Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi: Với tay ngắt bóng

Chủ Nhật, 03/01/2010, 16:55
Vào cái thời thiên hạ bị cuốn mạnh vào nhịp sống nhanh này, ngỡ lục bát rất dễ bị đánh rơi, ngỡ lục bát đã đuối sức đeo bám hồn người. Nào ngờ lục bát vẫn dồi dào sung sức. Và sự xuất hiện của tập thơ 100 bài lục bát này của Đỗ Trọng Khơi đã thêm một lần nữa minh chứng điều đó...

Giải thưởng thơ Bách Việt 2009 đã chính thức chọn được 2 tác phẩm cuối cùng vào vòng chung khảo của giải năm 2009. Hai tập thơ được chọn là: "Với tay ngắt bóng" (Đỗ Trọng Khơi - Thái Bình) và "Hai bầu trời" (Khánh Phương - Hà Nội).

Thơ lục bát đã thuộc về hồn Việt. Hàng ngàn năm nay, lục bát đã thăng trầm cùng người Việt, thủy chung cùng tiếng Việt. Vào cái thời thiên hạ bị cuốn mạnh vào nhịp sống nhanh này, ngỡ lục bát rất dễ bị đánh rơi, ngỡ lục bát đã đuối sức đeo bám hồn người. Nào ngờ lục bát vẫn dồi dào sung sức.

Và sự xuất hiện của tập thơ 100 bài lục bát này của Đỗ Trọng Khơi đã thêm một lần nữa minh chứng điều đó. Lục bát đã nâng đỡ hồn Khơi, Khơi cũng thật nâng niu lục bát. Có thể nói lục bát đã giúp Khơi sống chậm Ở thế gian này.

Nhỏ nhoi trên chiếc xe lăn, tù túng ở chốn quê, quẩn quanh góc đời hẹp. Nhưng bằng mối bận tâm sâu xa, Đỗ Trọng Khơi vẫn lặng lẽ mở hồn mình vào thế gian vô cùng, kiên nhẫn mở tầm nhìn bao quát cõi nhân sinh. Cái nhìn ấy từ cái tôi bé nhỏ đã giúp Đỗ Trọng Khơi vượt lên sự bé nhỏ của cái tôi. Đỗ Trọng Khơi suy cảm về phận mình trong thế gian, phận người trong trời đất. Ta là ai? Ta từ đâu và tới đâu? Ta có nghĩa lý gì không trong cõi nhân gian này?... Những câu hỏi thiết cốt từng dằn vặt con người mọi thuở, đến nay dường như cũng không buông tha anh.

Trầm sâu trong những suy tư như thế, mỗi cá nhân có cơ ngộ ra những lẽ đời bình dị sâu xa sau những nỗi đời bộn bề phiền tạp. Cá nhân có dịp ngộ ra những cái có - cái không, cái còn - cái mất, những thực - hư, thật - giả, được - thua, thành - bại, may - rủi, sướng - khổ, nghĩa lý - vô nghĩa lý… trong cuộc thế phù du này.

Không là triết nhân, Đỗ Trọng Khơi đâu có tham vọng về triết mà ta đòi hỏi những ý tưởng mới cho triết học nhân sinh. Bù lại, Khơi có niềm băn khoăn chân thực của một thi sĩ về những lẽ nhân sinh ấy. Đáng nói là băn khoăn từ chính đời mình, chính phận mình. Nhờ băn khoăn, Khơi ngộ ra, Đỗ Trọng Khơi thấm thía, Đỗ Trọng Khơi có được tâm thế bình thản để sống giữa những dâu bể, sống với cái sắc sắc không không của cõi này và bình thản ngay cả khi đôi ba lần đã thập thò trên ngưỡng cửa của hư vô.

