Nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang: “Tôi không giấu tuổi"

Thứ Sáu, 06/11/2009, 07:41
Dù là nhà thơ, luôn yêu cuộc sống, yêu con người nhưng nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang vẫn yêu đời. "Tôi không bao giờ giấu tuổi tác, tôi vừa qua tuổi 49 và bắt đầu cảm thấy thấm mệt vì cuộc sống".
>> Website của nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang

Vừa bước qua tuổi 49, anh tự nhận mình đang ở độ tuổi “thấm mệt” vì cuộc sống không còn quá nhiều điều bất ngờ.

Gia sản thơ của anh lớn, nghiệp báo với những tác phẩm sâu sắc hoặc chức danh Phó Tổng biên tập một tờ báo tầm cỡ đều không khiến tôi muốn khai thác thêm vì anh đã hoàn thành xuất sắc hai sứ mệnh này… Nhưng như một thời trai trẻ anh đã từng dám bộc bạch: “Tôi không muốn làm Xuân Diệu thứ hai, tôi muốn làm Hồng Thanh Quang thứ nhất”. Vì thế đã có cuộc đối thoại với “Hồng Thanh Quang thứ nhất” về đề tài luôn nóng: tình yêu và phụ nữ…

Nhà thơ Hồng Thanh Quang.

Không có người đàn ông nào sáng tạo mà không đa tình

- Ngoài thơ, văn thì tình yêu và phụ nữ dường như cũng là sở trường của anh?

- Liệu có người đàn ông nào dám nói rằng tình yêu và phụ nữ không phải là sở trường của mình không. Thực ra theo quan điểm của tôi mọi việc người đàn ông làm chung quy cũng chỉ vì muốn đẹp lòng người phụ nữ mà thôi, hoặc là vì vợ mình, mẹ mình, người yêu mình, con gái mình… Chứ không có mục đích nào khác cả.

- Một người phụ nữ đẹp với anh có hình dáng như thế nào?

- Là người phụ nữ tôi yêu. Yếu tố ngoại hình với tôi không có nghĩ lý gì cả.

- Nếu tổng kết những bóng hồng đi qua cuộc đời, anh có thể tâm sự về nàng thơ khiến anh tơ tưởng nhiều nhất mà đến giờ vẫn còn vấn vương?

- Thơ tôi đã nói lên tất cả. Với tư cách một người chồng, người cha, một người chủ gia đình tôi không thể nhắc đến ai nữa. Hãy đọc thơ tôi sẽ thấy, nhưng đó là những nhân vật trữ tình của tôi, có nhiều cái giống tôi nhưng không phải hoàn toàn là tôi.

- Đa tình và sự thiếu chung thủy có là một…

“Một ngày như một đời. Được và mất em rồi sao đời còn chưa hết?”. Chung thủy là có đầu, có cuối, chung thủy có thể là cả đời yêu nhau nhưng cũng có thể là trọn vẹn một tình yêu ngắn ngủi. Chung thủy là trung thực hết mình. Con người đã nói chung đã đầy mâu thuẫn. Nghệ sĩ để sáng tạo họ cần thay đổi. Có sự đa tình chuyên về sự trụy lạc buông thả nhưng đa tình để sáng tạo thì hoàn toàn khác. Không có người đàn ông nào sáng tạo mà không đa tình vì họ cần phải yêu cuộc sống ở nhiều thể dạng khác nhau.

- Có ý kiến cho rằng nhiều người đã dùng danh xưng nghệ sĩ để biện hộ cho sự đa tình, anh nghĩ sao?

- Những kẻ nghệ sĩ giả mới nhân danh còn nghệ sĩ thực họ không cần biện hộ gì cả. Họ cứ sống như bản thân mình, không thanh minh và không quan tâm đến mọi người nói gì. Giả bộ sống mới biện hộ, còn người sống thật họ sống như họ muốn.

- Anh từng viết: “Con gái ơi cục cưng của cha ơi/ Cha có lẽ không thể làm cho đời con bằng phẳng hơn định mệnh/ Nhưng nếu cha yêu thương trân trọng hơn tất cả đàn bà trên thế giới/ Đời con sẽ bớt mưa sa”. Phải nói đây là một ý tưởng rất tích cực và nếu người đàn ông nào cũng nghĩ được như anh thì rõ ràng sẽ không có người đàn bà bất hạnh. Nhưng nói thì dễ, hành động thực thì sao?

