Nhà thơ Ngọc Anh: Sống dưới bóng Kơnia, chết bên gốc Kơnia

Thứ Tư, 07/06/2006, 08:15

Vào khoảng những năm 1956, 1957, rải rác trên các báo miền Bắc có đăng những bài thơ của các dân tộc Tây Nguyên, dưới bài ghi cái tên nhỏ trong ngoặc đơn: Ngọc Anh phỏng dịch. Nhiều người đã say mê các bài: “Chiếc khăn thêu”, “Thương Cụ Hồ, thương Đảng”, và nhất là bài “Bóng cây Kơnia”. Mãi sau này, từ những người bạn thân của Ngọc Anh, người ta mới biết những bài thơ đó là do chính Ngọc Anh sáng tác...

Ngọc Anh tên thật là Nguyễn Ngọc Anh sinh ngày 3/3/1934 tại xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Vào khoảng năm 1948-1949, ông vào thiếu sinh quân, học tại Trường trung học Bình dân Quân sự Khu 5. Học xong, ông cùng một số bạn bè đi làm phóng viên mặt trận ở Tây Nguyên. Sau đợt ấy, ông về làm báo Vệ quốc quân thuộc Phòng Chính trị, Bộ Tư lệnh Quân khu V.

Trong đợt đi làm phóng viên mặt trận ở Tây Nguyên, Ngọc Anh đi với một số người mà sau này cả nước đều biết tiếng: nhà văn Nguyên Ngọc, nhạc sĩ Nhật Lai, nhạc sĩ Trương Đình Quang. Ở đây, họ làm đủ thứ việc: đánh giặc, làm rẫy, vận động quần chúng, tổ chức vũ trang tuyên truyền. Họ sống cùng với đồng bào các dân tộc Êđê, Giarai, Xêđăng, Giẻ Triêng trong các buôn làng.

Người đầu tiên có những sáng tác là Nhật Lai. Nhật Lai có tên thật trùng với một nhà văn nổi tiếng: Nguyễn Tuân. Ông là người Tuy An, Phú Yên, anh ruột của nhà thơ Nguyễn Mỹ - tác giả “Cuộc chia ly màu đỏ” sau này. Nguyễn Tuân người thấp, lùn nên được các bạn gọi đùa là “Nhật lai”, và ông lấy tên Nhật Lai làm bút danh của mình.

Nguyên Ngọc lúc này đã có những bài bút ký và đang tích lũy cho quyển tiểu thuyết nổi tiếng sau này “Đất nước đứng lên”. Trương Đình Quang đã có bản nhạc “Tiến lên Lắc”. Chỉ có Ngọc Anh vẫn im lặng. Con người vốn đẹp trai có nước da trắng hồng, ăn nói nhỏ nhẹ như con gái, lúc nào cũng khiêm nhường, cũng khuất mình sau bạn bè, nhẹ nhàng chăm lo bạn bè từng bữa ăn giấc ngủ này chưa thấy có biểu hiện gì về sáng tác cả. Bù lại, ông được nhiều người yêu mến. Nhà văn Nguyên Ngọc kể lại rằng: Hồi đóng ở Phú Yên, có hai cô gái học ở Trường trung học Kháng chiến Lương Văn Chánh yêu ông cùng một lúc và hình như Ngọc Anh cũng yêu cả hai cô.

Do có thân hình đẹp nên Ngọc Anh thường “bị bắt” đóng vai con gái trong các vở kịch. Nhạc sĩ Trần Hồng kể lại rằng: Dạo ấy tôi ở Đoàn Văn công tiền phương HL30 Tây Nguyên do ông Nguyễn Mạnh Hào làm trưởng đoàn. Một hôm, chúng tôi lo dựng vở “Đón anh trở về” của Trọng Anh. Trong đoàn không có phụ nữ, mà kịch bản lại có vai một người vợ. Đang lo sốt vó thì Ngọc Anh đến thăm chúng tôi. Nhìn cái dáng rất “con gái” của anh, tôi vui vẻ nói:
- Mày đóng hộ tao vai vợ nghe.
Ngọc Anh cười:
- Mình đóng không nổi đâu.

