Nhà thơ Hoàng Trần Cương: Khi đắng lòng chầm chậm giấu vào thơ

Chủ Nhật, 28/03/2010, 09:56
Sau ngày nhận được quyết định về hưu, nhà thơ Hoàng Trần Cương trở về sông Lam, nơi chôn rau cắt rốn, nơi đã cho ông nguồn cảm hứng bất tận trong những vần thơ, đứng trước nhà thờ tổ gia tộc Hoàng Trần - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được Nhà nước xếp hạng năm 1996, để thắp tạ và cáo yết một chặng đường công chức ông đã trải qua trong cuộc đời, và lại bắt đầu một chặng đường mới: chặng đường dành riêng cho thi ca.

Nhà thơ Hoàng Trần Cương được biết đến là "dân" tài chính "thứ thiệt", là chuyên viên cao cấp và có thâm niên trên 15 năm làm kế toán trưởng Báo Nông nghiệp Việt Nam và Thời báo Tài chính Việt Nam, nguyên là Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam, Chủ tịch Liên chi Hội báo chí ngành Tài chính. Dù vậy, nhưng ông luôn thừa nhận, thứ giúp ông "sống" được đến ngày hôm nay lại chính là thơ.

Ông đến với văn chương khá sớm và từng được giải A về văn xuôi đề tài lực lượng vũ trang (1970-1972) của Tạp chí Văn Nghệ quân đội, giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam (1989-1990). Nhưng phải đến trường ca "Trầm tích", nhà thơ Hoàng Trần Cương mới thực sự tìm được chính mình. "Trầm tích" ngay sau đó đã đoạt được giải thưởng văn học (giải B, không có giải A) của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2000).

Nhà thơ Hoàng Cầm, trong Hội thảo về tập thơ "Trầm tích" đã nói: "Lâu lắm tôi mới được đọc một tập sách dày dặn, chứa đựng sự thực lớn như thế này. Tác giả "Trầm tích" là một thi sĩ đích thực. Phải yêu quê hương, gắn bó máu thịt với quê hương đến mức nào thì mới viết được đến thế. Đọc ứa nước mắt. Đây thực phải là con người miền Trung.

Thơ Hoàng Trần Cương đậm đặc chất miền Trung, chất xứ Nghệ. Chúng ta có thể nhặt ra được nhiều câu thơ như những viên kim cương lấp lánh. Tôi đọc ba lần, lần nào cũng phát hiện được những chi tiết đắt giá. Với tôi, "Trầm tích" là một tác phẩm lớn, một tác phẩm còn lại của văn học Việt Nam sau 50 năm qua".

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, trong một bài viết đã đăng trên Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã nói: "Tôi đã có trường ca "Đồng Lộc - Con đường của những vì sao" và vẫn ấp ủ một trường ca về đất và người xứ Nghệ, nhưng sau khi đọc trường ca "Trầm tích", tôi đã từ bỏ ý định của mình vì không thể viết về xứ Nghệ hay hơn Hoàng Trần Cương".

Đối với nhà thơ Hoàng Trần Cương, những lời ngợi khen đó đã giúp cho ông có thêm nghị lực, nhưng đồng thời, như có lần ông nói, kèm theo trong nó cả những nỗi nhọc nhằn và cả sự gửi gắm. Khi viết một tác phẩm, ông phải huy động vốn sống cả cuộc đời ông tích cóp được. Cuộc đời ông đã được đào luyện qua nhiều thử thách, khổ ải và nỗ lực, chính những điều đó đã làm nên số phận ông và tác phẩm của ông.

Ông nói: "Tôi gốc Nghệ, chôn rau cắt rốn ở mảnh đất nhiều thương khó này nhưng tôi lại trưởng thành ở Bắc Hà và đổ máu ở chiến trường miền Nam, tôi nghĩ, viết về miền nào cũng là điều không quan trọng vì cũng chính là Việt Nam đấy thôi. "Trầm tích" là những con chữ được lắng tụ khi những va đập với cuộc đời đã đến tận cùng. Thường trực trong tôi khi cất bút thành lời thơ, chính là những lúc cảm xúc hoặc là dâng đến tận cùng, hoặc rơi xuống đáy. Không có khoảng giữa".

