Nhà thơ Trần Hòa Bình: Đi hết một chặng đường

Thứ Hai, 18/08/2008, 08:52
Trần Hòa Bình sợ thời gian. Càng ngày, nỗi sợ đó càng được nhân lên và Trần Hòa Bình tìm cách tránh né nó bằng những cuộc vui nâng chén với những người bạn tri kỷ rải rác khắp mọi miền đất nước. Nhưng nỗi sợ của anh đã thành sự thực. Nó đã rón rén đến một cách bất ngờ khiến không ai kịp trở tay...

Sáng chủ nhật, như thường lệ, tôi lên mạng để check mail và tin nhắn. Tôi nhìn thấy những dòng đầu tiên của entry blog Huy Bom (nhà báo Huy Minh, Báo Thể thao & Văn hóa) hiện lên trong homepage. Chỉ thoáng thấy chữ Trần Hòa Bình và Xuất huyết não, tôi đã giật mình.

Vẫn biết kết quả của một vụ xuất huyết não là thế nào, song lúc đó tôi không hề mảy may nghĩ đến tin dữ, tôi chỉ cho rằng Trần Hòa Bình phải đi cấp cứu. Tôi click vào blog của Huy Bom để xem chi tiết, chắc thể nào chủ blog cũng ghi rõ anh đang nằm bệnh viện nào thì tôi sẽ đến thăm. Mạng chạy khá chậm, song vẫn hiện lên entry mới của Huy Bom, tôi đọc lướt và thực sự kinh ngạc.

Vô cùng kinh ngạc.

Tôi đọc lại lần nữa, đọc câu cuối cùng của chủ blog, người từng là học trò cũ của thầy Trần Hòa Bình, "…Và phải viết một bản tin cuối về thầy nữa. Vừa viết vừa khóc".

Cùng lúc đó, từ chiếc điện thoại mới bật của tôi, hàng loạt tin nhắn hiện ra. Đó là những tin nhắn không như những tin nhắn bình thường của những ngày bình thường khác.

Nhà thơ Trần Hòa Bình tuổi Bính Thân (1956), quê Xứ Đoài, thị trấn Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội, ra đi vào đêm 16 rạng ngày 17/8/2008, hưởng dương 53 tuổi. Lễ viếng nhà thơ Trần Hòa Bình bắt đầu từ 7-10h thứ ba, ngày 19/8/2008 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Việt - Đức, Hà Nội. An táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển.

Trần Hòa Bình mất xa nhà. Theo đúng thói quen của anh, cứ thứ bảy là xách chiếc ba lô bạc màu to lù xù, đội mũ lưỡi trai, áo pull, quần jean cũng bạc màu, xỏ chân vào đôi giày thể thao và lên đường. Trần Hòa Bình độc thân, con gái đã lớn, anh thường nói rằng cứ cuối tuần là phải tránh xa khỏi Hà Nội.

Ngày thường công việc nhiều, khách ra khách vào tấp nập, nên lúc nào mặt anh cũng vui phơi phới, nhưng ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ Tết, thời khắc mà người đời mong đợi nhất để mong được nghỉ ngơi, quần tụ cùng gia đình thì anh lại lấy đó làm điều sợ hãi.

Anh nói rằng anh sợ phải đối diện với nỗi cô đơn. Vì thế ngày nghỉ, anh thường lang thang đến các thành phố khác. Ở đâu Trần Hòa Bình cũng có bạn, những người bạn sẵn sàng đón rước anh linh đình.

Trần Hòa Bình xuất hiện trên vài chục tờ báo, luôn luôn với những bức chân dung mang vẻ phong trần (anh thích thế) và luôn luôn kêu ca rằng tôi cô đơn lắm, rằng "anh nào chưa nếm trải nỗi cô đơn tận cùng thì sẽ thấy đời rất nhạt". Và các báo thường có một lời bình luận giống nhau về một Tầm Thư độc thân (Trần Hòa Bình giữ chuyên mục Tầm Thư trên Báo Tiền phong).

Tuy nhiên, khi gặp anh, người ta dường như không tin vào điều đó. Trần Hòa Bình lúc nào cũng vui vẻ (ngoài mặt). Khuôn mặt anh không bao giờ thiếu vắng một nụ cười, với bất kể ai. Và tôi đồ rằng, ngay cả một giây trước khi bước vào cõi vĩnh hằng, người ta cũng không thể nhìn thấy Trần Hòa Bình với một "khuôn mặt buồn", hay một "khuôn mặt cô đơn".

Tôi hiếm gặp một người như Trần Hòa Bình. Vì khi gặp bất kỳ ai biết anh, tôi đều thấy họ bày tỏ một lòng quý mến. Khó người nào có thể ghét anh cho được. Có lần tôi đến tòa soạn của anh và cùng lúc có vài người vào nói chuyện.

Ngay khi người đó ra khỏi phòng, tôi buột hỏi Trần Hòa Bình: "Có một điều này em định hỏi anh từ lâu nhưng nhân tiện đây mới nhớ ra. Làm thế nào mà anh có thể kiên nhẫn tiếp chuyện được với những người tẻ nhạt như thế? Kiên nhẫn lắng nghe? Kiên nhẫn cười?". Trần Hòa Bình cười: "Ừ, cũng có nhiều người hỏi anh thế đấy", song không nói gì thêm.

