Nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm: “Mùi cỏ cháy” đã cháy lên

Chủ Nhật, 26/12/2010, 11:15

Chiều 25/12, bộ phim nhựa "Mùi cỏ cháy" (Biên kịch Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn NSƯT Hữu Mười) đã chính thức được bấm máy cảnh quay đầu tiên tại Công viên Thống nhất. Đây là một bộ phim chiến tranh, một bức chân dung hào hùng của tuổi trẻ Việt Nam tình nguyện xếp bút nghiên lên đường ra trận trong những năm tháng cam go nhất của cuộc chiến đấu vì nền độc lập tự do của dân tộc.

Dự kiến bộ phim sẽ được trình chiếu nhân dịp Quốc khánh mồng 2-9-2011.

- Thưa nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, ngày 25/12/2010 bộ phim nhựa "Mùi cỏ cháy" do anh làm biên kịch đã chính thức bấm máy sau nhiều ngày tháng chờ đợi. Bộ phim là những trang viết xuất phát từ những câu chuyện có thật của anh và đồng đội một thời khói lửa. Là người trong nghề với rất nhiều thước phim đã được công chiếu, song trước bộ phim mà mình là một trong những nguyên mẫu, anh cảm thấy thế nào?

- Như bạn đã biết, vào năm 2005 sau khi hai cuốn nhật ký của Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm ra đời đã tạo nên một hiệu ứng rất mạnh trong xã hội. Rồi tiếp đó, một loại các cuốn nhật ký khác như "Tài hoa ra trận" của Hoàng Thượng Lân, "Sống để yêu thương và dâng hiến" của Hoàng Kim Giao, "Nửa sau khoảng đời" của Vũ Đình Văn... đã góp phần tạo nên một bức tranh hoành tráng về tuổi trẻ và lý tưởng tận hiến cho Tổ quốc. Tôi rất xúc động và chắc nhiều đồng đội của tôi cũng thế!

Cụ thể như nhà biên kịch - người lính Đoàn Tuấn cũng đã từng cùng đồng đội của mình đến đây chụp ảnh và cũng chỉ còn một mình anh Đoàn Tuấn trở về. Không phải các bạn trẻ đang đóng phim nữa, mà là giúp chúng tôi sống lại cả một thời - Trước mắt tôi như hiện lên cái cảnh hào hùng của mấy nghìn sinh viên các trường Đại học xếp bút nghiên lên đường ra trận. Sáng nay, thời tiết âm u, nhưng không hiểu sao, khi chuẩn bị bấm máy thì trời lại bừng sáng lên - Tôi tin là những người đồng đội của tôi cũng về đây để phù hộ cho những thước phim đầu tiên và cả bộ phim này được suôn sẻ và thành công.

Nhà quay phim Thanh Hà và nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm.

- Chính vì vậy mà bộ phim lấy bối cảnh đầu tiên để bấm máy là cảnh bức tượng đá cô gái ngồi đọc sách trong công viên phải không thưa anh?

- Không chỉ có 4 người lính này trước khi ra trận đã đến bên bức tượng đá trong công viên Thống Nhất để chụp ảnh mà rất nhiều những người lính trẻ khác cũng đến đây chụp ảnh. Đây là một trong những cảnh mở đầu bộ phim "Mùi cỏ cháy", 4 nhân vật chính là 4 anh lính trẻ có tên là Hoàng, Thành, Thăng, Long đã đến đây chụp một bức ảnh kỷ niệm trước ngày ra trận và hẹn với nhau ngày toàn thắng sẽ trở lại đây để chụp một bức ảnh đoàn viên... Nhưng rồi... từng người lính đã ngã xuống trên các mặt trận... chỉ có Hoàng là còn sống và trở về... Tôi có cảm giác bức tượng đá này là nhân chứng, một nhân chứng có linh hồn. Trong phim bạn sẽ được thấy bức tượng đá ấy khóc.

- Trong bộ phim này, điều gì làm cho anh cảm thấy tâm đắc nhất?

