Nhà thơ Hoàng Trung Thông viết về nhà văn Lỗ Tấn

Chủ Nhật, 29/03/2009, 20:59
Sinh thời, nhà thơ Hoàng Trung Thông từng ca ngợi: Không có ai như Lỗ Tấn, trong văn học hiện đại Trung Quốc đã viết ra những trang văn dữ dội với hiện thực của đất nước Trung Hoa lúc bấy giờ đến thế. Chỉ có ông mới dám nói thẳng sự thật "người ăn thịt người" trong xã hội đó.

LTS: Nhà thơ Hoàng Trung Thông sinh thời đã làm qua khá nhiều chức vụ và công việc. Chính vì thế thể tài tác phẩm của ông cũng rất đa dạng. Viết chân dung các tên tuổi lớn trong văn học nghệ thuật, cổ kim, Đông - Tây, là một trong những chí thú của ông. Mới đây, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã cho phát hành cuốn "Những người thân, những người bạn" tập hợp những bài chân dung và tiểu luận của Hoàng Trung Thông. Xin trân trọng giới thiệu một trong tác phẩm có mặt trong tập sách này.

Lỗ Tấn là một nhà văn vĩ đại của nhân dân Trung Hoa. Người ta thường gọi ông là chủ tướng của nền văn hóa mới, thậm chí người ta còn gọi ông là "bực thánh" của Trung Quốc. Sự thật người ta nói quá đi. Chủ tướng của nền văn hóa mới thì đúng, nhưng ông không phải là "thánh". Ông phải phấn đấu rất gian khổ để trở thành một nhà văn cách mạng, để trở thành lương tâm của thời đại.

Từ một người theo thuyết tiến hóa của Đác-uyn, tư tưởng của Ni-sơ, ông phải cố gắng mới trở thành một người theo học thuyết Mác-xít. Từ một người muốn lấy nghề thuốc để cứu chữa cho con người, ông cũng phải dần dần mới chuyển sang lấy văn chương chữa bệnh cho xã hội. Và rồi, từ một nhà văn lãng mạn, ông còn phải cố gắng bền bỉ để trở thành một nhà văn hiện thực. Thế mà khi thì gọi là "nhà văn hiện thực phê phán", khi thì người ta gọi ông là "nhà văn hiện thực tích cực, hiện thực cách mạng, hiện thực xã hội chủ nghĩa". Bây giờ, vì chống đối Liên Xô, người ta lại không dùng thuật ngữ "hiện thực xã hội chủ nghĩa" nữa, mà là "lãng mạn cách mạng kết hợp với hiện thực cách mạng" để nói về phương pháp sáng tác của ông.

Lỗ Tấn phải trải qua biết bao nhiêu đau khổ, trăn trở trong quá trình đi vào nghệ thuật để cứu nước cứu đời, chứ có phải mỗi câu ông nói, mỗi chữ ông viết đều là của ông "thánh" đâu. Từ Nhật ký người điên, cố nhiên là "điên" hiểu theo nghĩa không bình thường đến anh chàng A.Q. sống bằng "thắng lợi tinh thần", anh chàng Khổng Ất Kỷ luôn mồm "chi hồ giả dã", và Nhuận Thổ, một nông dân bình thường sống gian nan trong làng xóm của mình, nhà văn ấy đã trải qua bao nhiêu đau khổ, dằn vặt về tư tưởng và tinh thần mới nhìn nhận được ra dân tộc mình, nhân dân mình, thời đại mình, chứ đâu phải phút chốc trở thành "thánh nhân".

Người ta lại còn cho ông là người "đơn thương độc mã" trên văn đàn Trung Quốc. Quả thật Lỗ Tấn là một cây bút chiến đấu rất sắc sảo, rất quyết liệt chống lại bọn thống trị Tưởng Giới Thạch, chiến đấu cho nền văn nghệ mới của Trung Quốc. Nhưng bên cạnh ông, ngôi sao vĩ đại đó còn có những ngôi sao khác nhỏ hơn đã chiếu sáng văn đàn Trung Quốc một thời.

