Nhà thơ Vi Thuỳ Linh: Trong sáng tạo tôi điên cuồng và tận lực

Chủ Nhật, 03/04/2011, 16:10
“Tôi điên cuồng và dám hy sinh cho nghệ thuật”. Điên cuồng với thơ, Vi Thuỳ Linh ít tập trung đầu tư cho nhan sắc: Tôi có tóc bạc 5 năm nay, da xấu vì thức đêm triền miên, cơ thể không quá 46 cân với chiều cao 1m60. Si tình với nghệ thuật, tình yêu, không cho sự trả giá ấy là đắt, tôi chấp nhận dấn thân.

Vi Thuỳ Linh khiến người khác nảy sinh nhiều "định nghĩa" khác nhau. Luôn bận rộn, đi đâu cũng có 2 cái túi, trong lỉnh kỉnh đủ thứ: sổ, bút, tài liệu, những quà tặng xinh xắn: đồ làm bếp cho phụ nữ và thú bông cho trẻ con. Và dĩ nhiên, thứ quan trọng nhất lẫn trong những đồ lỉnh kỉnh ấy là tập thơ vừa mới in của chị. Vi Thuỳ Linh là một trong không nhiều nhà thơ sống được bằng nghề. Với giá không hề rẻ: 300 nghìn đồng/ tập, chị chủ trương bán sách nhằm thay đổi thói quen của nhiều người trong quan niệm, đối xử với các nhà thơ.

Đằng sau dáng dấp luôn hối hả, nói nhiều và nhanh, mất tới 17 chiếc điện thoại, là một tâm hồn yêu thơ và đam mê đến tận độ. Và tôi tin bất cứ ai đã lắng nghe và ngắm nhìn chị trên sân khấu trình diễn thơ, cũng sẽ bị cuốn hút đến… bất thường!

- Thưa nhà thơ Vi Thuỳ Linh, trước hết, xin được hỏi chị về chương trình "Tháng Tư - Link" tối 3/4 tại Nhà Văn hóa HSSV hồ Thiền Quang, Hà Nội. Lý do để chị bỏ tiền ra tổ chức đêm thơ với chương trình khá hoành tráng ấy?

- Tôi sinh 4/4. Vì vậy năm nay, vào 3/4,  tại 37 Trần Bình Trọng, tôi tặng khán giả đêm nghệ thuật được tạo dựng bởi lòng nhiệt thành của nhiều nghệ sĩ do tôi hội tụ và kêu gọi tài trợ: ĐD NSND Đào Trọng Khánh, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, HS Nguyễn Thị Hiền, ca sĩ Sao Mai, Minh Châu, nghệ sĩ violin Lê Tuấn Anh, piano Đoàn Vũ... do HS Lê Thiết Cương đạo diễn và thiết kế sân khấu với sự liên tài của rất nhiều người. Quà sinh nhật của tôi tối hôm đó là tấm lòng yêu thương, trân trọng tôi của những người thân, của khán thính giả.

Nhà thơ Vi Thuỳ Linh và NSND Đào Trọng Khánh tại nhà ông ở Hải Phòng, 26/3/2011. Ảnh: Lê Quân.

- Công chúng đã quen với các sự kiện thơ của Vi Thuỳ Linh. Có lẽ chị cũng là một trong số ít nhà thơ trẻ hiện nay còn lao tâm khổ tứ tự tìm đường đi cho thơ như vậy. Tuy nhiên, có người cho rằng, Vi Thuỳ Linh trông thế thôi, chị làm gì là có mục đích cả. Mà cái mục đích ấy cũng rất trong sáng: bán thơ và quảng bá thơ?

- Tất nhiên, điều ấy chính đáng. Trong đêm "Tháng Tư Link", tôi cũng sẽ bán sách và tặng chữ ký, với giá ưu đãi đặc biệt cho sinh viên. Phải tự hào nói rằng, tôi đang góp phần làm cho thơ ngày nay có giá, cả về mặt vật chất và tinh thần. Thực ra, từ cách đây hơn 10 năm, khi mà những tập thơ còn in bằng giấy vàng, tôi đã nỗ lực làm cho tập thơ của mình đẹp. Đến tập "Phim đôi - Tình tự chậm" thì thơ của Vi Thuỳ Linh ra mắt trong "bộ áo" lộng lẫy, sang trọng và tôi đã thấy, ai có được tập thơ này trên tay cũng vui, trầm trồ. Thơ được tôn vinh kịch bậc trong một giai phẩm đầy ấn tượng thị giác, bởi sáng tạo của 8 họa sĩ danh tiếng và các tên tuổi.

- Nhiều người vẫn có sự ngại ngần khi cầm thơ đi bán, họ có cảm tưởng "mất kiêu hãnh". Nó không giống như "vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa" của những tao nhân mặc khách?

