Nhà thơ Pờ Sảo Mìn: Khẳng khiu trên núi đá Mường Khương

Chủ Nhật, 06/06/2010, 11:15
Lão là người con của núi, bám rễ sâu vào đất Mường Khương, nhưng tâm tưởng lão từ lâu đã vượt ra khỏi vùng đất ấy, mà thỏa sức bay lượn theo niềm đam mê riêng. Như lão từng bộc bạch: Con trai người Pa Dí/ Không hận thù ghét bỏ với ai/ Đi chín phương là chín phương bè bạn/ Đến mười phương là mười miền thương nhớ.

Biết nhau đã mấy chục năm, không nhớ ngồi với nhau biết bao nhiêu lần, lại còn định làm tặng lão bài thơ mà vẫn chưa viết được. Ở cách nhau mấy trăm cây số, có ốm đau gì đâu mà hầu như tuần nào lão cũng reo réo gọi điện xuống hỏi thăm sức khỏe. Giữa tháng năm vừa rồi, lão lại gọi xuống khoe toáng lên là mới được làm ông nội. Cứ nghe giọng nói đủ thấy lão vui và xúc động nhường nào.

Đàn ông người Pa Dí như lão gần 70 tuổi mới được làm ông, thì cũng là chuyện lạ đấy. Bởi theo phong tục người dân tộc của lão, tuổi ấy đã có chắt chít từ lâu rồi. Thế mà lão cứ hồn nhiên như không, với cái triết lý luôn ở cửa miệng: "Kệ nó, khắc đi, khắc đến".

Lão là Pờ Sảo Mìn. Nhà thơ Pờ Sảo Mìn. Tò mò trong lý lịch trích ngang, có chi tiết Pờ Sảo Mìn ghi: Từ nhỏ đi ở cho nhà giàu, chăn ngựa cho Ủy ban huyện… Tôi hỏi lão ngày xưa Ủy ban huyện cũng mở trại nuôi ngựa à? Lão giải thích, ngày đó làm gì có ôtô, cán bộ đi lại bằng cưỡi ngựa. Lão ví von: mình chăn ngựa thì cũng như anh lái xe bây giờ ấy chứ.

Có thể nói, cuộc đời của Pờ Sảo Mìn là những năm tháng lận đận, quyết chí vươn lên không ngừng và niềm đam mê văn chương trong con người lão cuối cùng đã thắng thế tất cả. Năm 1963 - 1964, sau khi tốt nghiệp bổ túc công nông tỉnh Lào Cai, Pờ Sảo Mìn sang Tiệp Khắc (cũ) học Đại học Cơ khí chế tạo máy, chuyên ngành các loại động cơ đốt trong gồm cả động cơ xe máy, ôtô, tàu thủy.

7 năm trời vừa học, vừa thực tập, với vốn kiến thức ấy đủ để lão phát huy trên con đường khoa học kỹ thuật đang còn rất mới mẻ lúc bấy giờ. Nhưng không, lão xem quãng thời gian du học ấy chỉ như cuộc du ngoạn và vốn kiến thức về kỹ thuật ấy chỉ để biết. Năm 1972, lão về nước, thì năm 1973, lão rẽ ngang, xin vào học lớp viết văn trẻ khóa 6 ở Quảng Bá - Hà Nội. Quên khuấy mọi chuyện cũ. Từ đó nghiệp văn đeo đuổi lão, những tứ thơ, câu thơ cứ ám ảnh theo lão đến tận bây giờ.

Sau mấy chục năm cầm bút, đến nay, Pờ Sảo Mìn đã cho ra mắt 7 tập thơ, gồm: Cây hai ngàn lá, Bài ca hoang dã, Mắt rừng xanh, Cung đàn biên giới, Mắt lửa, Con trai người Pa Dí, Bài ca đẹp nhất trần gian. Và 3 tập thơ in chung: Hoa trên núi đá (với Lò Ngân Sủn), Rừng sáng, Núi mọc trong mặt gương. Và lão đã ẵm đến 5 giải thưởng các loại, từ giải của Báo Văn nghệ, đến giải của Liên hiệp văn học - nghệ thuật Việt Nam, Hội Văn học - nghệ thuật các dân tộc thiểu số và của tỉnh Lào Cai… Thành tựu ấy đã đưa lão đứng trong tốp đầu các nhà thơ dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay.

Nhà thơ Pờ Sảo Mình (trái) cùng tác giả.