Ông viết những câu thơ như rút ruột gan mình: "Ôi quê hương. Cái đòn gánh trĩu hai đầu đất nước. Gió bão thù chi với mảnh đất này. Nối đuôi nhau xếp hàng ngang đen sì ngoài biển. Mưa giờ ngọ chưa qua gió giờ mùi đã đến. Cay đắng lắng vào trái ớt lúc còn xanh. Đất vắt kiệt mình nước mọng múi chanh. Ngửng mặt nhìn trời xanh nhức mắt. Dằng dặc dải làng quê thưa thắt. Tảng cháy cạy đi rồi. Còn hằn vết móng tay. Cày lên. Sưng cả đáy nồi".

Dạo này, nhà thơ Hoàng Trần Cương hay ngồi một mình ở một quán bia gần nhà, không ồn ào, đông đúc, không những người bạn quen thuộc đã từng ngồi cạn với ông nhắm hết cả những buổi chiều thi ca. Tôi từng nghĩ rằng, ông sẽ khó sống thiếu bạn bè, công việc, nhưng giờ đây, ông thường xuyên tắt điện thoại di động, tránh những cuộc xôm tụ đông người và tìm cho mình một góc quán bình dân.

Rồi khi chếnh choáng hơn men, nhà thơ của "Trầm tích" lại có một điệu bộ quen thuộc: tay ông vuốt vuốt chân mày dài rậm, miệng bắt đầu lẩm nhẩm những câu thơ quen thuộc: "Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt. Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ. Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ. Không ai gieo mọc trắng mặt người…". Trong ông giờ đây, dường như những ký ức về tuổi thơ, về mẹ, về quê hương cứ trở về đau đáu. Có lẽ chính bởi điều đó, trong nhiều chương đoạn của "Trầm tích", nhà thơ Hoàng Trần Cương chủ yếu viết về mẹ. Với ông người mẹ là một nguồn thi hứng vô tận. Những câu thơ ấy được viết bằng chính những giọt nước mắt yêu thương, trân trọng, kính yêu nhất về mẹ.

Khi viết những dòng thơ này, ông đã hóa thân trở về là một cậu bé Hoàng Trần Cương thuở nhỏ và cũng chính là trí tuệ của một con người biết trải nghiệm mọi đắng cay, bại thành ở cuộc đời này. Có lần ông nói: "Trái đất có nhiều tỉ người nhưng tôi chỉ có một bà mẹ, thế là bạn hiểu vì sao tôi yêu mẹ rồi đấy!".

Ông viết: Tuổi thơ nghèo đói, khiến nhà thơ Hoàng Trần Cương luôn bị ám ảnh ngay cả trong cuộc sống thường nhật. Có lần, người bán ngô dạo đi qua nhà ông cứ rao đi rao lại: "Ai ngô luộc không?" khiến ông không chịu nổi. Ông gọi lại, mua hết cả nồi ngô ấy. Ông bảo, nỗi ám ảnh ngô, khoai, sắn của tuổi thơ khiến ông sợ cả tiếng rao! 

Ông từng bảo, bảy tuổi đầu ông theo cha ra sống ở mảnh đất Hà thành, rồi nhiều năm sau, ông đắm mình trong miền Kinh Bắc, cái vùng quê ngọt ngào đã mang đến cho ông một người vợ dịu hiền, tần tảo, nhưng cũng cho ông một tâm hồn "liền anh, liền chị". Trong ông có cái lãng mạn của chất Bắc, nhưng lại có sự dữ dội của miền Trung.

Ông lại là một người thương binh đi qua chiến trận, bàn tay ông từng vuốt mắt của bao đồng đội đã hy sinh. Hiển hiện trong ông là người mẹ, là những người thân, là mảnh đất cá gỗ, là vùng trời miền Trung và trên hết đó là những "trầm tích" của tổ tiên, dòng họ, là những tháng năm làm lính trận chiến chinh đổ máu, là hy sinh của bạn bè đồng đội, cả nỗi đau tê nhức của mảnh đạn vẫn đang nằm trong cơ thể ông suốt mấy chục năm trời...