- Không ai nói là mình dám làm đúng tất cả, không ai dám nắm tay cả ngày đến sáng, nhưng tôi cố gắng, cũng có lúc mình thất thốt thì phải biết ân hận. Phụ nữ Việt Nam nhiều thế yếu và dễ bị tổn thương, trước khi có con gái tôi không thấy được điều này nhưng sau khi có con gái tôi thương cảm nhiều hơn với thân phận phụ nữ.

Hôn nhân là do kiếp trước người ta nợ nhau

- Đã từng công khai phát biểu rằng nếu nói chỉ yêu mình vợ là nói dối, anh không sợ chị ấy sẽ buồn?

- Chắc vợ tôi cũng không nghe thấy câu này. Tôi nói thế vì tôi không quen nói dối, nhưng tôi cũng chưa bao giờ nói rằng tôi yêu ai khác ngoài vợ mình cả.

- Yêu và lấy nghệ sĩ, phải chăng là người phụ nữ cũng nên chấp nhận sự thiệt thòi?

- Hôn nhân là do kiếp trước người ta nợ nhau gì đấy mà phải sống chung để cùng thực hiện một nghĩa vụ. Tôi không nghĩ rằng lấy một nhà thơ hay một nhà báo, lấy một nghệ sĩ lại khổ hơn một người đàn ông bình thường khác. Lấy nhau là một trách nhiệm nặng nề và các cuộc hôn nhân có ý nghĩa với những mục đích nhân sinh khác: vì gia đình, con cái; vì dòng họ và vì là nếp sống quen để tồn tại trong xã hội mà thôi.

- Vì kiếp trước nợ nhau vậy đổi lại những người phụ nữ này được điều gì?

- Người vợ nào cũng phải tìm thấy ở người chồng của mình có gì đặc biệt mới lấy nhau. Và điều này không phụ thuộc vào nghề nghiệp, do phẩm chất của mỗi con người tạo thành.

- Vợ anh nhận xét thế nào về anh?

- Tôi nghe người ta nói là khi bắt đầu yêu và quyết định lấy tôi cô ấy nhận xét tôi là một người tốt, đáng kính.

- Vậy còn sau khi chung sống?

- Tôi cũng không biết nhưng cuộc hôn nhân nào cũng có rất nhiều vấn đề. Sống cùng tôi, tôi biết là không dễ chịu gì cả nhưng cho đến nay cuộc sống của chúng tôi vẫn tiếp tục và tương đối yên ổn. Vợ tôi cũng đánh giá tôi tích cực, song không vì thế mà tôi không nhận ra mình có rất nhiều điểm yếu, tôi cũng “người ta thường tình” rất nhiều thứ. Và tôi là người bình thường với rất nhiều đặc tính bình thường mà thôi.

- Sự chênh lệch về tuổi tác của anh và vợ cũng tương đối lớn và theo anh điều này có gây ra cản trở nào?

- Chắc chắn là có nhưng tôi nghĩ vợ tôi đã thích ứng được. Vợ tôi là người đàn bà tốt và có nghị lực nên bù trừ cho nhau được.

- Có một số bộ phận luôn thổ lộ tình yêu vợ ở chốn đông người khiến kẻ ngoài cuộc vẫn nghĩ rằng vợ chồng này yêu nhau và hạnh phúc lắm nhưng thực ra bên cạnh vợ họ vẫn còn người đàn bà khác, theo anh, như thế có phải là giả dối?

- Đừng vội trách nhau giả dối vì cuộc sống con người phức tạp hơn những giáo lý đơn giản nhất mà chúng ta từng nói.  Tôi biết có rất nhiều người họ rất yêu thương, tôn trọng vợ nhưng không có nghĩa là họ không có những phút giây xao lòng nào đấy. Đó là chuyện riêng nên mỗi người tự quyết định lấy cuộc sống của mình. Bởi vì không phải có tình yêu này sẽ loại trừ tình yêu khác. Đó là sự bổ sung của cuộc sống.

Tình cảm con người là một quá trinh biến động không ngừng. Dòng sông là sự pha tạp của nhiều dòng chảy nhưng “chủ lưu dòng chảy” vẫn là vợ và gia đình. Mỗi người phải tự ứng xử với cuộc sống của mình, đừng vội ca ngợi người đàn ông chỉ yêu mình vợ nhưng cũng đừng cho rằng người đàn ông như đã nói ở trên là giả dối. Đến tuổi nào đó chúng ta cũng bắt buộc phải chia tay với một cuộc sống ảo tưởng thuần khiết và một chiều.

- Anh có thể nói rõ hơn về cái gọi là ảo tưởng thuần khiết?

