Nhân đọc hai bộ sách thơ “Nỗi buồn tốc ký” NXB Hội Nhà văn 2013 của Hồng Thanh Quang:

Nhà thơ Hồng Thanh Quang và nỗi buồn lưu cữu

Thứ Sáu, 01/11/2013, 09:12
Với Hồng Thanh Quang, tôi nghĩ anh làm thơ đơn giản là: Làm - để - có - Thơ, vì Thơ chứ không phải là: Làm - để - có - được - gì- từ- Thơ, nhờ Thơ. Anh làm thơ để ghi lại cảm xúc cuộc đời mình, vì thế anh chả có “dựa dẫm” gì vào thơ cả.
>> “Nỗi buồn tốc ký”- những rung động mới mẻ của nhà thơ Hồng Thanh Quang

Thật là lạ, nhìn anh trong trạng huống nào, tôi vẫn thấy ẩn chứa trong anh là một gương mặt buồn, kể cả khi anh cười, anh chạm cốc, anh say. Dù ít gặp nhưng tôi đọc anh đã từ lâu, và đã không ít lần mượn thơ anh để nói hộ những điều mình cần nói. Gần đây lại thường đọc anh hơn vì có phương tiện Internet với trang mạng Facebook, chỉ cần gặp anh trên đó là có thể biết được “thời tiết” ngày hôm đó trong tâm hồn anh ra sao. Vì hành các nghề khác thì có thể khi tâm động vẫn làm được việc, chứ làm thơ thì không thể, thơ cần ở cảm xúc, chỉ khi nào sống thật nhất với chính mình, trở về đúng với con người và cảm xúc thật của lòng mình thì mới mong chạm được đến miền thơ.

Chính vì thế nhà thơ thường là người dễ bộc lộ mình nhất, những vui buồn sướng khổ đều phơi ra cho thiên hạ biết, cho thiên hạ xem và ai đồng cảm thì khen, thì khóc, thì học, còn ai không đồng cảm thì chê, thì chọc, thì châm. Nhưng biết làm sao được, ai chẳng muốn làm được những bài thơ hay, những câu thơ đẹp, cũng như những đôi vợ chồng muốn cho ra đời những đứa con ngoan, học giỏi đoạt được những đỉnh cao của danh vọng và tiền tài.

Bìa hai bộ sách thơ “Nỗi buồn tốc ký” của Nhà thơ Hồng Thanh Quang.

Mỗi bài thơ là một đứa con tinh thần của nhà thơ, nhà thơ cũng muốn nó hay, nó được mọi người đồng cảm, nhưng khốn nỗi, sinh con hay làm thơ là điều (gần như) chủ quan của chính mình, còn sự yêu ghét lại phụ thuộc vào người đọc. Biết được cái quy luật nghiệt ngã đó nên hình như Hồng Thanh Quang cũng tiếp nhận một cách trọng thị mọi lời khen chê thơ anh. Với anh Tôi là thế và thơ Tôi là thế và chỉ có thế, ai khen chê thì đành chịu. Đọc kỹ, đọc nhiều thơ anh thấy rất rõ điều đó, anh ghi lại những cảm xúc của mình bằng chính những câu thơ, những bài thơ để khi cần nhớ lại một quãng nào đó trong đời đã đi qua, chỉ cần lần giở lại những bài thơ, anh sẽ bắt gặp mình trong thời đoạn đó.

Và tôi tin rằng chính vì ghi lại chính cảm xúc của mình nên anh không muốn ai biên tập thơ anh và chính bản thân anh cũng thế, chả bao giờ anh biên tập lại thơ mình, thời điểm đó tôi là thế, có lúc cũng nham nhở thế, nhưng đó chính là tôi, tôi không tô điểm tôi để trở thành một tôi khác. Điều này tôi thấy rất rõ trong bài thơ Anh sẽ không nhường em cho ai cả. Tôi tin là nhiều người đọc bài thơ này đã nghĩ là Hồng Thanh Quang muốn giữ rịt một em nào đó cụ thể cho riêng mình. Tất nhiên thì người đọc có quyền hiểu như thế và hiểu hơn thế nữa, nhưng tôi tin khi viết bài thơ này và in vào Thiệp mời dự Chương trình ra mắt bộ sách thơ “Nỗi buồn tốc ký” và biểu diễn những ca khúc phổ thơ Hồng Thanh Quang thì anh đã có chủ ý và gửi gắm vào đó nhiều điều suy ngẫm cao, xa hơn là một em cụ thể nào đó.

Vì tôi nhớ có lần hình như anh đã nói: Thực chất thì ta sẽ không buồn lắm nếu người yêu bỏ ta mà đi, ta chỉ buồn là tình yêu bỏ ta đi thôi”. Người yêu hình như vẫn chỉ là cái - bên - ngoài, còn tình yêu chính là cái trong ta, xuất phát tự tâm ta, nên đến khi tình yêu cũng bỏ ta mà đi nốt thì đúng là thật đáng phải buồn. “Em vĩ đại bởi vì em trung thực/ Em vô tư theo tiếng gọi tim mình”, chính vì thế mà anh sẽ không nhường em cho ai cả khi anh đã (nhịn, nhục và nhường) quá nhiều trong cuộc đời này rồi, chỉ còn em trong ta, cái em bản ngã, cái em của khát vọng yêu, sống và đích đến đã được xác tín từ những ngày tươi trai trẻ nhất, những tháng năm đời người lý tưởng nhất. Ta sẽ không nhường em cho ai nữa cả, ta và em là bài ca và giai điệu đã thực sự nhập vào nhau rồi, như là phần hồn và phần xác, anh chỉ là anh, là con người đúng nghĩa khi hồn và xác ở trong nhau, cùng hòa với nhau làm một, và giờ đây anh sẽ đi theo tiếng gọi từ con tim mình mách bảo và dẫn dắt: “Và chẳng ai cản được lối em về/ Với ký ức một thời thanh sạch ấy”.

Với Hồng Thanh Quang, tôi nghĩ anh làm thơ đơn giản là: Làm - để - có - Thơ, vì Thơ chứ không phải là: Làm - để - có - được - gì- từ- Thơ, nhờ Thơ. Anh làm thơ để ghi lại cảm xúc cuộc đời mình, vì thế anh chả có “dựa dẫm” gì vào thơ cả. Bởi chăng là những gì anh có được hôm nay hình như là ở chính tài làm báo của anh. Anh làm báo giỏi, làm báo là nghề, còn thơ là nghiệp, anh nói thơ nhiều khi nó là cái thú đau thương, nhiều khi khổ sở và giật mình với chính những gì mình viết. Và những bài thơ luôn đi trước, như là những thông điệp cuộc đời mà bước chân anh sắp đi tới.

Viết đến đây và đọc lại thơ anh nhiều lần thì tôi bất chợt nhận ra cái điều mình nghĩ: Hồng Thanh Quang buồn nhiều hơn vui là có lý, điều này đã được chính anh viết ra: “Anh sẽ không nhường em cho ai cả/ Ơi nỗi buồn bát ngát nhất đời anh!”. Đây là bài thơ theo tôi nghĩ là Tuyên ngôn cuộc đời, tuyên ngôn thơ của anh dù anh chẳng bao giờ thích và lớn tiếng tuyên ngôn cả

N.T.H.
.
.
.