Nhà thơ Trần Hòa Bình: Lá mùa thu đã rơi…

Chủ Nhật, 24/08/2008, 17:30
Tôi chưa kịp giở tờ lịch, xem ngày lập thu nó đã được đánh mốc vào thứ nào trong tuần của tháng 8 này, chưa kịp trọn vẹn nhìn mưa ngâu tháng 7 cho Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau trên cầu Ô Thước… thì đã mải mốt lột tờ lịch tường rồi vĩnh viễn ghim nó vào một góc những kỷ vật không bao giờ được phép quên, ngày 16/8/2008, "thêm một" chiếc lá "Trần Hòa Bình" hòa vào trời đất…

Lũ học viên Khoa Báo chí của Trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Phân viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), những đứa máu mê nghề báo, có cái máu phiêu lưu giang hồ, thích lọ mọ rừng núi… đều có một cái duyên tình cờ, ấy là đều được may mắn biết và "kết bạn" cùng với Trần Hòa Bình, người thầy mẫu mực, người anh đáng kính, người đồng nghiệp tài hoa và rất đỗi lãng mạn… Không ai cắt được cái duyên cớ ấy, nhưng rồi, thời gian và năm tháng, những khoảng cách của sự ngăn cách của mối quan hệ thầy trò, nó dường như chỉ còn là tượng trưng, chỉ còn là một bức tường vô hình mỏng mảnh…

Mấy chục năm ròng rã, bao nhiêu thế hệ sinh viên vào trường, ra trường, có người trở thành ông nọ bà kia, có người cùi cụi với nghề báo nhọc nhằn, nhiều đam mê nhưng cũng đầy tủi cực… thì thầy vẫn thế: quần bò, áo phông, mái tóc bồng bềnh, cặp kính tròn xoe đầy lãng tử. Thi sỹ Trần Hòa Bình, nhà báo Trần Hòa Bình, nhà giáo Trần Hòa Bình… chung thủy với chiếc ba lô to kềnh trên chiếc lưng gấu to bè của ông, nhẫn nại những bước đi dài, chắc nịch. Trong chiếc ba lô ấy, có đủ tất cả mọi thứ vật dụng cá nhân thiết yếu…

Nó là hiện thân của sự cẩn thận và kỹ tính. Nhưng, nó cũng là hiện thân của một cuộc sống cô đơn dạy cho thầy một điều: tự lo cho mình tất cả, khi ngày nào cũng là một chuyến đi, những chuyến đi không định trước, những chuyến đi cho ông niềm yêu sống, cho ông cảm hứng để tồn tại giữa cuộc đời này.

Người ta thường nhắc đến Trần Hòa Bình gắn với bài thơ "Thêm một" như một chiếc đinh ghim mãi mãi trong ký ức của bất kỳ cô cậu học trò nào khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường, khi trái tim bắt đầu rung động với những cảm xúc yêu đương; người ta hay nhắc đến Tầm Thư chuyên đi gom nỗi buồn thiên hạ, sưởi ấm cho những cuộc tình nguội lạnh, mà không sưởi ấm được cho chính trái tim cô độc của mình.

Thuở niên thiếu, cậu học trò xứ Đoài Trần Hòa Bình đã trở nên quen thuộc với những cuộc thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Rời ghế nhà trường, anh khiến cả hội đồng thi tuyển sinh đại học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 sửng sốt và bất ngờ, khi "liều lĩnh" góp ý vào những điều chưa hợp lý của đề thi văn. Bài văn của anh được 10 điểm tuyệt đối, và thêm 1 điểm thưởng cho sự thẳng thắn và dũng cảm của anh. Hai môn còn lại, Sử và Địa, mỗi môn 9 điểm. Trần Hòa Bình trở thành thủ khoa của khối C với 29 điểm. "Kỷ lục" ấy, có lẽ, cho đến tận bây giờ, vẫn chưa có cô, cậu học trò nào vượt qua được anh, dẫu cho những cô cậu ấy thời nay được ăn sung, mặc sướng, không đói khổ như thế hệ anh về trước.

Ra trường, anh ở lại làm giảng viên Văn khoa. Rồi, như là có duyên nợ với nghề báo, anh được mời sang giảng dạy tại khoa Báo của trường Tuyên giáo Trung ương, bắt đầu truyền lửa cho bao thế hệ học trò. Những sinh viên được anh lên lớp, đều không thể quên phong cách dạy học ngẫu hứng mà đầy tài hoa, như tính cách và con người của Trần Hòa Bình: rất hiếm khi Trần Hòa Bình ngồi yên trên chiếc ghế dành cho giảng viên được kê trên bục giảng, dù chỉ là 5 phút. Anh đi lại vòng quanh lớp, phá vỡ cái không khí trang nghiêm của khoảng cách thầy trò. Một chiếc bàn nhỏ dành cho sinh viên ngồi, anh yêu cầu hai sinh viên nhích nó lên một chút, và anh ngồi trên chiếc bàn đó, rất gần với sinh viên, hòa lẫn với sinh viên…

