Nhà thơ Bằng Việt tái đắc cử Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội

Chủ Nhật, 17/07/2011, 14:54
- Thưa nhà thơ Bằng Việt, trước tiên xin chúc mừng ông vừa tái đắc cử Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội. Ở tuổi của ông đảm đương một công việc có phần nặng nề về khối lượng và trách nhiệm như vậy, liệu có là quá sức không thưa ông?

+ Trong quá trình chuẩn bị nhân sự Đại hội, tôi cũng đã có trao đổi với các đồng chí lãnh đạo, là tôi dự định xin rút khỏi danh sách ứng cử nhiệm kỳ này, vì tôi cũng đã luống tuổi rồi, và có kế hoạch dành thời gian cho một số việc riêng. Tôi cũng muốn được giải phóng mình khỏi những việc hành chính sự vụ căng thẳng. Hơn nữa, về mặt gây dựng phong trào, tôi nghĩ nên có một gương mặt trẻ hơn quản lý Hội, nhất là giai đoạn chuyển đổi từ Hội liên hiệp sang Liên hiệp hội sắp tới. Tuy nhiên, sau khi điểm lại nhân sự cụ thể, có thể đề cử để quản lý Hội, ý kiến của tổ chức và các cơ quan tham mưu của Thành ủy là khuyên tôi trước mắt vẫn nên ở lại để giữ cho công việc ổn định; và quan trọng là trong những lần bỏ phiếu tín nhiệm trước Đại hội, tôi cũng đều giành được đa số phiếu giới thiệu, từ Ban chấp hành, tới Thường trực và Đảng Đoàn của Hội. Có nghĩa là anh em văn nghệ sĩ vẫn thấy mình còn có ích cho phong trào. Từ đó, tôi lại có thêm suy nghĩ rằng, nếu mình có trúng cử, thì nên chăng, chỉ sau một thời gian nữa, khi tạo được các điều kiện hỗ trợ cần thiết để các đồng chí trẻ đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ của Hội thì tôi cũng sẽ tự nguyện chuyển giao dần nhiệm vụ, không nhất thiết phải làm hết nhiệm kỳ. Và ngay sau khi trúng cử tại Đại hội rồi, tôi vẫn nói điều này thẳng thắn trước Ban chấp hành mới. Xin tâm sự thật với bạn là tôi đã ở cái tuổi đâu cần ham hố tranh bôi chức vụ làm gì, mà cũng đã đủ chiêm nghiệm để "ngộ" ra nhiều điều thú vị hơn nhiều! Ở tuổi này, đối với tôi, phấn đấu để có uy tín văn học cao hơn và để lại được một cái gì mình coi là tâm huyết cho một đời viết, mới thật là quan trọng nhất. Mà cũng nói vui, bạn đừng cho là khinh bạc, lương phụ cấp trách nhiệm của Chủ tịch Hội Hà Nội chỉ là 3 triệu đồng, cộng thêm 500.000đ tiền ăn trưa một tháng, "bổng lộc" ấy mà bảo tôi tham quyền cố vị thì cũng buồn cười! Tôi ở lại vì nghĩ nhiều hơn đến trách nhiệm đã gắn bó lâu năm của mình với anh em, cũng đều vất vả và đều gắng gỏi hết mình giữ lấy hoạt động văn học nghệ thuật vậy thôi. Nếu anh em cảm thấy không cần nữa, tôi cũng tự xin ra đi ngay. Thế nhưng, cái nghề của chúng ta, hằng ngày được gặp các anh em văn nghệ sĩ, giao lưu, trao đổi, thực sự vẫn là một niềm vui, khiến mình không cảm thấy già đi về tinh thần. Tôi chỉ biết dặn lòng mình là hãy cố gắng làm được nhiều việc hơn nữa để không phụ lòng tin của anh chị em trong nhiệm kỳ mới này.

Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội.

- Vậy, đứng trên đỉnh cao của 1000 năm văn hiến, ông đánh giá thế nào về lực lượng văn nghệ sĩ của Thủ đô hiện nay?