Nét độc đáo của Pờ Sảo Mìn là đã đi sâu khai thác vốn văn hóa dân tộc, lối tư duy, lời ăn tiếng nói của dân tộc, được nhà thơ góp nhặt, nghệ thuật hóa và thể hiện bằng ngôn ngữ riêng đưa vào thơ, làm đẹp, phong phú thêm tiếng nói của dân tộc mình, trong đó ý thức dân tộc, khát vọng dân tộc thể hiện rất rõ. Đó là nét riêng có  trong thơ Pờ Sảo Mìn. Nhà thơ luôn mong muốn tộc người Pa Dí chỉ có hơn hai nghìn nhân khẩu của mình được mãi mãi yên bình và phát triển. Đó cũng là cái tâm, cái đích thơ Pờ Sảo Mìn tìm đến.

Dân tôi chỉ có hai ngàn người/ Một cây đứng trong muôn rừng cây đứng/ Muốn hiểu ta đã qua bao chịu đựng/ Thì cây ơi ta cứ hát đời mình.

Nhiều người gặp Pờ Sảo Mìn lần đầu, thoáng qua vẻ bề ngoài, thấy lão tác phong "láu táu", nhanh nhẹn, ăn nói lưu loát, ứng đối thông minh, thì bảo lão này khôn, khó gần lắm. Ngay từ năm 1981 - 1982, lão về Hà Nội học Trường viết văn Nguyễn Du khóa 2. Bấy giờ cánh nhà văn đi học ai chẳng nghèo, thế mà về Hà Nội năm trước, năm sau Pờ Sảo Mìn mua ngay căn nhà 100m2 ở khu Cầu Giấy cho bạn bè cùng ở luôn… Từ đấy, nhiều người nghĩ rằng lão Mìn, không biết có buôn gian bán lậu gì không, vì những năm ấy, vùng biên quê lão hàng tâm lý chiến tràn ngập. Cứ suy diễn thế thôi, chứ nào mấy ai biết số tiền mua nhà của lão có được là tiết kiệm từ gần chục năm bươn chải ở xứ người.

Cũng vì láu táu, hồn nhiên, mà lão đã gặp những chuyện cười ra nước mắt vì hiểu lầm. Số là một lần về Hà Nội, buổi sáng lão nhảy tàu từ Lào Cai, đến Hà Nội thì nhá nhem tối, đi xe ôm đến Nhật Tân đến nhà ông bạn thì vừa tối mịt. Đường phố ở Hà Nội ban ngày đối với lão còn như ma trận, nữa là buổi tối mò. Qua lại nhà ông bạn mấy lần rồi, nhưng hôm nay lão tìm mãi không thấy. Điện thoại thì quên ở nhà, chỉ nhớ mỗi số nhà, nên lão cứ quanh quẩn đi đi, lại lại trong cái ngõ nhỏ nhiều ngóc ngách. Bảo vệ dân phố từ khi có một người lạ hoắc bước vào khu dân cư thì đã để ý. Thấy bộ dạng lão ăn mặc không giống ai, khoác cái túi dân tộc cũ mèm, lại cứ ngó nghiêng hết nhà này đến nhà khác, liền nghi chắc là dân đạo chích định tăm tia gì đây, đã mời lão về trụ sở. Mặc cho lão giải thích thế nào cũng không nghe. Mấy ông bảo vệ dứt khoát: "không dài dòng trình bày, anh cứ ngồi đây, cho biết anh tìm nhà ai, tổ dân phố mấy, số nhà bao nhiêu… chúng tôi sẽ tìm tận nơi, mời người nhà ra đón anh về". Nửa tiếng sau, đã thấy ông bạn cười toe toét xuất hiện ở cửa, giới thiệu: "Đây là nhà thơ Pờ Sảo Mìn ở Lào Cai về chơi, tối quá nên anh ấy lạc ngõ nhà tôi". Rồi hai người chuyện trò ríu rít khuất vào ngõ nhỏ.