Bài giảng của anh cũng không bao giờ tuân theo một barem khuôn mẫu cứng nhắc; anh giải đáp tất cả những thắc mắc của sinh viên về nghề báo, dạy cho sinh viên những bài học tác nghiệp, cái mà họ cần hơn bao giờ hết khi ra trường, khi dấn thân vào nghề, cái mà anh hay gọi tên, rằng, người thầy giáo (giảng viên báo chí) hơn bao giờ hết, phải dạy cho sinh viên những "ngón nghề"…

Trong lúc giảng bài, anh hút nhiều thuốc, hút liên tục… Điều ấy dễ hiểu, bởi nó không chỉ là thói quen của những văn sỹ, nó còn là thói quen do hoàn cảnh tạo nên, khi sau những ngày làm việc mệt mỏi, trở về căn nhà nhỏ xíu trong khu tập thể trường báo, không có một nụ cười, một bàn tay chăm sóc đợi anh nơi bậu cửa…

Cuộc hôn nhân tan vỡ đã khiến Trần Hòa Bình thành người cô độc, trong khi anh không phải là một người dễ dàng đóng cửa trái tim, trái lại, anh luôn mở rộng nó… Những buồn tủi, hẳn nhiên sẽ không ai biết, nó dài như thế nào trong suốt quãng thời gian dằng dặc, từ lúc con gái anh còn bé tý, đến khi nó vụt lớn lên, trở thành một thiếu nữ tự bao giờ. Anh hay đùa với lũ học trò của anh, rằng anh vẫn chưa có con, vẫn còn độc thân trên cõi đời này. Anh bảo với chúng rằng, đấy là em gái của anh, chứ không phải là con gái anh.

Cô con gái vừa là con, vừa là người bạn chia sẻ với anh mấy chục năm dài buồn. Trần Hà Trang, thường gọi bố là Trần, với tất cả tình yêu thương, và cả sự đồng cảm, chia sẻ. Có lẽ, nếu không có cô con gái bé nhỏ, căn phòng nhỏ xíu trong khu tập thể giảng viên trường báo, sẽ chẳng bao giờ có hơi người…

Như là một hệ quả tất yếu của sự cô đơn, cùng với tính nghệ sỹ ngẫu hứng, Trần Hòa Bình có mối kết giao rộng lớn. Bạn bè của anh có mặt trên khắp mọi vùng miền. Đấy là những đồng nghiệp, những thi sỹ, văn sỹ, những nhà báo - đủ các thế hệ - và đều là học trò của anh. Trần Hòa Bình đứng giữa những dây nhợ liên quan móc xích chằng chịt ấy, như là một người nhạc trưởng…

Những ngày đầu thu tháng Tám này, những gương mặt buồn thảng thốt, và ngỡ ngàng, vì họ vẫn không tin đó là sự thực, dẫu cho đã tận mắt nhìn dòng chữ vội vàng của nhân viên y tế trên bảng tên của buồng máy lạnh, ba chữ Trần Hòa Bình. Sau bức ngăn lạnh lẽo, Trần Hòa Bình đang nằm, lặng lẽ, cho một cuộc rong chơi dài mãi. Tất cả những sân si, tất cả những buồn phiền, Trần Hòa Bình đã đoạn tuyệt được nó, đã hoàn thành những công việc khổng lồ, mà trong khoảng sống của anh, ai cũng phải hãi hùng, vì sức lao động của anh ghê gớm quá!--PageBreak--

Trần Hòa Bình rất mê đắm đất và người miền núi, rất hào hứng với những chuyến đi. Anh luôn tranh thủ, tranh thủ đến mức cạn kiệt trong những chuyến đi ngược ngàn. Có phải, sự tinh tế của một trái tim nhạy cảm, đã mách bảo với anh rằng, anh không có nhiều thời gian trên cõi đời này, nên phải sống bằng trọn vẹn để có thể cảm nhận hết thảy những gì của cuộc sống này.

Nhà thơ tài hoa, người thầy mẫu mực, nhà báo có uy tín Trần Hòa Bình, Phó Tổng biên tập của một tạp chí trong nhiều năm, người phụ trách chuyên mục cho nhiều tờ báo… Có thể, nhiều người sẽ không tin được rằng, chẳng có lý do gì để một con người như thế lại có một cuộc sống không sang giàu…

Bài thơ cuối cùng của nhà thơ Trần Hòa Bình gửi tới biên tập viên Báo CAND - Chuyên đề ANTG

Khau Vai

Có những con đường không thể tới thành Rome nhưng Khau Vai thì tới...

(T.H.B)

Một người đi tìm một người
bao nhiêu người đi tìm bao nhiêu người?
Khau Vai buồn như đá
nước mắt người già mài trên má
đâu rồi thời rung reng vòng bạc lắc đồng?

Em kìa, những cây sa mộc lặng lẽ trong thung
chúng đang nghĩ gì?
em đang nghĩ gì?

