Nhà văn Dũng Hà: Cảm hứng về Điện Biên Phủ

Thứ Hai, 22/05/2006, 08:11

Điện Biên Phủ có ý nghĩa rất đặc biệt với nhà văn Dũng Hà. Đó là nơi ông đã gắn bó trong những năm thắng trai trẻ của cuộc đời, nơi ông đã trưởng thành đã đời lính lẫn nghiệp văn.

Người ta thường nghĩ ông là một viên tướng đặc công, từng chiến đấu dưới nước, trên bộ; vào ra các chiến trường ác liệt B, K những năm chống Mỹ cứu nước. Nếu có biết ông là nhà văn thì cũng chỉ qua các cuốn tiểu thuyết “Sao mai”, “Đường dài”, “Quãng đời xưa in bóng”…

Người ta chỉ biết ông trên cương vị Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội suốt 10 năm (1982-1992) và danh hiệu hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Rất ít có bạn đọc biết ông còn là một chiến sĩ Điện Biên, đến với văn chương khá sớm xuất phát từ những cảm hứng ở miền đất Điện Biên lịch sử mà ông gắn bó từ những năm trai trẻ của cuộc đời…

Ông là nhà văn Dũng Hà, tên khai sinh là Phạm Điểng, tuổi Tỵ (1929), quê gốc Vũ Thư, Thái Bình. Dũng Hà tham gia bộ đội từ khi mới 17 tuổi, chiến đấu trên chiến trường Đông Bắc. Đến chiến dịch Điện Biên Phủ ông đã là cán bộ tiểu đoàn trực tiếp chỉ huy bộ đội đánh đồi A1 - một trận “huyết chiến điểm”.

Chiến dịch Điện Biên kết thúc chỉ ít ngày sau đó, ông cùng bộ đội trở lại chiến trường xưa. Điện Biên lúc ấy (thời kỳ 1955-1959) không chỉ là một địa danh lịch sử “chấn động địa cầu” mà còn là biểu tượng của hòa bình xây dựng với những nông trường lúa, ngô, lạc, cà phê… bát ngát, những vườn cam trĩu quả. Nhiều nhà văn đã lên đây và đã viết những trang văn rất đẹp, đầy tình cảm trước cảnh và người nơi này. Nguyễn Huy Tưởng có “Bốn năm sau”, Nguyễn Khải có “Mùa Lạc”, Hữu Mai có “Cao điểm cuối cùng”, Hồ Phương có “Lá cờ chuẩn đỏ thắm”…

Dũng Hà tuy là một cán bộ quân chính cũng viết được các truyện ngắn “Đêm chiến hào”, “Gió bấc”, “Đứng giữa”… được in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, trong đó có truyện gây được dư luận trong bạn đọc, có truyện được trao giải. Ấy là những truyện ngắn giàu chất “tả trận” (Đêm chiến hào) và thấm đượm hiện thực vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu vừa tham gia lao động sản xuất của các đơn vị bộ đội đóng quân trên mảnh đất Điện Biên, Tây Bắc (“Giao thừa”, “Gió bấc”, “Đứng giữa”). Những truyện ngắn này ông viết khi chưa tròn 30 tuổi và đang là cán bộ chỉ huy đơn vị. Sau này, năm 1963, những truyện viết về Điện Biên đầu tay ấy của Dũng Hà được NXB Quân đội nhân dân in thành tập “Gió bấc”.

Cảm hứng về Điện Biên Phủ, về những đồng chí đồng đội đã đổ máu, mồ hôi trên mảnh đất xa xôi này, không thôi, không dứt trong Dũng Hà kể cả khi ông đã là một sĩ quan cao cấp, việc quân, việc chiến đấu bận bịu đêm ngày. Nghĩ về Điện Biên, nghĩ tới Điện Biên là trong ông lại trào lên một niềm xúc động, thương mến. Ông bảo, với ông, đó là mảnh đất yêu thương. Giữa những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước, ác liệt nhất với riêng bộ đội đặc công của ông, ông vẫn cho in “Mảnh đất yêu thương” (NXB Quân đội Nhân dân, 1978) viết về mảnh đất lịch sử này (Tiểu thuyết lúc đầu có tên “Bên bờ sông Nậm Rốm”).

Và khi “về hẳn” với làng văn làm Tổng biên tập một tờ Tạp chí văn chương lớn của bộ đội, ông lại có thêm tập truyện ngắn viết về bộ đội và dân công trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tập “Cây số 42” (NXB Quân đội Nhân dân, 1984). Truyện ngắn “Cây số 42” là một truyện ngắn trữ tình, một câu chuyện tình trong chiến tranh rất hay. Truyện này sau được dịch ra tiếng Pháp và chuyển thể thành phim.

Năm 2003, dù đã “treo ấn, từ quan” về hưu, Dũng Hà vẫn cùng những người đồng đội cũ, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa lặn lội trở lại Điện Biên, trở lại “mảnh đất yêu thương” của mình. Ông thăm lại đồi A1, đứng trước ụ Thằng Người - lô cốt án ngữ phía tây nam đồi A1 mà Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 của ông đã tiêu diệt đêm 6/5/1954, đến đại bản doanh của Võ Đại tướng trong rừng Mường Phăng, xem ảnh và bia ghi lại giờ phút hấp hối của cứ điểm “bất khả chiến bại” của quân Pháp và cùng người bạn văn, đồng thời cũng là chiến sĩ Điện Biên Phủ, tướng Hồ Phương chụp chung ảnh kỷ niệm nhân 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ oai hùng - “vành hoa đỏ”, “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX

.
.
.