“Nhà thơ viết nằm” Đỗ Trọng Khơi: Lắng đọng cảm xúc và tinh thần nhân văn

Chủ Nhật, 16/11/2014, 09:17
16 tập thơ, văn, tiểu luận đã xuất bản cùng 15 giải thưởng, tặng thưởng văn học của Báo Văn nghệ, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam và giải thơ quốc tế của Đài Truyền hình NHK (Nhật Bản). Đó chính là “gia tài” của một người đàn ông tài hoa bị tàn tật từ nhỏ-“nhà thơ viết nằm” Đỗ Trọng Khơi, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam…

+ Tác phẩm đầu tay thường ghi một dấu ấn mạnh mẽ với những người cầm bút, về cả cảm xúc lẫn hoàn cảnh ra đời. Với anh thì những ấn tượng về tác phẩm đầu tay đọng lại là gì?

- Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi (NT ĐTK): Tác phẩm đầu tay, chắc hẳn với bất kỳ một người cầm bút nào cũng là điều rất quan trọng. Với tôi, ngày được nâng tập thơ đầu trên tay là một ngày hè trời đất vô cùng oi bức. Và hôm đón tác phẩm đầu tay đó, tôi phải tiếp cả một đoàn người, gồm Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Văn nghệ tỉnh, Đảng ủy, UBND huyện và xã quê, rầm rập kéo đến nhà, ngồi vây quanh giường bệnh khiến tôi run bắn. Mặt cứ hết đỏ lựng lại tái mét, nói năng thưa gửi thì líu díu. Ấy là về không khí, hình thức ngoại cảnh. Còn về nội dung nghệ thuật thì hẳn với tác phẩm đầu tay chính là bước mở và hướng mở đầu tiên mang tính xác lập cách tiếp cận vấn đề, định hình bút pháp cho sự phát triển tiếp theo. Tất nhiên sự đậm nhạt, sức chi phối lớn hay nhỏ còn tùy vào năng lực, sự tâm huyết và sự tích lũy kiến thức của mỗi tác giả trong cả quá trình về sau.

Tập thơ đầu tay tôi  lấy tên là "Con chim thiêng vẫn bay", đây cũng là tên bài thơ tôi viết về Mẹ với nỗi lòng thương nhớ, mong mỏi hình bóng người cha liệt sỹ của tôi. Hình ảnh "chim thiêng" ở đây là tình yêu, là "sự mang tin thiêng" từ chốn trời cao xa thăm thẳm. Và chữ "thiêng" cũng từ đấy, ngay từ khi mở đầu trang thơ đã ám ảnh, chi phối và tạo dựng ý tưởng, tinh thần sáng tác của thơ tôi.

+ Anh đã có được kinh nghiệm gì từ tác phẩm đầu tay?

NT ĐTK: Chị hỏi "kinh nghiệm" à? Về điểm này tôi chỉ có thể nói, nói với ai? Với các tác giả trẻ tuổi à, là hãy viết nhiều, viết nhiều hơn và chỉ khi thấy tự tin trình làng tác phẩm đầu tay thì hãy tính tới chuyện tập hợp lại thành một cuốn sách. Và nếu có thể thì nên nhờ một nhà văn đàn anh gần gũi nào đó đọc, tư vấn cho bạn việc chọn bài cho tập. Việc chọn, trước hết là phải bỏ đi tác phẩm "giống giống của ai đó" hoặc tác phẩm chưa đúng mạch cảm xúc, "hơi văn, nhịp văn" có thể sẽ giúp bạn đi tiếp theo hướng đó, cho hy vọng định hình "một nét riêng phong cách" của bạn.

Với tác phẩm đầu tay của tôi, tôi có may mắn gặp được ông thầy đầu đời của mình, là nhà thơ giàu kinh nghiệm Nguyễn Bùi Vợi cùng một người bạn thân rất tâm huyết với sáng tác của tôi, khi đó anh cũng là một cây bút thơ trẻ Hoàng Năng Trọng, hai người này họ lo giúp cho tôi những khâu ban đầu đó.

+ Với anh, tác phẩm đầu tay có ý nghĩa thế nào với con đường sáng tác sau này?