Nếu một mai mình không lấy được nhau
em có đi tìm anh
qua điệp trùng đá sắc
những Khau Vai bầm dập dấu chân người?
Trời ơi Khau Vai
Khau Vai nhìn qua nước mắt
bao bong bóng về trời
thương buồn gửi lại...

Những cuộc tình vụng dại
những cuộc tình khôn ngoan
đã sống và đã chết ở nơi này
không khôn ngoan không vụng dại
chỉ lặng chìm như đá
chỉ bời bời như mây

Chúng ta sa mộc chiều nay
em hai mươi thoắt thành ngàn tuổi
em có anh xa xót thế này sao?

Quỳ trước núi mà tin thôi em ạ
ai trong đời chẳng có một Khau Vai
nhọn sắc đá tai mèo
cứa vào thương nhớ
Hãy nhìn nhau nhìn nhau trước gió
em sẽ thấy một Khau Vai trong số phận chúng mình.

Khau Vai 2007 - Lục Nam 2008.

Nhưng, người ta sẽ phải bàng hoàng vì ngôi nhà C14 trong khu tập thể trường báo ngày càng nhỏ xíu và cũ kỹ đi như thế. Xung quanh, các đồng nghiệp của anh, hàng xóm lối phố đều đã xây nhà khang trang cả… Hỏi Trần Hòa Bình chừng nào xây nhà mới, anh chỉ cười: năm nay chưa được tuổi! Sang năm khác, anh bảo: cuối năm, sẽ xây nhà và lấy vợ… Bạn bè, chiến hữu thân quen với anh, đều hiểu, Trần Hòa Bình làm gì có nhiều tiền để một lúc có thể bỏ ra vài trăm triệu cho việc tày đình là xây nhà ấy…

Mùa mưa năm 2007. Nửa đêm, nhận được tin nhắn của Trần Hòa Bình - thầy tôi: "Mai chú đi làm sớm một tý, tranh thủ tạt qua nhà phụ thầy một tay…". Sáng sớm, ghé qua nhà thầy. Mở cánh cửa gỗ đã gần ọp ẹp, cả căn phòng của thầy là một "chiếc ao": chiếc phản gỗ nổi lềnh bềnh, giày dép cũng nổi nênh mỗi góc nhà một chiếc. Thầy tôi bận chiếc quần cộc, cởi trần đang ngồi thu lu trên chiếc giường duy nhất còn ráo nước, thở. "Cả đêm qua không được ngủ chú ạ. Nước ngập hết cả…".

Mấy chiếc xô nhựa, gáo nhựa chổng kềnh, ngả nghiêng trên sàn nhà. Cả đêm qua, Trần Hòa Bình cùi cụi ngồi tát nước. Đường xóm cao hơn cái nền nhà của thầy tôi một bậc. Đường ống cống sau nhà bị sập từ lâu vì một công trình 11 tầng đang xây dựng. Thế là nhà thầy thành một cái bể chứa. Tát nước từ chỗ trũng lên chỗ cao, như đánh bùn sang ao? Nhưng chả lẽ cứ cam lòng ngồi nhìn nước ngập mà không chống? Nhìn thầy tái ngắt vì dầm nước mưa lâu, tôi vội ngoảnh mặt để tránh giọt nước mắt chực trào ra.

Mỗi mùa mưa đến, lại giật mình thảng thốt, khi một đêm mùa hạ oi nồng, mây đen vần vũ trên trời xám xịt… Biết đâu, lại một đêm nữa thầy tôi chong chong thức trắng?

Bây giờ, thì thầy đã thảnh thơi thật rồi. Bây giờ, chẳng có gì có thể khiến thầy bận lòng được nữa. Sự kết thúc của chặng đường này, là khởi đầu của một chặng đường mới. Trần Hòa Bình sẽ lại bắt đầu một sự khởi đầu. Sự khởi đầu ấy, thầy tôi sẽ không còn cô độc, không còn mở lòng mà đón nhận tất cả những buồn tủi của cuộc đời về phía mình nữa, sẽ chỉ là những thảnh thơi và nhẹ lòng, để người thơ tung tẩy với ngẫu hứng đam mê… Người ta bảo, linh hồn sẽ không bao giờ mất, sẽ được tái sinh, vào một cuộc tuần hoàn mới…

Dẫu là an ủi, thì tôi cũng sẽ tin, điều ấy đúng, để lòng mình chùng lại, để nước mắt chảy vào trong, khi nhìn thầy tôi phải cam lòng nằm trong ngăn lạnh mấy ngày trời…

Đôi chân ấy, rất khó dừng lại cố định ở một nơi nhất định. Nó luôn ấp ủ khát vọng, luôn ẩn giấu những chuyến đi tiềm tàng, như một chiếc lá, không bao giờ cam lòng trên một cành cây. Chiếc lá ấy, để được đi trong trời đất, nó sẵn sàng chấp nhận lìa cành, dẫu cho chưa đủ tuổi vàng lá, rụng cuống, thì nó sẽ tự hóa cho mình…

Kiên Trung
.
.
.