Nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân: Viết bằng máu nóng trái tim mình

Thứ Hai, 20/09/2010, 21:50
Sau 42 năm nhà thơ, liệt sĩ Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân) hy sinh, Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh đang xúc tiến các thủ tục đề nghị xét tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho anh và một số gương mặt nghệ sĩ, chiến sĩ đã hy sinh trong Tổng tấn công Mậu Thân năm 1968.

Cái tứ của hai câu thơ "Anh chẳng để lại gì cho anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ…" trong "Dáng đứng Việt Nam", một trong những tác phẩm để đời của Lê Anh Xuân và câu chuyện "thơ vận vào người" là hành trình bi tráng, oanh liệt của những văn nghệ sĩ "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".

"Hạt giống đỏ” miền Nam trên đất Bắc

Theo lời chỉ dẫn của giáo sư Ca Lê Thuần, anh trai của nhà thơ Lê Anh Xuân, chúng tôi tìm đến gia đình bà Ca Lê Hồng, chị gái và cũng là người đang giữ gìn các kỷ vật không lấy gì làm nhiều nhặn của nhà thơ lúc sinh thời. Tuy nhiên, cùng với vài tấm ảnh đen trắng đã cũ kỹ, chúng tôi may mắn gặp được bản sao những lá thư và cuốn nhật ký ghi chép lại những năm tháng Lê Anh Xuân vượt Trường Sơn trở về quê hương miền Nam, hòa mình vào cuộc sống gian khổ, ác liệt cùng đồng bào, đồng chí, chiến đấu bằng ngòi bút của mình cho đến ngày hy sinh.

Đạo diễn Ca Lê Hồng cho biết: Toàn bộ bản gốc đang được lưu giữ tại bảo tàng Bến Tre bởi từ lâu, cái tên Lê Anh Xuân đã không chỉ là niềm tự hào riêng của gia đình, dòng họ mà đã trở thành niềm tự hào chung của quê hương Bến Tre. Nhưng còn rất nhiều trang đời khác, đầy ắp yêu thương và cũng rất đỗi tự hào về ông vốn chỉ lưu giữ trong ký ức người thân đã được đạo diễn Ca Lê Hồng chia sẻ với chúng tôi được phần nào sau suốt một buổi chiều mưa dài trong ngôi nhà bình yên của gia đình bên con phố Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh.

Thực ra, Lê Anh Xuân là bút danh sau này, còn tên thật là Ca Lê Hiến. Sinh ra trong một gia đình trí thức nổi tiếng ở Bến Tre, lại là con áp út, cậu bé Hiến ngày ấy khá… mảnh dẻ, hiền lành và rất thông minh. Mặc dù có đến 6 anh chị em nhưng vì Ca Lê Hiến cách Ca Lê Hồng có 1 tuổi nên gắn bó đặc biệt với chị gái. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, cha mẹ thoát ly theo cách mạng, hai chị em cùng được gửi lên nhà bà con ở Đà Lạt, theo học ở trường dòng. Thiếu tình yêu thương của cha mẹ, hai chị em càng gắn bó. Tuy còn nhỏ nhưng thấy em học giỏi, Ca Lê Hồng rất tự hào, hay "khoe" em với bạn bè.

Năm 1950, hai chị em được cha mẹ đón vào vùng kháng chiến, thuộc Khu 9 Nam Bộ, được vào học tại Trường Trần Quốc Toản, trường dành cho con em cán bộ của Trung ương Cục miền Nam. Địch đánh phá ngày càng ác liệt, cả hai lại tiếp tục được đưa sâu vào U Minh. Cùng thích thơ văn, đàn hát nên việc tìm hiểu được gì, học được gì ở trường chị em đều mang về chia sẻ cho nhau trở thành những niềm vui nho nhỏ mỗi ngày.

12 tuổi, Ca Lê Hiến vào làm cho nhà in Trần Đình Trọng. Bài thơ đầu tiên của em được in trên báo tường. Ca Lê Hồng không còn nhớ nội dung nhưng ngày đó hai chị em rất vui. Năm 1954, gia đình tập kết ra Bắc chỉ còn người chị thứ 2, Ca Lê Du ở lại quê nhà hoạt động. Ca Lê Hồng vào đoàn văn công còn em trai về học tập trung tại trường dành cho con em miền Nam ở Hải Phòng.

Năm 1959, Ca Lê Hiến mới về học trường Nguyễn Trãi, Hà Nội, năm 1960 thì vào Trường Đại học Tổng hợp. Hai chị em không còn thường xuyên bên nhau như những năm thơ ấu nhưng Ca Lê Hồng vẫn đặc biệt yêu mến cậu em trai. Những thành tích học tập xuất sắc của Hiến cùng các giấy khen của nhà trường trong mỗi cấp học luôn được chị gái tự hào "khoe" với chúng bạn.

Đạo diễn Ca Lê Hồng cũng cho biết, dù sống xa vòng tay yêu thương của cha mẹ rất sớm nhưng Ca Lê Hiến được sự dìu dắt và chịu ảnh hưởng rất lớn từ gia đình, đặc biệt là người cha, ông Ca Văn Thỉnh. Làm gì, anh cũng hay chia sẻ và hỏi ý kiến cha. Còn nhớ, năm anh vào Đại học Tổng hợp,  thích Khoa Văn nhưng nhà trường lại xếp vào Khoa Sử nên rất buồn. Đem chuyện kể với cha, ông khuyên con nên chấp nhận vì Văn và Sử rất gần nhau. Ca Lê Hiến nghe lời cha học Khoa Sử. Vốn ham học hỏi, thông minh nên không có gì bất ngờ khi anh là một trong những sinh viên xuất sắc của trường. Cùng thời điểm này, Ca Lê Hiến cũng bắt đầu sáng tác nhiều hơn. Khi viết xong thường mang ra đọc hoặc gửi cho ba má và anh chị xem rồi góp ý.