Nếu như đế quốc Mỹ đang chơi con bài Trung Quốc, thì bọn phản động Trung Quốc hiện nay cũng đang chơi con bài Lỗ Tấn. Chúng ca ngợi ông (mà sự thật là đáng ca ngợi), nhưng chính là chúng lợi dụng ông cho những mưu đồ chính trị của chúng. Một thời kỳ nào đó chúng đã dùng chữ "bốn đứa" (tứ hắn) trong một bài viết của Lỗ Tấn để chửi rủa Chu Dương, Điền Hán, Hạ Diễn, Dương Hàn Sinh, thì bây giờ chúng lại dùng "lũ bốn tên" (tứ nhân bang) để trị bè lũ Giang Thanh bằng nhiều câu trích dẫn của Lỗ Tấn.

Ngày xưa đưa ra đường lối văn nghệ giáo điều, chúng trích dẫn ông rất nhiều, và ngày nay, theo đường lối tư sản, chúng cũng trích dẫn ông hết mức. Tiếc thay, ông không còn sống để trả lời chúng như xưa kia đã trả lời bọn trốtkít.

Không có ai như Lỗ Tấn, trong văn học hiện đại Trung Quốc đã viết ra những trang văn dữ dội với hiện thực của đất nước Trung Hoa lúc bấy giờ đến thế. Chỉ có ông mới dám nói thẳng sự thật "người ăn thịt người" trong xã hội đó. Hãy nghe ông kể:

"Bởi vì ai cũng có thể hy vọng sai khiến người khác ăn thịt người khác, cho nên quên rằng tương lai mình cũng có thể bị người khác sai khiến, bị người khác ăn thịt. Thế là bao nhiêu yến tiệc lớn bé dọn bằng thịt người đã được bày biện ra từ khi có văn minh cho mãi đến bây giờ. Và trong cái hội trường đó, người này ăn thịt người kia, lại bị người nọ ăn thịt, tiếng reo vui ngu xuẩn của những kẻ hung ác cho lấp tiếng van la bi thảm của người hèn yếu. Phụ nữ và trẻ em thì càng không phải nói nữa" (1).

Trong truyện ngắn Nhật ký người điên, Lỗ Tấn đã mượn "người điên", một chiến sĩ dân chủ bắt đầu thức tỉnh, tố cáo xã hội cổ hủ Trung Quốc: "Việc gì cũng phải suy nghĩ mới vỡ nhẽ. Cổ lai, việc ăn thịt người thường lắm, mình cũng còn nhớ nhưng không được thật rõ. Liền giở lịch sử ra tra cứu thử. Lịch sử không đề niên đại, có điều trang nào cũng có mấy chữ "nhân nghĩa đạo đức" viết lung tung tí mẹt. Trằn trọc không sao ngủ được, đành cầm đọc thật kỹ mãi đến khuya mới thấy từ đầu chí cuối, ở giữa các hàng, ba chữ ăn thịt người" (2).

Chưa hết đâu, trong truyện ngắn Thuốc, ông còn viết về một người tử tù Trung Quốc sau khi đã bị chặt đầu người ta còn dùng bánh bao chấm vào máu của anh ta để chữa bệnh và coi đó là một món hàng:

"Ê! Đằng ấy đưa tiền ra, đằng này trao hàng cho". Một người đen cả người, đứng trước mặt Thuyên già, cặp mắt sắc như hai lưỡi dao chọc vào Thuyên già, làm hắn co rúm lại mất nửa người. Người ấy xòe một bàn tay lớn ra cho hắn, một bàn tay thì túm một chiếc bánh bao mầu đỏ tươi, cái mầu đỏ ấy vẫn cứ từng giọt từng giọt rỏ xuống…" (3).

"Bảo đảm khỏi, bảo đảm khỏi! Cứ đang nóng hôi hổi như thế mà ăn đi. Thứ bánh bao máu người ấy, bất cứ bệnh lao nào cũng bảo đảm khỏi" (4).