- Thú thực tôi tâm đắc với tất cả các trang kịch bản mà mình đã viết, có một nhà báo đọc kịch bản xong đã nhận xét: "Có cảm giác anh viết như đang thờ từng chữ", quả đúng là như vậy, từng chữ đều là những dòng nước mắt khóc thương những người đồng đội của tôi. Những cảnh tôi tâm đắc là cảnh những người lính hy sinh: Thành rồi Thăng, rồi Long, họ ngã xuống khi còn quá trẻ - Chưa kịp hôn một người con gái. Khi ngã vào lòng đất vẫn con trai. Đúng là họ đang hóa thánh. Khi viết kịch bản này, như có sự phù hộ của các anh linh liệt sĩ trong từng phân đoạn, trong từng trường đoạn... Xem phim, bạn sẽ nghe thấy tiếng ve của mùa hè đỏ lửa ấy: "Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu/ Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ/ Trong những ba lô kia ai bảo là không có/ Một, hai, ba... giọng hát chú ve kim".

Đúng như cố nhà thơ Xuân Diệu đã nhận xét trong cuộc thi thơ năm 1972-1973: Tôi cảm thấy mến thương các chú lính ấy vô hạn, ra trận mà vẫn còn mang theo trong ba lô những con ve, những hòn bi xanh đỏ... Anh Phùng Huy Thịnh khi đọc kịch bản này, đến đoạn nhắc đến tiếng ve anh đã gọi điện thoại cho đạo diễn Hữu Mười và khóc nấc lên trong điện thoại. Chắc bạn biết anh Thịnh này rồi, đó là Thịnh trong bài "Thư mùa thu": "Nhìn dòng sông biết Thịnh đã qua cầu/ Nhìn đá dựng biết Thịnh đèo đã vượt/ Mùa thu này ta hát khắp Trường Sơn/ Tiếng hát làm ta nhớ tiếng trống tuổi măng non/ Thịnh cùng tôi cầm đèn rọi ve quanh gốc sấu/ Ve thăm thẳm tiếng ve ngày thơ ấu...".

Đạo diễn Nguyễn Hữu Mười và các diễn viên tham gia bộ phim.

- Tại sao bộ phim lại có tên là "Mùi cỏ cháy"?

- Đó là ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với những người lính chúng tôi như nhà thơ Thanh Thảo đã viết: "Tuổi hai mươi chúng tôi mềm như cỏ/ Và dữ dội như cỏ/ Chúng tôi đi không tiếc đời mình/ Tuổi hai mươi ai mà chả tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn gì Tổ quốc phải không em". Bởi vậy, khi nhìn về phương ấy, cái phương đạn lửa mà chúng tôi đã đi qua tất cả đều nghẹn lòng: "Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy/ Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai/ Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài/ Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy/ Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn". Còn biết lấy tên gì ngoài cái tên "Mùi cỏ cháy" hả bạn?

- Được biết những trường đoạn quan trọng nhất và khó dàn dựng nhất của bộ phim này là những cảnh ở mặt trận Quảng Trị trong những năm 1972, anh có tin là bộ phim sẽ tái hiện được những cảnh bi tráng này?

- Chúng tôi sẽ hết sức cố gắng, mùa hè đỏ lửa đó, lớp lớp người ngã xuống, lớp lớp người xông lên. Bạn bè tôi trong chiến dịch năm 1972, thịt xương nhiều hơn đất đai Thành Cổ. Đó là sự thật và tôi tin với tâm huyết của cả Đoàn làm phim từ biên kịch, đạo diễn, quay phim, họa sĩ và các diễn viên tham gia, chúng tôi sẽ góp phần viết lên những trang sử đẹp nhất, hào hùng nhất của một thế hệ trên màn ảnh.

- Xin cảm ơn anh!

Đạo diễn Nguyễn Hữu Mười: Đây là một kịch bản mà nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm viết về thế hệ của anh ấy nên cảm xúc rất chân thực. Đó là cảm xúc về một thế hệ sinh viên đã ra trận, về một thế hệ ra đi và ngã xuống. Tôi rất trân trọng những cảm xúc ấy và sẽ cố gắng làm được một bộ phim hay về tuổi trẻ và chiến tranh.

Thiên Kim
.
.
.