Nhà thơ Vân Long: Vẫn song hành cùng lớp trẻ

Thứ Bảy, 18/06/2005, 07:44

Mười sáu tuổi anh đã có thơ đăng báo, một tờ báo ở vùng Hà Nội tạm chiếm (1950). Lúc đó giọng thơ anh “già” hơn tuổi, anh tự cười mình khi trích dẫn những câu thơ yếm thế thời ấy: “Đã một lần hơn tôi ước mong/ Địa cầu vụt nổ giữa hư không/ Cho tiêu những mối sầu nghìn kiếp/ Chuyện thế vơi đầy giây phút xong!”.

Sinh năm 1934 tại Hà Nội, do hoàn cảnh gia đình không thuận, anh phải tự lực kiếm sống từ tuổi còn đi học, những mặc cảm cuộc sống sớm đưa anh đến với thơ như để bù đắp cho những thiệt thòi không được cùng bạn bè trau dồi tiếp kiến thức trên ghế nhà trường.

Mười sáu tuổi anh đã có thơ đăng báo, một tờ báo ở vùng Hà Nội tạm chiếm (1950). Lúc đó giọng thơ anh “già” hơn tuổi, anh tự cười mình khi trích dẫn những câu thơ yếm thế thời ấy: “Đã một lần hơn tôi ước mong/ Địa cầu vụt nổ giữa hư không/ Cho tiêu những mối sầu nghìn kiếp/ Chuyện thế vơi đầy giây phút xong!”.

Đó là thứ thơ học giọng điệu của tiền nhân hàng thế kỷ cho nên “già”, chỉ khi nhà thơ tìm được giọng riêng của mình thì giọng thơ đó mới… trẻ! Vân Long nhắc lại nhận xét của nhà thơ đàn anh mà ông đã nhập tâm.

Quả nhiên sau đó, Vân Long đã thực sự có giọng thơ riêng của mình. Thơ anh không cầu kỳ, trang sức. Giản dị, chân mộc mà vẫn cách điệu. Năm 28 tuổi, anh được xuất bản tập thơ riêng đầu tiên “Tia nắng” (NXB Văn học, 1962). Thật thú vị biết bao như sau này đọc hồi ký của nữ sĩ Anh Thơ, anh mới biết: Bà đã phát hiện ra tập thơ này ở dạng bản thảo, ngay ngày đầu tiên bà nhận công việc biên tập ở nhà xuất bản, và đề nghị cho in.

Năm 1965, khi anh đang chơi đàn violon trong dàn nhạc Giao hưởng, thì nhạc sĩ Trần Hoàn lúc đó là Giám đốc Sở Văn hóa Hải Phòng, lên xin Bộ Văn hóa điều cho Hải Phòng mấy chục diễn viên để thành lập dàn nhạc Giao hưởng. Vân Long được điều động vào nhóm diễn viên đó. Bắt đầu là giai đoạn 10 năm xa Hà Nội, xa người vợ yêu thương mới cưới chưa tròn một tháng… Nhưng trong cái rủi có cái may, hoặc chính anh đã tự tạo ra cơ may đó. Mười năm chia sẻ cùng Hải Phòng những bom đạn, thủy lôi, bom nổ chậm giữa lòng phố đông dân, các dạng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ… thơ anh mang đẫm hơi thở cuộc sống và linh hồn vùng đất Cảng.

Trong đời thơ của mình, Vân Long từng giành được nhiều giải thưởng, như giải thưởng Văn học Công nhân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1975-1980), giải thưởng thơ Hội Văn nghệ Hà Nội (1986-1991). Giải thưởng thơ của ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (2000), giải thưởng Chân dung Văn học Hội Nhà văn Hà Nội (2002)… ấn tượng về anh với người đọc không chỉ ở những giải thưởng này mà còn bởi hơn nửa thế kỷ qua, thơ anh không cũ đi trong khi nhiều người thuộc thế hệ anh đã bị rớt lại phía sau, hoặc vẫn có thơ in nhưng lớp trẻ nhận ra ngay họ ở một thời đã qua, chưa bắt kịp những chuyển động thơ hôm nay.

Vân Long tâm sự: “Năm 1986, mới có khái niệm đổi mới trong văn học, nhưng muốn tồn tại mình phải tự đổi mới đến 4, 5 lần qua các giai đoạn”. Quả vậy! Bước qua một giai đoạn lịch sử như phải bước qua một rào cản. Là người làm thơ 5 năm trong vùng tạm chiếm, dẫu chỉ là thứ thơ bản năng thời học sinh, nhưng khi Hà Nội giải phóng, anh đã phải gắng cắt cái đuôi “tiểu tư sản” sáo mòn để hòa nhập với thơ cách mạng, xây dựng xã hội chủ nghĩa trong 9 năm hòa bình lập lại ở miền Bắc.

Bước sang thời kỳ chống Mỹ, thơ cần khỏe khoắn hơn, hiện thực hơn, đã làm rơi rụng một số nhà thơ chỉ quen đề tài trong hòa bình. Khi hòa bình lập lại lần thứ hai, sau năm 1975, cuộc sống đời thường lại cần ở nhà thơ những cảm xúc đa dạng, tế nhị hơn. Sau Đổi Mới, thơ cần đi sâu vào tâm trạng, tâm linh con người, lại có những đòi hỏi mới… Đó không chỉ là thay đổi đề tài, mà kèm theo nó, là cách thể hiện phải luôn mới mẻ, phù hợp với tâm thế độc giả thời hiện đại.

Mấy năm gần đây, thơ Vân Long xuất hiện ít đi, thay vào đó là những bài bình thơ, gói ghém sự trải nghiệm thơ cả đời của anh. Nhưng mỗi khi anh in thơ, một năm chỉ một hai chùm hoặc những bài lẻ, người đọc vẫn thấy đó là những bài thơ trẻ ở cả cách thể hiện và cách nghĩ suy. Anh chưa bị tiến trình thơ “qua mặt”.

Vân Long tâm sự: “Thời gian đầu, tôi luôn quan tâm đến tứ thơ, đến cấu trúc bài, thơ dễ thành bài, thành khối, tư tưởng chủ đề rõ…

Nhưng ở dạng thơ đó, câu hay lại hiếm. Sau tôi mới ngộ ra: Chính câu thơ mới là quan trọng, câu thơ mới chứa đựng ngôn ngữ riêng của nhà thơ. Bởi cách tu từ đã chứa đựng cả sự run rẩy của cảm xúc, cả nhịp điệu lẫn tạo hình”. Có nhiều bài thơ của anh gần đây được khởi xướng từ một câu ngẫu hứng. Anh vừa đi Tây Nguyên về, cho tôi xem chùm thơ mới nhất, trong đó có bài “Gặp cao nguyên”:

Với nụ cười trắng lóa hoa cà phê

Hương òa tức ngực

Cao nguyên chiếm tôi trong khoảnh khắc

Một đời uống cà phê đen

Ta uống cả hồn hoa trắng

Từ câu ngẫu hứng “Một đời uống cà phê đen/ Ta uống cả hồn hoa trắng” anh mới làm ra bài thơ.

Tôi càng hiểu vì sao, trong tập sách “Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam” do Nguyễn Vũ Tiềm tuyển chọn (NXB Văn học, 2000) có tới 27 cụm câu thơ hay của Vân Long được trích dẫn, trong khi có những nhà thơ nổi tiếng hơn lại được chọn ít hơn..
Nhật Hoa
.
.
.