Chả riêng gì những suy tư về bản thể như thế, mà về tạo vật, về cõi người, Đỗ Trọng Khơi cũng có những chiêm nghiệm khiến ta bất ngờ: Hương thơm chẳng nói chẳng rằng/ cứ dìu xuân lại ăn năn bên vườn, Xanh về thì vàng ra đi/ nhẹ nhàng lá chẳng bấc chì gì đâu, Bây giờ trời cuối một thu/ gió như ngàn lưỡi gươm mờ trong sương… Hay: Ta về ở ẩn trong ta/ tấm thân cát bụi như là… thế thôi, Men dòng nhật nguyệt ta đi/ bao nhiêu sắc sắc đã về không không

Men theo mạch ấy, Khơi đã gặp những bậc hiền nhân trong Phật Kinh, những tiền nhân trong thơ thiền Lý Trần, gặp dấu hình còn ấm không gian của những bậc đàn anh như Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Duy… Nhưng, Khơi không bị rối lòng trước dấu người trước. Khơi nương theo, Khơi đồng hành. Dẫu có lúc lẫn vào những hình bóng ấy, nhưng Khơi vẫn là Khơi với những chiêm nghiệm từ cảnh mình, phận mình, bằng giọng mình. Không thế, làm sao câu chữ có được hồn riêng.

Đọc thơ, thấy tâm hồn anh ngậm ngùi mà tâm trí anh bình thản. Bình thản mà ngậm ngùi, ngậm ngùi mà luôn bình thản, dường như đó chính là điệu hồn của Đỗ Trọng Khơi! Khơi đã phổ trọn vẹn điệu hồn ấy trong mỗi lời thơ Ở thế gian này: Ngợ hư vinh cãi phù du/ trong binh boong tiếng chuông chùa thu không, Mai kia bóng rụng hình rơi/ sống vào cõi chết nhẹ rời bước đi, Một mai cát bụi về trời/ nước - non ai gặp bóng tôi cất giùm… Thế nên, trong cõi chữ bao la ấy, người ta vẫn thấy một bóng hình riêng của Khơi và chắc sẽ cất giùm anh bóng hình ấy.

Cùng với tập thơ "Với tay ngắt bóng" của tác giả Đỗ Trọng Khơi, gương mặt nữ duy nhất lọt vào chung khảo giải thưởng thơ Bách Việt: Khánh Phương lại có những nét suy tư, thi pháp lạ tạo nên dấu ấn riêng mình. Giọng mềm len lỏi trong tâm thức và sững ra bắt gặp những thi ảnh lạ. Những cảm thức tưởng như oái ăm đáo để mà thực ra lại  được nhú lên từ cái gốc thật hiền lành thiện nguyện của tâm tính.

Thơ Phương (rất may) không dụng tâm săn đuổi sự quái dị để làm mới mà cái mới ở chị được phát tiết chính là ở sự dám thành thực với chính mình. Ngoài cái tình thơ còn tính thơ. Tính nết ở thơ chị dàn ra những băn khoăn lưỡng lự để tìm chỗ cho thân tâm khả dĩ chấp nhận được trong trong sự giằng xé ngấm ngầm giữa văn minh và văn hoá.

Qua rất nhiều phức cảm ngắt ngoéo rồi lắng xuống trong ra để giản dị: "Takeshi, khi tớ bước đi hai tay vung vẩy cậu có nhìn không?/ - Tớ thấy cậu biến vào căn phòng kín mít để con chó con đứng lại ở bên ngoài". Để những câu như vậy tức là không còn (phải) quan tâm đến thi pháp, nó tự nhiên có thư pháp ở trong ấy. Còn: "chầm chậm ráp những đoạn thì giờ đứt gãy/ một góc chiều tróc sơn" thì đấy là thấy hay cảm thấy? Chắc là cả hai. Không mấy khi vừa thể chất vừa tinh thần dồn vào nhãn lực như vậy để phát hiện ra những day trở nhuốm màu phiền muộn ở cả hai chiều không gian và thời gian thật sự là đương đại như vậy v.v...

Ở "Hai bầu trời" có nhiều cái (không loại trừ có cả cái lan man) nhưng trước hết là có cái để đọc

PV
.
.
.