- Khi còn trẻ yêu một người và không lấy được thì cảm giác như cuộc sống không còn gì có ý nghĩa nữa và chỉ muốn chết. Sau đó mới biết rằng thất tình mình cũng không chết. Nhưng cảm giác đó sẽ không vĩnh viễn vì tình yêu như lễ hội và không có con người, đất nước dân tộc nào chỉ sống trong lễ hội cả. Vì thế khi hết lễ hội rồi phải biết chấp nhận cuộc sống đời thường.

Bây giờ một cơ hội tình yêu thực sự như thế không còn nhiều nhưng tôi cũng không mong lại có thêm một lễ hội như thế nữa vì đó cũng là một thử thách rất lớn. Ở thời điểm này nó có tính tàn phá nhiều hơn là tính xây dựng. Tôi đã nhìn mọi cái điềm tĩnh và cân bằng nên tôi nhìn hôn nhân vẫn là tình cảm nhưng nghĩa vụ nặng hơn, nhưng nói như thế không có nghĩa là tôi cho phép mình buông thả. Tôi bắt đầu thấm mệt.

- Tự nhận mình là kẻ mắc nợ bút nghiên, anh hình dung nếu mình không dính vào nghiệp này thì sẽ có một Hồng Thanh Quang như thế nào?

- Không dính vào nghiệp bút nghiên tôi sẽ không biết phải làm gì.

- Nhà thơ, nhà báo, nhà biên dịch, kinh qua cả MC truyền hình hay chức phó tổng của một toà soạn lớn… Chức danh nào khiến anh tâm đắc hay mất ăn mất ngủ nhất?

- Chức danh lớn nhất là cái tên của tôi. Làm gì tôi cũng tận tụy hết mình với công việc nhưng cái tôi cần giữ nhất là cái tên. Những cái khác dù tôi trân trọng nhưng tôi biết nó sẽ không thuộc về mình, không ở cùng mình mãi mãi, sẽ nay có, mai không mà thôi.

- Có những bài phỏng vấn sâu sắc, khi làm quản lý báo chí hoặc trở thành người bị phỏng vấn, anh thường thấy phóng viên ta thiếu gì?

- Chúng ta có nhiều bài báo khá, nhiều nhà báo giỏi nhưng có người mạnh cái này không mạnh cái khác, đó là chuyện bình thường. Nhà báo Việt Nam đã cố gắng hết sức trong điều kiện cụ thể của xã hội.

- Có một lần phỏng vấn nhà thơ Trần Hoà Bình khi anh còn sống, sau khi phỏng vấn xong, Trần Hoà Bình dặn với theo: Nhớ đừng có đăng tuổi của tôi lên báo”. Còn anh, có sợ lộ rằng mình đã gần 50?

- Anh Bình là người thích được trẻ, đó là cách của anh ấy. Tôi không bao giờ giấu tuổi tác, tôi vừa qua tuổi 49 và bắt đầu cảm thấy thấm mệt vì cuộc sống. Có lẽ qua được giai đoạn này có thể tôi lại yêu đời nhưng đến bây giờ tôi thấy cuộc sống cũng không có gì bất ngờ và phải trông đợi nữa, cũng không còn cảm giác mạnh nào nữa.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang và con gái.

- Và dù đã từng ấy tuổi thì nhiều người cho rằng anh vẫn trẻ trung vì giữ được sự hồn nhiên hiếm có. Bí quyết của anh là gì, muốn hồn nhiên đâu có dễ trong khi bản thân anh là người nhiều trăn trở?

- Thật thà là cha quỷ quái, có khéo đến mấy nhưng cũng không giấu được con người thật của mình. Tôi có khả năng, có năng lực của một người thợ nên tôi tâm niệm  có thế nào hãy sống thế ấy. Cũng đừng bao giờ lo rơi vào ngõ cụt, cuộc đời không có ngõ cụt và khi một cánh cửa này đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra… Nghĩ được như thế tôi thấy nhẹ nhàng.

- Vâng, hồn nhiên được như thế nhưng vẫn không thể thôi trăn trở, còn ước mơ nào mà đến giờ anh vẫn chưa thể thực hiện?

- Đó là ước mơ được làm một tờ nhật báo. Một tờ báo mang tính cộng sản nhưng rất nhạy bén với thời cuộc. Tôi vẫn ấp ủ mơ ước này vì tôi nghĩ rằng mình có cách hình dung rất hay về nó.

- Câu hỏi cuối cùng: 2 từ để anh “tự thú” về mình?

- “Nghe trái tim mình duyên đã cai”, đến giờ này có lẽ hai từ thích hợp với tôi là: cai duyên.

- Cảm ơn anh và chúc anh luôn thành công!

Theo Phong Cách Việt
.
.
.