Pờ Sảo Mìn không chơi với ai thì thôi, chứ đã chơi với ai thì rất hồn nhiên thật lòng và thủy chung. Nhớ lần lão cưới con gái ở Hà Nội (lão chỉ có cô con gái duy nhất) năm đó vì đường sá xa xôi, vợ lão bị ốm, chỉ mình lão xuống được. Trước hôm cưới 2 ngày, lão đến tìm tôi và nhà văn Nguyễn Hồng Thái trình bày rằng: "Mời hai chú ngày mai đến uống rượu, rượu phong tục đấy không vắng mặt được đâu nhé". Tôi hỏi rượu phong tục là rượu gì, Pờ Sảo Mìn giải thích ở quê lão có tục hễ nhà có đám cưới, thì hôm trước những người thân thiết phải ngồi với nhau một bữa. Lần này anh cưới con ở Hà Nội, nên mời các chú đến, thế thôi. Chẳng biết lý do Pờ Sảo Mìn đưa ra có đúng thế không, nhưng ngày vui đại sự của gia đình lão, chúng tôi đã có mặt.

Cái tạng Pờ Sảo Mìn chỉ hợp với núi non, chứ không hợp với phố xá. Chắc lão đã nhận ra điều ấy, nên sau khi học xong trường Nguyễn Du, lão lại bán quách ngôi nhà ở Cầu Giấy để về quê, lão bảo ở thành phố không làm thơ được, chỉ có hồn vía núi non mới cho lão thơ. Nhưng lão không chịu ngồi một chỗ, hễ có cơ hội là lão lại chu du tứ xứ để thực tế, xong lại quay về Lào Cai ngồi viết. Phần lớn những bài thơ của lão đã ra đời bên cái lò nấu rượu hừng hực lửa và hơi rượu nồng nàn. Lão chăm chỉ đến mức, không một trại viết nào, một lớp bồi dưỡng nào của Hội Nhà văn mà lão bỏ qua. Thành thử tiếng là ở quê, nhưng năm nào lão cũng ra khỏi nhà vài tháng là ít.

Nhớ năm ngoái, có hôm tôi đang ngồi làm việc ở cơ quan, bỗng thấy lão đột ngột xuất hiện. Tôi hỏi: "Anh xuống bao giờ mà không báo trước?". Lão bảo: "Anh vội không kịp báo cho chú. Kỳ này anh xuống học lớp nhà "ní nuận" phê bình trẻ"- lão khôi hài hóm hỉnh. Tôi nói: Cái lớp ấy nó khai mạc 10 ngày nay rồi, bây giờ mới xuống thì học cái gì. Lão cười tít mắt: Biết rồi, nhưng anh Hữu Thỉnh cứ bảo xuống mà học, bổ ích lắm đấy, thì mình xuống. Chẳng biết cái lớp ấy lão học được mấy buổi, nghe nói thời gian đã ngắn lại còn đi tham quan thực tế những đâu đâu.

Rồi một hôm lão lại đột ngột đến, nói: "Anh đến chào chú, mai anh về". Tôi cứ đinh ninh là lão có việc gấp phải bỏ học về quê thật, nhưng đến gần trưa hôm sau lão điện thoại cho tôi, nói: "Anh đang ở nhà Ngô Kim Đỉnh tại Việt Trì, vui lắm, phải chơi một hai hôm rồi mới ngược". Thì ra đối với Pờ Sảo Mìn cái nhu cầu giao lưu, gặp gỡ bạn bè mới là chính yếu, lý giải vì sao các trại viết, lớp học dù ở xa đến mấy, lão rất hăm hở có mặt.

Cả đời Pờ Sảo Mìn bám rễ với quê hương, làm thơ về quê hương là để thổi vào đó tình yêu, khát vọng của dân tộc mình, khát vọng vươn lên làm chủ một đời sống văn hóa mới. Bản thân nhà thơ và các thành viên trong gia đình đã không ngừng nỗ lực, gương mẫu trong việc tìm kiếm tri thức văn hóa. Trong điều kiện vùng sâu, vùng xa vài chục năm trước còn vô cùng khó khăn, Pờ Sảo Mìn cùng bà Thền Dền Dín, nhà giáo - người vợ yêu quý của nhà thơ đã cố gắng dồn sức nuôi dạy các con nên người. Cả 3 đứa con của Pờ Sảo Mìn đều đã tốt nghiệp đại học. Có người hai bằng đại học. Hai người con trai của lão, học xong lại quay về góp sức xây dựng quê hương.

Pờ Sảo Mìn vẫn tự ví mình chỉ là một chiếc lá, trong cái cây có hai ngàn lá của tộc người Pa Dí ở đất Mường Khương. Nhưng tôi nhận ra rằng, bây giờ tộc người Pa Dí của lão không chỉ có một cây, mà thành rừng rồi. Và lão đã là cái cây cổ thụ trong khu rừng ấy, rễ bám chặt vào núi đá Mường Khương

Hà Văn Thể
.
.
.