Nhà văn Hữu Mai và những năm tháng không thể nào quên
Gần hai chục năm về trước, tôi và nhà văn Hữu Mai có chung một dự án là xây dựng một bộ phim tài liệu lớn về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lấy tên là "Cuộc chiến tranh Việt Nam - Đối thoại của hai tổng hành dinh". Một hôm, ngồi chơi tại Văn phòng Hội Nhà văn, câu chuyện của Hữu Mai về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những gì nhà văn đã ghi chép làm chúng tôi nảy ra ý định làm một bộ phim, kéo tướng lĩnh của cả hai phía, cùng đối thoại để bật ra chân lý.
Câu chuyện ấy còn dính dáng đến một kịch bản có cái tên rất hay của nhà báo Bùi Tín, khi ông ta chưa trở thành kẻ phản bội, kịch bản "Việt Nam? Một câu hỏi và một trăm câu trả lời". Một hãng phim của Australia đã vào cuộc. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã cho ý kiến chỉ đạo. Nhưng công việc dang dở vì không đủ tiền làm.
Cách đây ít lâu, trước khi nhà văn Hữu Mai lâm bệnh, chúng tôi nói lại chuyện cũ và Hữu Mai bảo: "Bây giờ bắt tay vào cũng không muộn đâu". Nhưng giờ thì muộn thật rồi. Hữu Mai đã vĩnh viễn từ biệt chúng ta.
Nhà văn Hữu Mai tên thật là Trần Hữu Mai, sinh ngày 7/5/1926, tại Thanh Hóa, quê gốc Nam Định. Năm 1946 tham gia Tự vệ thành Hà Nội. Năm 1947 vào bộ đội, làm Báo Quân tiên phong của Đại đoàn 308. Năm 1956 về làm Tạp chí Văn nghệ quân đội. Năm 1978 làm Trưởng phòng Văn nghệ Quân đội. Năm 1983, chuyển sang Hội Nhà văn với quân hàm Đại tá.Ông là Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 3 và khóa 4.
Hữu Mai là một thành viên của Hiệp hội Quốc tế, nhà văn viết truyện trinh thám Association Internationale de Ecrivains Policier (AIEP) thành lập tại Mêhicô năm 1989.
Có lẽ, bạn bè quốc tế đưa Hữu Mai vào danh sách những nhà văn viết truyện trinh thám hàng đầu là vì ông có tiểu thuyết "Ông cố vấn" (tác phẩm đã được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh cùng tên) viết về một nhân vật tình báo nổi tiếng. Ngoài tác phẩm ấy, Hữu Mai không phải là người có tạng phiêu lưu, ly kỳ, hồi hộp.
Có một lần ông đã thử sức và đã "chịu trận" về sự phiêu lưu trong tưởng tượng. Ấy là trường hợp ngay sau khi từ Điện Biên về tiếp quản Thủ đô, ông đã sáng tác một truyện ngắn về anh lính thời bình; truyện ngắn mang tên "Mất hết".
Nhà văn cùng thế hệ với tôi, anh Cao Tiến Lê nhắc lại cho tôi nhớ chuyện này. Cái anh chiến sĩ trong "Mất hết" đi đánh trận về thì biết vợ mình ngoại tình. Anh ta đi rình để bắt quả tang. Nhòm qua khe cửa, anh chiến sĩ tận mắt thấy người đàn ông đang ôm hôn vợ mình. Cô ấy cho hôn nhưng không cho làm chuyện kia. Người đàn ông sắp hành động thì cô vợ lại đẩy ra, kháng cự. Tưởng là "mất hết" mà không "mất hết".
Câu chuyện chỉ có thế thôi mà khi đăng báo, tác giả đã bị phê bình, chỉ trích, suýt thành vụ án văn học. Kể từ đó, Hữu Mai không để cây bút ngả theo hướng tưởng tượng phóng túng nữa.
Trong lời tự thuật, ông viết: "Tôi chỉ mong ghi lại một cách trung thực, càng nhiều càng tốt, những gì đã biết về một thời kỳ lịch sử hiếm có, rất đẹp, rất phong phú của dân tộc, mà mình đã may mắn vừa là nhân chứng, vừa là người trong cuộc. Tôi ít có tham vọng văn chương vì thế hệ chúng tôi không đủ thời gian để làm công việc này". Đấy là ông khiêm tốn mà nói thế chứ trên nửa thế kỷ cầm bút, Hữu Mai đã viết đến trên 60 đầu sách.
Tiểu thuyết "Cao điểm cuối cùng" là tiểu thuyết có vị trí vững chắc trong danh mục các tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh có giá trị cao. Nó đã được dịch ra tiếng nước ngoài và bạn bè quốc tế khen ngợi. Tiểu thuyết "Vùng trời" (ba tập) là bộ tiểu thuyết dày dặn nhất, công phu nhất về đề tài bộ đội không quân trong chiến tranh phá hoại. "Cao điểm cuối cùng", "Vùng trời" và "Ông cố vấn" là ba tác phẩm được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I năm 2001.
Và tiểu thuyết của Hữu Mai, phải kể thêm: "Đêm yên tĩnh" (2002), "Đất nước" (1984), "Người lữ hành lặng lẽ" (2003). Văn Hữu Mai giản dị nhưng kỹ lưỡng, nhiều tình tiết lắng đọng, bám sát người thực, sự kiện thực, nhưng ngôn ngữ vẫn bay bổng, chi tiết vẫn tỉ mỉ, uẩn xúc.
Một công lao lớn khác của nhà văn Hữu Mai đối với phong trào văn học là công việc tổ chức, quản lý. Hai nhiệm kỳ liền ông là Ủy viên Thường trực Hội phụ trách công tác hội viên và lo lắng tài chính, xây dựng cho Hội. Cũng như trên trang viết, công việc đời thường nhà văn Hữu Mai cũng tỉ mỉ, cẩn trọng và hết lòng vì đồng nghiệp.
Một việc lớn Hữu Mai bền bỉ dùng thời gian hàng chục năm với lòng say mê nhiệt thành là ghi lại và thể hiện các hồi ức của vị Đại tướng lừng danh của thời đại chúng ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đó là các tập hồi ức: "Từ nhân dân mà ra", "Những năm tháng không thể nào quên", "Chiến đấu trong vòng vây", "Những chặng đường lịch sử", "Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ"… Đây là những trang văn, đồng thời cũng là những trang sử quý giá.
Sinh thời, nhà văn Hữu Mai đã không thể nào quên những năm, những tháng thì thời gian, những tháng, những năm chẳng thể quên ông. Mong ông an nghỉ thanh nhàn nơi vĩnh hằng