NT ĐTK: Tập thơ đầu tay tôi in năm 1991 và tinh thần nghệ thuật "Con chim thiêng" đó vẫn đang "bay" với cảm xúc thơ tôi những tháng ngày này. Nghĩa là tôi chưa bao giờ bị đứt mạch cảm xúc đã được xác lập ngay từ thuở ban đầu đó.

Thật vui sướng cho tác giả mỗi khi được cầm trên tay "những đứa con tinh thần" của mình. Tôi cũng vậy, và điều này, không rõ bạn bè văn giới có thống nhất không, với tôi vui đấy và cũng cần nhanh chóng "quên" tác phẩm khi đã được in ra. Với tác phẩm đầu tay cũng thế. Khác là, các tác phẩm thứ 2, 3, 4… về sau nó như những mốc giới xác định trên đường, có thể là mốc giới dài ngắn, cao thấp, tầm vóc khác nhau, còn với "tác phẩm đầu tay" thì nó luôn hiện hữu là "một con đường". Phong cách nghệ thuật thơ tôi, nếu có thể nói được thế, hình thành từ đây. Kinh nghiệm, kiến thức do tích lũy được về sau đã làm đầy thêm, sâu sắc thêm hướng nghệ thuật mà một nhà lý luận văn học đã gọi: Thơ ấy hiến mình cho cõi thiêng. Tôi nghĩ, ông ấy đã gọi đúng tên mạch cảm hứng nghệ thuật thơ tôi.

+ Mỗi nhà văn có một quan điểm sáng tác riêng và điều đó làm nên phong cách văn chương của họ. Còn với anh?

NT ĐTK: Nghệ thuật thơ là nghệ thuật của vẻ đẹp ngôn từ. Vì vậy, giá trị thẩm mỹ cần được đặt lên hàng đầu. Tuy vậy, vấn đề, sự kiện, tinh thần của cộng đồng, thời đại cũng là yêu cầu thể hiện, cần một sức tải lớn, dung chứa lớn của thơ. Kiệt tác "Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu" - Truyện Kiều là một minh chứng cho lý lẽ đó.

Tôi nghĩ, thể hiện được sâu sắc cảm xúc và tinh thần thời đại mình đang sống mà sức bút mình có thể dung nạp được vào tác phẩm, và lấy cơ sở nền tảng từ bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa Đông phương, hoặc một cơ sở triết học nào đó để mở mang ý tưởng, xây dựng hình tượng cũng như qua đó tạo lập lấy phong cách, thi pháp cho nghệ thuật văn chương của mình, luôn là khát vọng cần đạt tới được của mỗi cây bút. "Đã mang lấy nghiệp vào thân", tôi cũng thầm mang khát vọng vậy khi sáng tác. Đạt tới phần nào giá trị đó chưa, điều này quả tôi chưa nhiều tự tin.

+ Anh có thể chia sẻ với bạn đọc về “gia tài văn chương” cùng những giải thưởng mà anh đã có?

NT ĐTK: Tôi đã in 16 tác phẩm, gồm 2 tập truyện ngắn, 1 tạp văn, 1 bình thơ, phần còn lại là thơ. Về Giải thưởng, tặng thưởng Trung ương, địa phương, ngành tôi được trao tặng cũng có số lượng tương tự, 15 cái thì phải. Tuy vậy, bạn ạ, số lượng giải thưởng hay tác phẩm đã in, vốn không nói được gì nhiều lắm đâu. Ví như nhà thơ Uýtman của Mỹ, ông cả đời chỉ sáng tác có một tập thơ “Lá cỏ”, hay như thi hào dân tộc Nguyễn Du có được giải thưởng văn học nào đâu.

+ Được biết, sức viết của anh luôn sung mãn. Anh dự định sẽ mang đến bạn đọc tác phẩm gì trong thời gian tới?

NT ĐTK: Tôi vẫn đang hằng ngày viết thơ, văn xuôi, phê bình văn học. Tuy vậy với tôi, sáng tác thơ là chính. Sắp tới tôi sẽ cho in một tập bình thơ, bình hầu khắp các sáng tác thơ cổ điển và hiện đại đã đi vào văn học nhà trường cũng như các tác phẩm được đánh giá cao, được người yêu thơ thời hiện đại, hậu hiện đại mến mộ. Đây sẽ là một tập sách khá dày dặn, công phu của tôi.

+ Cảm ơn anh và chúc anh có thêm nhiều tác phẩm mới!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.