Lỗ Tấn là một người rung động trước hiện thực của cuộc sống, một người biết yêu thương và căm giận. Ông yêu thương con người hết mức, ông căm ghét bọn bóc lột không cùng. Bởi vì nếu không yêu thương hết lòng, làm sao thấu hiểu được nỗi đau khổ đến trở thành "ngu dại" của một người đàn bà mất con như chị Tường Lâm; làm sao thấy rõ những tình cảm chất phác, chân thật đến cảm động của những người bạn thuở thiếu thời nghèo xơ xác nơi quê cũ…

Chúng ta hãy đọc bài thơ sau đây của ông:

Muôn nhà vàng võ đói ăn
Dám đâu chuyển đất thơ ngâm điệu buồn
Lòng này mở với muôn phương
Nơi đương im tiếng chính đương sấm rền

Nhà thơ ấy đã báo hiệu cho một cuộc đổi đời, một sự "sấm dậy", và chế độ tàn ác Quốc dân đảng đã bị sấm sét búa rìu của nhân dân Trung Quốc đập nát.

AQ. Chính truyện, một kiệt tác của Lỗ Tấn lại là tác phẩm phơi bày ruột gan của ông, vì ông phê phán A.Q., phê phán dân tộc Trung Hoa, nhưng cũng là tự phê phán mình. Ông cũng có một phần trong A.Q. không hơn không kém. Con người luôn luôn phải bám víu lấy phương pháp "thắng lợi tinh thần" là A.Q., cũng có phần là Lỗ Tấn. Cái hay của Lỗ Tấn là không phải chỉ thể hiện A.Q. như là một người cố nông, mà mang đặc điểm dân tộc Trung Quốc. Mỗi người, từ nông dân đến trí thức, đều có thể soi gương mặt của mình vào nhân vật này và thấy hình bóng mình trong đó.

Nếu như văn nghệ chỉ là một sự phản ánh tầm thường, cố nông là cố nông, bần nông là bần nông, trí thức là trí thức... thì tác phẩm ấy còn soi sáng được cái gì cho cuộc sống, cho những con người trong xã hội. Ở đây, trong tác phẩm của Lỗ Tấn, mỗi con người lại không chỉ phản ánh một con người, mà phản ánh nhiều con người. Một con người đó có thể không chỉ đại diện cho một tầng lớp, mà là đại diện cho cả dân tộc. Vì thế tác phẩm của ông mới có ý nghĩa lớn lao, không những về thẩm mỹ, mà còn về xã hội.

Đừng tưởng viết về A.Q. chỉ là sự phê phán, ở đó còn là tình thương yêu. Lòng thương yêu trong tác phẩm văn học đâu phải là một thứ chủ nghĩa nhân đạo trừu tượng, mà có khi yêu thương cũng là sự phê phán; phê phán cũng là sự thương yêu.

Lỗ Tấn, một nhà văn được mệnh danh là "u mặc" (humour) chính lại là nhà văn thương con người sâu sắc nhất, đừng có kẻ nào lợi dụng lòng thương yêu của ông đối với con người và cũng đừng có kẻ nào lợi dụng lòng căm ghét của ông đối với tính xấu của con người! Vì ông không phải là "thánh", ông chỉ là một con người vĩ đại. Con người của ông còn đáng quý hơn trăm lần những kẻ tự phong là "thánh" khác.

Ngoài truyện ngắn ra, Lỗ Tấn còn là một bậc thầy về tạp văn nữa. Tạp văn của ông ngắn gọn, hàm nhiều ý nghĩa, có khi như một mũi dao đâm thẳng, có khi chỉ đông đánh tây, khi nghiêm trang đường hoàng dõng dạc, có khi châm biếm chua cay mà bao giờ lý lẽ cũng sắc bén.