Tất cả những điều đó, với ông, nó có sức nặng bom tấn để từ trong trái tim ông ngân lên những khúc ca bi tráng về những gì ông đã trải qua trong cuộc đời này và buộc ông phải cầm bút viết: "Nhiều lúc anh muốn bứt đi dòng hồi tưởng của mình/ Những ký ức từng làm em xây xẩm/ Khi sốt rét quật anh ngã sấp/ Buổi động trời vết thương cũ nghiến răng/ Nhiều lúc một mình ngồi muốn nuốt chửng cả mùa trăng/ Khi rạng lên trong anh những gương mặt đã tản vào năm tháng/ Những chiếc áo của đồng đội anh nếu đem ghép lại/ Chắc cũng đủ căng lên thêm một bầu trời/ Nhiều lúc quá khứ bị chính anh lơ đãng bỏ rơi/ Ngước lên bàn thờ bắt gặp đôi nén hương đói lửa/ Những nén hương khắc khoải cong xoắn vòng vấn hỏi/ Khói bay tìm trời xưa/ Vuốt nỗi nhớ cồn cào xuống ngực/ Và nằm xoài anh ôm anh trên đất/ Chợt gặp lại những tấm bia đã mờ tên đồng đội/ Đứng im lìm giữa dãy dọc, hàng ngang/ Không hiểu sao những tấm bia đều ngoảnh mặt về làng"...

Đi qua chiến tranh, trở về với cuộc đời, Hoàng Trần Cương là một người giàu bản lĩnh. Ông là người may mắn có chút "tem, mác" và như ông nói, số ông "sát" tiền, nhưng kỳ thực, trong tận sâu thẳm lòng mình, ông luôn nặng nợ với thi ca. Sự đeo bám của thi ca luôn khiến ký ức ông xù xì, đau đớn, như là một định mệnh của đất trời cứ gieo rắc vào ông. "Nàng thơ" đã mang lại cho ông nhiều thứ nhưng cũng đã lấy đi của ông không ít những hạnh phúc bình thường ở đời.

Đôi lúc, thơ đã làm cho ông vật vã. Vớ được ngày nghỉ, gặp được bạn bè tâm giao ở một quán bia hơi nào đó là ông đọc thơ, đọc rất to, rất đắm đuối ở bàn nhậu. Ông thường xuyên vì bạn, vì thơ mà quên "vai vế" của mình. Và một khi thơ đã ngấm vào hồn là ông quên hết và có thể là... ngã khi vung tay, nhắm mắt lắc lư theo những vần điệu, cảm xúc. Hoàng Trần Cương là vậy, luôn như vậy, luôn được là chính mình với thi ca.

Nhà thơ Hoàng Trần Cương tâm sự: "Tôi nhiều lần nằm mơ thấy mình là đá và hơn một lần đứng trước đá, tôi tự hỏi, không biết liệu đá có buồn hơn không khi được ví là mình: Mặt anh buồn như đá/ Ai vứt ra ngoài đồng".

Bây giờ, nhà thơ Hoàng Trần Cương đã về hưu, ông bảo, từ nay sẽ được thanh thản mà cầm bút, chẳng phải nghĩ đến những công to, việc lớn. Sau ngày về hưu, ông dành thời gian để làm việc hiếu cho gia tộc. Những việc mà đáng lẽ ông phải thường xuyên làm và làm từ rất lâu rồi. Ông được trở lại dài ngày đắm mình hàng giờ trước dòng Lam xanh, để lắng hồn mình với những dư âm, như ào xuống mạch nước trong, đẫm mình vào hồn cốt núi sông, để tìm lại mình trong tuổi nhỏ, gọi về những trưa hè nắng chói chang cùng lũ bạn bè bắt cá ở Ba-ra sông Lam, để hiện về những đêm trăng sáng lấm láp bò toài trên cát, mặc nắng, mặc mưa, mặc tiếng mẹ gọi khản giọng sau luỹ tre ngà...

Để nghe "Câu ví dặm nằm nghiêng/ Trên nắng và dưới cát/ Đến câu hát cũng hai lần sàng lại/ Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm...". Ông trở lại dòng Lam, lắng nghe lời núi sông, để viết tiếp những dòng thơ đang còn dang dở: "Thật ra mặt đất cũng là bầu trời/ Nới rộng vòng tay/ Sẽ có ngày với được/ Bởi quen ngước lên/ Anh thường không thấy/ Một thế giới mộng mơ ở ngay dưới chân mình..."

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.