- Đã là nghệ sĩ ai không muốn mình sang trọng? Trên sân khấu, tôi như thế. Tôi quan niệm, nhà thơ thì cũng phải sống, phải ăn, phải lao động bằng chất xám của mình và chẳng có lý do gì chất xám ấy không được trả xứng đáng. Tôi là một tác giả đơn độc tìm con đường xã hội hóa cho thơ ca. Tôi in 1000 cuốn "Phim đôi - Tình tự chậm" mất 200 triệu và thay vì việc đưa vào các hiệu sách chịu chiết khấu 40%, tôi tự giảm giá cho độc giả của mình, ai mua tận tay sẽ được bán với giá 200 nghìn đồng/ cuốn kèm chữ ký của tác giả. Bán sách trực tiếp khi có người hỏi, là cách tiết kiệm thời gian, đáp ứng nhu cầu độc giả về sự tiện lợi, kiểm soát chất lượng người đọc và phổ cập văn hóa một cách chủ động. Tôi không làm theo thói quen người khác.

- Chị đã mất nửa năm để dát vàng cho tập thơ của mình?

- Mất 1 năm  lo bản thảo và tổ chức  sản xuất "Phim đôi - Tình tự chậm" được làm không chỉ với tư cách là một tập thơ mà được thiết kế như một cuốn phim đen trắng, bởi đó là hai sắc độ cơ bản của các sắc màu. Đối với dân điện ảnh nhà nghề, làm phim và ảnh đen trắng khó hơn phim, ảnh màu. Phim ảnh màu có thể thể hiện cảm xúc qua màu sắc, phim đen trắng cần góc cạnh, ấn tượng qua sự tương phản. Màu đen trắng còn gợi tính hồi tưởng. Ở "bộ phim" này, tôi không thu hút nhiều nghệ sĩ nổi tiếng hợp tác với mình để tìm kiếm sự ăn khách, mà tôi muốn liên tài, tạo kỷ niệm đẹp giữa các nghệ sĩ với nhau. Có thể tự tin mà nói, ít ai làm được "thơ điện ảnh" như tôi.

- Với thơ ca, có vẻ Vi Thuỳ Linh luôn tự tin. Tuy nhiên, có ý cho rằng, việc chị kết hợp thơ ca và hội họa không chỉ để chứng tỏ mình là người liên tài, mà vì "thời" của Vi Thuỳ Linh đã sang một trang khác?

- Sao chị hay đặt câu hỏi phiếm chỉ thế? Sau hơn 15 năm thơ, thì những người yêu thơ đủ tinh tường để nhận ra, "Phim đôi - Tình tự chậm" là tập thơ hay nhất của Vi Thuỳ Linh. Vì đây là thời điểm mà tôi chín nhất. Một số nuối tiếc thời của "Khát", của "Linh", của "ViLi in love". Tôi không cần mượn danh ai để "đánh bóng" mình. Nên đặt câu hỏi ngược lại: Tại sao chỉ đến Vi Thùy Linh, sách và đêm thơ mới đẹp và hội tụ được nhiều tài danh thế? Những người hay châm chọc hãy thử mời các tên tuổi ấy đi. Ngạn ngữ có câu: "Hãy cho tôi biết bạn anh là ai, tôi sẽ cho anh biết anh là ai". Những phát biểu của các tên tuổi uy tín, mới đáng lưu tâm.

- Chị nói, không có thành quả nào không phải trả giá, vậy, thực ra, chị đã phải trả giá những gì trong suốt hơn 15 năm dành tình yêu cho thơ ca?

- Có chứ. Say nghề nên tôi ít tập trung đầu tư cho nhan sắc, dù biết rằng với phụ nữ, nhan sắc là quan trọng nhất. Tôi có tóc bạc 5 năm nay, da xấu vì thức đêm triền miên, cơ thể không quá 46 cân với chiều cao 1m60. Si tình với nghệ thuật, tình yêu, không cho sự trả giá ấy là đắt, tôi chấp nhận dấn thân.

- Tình yêu trong thơ Vi Thuỳ Linh thì ai cũng có thể cảm nhận được, còn Vi Thuỳ Linh với tư cách là người yêu bằng xương bằng thịt thì sẽ như thế nào, chị có thể vẽ đôi nét để chân dung Vi Thùy Linh trong tình yêu?