Cũng như bao người con miền Nam xa quê khác, Ca Lê Hiến luôn đau đáu hướng về phương Nam, đặc biệt là quê hương Bến Tre yêu dấu. Thế nên, không có gì khó hiểu khi những sáng tác của anh luôn chở nặng những hoài niệm tuổi thơ với quê nội, bóng dừa… Năm 1961, "Nhớ mưa quê hương" ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp sáng tác của anh. Tác phẩm được giải Nhì cuộc thi thơ của tạp chí Văn Nghệ.

"Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ" - Đoạn kết bi tráng của nhà thơ anh hùng

Năm 1964, người cán bộ trẻ của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Ca Lê Hiến một mực xin trở về miền Nam chiến đấu, giải phóng quê hương. Đạo diễn Ca Lê Hồng kể rằng, mặc dù có lo lắng vì Ca Lê Hiến khá mảnh khảnh nhưng quyết định của người em trai được tất cả người thân ủng hộ. Ngày ấy, được trở về chiến đấu trên quê hương cũng là niềm mong ước của rất nhiều người con miền Nam. Tất nhiên, Ca Lê Hiến cũng không nằm ngoài số đó.

Trong lá thư tranh thủ viết cho anh chị vào vài giờ trước lúc khoác ba lô lên đường, Ca Lê Hiến chia sẻ rằng: "Em rất xúc động, "vừa thấy rạo rực, háo hức, vừa thấy bâng khuâng khi sắp xa anh em, xa những người thân yêu. Em biết rồi đây những khó khăn thử thách mới rồi sẽ đến, thậm chí có thể hy sinh nữa nhưng không vì thế mà làm giảm sút quyết tâm đi Nam…".

Sau này, trong suốt hành trình vượt Trường Sơn về Nam cho đến những tháng ngày được đắm mình giữa quê hương Bến Tre, giữa sự bao bọc của người họ hàng, làng xóm đều được ghi chép tỉ mỉ trong từng trang nhật ký, chuyển vào những lá thư đầy ắp yêu thương cho người thân ngoài Bắc và tất nhiên là không thể thiếu trong các tác phẩm của anh. Hàng loạt những "đứa con tinh thần" ăm ắp hơi thở cuộc sống và đầy sức chiến đấu thi nhau chào đời dưới bút danh Lê Anh Xuân cho đến ngày anh hy sinh (24/5/1968).

Lê Anh Xuân, chị gái Ca Lê Hồng và vợ chồng anh chị Ca Lê Dân.

Kể về anh giai đoạn ấy, nhà văn Từ Sơn nhận xét: "Hiến đã làm quen với kiểu sáng tác theo đơn đặt hàng của tổ chức ngay từ những ngày đầu nhận công tác: viết truyện anh hùng, viết trường ca Nguyễn Văn Trỗi, làm ca dao… Điều đáng nói là nhận công việc này Hiến rất hào hứng chứ không vì áp lực của cấp trên. Sáng tác, dù chỉ là một đoạn ca dao, một từ khúc cho điệu vọng cổ hoặc dân ca Nam Bộ để phục vụ công tác tuyên truyền, Hiến vẫn viết bằng trái tim đầy cảm xúc về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu chiến sĩ, đồng bào, tình yêu đối với Hà Nội và hậu phương lớn miền Bắc… Vì thế, những gì Hiến viết ra đều có sức truyền cảm lớn, đều thấm đượm ngọn lửa nhiệt tình cách mạng".

Thực tế, rất nhiều những sáng tác ấy không chỉ nhanh chóng đi vào đời sống, phục vụ tuyên truyền mà còn được giới chuyên môn đánh giá rất cao. Năm 2001, 3 tác phẩm: tập thơ "Tiếng gà gáy", "Hoa dừa" và trường ca Nguyễn Văn Trỗi đã giúp ông vinh dự được truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Riêng "Dáng đứng Việt Nam", bài thơ Lê Anh Xuân viết trước khi hy sinh không lâu trở thành tác phẩm "nằm lòng" của nhiều thế hệ.

Khẳng định những công lao đóng góp của nhà thơ, liệt sĩ Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân), cuối tháng 8, Hội Văn học TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông. Cũng đã có thêm rất nhiều tư liệu cũng như những sự đồng tình ủng hộ việc làm trên của Hội Nhà văn. Chưa kể, trước đó, với không ít văn nghệ sĩ, đó là điều hiển nhiên, là việc nên làm.

Một trong số những ý kiến tiêu biểu ấy là của nhà thơ Viễn Phương in trong tập thơ "Nhịp chày ba" của Lê Anh Xuân mà chúng tôi xin được trích ra thay cho lời kết bài viết này: "…Đâu phải Lê Anh Xuân không biết rằng đi chiến trường là vô cùng nguy hiểm, là có thể hy sinh. Nhưng Xuân cũng biết rất rõ rằng những bài thơ hay, những bông hoa đẹp không thể nở giữa căn nhà ấm áp thơm ngát phong lan của mình ở giữa khu rừng biên giới mà phải nở giữa những vùng xoáy của cuộc đời, nở giữa chiến trường khói lửa và có khi nở chính trong dòng máu rất nóng của trái tim mình…

Ngọc Nguyễn
.
.
.