều. Đây là điều đáng mừng vì so với trước, một nhà văn như chúng tôi chỉ xuất hiện trên Báo Văn Nghệ 1-2 lần/năm, vì rất khó.
Nhà văn Khuất Quang Thụy. |
+ Ông có cho rằng, tác phẩm của họ đã có độ bền với thời gian?
Nhà văn KQT: Vẫn còn phải chờ đợi. Một số tác giả đã chạm tới ngưỡng sẽ với tới độ bền thời gian, khi tác phẩm của họ đã có sự phổ quát. Lớp người viết như Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Đình Tú... đã xuất hiện và khẳng định mình chỉ trong khoảng chục năm là rất tốt so với thế hệ chúng tôi phải mất 20-30 năm mới khẳng định được. Trước đây, số lượng viết cũng ít, còn nay số lượng đông, theo tôi là khả quan về các bạn viết trẻ.
Mấy năm trước, do giao lưu văn hóa ồ ạt, có dòng văn học vào Việt Nam được chấp nhận tương đối “sống sít”, thì xuất hiện các bạn viết rất nhanh và rất mới. Về mặt diện mạo thì cảm thấy thích, nhưng khẳng định chất lượng nghệ thuật thì chưa được. Nhưng rất mừng là đã có độ lắng. Bởi văn chương, cuối cùng phải là sự kết tinh.
+ Có một thời, văn đàn xuất hiện nhiều gương mặt nổi bật như Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Như Bình, Trần Thanh Hà… nhưng giờ, không thấy xuất hiện những cây bút nổi trội như thế hệ trước?
Nhà văn KQT: Mỗi thế hệ có một đặc trưng. Sự đam mê văn chương của các bạn trẻ bây giờ chưa thật sự như lớp trước. Họ dễ cảm thấy chưa đi đến đâu và dễ bị nản. Thứ hai nữa là giờ quá nhiều mối quan tâm nên các bạn trẻ cũng bị phân tâm. Những người dành toàn bộ thời gian, niềm đam mê cho văn chương không nhiều. Như tôi hiểu là sự dấn thân, sống chết với văn chương không có. Các bạn trẻ thành tựu rất nhiều thứ: viết văn một chút, làm cái này cái kia một chút, nhưng không có sự đam mê, hy sinh vì văn chương.
+ Có nhà văn tên tuổi cho rằng, việc thiếu vắng những tác phẩm xuất sắc là do giới viết trẻ có sự khủng hoảng về phương pháp luận, về tư tưởng. Ông có quan điểm thế nào?
Nhà văn KQT: Về tư tưởng thật ra không có gì lớn. Vì văn học không phải là vấn đề chính trị, mà là vấn đề văn hóa, vấn đề con người. Những lý luận, quan niệm về con người, về văn hóa có những biến động, nhưng không đến mức làm đảo lộn nhiều giá trị. Lĩnh vực lý tưởng mà các bạn quan tâm là của chính trị thực ra có tác động nhưng không lớn lắm đâu. Nhiều người đổ lỗi cho cái đó, nhưng tôi cho rằng không phải. Có những khủng hoảng về niềm tin, về lý tưởng nhưng thực ra thì con người thời nào cũng thế, văn hóa thời nào cũng có qui luật phát triển. Anh là nhà văn anh phải tách ra khỏi cái đó, chứ đổ lỗi cho môi trường xã hội có vấn đề, các giá trị đảo lộn, lý tưởng chính trị có sự chao đảo vv… là không phải. Vì nhà văn khác, phải xây dựng giá trị trên nền tảng những chuẩn mực của nhân loại về văn hóa và con người.
+ Thế hệ nhà văn như ông thì lý tưởng chính trị có tác động đến việc cầm bút rất lớn?
Nhà văn KQT: Có chứ. Thế hệ chúng tôi là đương nhiên. Nhưng ngay cả thế hệ chúng tôi cũng thế. Nếu anh bị cái đó chi phối nhiều, thì chính đấy cũng là hạn chế của thế hệ. Thế hệ nhà văn chống Mỹ chúng tôi quá thiên về cái “chúng ta” mà chưa quan tâm nhiều đến cá nhân, do chúng tôi phải dành toàn bộ thời gian, tâm huyết cho cái chung. Giờ các bạn trẻ dễ đi ngược trở lại, quá thiên về cá nhân mình và quên mất thời cuộc, quá quan tâm đến cái “tôi” mà quên mất cái “chúng ta” thì lại là hạn chế của họ. Nghĩa là từ cực hạn chế này sang cực khác của hạn chế. Cái đó đội ngũ trẻ phải khắc phục, phải tự điều chỉnh làm sao để hài hòa giữa cái “tôi” và “chúng ta”, giữa lý tưởng cá nhân với lý tưởng của xã hội. Trong lý tưởng xã hội phải đề cao giá trị văn hóa, muốn hay không thì đó là giá trị hàng đầu.
+ Cảm ơn ông!