Nhà thơ Bình Nguyên Trang: Viết văn đừng sống qua loa, hời hợt

Thứ Ba, 09/12/2014, 08:46
Vẫn được gọi là nhà văn trẻ, nhưng Bình Nguyên Trang cầm bút đã hơn 20 năm. Chị là cái tên được bạn đọc tuổi học trò nhiều thế hệ nhớ đến, từ thủa “làm mưa làm gió” trên các báo dành cho bạn đọc trẻ, bạn đọc tuổi xanh như Hoa Học Trò, Áo Trắng, Mực Tím, Tiền Phong... Từ tập thơ đầu tay xuất bản năm 1995, khi mới 18 tuổi, đến nay nhà thơ Bình Nguyên Trang đã in 7 đầu sách, là một gương mặt để lại dấu ấn sâu đậm trong đời sống văn học trẻ.

- Làm nghề gì cũng vậy, cái dấu ấn của buổi ban đầu chập chững vào nghề cũng là rất khó quên. Với chị, tác phẩm đầu tay được viết trong tâm thế như thế nào?

Nhà thơ Bình Nguyên Trang: Tôi chập chững làm thơ, viết văn từ rất sớm, nhưng nếu quan niệm về tác phẩm đầu tay, thì tôi nghĩ đến bài thơ đầu tiên đăng trên Báo Hoa Học Trò năm 1992, khi tôi đang là học sinh lớp 10 Trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định. Bài thơ có tựa đề “Hoa gạo tháng ba”, là cảm xúc của một cô học trò xa nhà nhớ về quê hương, vùng đất châu thổ có con đò, dòng sông, có hoa gạo nở đỏ những ngày tháng ba mưa phùn gió bấc. Tôi còn nhớ nhuận bút của bài thơ đó được 15.000 đồng, tôi đã khao bạn bè mình một bữa ốc luộc rất xôm trò.

Nhà thơ Bình Nguyên Trang.

- Chị vừa nói về hình ảnh bông hoa gạo gắn với bài thơ đầu tiên của mình. Bạn đọc từng đặt cho chị biệt danh “nhà thơ của tháng ba”. Trong nhiều bài thơ sau này, hình ảnh hoa gạo luôn được chị nhắc đến với những tâm trạng khác nhau...

Nhà thơ Bình Nguyên Trang: Tôi có một tuổi thơ đồng đất, gắn với làng, với những gì giản dị, gần gũi nhất. Tôi cũng là đứa trẻ rời cha mẹ đi xa từ khi còn rất nhỏ. Và ký ức trong tôi, thường có màu đỏ của bông hoa gạo. Tôi yêu loài hoa này bằng một tình yêu rất khó gọi thành lời. Tôi nhớ những ngày tháng ba mưa phùn rét mướt, cái mùa đói khốn khó ở nông thôn, cũng là mùa hoa gạo bung đỏ một góc trời, như khát vọng của những phận người nơi quê nghèo, luôn muốn vươn lên, bay lên khỏi hiện thực mình đang sống. Trong hình ảnh bông hoa gạo có hình ảnh của bà tôi, của mẹ tôi, của chị tôi. Một hình ảnh rất thân phận, vừa cam chịu vừa không bằng lòng với số phận. Khi tôi viết một bài thơ về quê hương, về mẹ, màu đỏ của bông hoa gạo cứ chập chờn như một ký tự nghệ thuật để tôi gửi gắm, ký thác những tình cảm của mình - một người cầm bút đi ra từ làng quê: “Hoa gạo đỏ/ Người cắm biển quê nhà trong hồn tôi/ Mùa rưng rưng khói/ rơm rạ ủ/ ngày không phố xá/ cho tôi về nhận mặt cố hương”.

- Theo chị, thành công hay thất bại của tác phẩm đầu tay có ảnh hưởng lớn đến việc sáng tác sau này của nhà văn không?

Nhà thơ Bình Nguyên Trang: Tôi chưa khi nào dám nghĩ đến hai chữ thành công, vì nó rất khó suy luận trong công việc của một người cầm bút. Tôi thích ở trong tâm thế của một người đang trên đường. Nói về tác phẩm đầu tay, tôi cảm giác như khi mình nghĩ về ngày đầu tiên rời vòng tay một mình trên đường đời, lại cũng có khi giống như nghĩ về mối tình đầu, đầy háo hức và có một chút lo âu. Tác phẩm đầu tay cung cấp cho mình một số tín hiệu quan trọng để mình có thể đi với công việc của người cầm bút, ví như, sự đón nhận của bạn đọc, của những người làm nghề đi trước. Tôi có một cái may, là những gì tôi viết ra buổi ban đầu không đến nỗi rơi vào im lặng, không được chú ý hay quan tâm ít nhiều. Nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của bạn đọc, nhất là bạn đọc cùng thế hệ, là chất kích thích quan trọng để tôi nghĩ nhiều hơn, dành nhiều thời gian hơn cho việc sáng tác, dẫu ý thức về sự chuyên nghiệp thì còn lâu mới có. Sau tập thơ đầu tiên xuất bản năm 18 tuổi, tôi cảm thấy mình dường như nhìn rõ hơn con đường mình sẽ đi.