Trong tạp văn, ông đã đả kích bọn trốtkít Trung Quốc chống Liên Xô, ông đã từng phê phán thuyết "người thứ ba", ông đã từng chỉ trích thuyết tự do tuyệt đối và ví như "muốn nắm tóc mình nhấc mình lên khỏi mặt đất".

Trong bài Thánh võ, ông viết: "Tôi tưởng Trung Quốc chúng ta vốn không phải là chỗ phát sinh ra chủ nghĩa mới mà cũng không có chỗ dung nạp chủ nghĩa mới, ví thử tình cờ có tư tưởng từ ngoài đến cũng tức khắc đổi màu đi, vả lại có nhiều luận giả ngược lại lấy điều đó làm tự hào". Phải chăng sự xuyên tạc và phản bội chủ nghĩa Mác ở Trung Quốc đã là một điều biết trước của Lỗ Tấn.

Đặc biệt trong bài Chúng ta không bị lừa nữa đâu, Lỗ Tấn đã vạch mặt chủ nghĩa đế quốc cùng bọn tay sai ở Trung Quốc đã lừa bịp nhân dân chống Liên Xô bằng những thủ đoạn xấu xa rồi ông kết luận: "Bọn đầy tớ của chủ nghĩa đế quốc sẽ đi đánh chính mình chúng (!), theo gót ông chủ chúng đi đánh, thế là điều lợi hại giữa nhân dân chúng ta và chúng nó hoàn toàn trái ngược nhau. Chúng ta phản đối sự tiến công Liên Xô, chúng ta lại sẽ đánh ngã lũ quỷ dữ tấn công Liên Xô, mặc kệ chúng nói những lời ngọt ngào thế nào, làm ra mặt công bình chính trực thế nào.

Đó mới là con đường sống của chúng ta".

Lỗ Tấn còn là một nhà lý luận văn nghệ sáng suốt có sức chiến đấu và sáng tạo, nhưng trong phạm vi bài báo nhỏ này chúng tôi không nói đến.

Lỗ Tấn mà số lượng tác phẩm ngang đầu (trước tác đẳng thân), mà chất lượng hết sức sâu sắc thật xứng đáng là một nhà văn cách mạng chân chính vĩ đại của nhân dân Trung Quốc.

Năm 1955, tôi đến thăm nhà ở của Lỗ Tấn tại Thượng Hải. Tôi xúc động nhìn thấy những di vật trong nhà ông với bốn chữ "Lỗ Tấn cố cư", trong đó có nhiều tranh, ảnh còn được giữ lại và chú ý đến một đôi câu đối:

Hoành mi lãnh đối thiên phu chỉ
Phủ thủ cam vì nhụ tử ngưu
và đây là lời dịch của Bác Hồ:
Ngước mắt coi khinh nghìn lực sĩ
Cúi đầu làm ngựa chú nhi đồng

Đối với nhân dân thì sẵn sàng phục vụ, làm đầy tớ; còn đối với kẻ thù thì dù chúng tàn ác đến đâu và đông đến mấy, chúng ta cũng khinh bỉ và chống lại...

Tôi còn nhận thấy trong nhà ông có cả hòm quần áo của Cù Thu Bạch trước khi đi vào khu Xôviết, và trên đường đi bị bọn Tưởng Giới Thạch giết chết. Chính người Tổng Bí thư Đảng Cộng sản này, chứ không phải ai khác, đã giúp đỡ Lỗ Tấn trở thành nhà văn có tư tưởng cộng sản. Tôi đứng đọc từng trang văn của Lỗ Tấn, kể cả nhật ký của ông, thầm phục một nhà văn có tài năng và khí phách. Cho đến giờ đọc lại những tác phẩm của ông, tôi vẫn mến phục và nghĩ rằng, chúng ta mãi mãi đọc tác phẩm của ông, mãi mãi viết về ông.

(1) Lỗ Tấn tạp văn tuyển tập - tập 1 - trang 130
(2) Gào thét - trang 27.
(3, 4) Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn - tập 2 - trang 19, 23
.
.
.