Nhưng rồi chúng tôi vẫn vào làng mượn đồng bào chang tóc, đến các cô dân công mượn kẹp cho Ngọc Anh. Khi Ngọc Anh bước ra sân khấu, tôi sững sờ vì cậu ta giống con gái quá. Sau buổi diễn, dân công, bộ đội và đồng bào xúm vào tìm “cô gái” để gặp mặt. Tôi vào sau sân khấu dẫn Ngọc Anh ra. Mọi người chưa tin. Tôi giải thích, tức thì mọi người cười ồ lên vỗ tay tán thưởng.

Cuối năm 1954, Ngọc Anh tập kết ra Bắc. Ông được phân công về công tác ở Ban Dân tộc Trung ương, sau đó về Viện Văn học làm công tác theo dõi văn học miền núi. Bạn bè ông - những người đã thành danh khuyến khích ông sáng tác, ông chỉ cười khiêm tốn: "Mình chưa viết được, còn suy nghĩ đã. Tây Nguyên quá vĩ đại mà mình thì chưa hiểu được gì".

Nhưng rồi Ngọc Anh vẫn lặng lẽ viết và những bài thơ của anh đã trở thành dân ca, được người Tây Nguyên thừa nhận. Ông phải giấu tên để đề cao thơ các dân tộc Tây Nguyên đang chống Mỹ, mặt khác cũng phù hợp với đức tính lặng lẽ khiêm tốn của ông.

Trong thơ Ngọc Anh, phong cảnh Tây Nguyên hiện lên rất thân thiết:

Cheo Reo quê mình/ Có nhiều núi rừng/ Có sông, có suối/ Có làng, có rẫy/ Nơi mẹ đi hái củi/ Nơi cha xây làng/ Cheo Reo quê mình/ Nhớ sông Krông Adung Pa/ Đất soi rộng phẳng/ Lúa bắp tốt xanh/ Dân làng đông đúc.

Những người dân Tây Nguyên hiền hòa cần cù trong lao động: Trưa về ngồi kéo sợi/ Dưới bóng mát nhà rông/ Sợi dài hơn mây núi/ Trắng ngỡ thác đầu buôn.--PageBreak--

Bọn Mỹ - Diệm đến Tây Nguyên “Bắt con trai đi lính, bắt phụ nữ làm đường, bắt mỗi đầu người phải nộp thuế thân”. Chúng còn bắt nhân dân rời buôn làng đến sống trong những khu đồn để dễ kiểm soát. Trong khu đồn, bà con quặn thắt nhớ quê: Đất ông bà/ Ta nhớ ta thương/ Nhớ rẫy cũ làng xưa/ Nhớ mùa gặt mới/ Nhớ tiếng trâu ngoài làng/ Tiếng voi đằng xa/ Và tiếng chim ăn hoa buổi sáng.

Nhưng người Tây Nguyên vẫn đoàn kết chống lại chúng, vẫn tin tưởng ở Đảng, ở Cụ Hồ, ở miền Bắc, vững tin ngày non sông thống nhất. Bài “Bóng cây Kơnia” là bài thơ xuất sắc nhất của Ngọc Anh. Bài thơ mang đậm những ý tưởng trên cũng là bài thơ mang đậm hồn Tây Nguyên: Em hỏi cây Kơnia/ Gió mày thổi về đâu?/ Về phương mặt trời mọc/ Mẹ hỏi cây Kơnia/ Rễ mày uống nước đâu?/ Uống nước nguồn miền Bắc.

Cây Kơnia, cái cây còn có tên là cây Cầy, cây Cốc, cây Đậu trướng vô danh kia đã được nhà thơ thổi tâm hồn mình vào thành một cây sừng sững của núi rừng Tây Nguyên yêu dấu ngàn đời, được nhân loại biết đến. Phải chăng Ngọc Anh đã sinh ra cây Kơnia kia?