- Theo chị, vì sao ngày càng ít bạn trẻ chọn văn chương làm con đường lập thân?

Nhà thơ Bình Nguyên Trang: Tôi nghĩ, nếu ai đó đủ khôn ngoan để tránh lập thân bằng con đường văn chương, họ xứng đáng đi một con đường khác. Văn chương chẳng cao hơn bất cứ nghề nào, nhưng nó là nghề đầy khiêu khích. Đôi khi bạn chọn nó cũng chẳng được. Đôi khi bạn rời bỏ nó cũng chẳng xong. Nó là một nghề đỏng đảnh, thường giành quyền lựa chọn ai đó hơn là để họ chọn. Thế hệ viết văn 7X của tôi, nhìn lại có những may mắn hơn các bạn trẻ bây giờ. Thời chúng tôi mới lớn, Internet chưa phổ cập như bây giờ, các loại hình nghệ thuật giải trí cũng chưa phong phú như bây giờ. Các tờ báo vẫn dành phần đất trang trọng để đăng tải tác phẩm văn học. Các bạn trẻ viết văn có nhiều tờ báo để có thể gửi gắm tác phẩm của mình. Đặc biệt là có những người biên tập tâm huyết động viên khuyến khích các cây bút trẻ sáng tác. Bây giờ thì khác rồi, các báo dành cho sinh viên học trò, tuổi trẻ nói chung không mặn mà lắm với việc đăng tải tác phẩm của các bạn trẻ. Những thói quen giải trí mới đẩy văn chương trở thành một trong rất nhiều lựa chọn của công chúng. Cho dù mạng xã hội có thể là nơi giúp ích thiết thực việc bạn trẻ viết văn tự đăng tải tác phẩm của mình, nhưng thiếu sự động viên, khuyến khích của người đi trước, của báo chí truyền thông, thì rất khó để phát hiện các tài năng mới. Cho nên, một bạn trẻ hôm nay mà chọn nghề viết văn, bạn phải tự vượt qua mình rất nhiều. Phải bản lĩnh hơn, hy sinh hơn...

- Theo chị, thành công của người cầm bút là do tài năng hay may mắn?

Nhà thơ Bình Nguyên Trang: Tài năng là đầu tiên, nếu không sẽ không có sáng tạo. Nhưng tài năng không đủ làm nên một tác phẩm hay, nếu người viết không trải nghiệm, không có vốn sống. Những nhà văn thế hệ trước tôi thường hay khuyên, sống đã rồi hãy viết. Sống ở đây là sống thực sự, sống thật, sống đến đáy cảm xúc của mình, không hời hợt, qua loa, né tránh...

- Có thời gian dài, cái tên Bình Nguyên Trang vắng hẳn trên văn đàn. Có phải lúc đó chị bị “áo cơm ghì sát đất” và lãng quên thơ?

Nhà thơ Bình Nguyên Trang: Tôi có khoảng 10 năm im hơi lặng tiếng, không xuất hiện, in ấn tác phẩm. Một phần vì vật lộn, mưu sinh. Nhưng cơ bản là tôi muốn rời bỏ văn chương. Tôi định sẽ đi một con đường khác và khép lại cuộc chơi với con chữ. Bởi tôi ngộ thấy, văn học là công việc của bóng tối, của im lặng, cô đơn, của vô tăm tích. Tôi đã muốn làm một người khôn ngoan hơn, là tránh xa việc viết. Nhưng rồi tôi không làm một người khôn ngoan được, tôi thua cuộc. Càng lúc tôi càng thấy, việc ngồi vào bàn và viết một điều gì đó lên trang giấy là niềm an ủi, niềm hân hoan đáng kể trong đời sống của mình. Mọi xúc cảm khi có trang giấy làm bạn, được thăng hoa, được sẻ chia rất lớn. Và rồi, sau gần 10 năm, tôi chính thức trở lại, bằng việc in 3 cuốn sách trong một năm...

- Và chắc là sẽ không bao giờ nghĩ chuyện rời bỏ văn chương nữa chứ?

Nhà thơ Bình Nguyên Trang: Giờ thì sợ nhất là mình bị cuốn đi trong trăm ngàn công việc cuộc đời, không đủ thời gian, nhiệt huyết dành cho  văn chương và bị văn chương bỏ lại phía sau. Đấy là khó khăn mà những nhà văn làm báo như tôi phải đối mặt.

- Cám ơn chị về cuộc trò chuyện!

Nhà thơ Bình Nguyên Trang, sinh năm 1977, hiện là Phó trưởng Ban Cảnh sát toàn cầu, Báo CAND. Chị đã xuất bản 7 tập sách, gồm các thể loại thơ, truyện ngắn, ký chân dung. Ngoài các giải thưởng do Báo Hoa Học Trò, Áo Trắng, Mực Tím trao tặng, Bình Nguyên Trang còn giành các giải thưởng quan trọng: giải nhất truyện ngắn Tác phẩm tuổi xanh - Báo Tiền Phong, giải B của Liên hiệp các Hội VHNTVN cho tập thơ “Những bông hoa đang thiền”.
Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.