Tôi biết Trần Hòa Bình rất bận, anh làm giảng viên bên Phân viện Báo chí - Tuyên truyền, rồi phụ trách một tờ báo, rồi cộng tác việc này việc nọ với nhiều đơn vị khác. Nhưng ngay cả nếu không có những công việc này thì anh đã cũng vô cùng bận rộn với rất nhiều mối quan hệ: bạn bè, rồi đồng nghiệp, những người rất thú vị khi thù tiếp.

Tuy nhiên, không phải chỉ một lần tôi chứng kiến Trần Hòa Bình kiên nhẫn lắng nghe những người mà tôi biết anh cũng chẳng thấy thú vị gì khi phải tiếp đón, trình bày đủ thứ chuyện vớ vẩn trên đời. Anh trả lời những câu hỏi của họ, hoặc bình luận những điều họ vừa kể, để rồi người đó hoàn toàn thỏa mãn sau khi được nói chuyện với anh.

Anh không có nhiệm vụ phải lắng nghe người khác nói, song vẫn cứ lắng nghe. Liệu có phải đó là thói quen của một người làm công việc Tầm Thư hay vì có khả năng lắng nghe mà anh mới trở thành Tầm Thư.

Trần Hòa Bình tính cả nể, rất khó từ chối lời thỉnh cầu của người khác và vì thế, những người được anh giúp đỡ việc này việc nọ không phải là ít. Hễ cứ giúp được ai là giúp nhiệt tình, để rồi sau đó không bao giờ nhắc lại việc đó nữa.

Trong tất cả những lần ngồi nói chuyện với Trần Hòa Bình, tôi chưa thấy anh nhận xét xấu về ai bao giờ. Dường như đối với anh, người đời đều là tốt đẹp cả. Mà có lẽ cũng đúng thế thật, đứng trước anh, người ta khó mà có thể cư xử không đẹp.

Tôi biết Trần Hòa Bình từ năm 2000, song mãi một năm sau đó mới biết anh là nhà thơ, và cũng phải một năm sau mới biết anh là tác giả của bài thơ "Thêm một". Vốn tế nhị, biết tôi không thích thơ, Trần Hòa Bình chưa nhắc đến chủ đề thơ trước mặt tôi bao giờ. Cũng không bao giờ tặng thơ, không bao giờ đọc thơ, không bao giờ khoe về một bài thơ mới.

Mãi đến hồi năm ngoái, tôi nói rằng tôi vừa nhìn thấy một bài thơ của anh nằm trong tuyển tập thơ tình nhiều thế kỷ ở kho sách lưu, trong đó in cả thơ của Nguyễn Trãi và Lý Thường Kiệt. Anh nói cái "phát hiện" của tôi rõ là "chán phèo".

Tôi mới thú thật là đã được đọc tập thơ hoàn chỉnh nào của anh đâu, tình cờ vớ được bài nào thì đọc thôi. Anh mới rút từ trong tủ sách ra một tập thơ và phỏng vấn in cách đó một hai năm rồi thì phải, rồi loay hoay đề tặng.

Tuy nhiên, tôi cũng từng chứng kiến ngay cả khi đứng trong những đám đông "không ghét thơ", anh cũng chẳng nhắc đến chuyện thi ca bao giờ, thi ca của mình lại càng không.

Song những bài thơ của anh tuyệt đẹp. Lời thơ dịu dàng như giọng nói thì thầm đầy tha thiết "Mùa thu bay ngang trời/ Khe khẽ trắng/ Như dải ruy băng thời thiếu nữ/ Ta từng mơ trên mái tóc em… Gọi em trong gió/ Buồn hơn sông dài/ Sớm nay một mình ra ngõ/ Chạm những gương mặt người xa lạ hơn em".

Trần Hòa Bình sợ thời gian. Càng ngày, nỗi sợ đó càng được nhân lên và Trần Hòa Bình tìm cách tránh né nó bằng những cuộc vui nâng chén với những người bạn tri kỷ rải rác khắp mọi miền đất nước. Nhưng nỗi sợ của anh đã thành sự thực. Nó đã rón rén đến một cách bất ngờ khiến không ai kịp trở tay.

Nhưng tôi chắc rằng, vào thời khắc cuối cùng trên cõi trần gian đầy cô độc này, linh hồn anh không cô đơn. Xung quanh anh có đầy đủ những người bạn yêu mến anh cũng như anh hằng yêu mến họ.

Tôi luôn hứa rằng sẽ viết một bài về anh, một bài khác hàng trăm chân dung khác về Trần Hòa Bình. Anh cũng nói rằng anh luôn chờ đợi bài báo đó. Nhưng vì cơn lốc thời gian, cũng là thời gian, đã cuốn tôi vào trăm nghìn công việc lớn nhỏ mà tôi luôn thất hẹn với anh. Khi tôi viết bài này, Trần Hòa Bình đã không còn đọc được nữa rồi.

Nhưng,

Anh đã làm được một điều mà bất kỳ người nào đang dạo bước trên quãng đường đời đều mong muốn: Người đời vẫn luôn nhớ về anh ngay cả khi anh đã về với tro bụi.

Và,

Anh đã đi hết một chặng dài cô độc nhưng ở tận nơi cuối đường, bạn bè vẫn luôn mỉm cười với anh

Di Li

.
.
.