Bài thơ “Bóng cây Kơnia” đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, được đưa vào các tuyển tập thơ lớn của đất nước. Còn người sáng tác bài thơ thì ở đâu?

Năm 1964, Ngọc Anh trở về miền Nam!

Trước đó, ông đã xây dựng gia đình với một cô gái đồng hương. Nhưng hai người không được ở gần nhau. Ông công tác ở Hà Nội, vợ ông công tác ở Hải Phòng. Lâu lâu họ mới gặp nhau. Bây giờ ông lại xa biền biệt… để lại cho người vợ gầy yếu và hai đứa con nhỏ… Sau này, khi Ngọc Anh mất rồi, người vợ vừa khóc vừa nói với bạn bè: “Tôi với anh ấy sống với nhau vẻn vẹn có bốn mươi ngày”.

Ông Trần Thanh Dân sau này là Phó chủ tịch Mặt trận tỉnh Gia Lai - Kon Tum kể rằng: Hôm đưa tiễn Ngọc Anh và chúng tôi ra đi, chị vợ rơm rớm nước mắt, Ngọc Anh đùa tếu để làm nhẹ cảnh chia ly. Ông nói với các bạn: "Kìa, cái mặt… Cái mặt bà Xoa buồn cười chưa nè".

Mọi người cùng cười. Nhưng người kể nhớ lại rằng, những đêm mắc võng trên đường đi, Ngọc Anh tâm sự: "Tôi nghĩ thương Xoa xa xôi, vất vả nuôi hai đứa nhỏ".

Ngọc Anh vào chiến trường, nhưng cũng không công tác ở các cơ quan Khu như các bạn. Ông về một tỉnh nhỏ heo hút - tỉnh Kon Tum để công tác và tiếp tục nghiên cứu về Tây Nguyên, về đồng bào các dân tộc. Ngọc Anh lo huấn luyện các tiết mục cho đoàn văn công tỉnh và cặm cụi ghi chép, suy nghĩ về dân ca của các dân tộc Tây Nguyên mà ông yêu mến. Bao giờ ông cũng muốn làm một cái gì đó cho ra tấm ra món và thực chất là Tây Nguyên. Nhiều bạn bè quen biết ông ở Khu - lúc này chuẩn bị ra tờ tạp chí Văn nghệ quân giải phóng Khu V - muốn xin ông về khu công tác, ở căn cứ khu an toàn hơn, có điều kiện bồi dưỡng sức khỏe và năng lực của ông hơn nhưng ông vẫn ở lại Tây Nguyên - nơi có những thảo nguyên mênh mông, có những cây Kơnia trùm bóng mát xuống buôn làng.

Ngọc Anh đã lặng lẽ ngã xuống (vào ngày 15/10/1965) bên những bóng cây Kơnia mà ông yêu mến đó. Hài cốt Ngọc Anh bây giờ được mang về với quê hương Quảng Nam của ông. Mộ ông được đặt ở nghĩa trang Điện Bàn. Vào một ngày đầu xuân năm nay, tôi có đến đây thăm mộ những đồng đội cũ từng công tác với tôi ở Hội Văn nghệ giải phóng Khu V.

Tôi đến đốt nhang bên mộ Ngọc Anh. Tấm bia nho nhỏ khiêm nhường lẩn khuất bên những tấm bia đồng đội. Những ngọn cỏ mùa xuân mạnh mẽ - mà người gác nghĩa trang chưa kịp xén, mọc lên che khuất tầm bia. Nếu đi nhanh qua đây chẳng ai biết đấy là mộ Ngọc Anh, nhà thơ có những bài thơ sống mãi trong lòng đồng đội, trong lòng nhân dân Tây Nguyên và cả nước. Những vần thơ có sức sống bền bỉ như những khúc dân ca, bền bỉ hơn chính cuộc đời của những con người

.
.
.