- Thủy chung và tận hiến. Tôi yêu không nhiều người, nhưng đã yêu là yêu trọn vẹn và không có kiểu "bắt cá hai tay". Khi chấm dứt với người này khá lâu sau tôi mới có thể bắt đầu cảm xúc mới. Trong tình yêu, tôi hướng về gia đình và những đứa con, đặc biệt là con trai. Tôi viết về con khi 20 tuổi, với hình dung rằng, tình yêu con là số 1. Tôi ngợi ca những đứa con của mình trong nhiều bài thơ và tôi biết, khi làm mẹ, tôi sẽ là một người mẹ tốt đẹp.

- Chị đã nhiều lần tuyên bố sẽ kết hôn, vậy mà đến nay, ở tuổi 31, Vi Thùy Linh vẫn đang độc thân. Nếu không quá tò mò thì xin hỏi chị, chị có dự định gần cho hôn nhân?

- Tôi không bao giờ "tuyên bố". Tôi không thích hỏi ai về đời tư và cũng không muốn nói về đời tư. Có trách nhiệm, luôn tập trung cao độ với các việc đặt ra, tôi không đủ sức để làm nhiều việc cùng một lúc. Chính vì khi làm một việc phải dành trọn vẹn thời gian, tâm sức cho nên, tôi sẽ phải làm xong việc này mới làm việc khác. Để làm "Phim đôi - Tình tự chậm", tôi mất gần 3 năm và 10 tháng liên tục lo cho các khâu sản xuất.

Riêng với hôn nhân thì sự chuẩn bị càng phải kỹ càng hơn. Tôi muốn sẽ là một cô dâu rạng ngời trong lễ cưới. Trong sáng tạo, tôi thích bạo động; còn trong cuộc sống, tôi thích đằm thắm, khát bình yên. Và khi yêu, tôi lãng mạn và đặc biệt, rất mê con. Tôi có thể nói về con hàng tiếng đồng hồ mà không thấy chán.

- Rõ ràng, chị đã làm thơ cho con từ lâu. Tưởng tượng, mà chị đã khiến cho người đọc cảm động, thêm yêu về những đứa bé. Cũng như nhiều người phải thừa nhận rằng, với thơ trẻ đương đại, Vi Thùy Linh đã và đang có vị trí trong ngót một thập kỷ nay. Nhưng, dân gian vẫn nói, người có tài thường hay lắm "tật" và chị không nằm ngoài những phán xét đó?

- Tôi điên cuồng và dám hy sinh cho nghệ thuật. Tôi rất thẳng tính và cương trực, dám "vạch trần" sự giả dối, lừa bịp; điều mà trong thời hiện nay, người ta ít làm vì sợ đụng chạm, sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Thời bây giờ, người ta hay "diễn" với nhau, thời gian dùng nhiều cho việc nói xấu nhau sau lưng. Tôi không thích bạn, tôi sẽ nói thẳng chứ tôi không xun xoe và khi đi rồi thì tôi chọc gậy bạn sau lưng. Tôi không mong, 100 người tôi gặp đều sẽ quý tôi. Tôi chỉ cần 10 người tinh tú, thế đã là nhiều. Khi chơi với Vi Thùy Linh, thì họ sẽ nhận được một tấm lòng chân tình, biết ghi nhận người khác và cộng hưởng.

- Chị đã là một cái tên được nhắc đến, được bàn luận với không ít lời khen chê. Chị có nói, đêm "Tháng Tư - Link" sẽ khép lại một chặng đường thi ca của Vi Thùy Linh để chị dành thời gian cho văn xuôi và gia đình. Nếu tự nhận xét về quãng thời gian đã qua ấy của mình, chị sẽ nói gì?

- Tôi cảm ơn những người đọc thực sự đã định danh tôi bằng lưu nhớ. Vẫn có một số không chịu đọc đàng hoàng nghiêm túc mà hay trích sai lệch thơ nhiều người, trong đó có thơ tôi. Tôi biết thừa họ làm gì có tập thơ nào trong tay, copy miệng qua người khác rồi "phán" chụp mũ, quy cho tôi viết thơ sex. Khi sáng tác, tôi quên phái tính của mình. Không viết bản năng, thơ tôi là sự hòa điệu của xúc cảm và trí tuệ của một người chịu đọc và biết dung nạp kiến thức để vận dụng vào sáng tạo, muốn đi đường dài. Sự sắp xếp đầy ngụ ý và cuồng lưu mạnh mẽ của ngôn từ đã cuốn cảm xúc người đọc.

"Tháng Tư - Link" là một đêm thay lời cảm ơn tới những người đồng hành cùng tôi chặng đường qua, cho tôi cảm giác mắc nợ và ân tình. Những người mà tôi luôn trân trọng, trìu mến và muốn có mãi: độc giả. Tôi tin họ không rời bỏ tôi, bởi tôi không thể bỏ nghệ thuật trong kiếp sống này.

- Xin cảm ơn và chúc đêm thơ của chị thành công!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.
.