+ Được làm Chủ tịch của một Hội gần 3.000 văn nghệ sĩ trí thức của Thủ đô, điều lo lắng nhất của tôi là làm sao phát huy được hết tiềm năng, chất xám, sức sáng tạo của anh chị em. Điều này trong nhiệm kỳ vừa rồi có lẽ cũng chưa làm tốt được. Có nhiều lý do, nhưng có một lý do quan trọng mà tôi xin đề cập ở đây, đó là quyết sách đối với văn nghệ sĩ chưa thực sự thông thoáng, cởi mở. Chúng ta kêu gọi phải có tác phẩm lớn, tác phẩm đỉnh cao, nhưng lại không sẵn sáng chấp nhận những tiếng nói mới, mạnh mẽ, có khi đa chiều, thậm chí có lúc tưởng như trái chiều, chỉ vì nó quá thẳng thắn và gây "sốc". Quan niệm chỉ muốn tròn trặn mà thôi là chưa phù hợp với tình hình phát triển của văn học nghệ thuật hiện nay. Nhiệm vụ của văn nghệ là luôn luôn phải khai phá, lật mở ra những vỉa tầng mới của hiện thực, đưa ra những nhận thức mới cho đời sống. Văn nghệ hiện nay đang có nguy cơ đi sâu mãi vào một nền nếp khá an toàn, lười biếng, chỉ khai thác bề nổi của sự vật, hiện tượng. Chúng ta phải thừa nhận rằng, xã hội ta hiện nay đang còn nhiều vấn đề nhức nhối, xuống cấp, nhiều tệ nạn trầm trọng đang hoành hành. Tuy nhiên, trong văn học nghệ thuật, thì chúng ta lại chưa chấp nhận đưa những "vết thương" này trong đời sống ra để mổ xẻ, phẫu thuật, chịu đau để chữa lành. Che mắt bịt đi những vết thương, là càng làm cho ung nhọt kéo dài. Có nghĩa là chúng ta phải đủ sức mạnh để tin vào chế độ và xã hội ưu việt của chúng ta, đủ dũng cảm để chấp nhận những tìm tòi, khám phá của văn nghệ sĩ, xóa bỏ tư duy hời hợt, dễ bằng lòng trong văn nghệ với khẩu hiệu luôn luôn chỉ một mực ủng hộ sự "nhất trí", thì mới mong có tác phẩm lớn.

- Những nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong nhiệm kỳ này là gì, thưa ông?

+ Nhiệm kỳ này sẽ kết thúc vào năm 2016, tròn 50 năm Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội ra đời. Đây cũng là một cái mốc quan trọng, để Hội nhằm tới đó động viên, phát động sáng tác, tạo ra những đóng góp thiết thực cho Thủ đô bằng những tác phẩm mang tính đúc kết một giai đoạn dài đầy ý nghĩa. Hội cũng sẽ đề ra những tiêu chí sát sườn, nhằm phát huy hết khả năng có thể huy động mọi đề cương, dự định… đang có của hội viên, trong khi kết hợp thu hút được anh chị em vào các trại sáng tác, đi điền dã, rồi tổ chức các cuộc thi, tạo điều kiện cho anh chị em đi sâu vào thực tiễn sinh động và đang chuyển đổi mạnh mẽ của đời sống Thủ đô, khai thác một cách mạnh mẽ, sắc sảo, có chủ kiến… những đề tài mới, hấp dẫn.

Về mô hình quản lý Hội, chúng tôi sẽ cố gắng trong nửa đầu nhiệm kỳ sẽ chuyển đổi thành công mô hình từ Hội liên hiệp sang Liên hiệp hội, theo đó mỗi Hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp hội sẽ có tư cách pháp nhân độc lập, có tài khoản, con dấu riêng và những hoạt động nghề nghiệp phong phú, đa dạng hơn nhiều. Trong tương lai, mô hình của văn nghệ Hà Nội sẽ không khác xa mô hình văn nghệ TP Hồ Chí Minh. Trước khi làm Đề án chuyển đổi mô hình này, chúng tôi đã cử một đoàn đại biểu vào TP Hồ Chí Minh để trao đổi, học tập kinh nghiệm vào tháng 3 vừa rồi, ngay không lâu trước Đại hội XI; đi thực địa và nghiên cứu cả các văn bản, hồ sơ, kinh nghiệm quản lý của TP Hồ Chí Minh, đúc rút những điểm khả thi, để hoàn thành Đề án trình TP Hà Nội.

- Nhìn lại các cơ sở giới thiệu văn hóa nghệ thuật Thủ đô như báo chí, xuất bản… thì thấy rõ ràng chưa xứng tầm với vị trí, vai trò của văn nghệ Thủ đô. Trong tương lai điều này sẽ được thay đổi như thế nào, thưa ông?

+ Tờ báo "Người Hà Nội", cơ quan ngôn luận của Liên hiệp Hội Văn nghệ Hà Nội đúng là những năm gần đây chưa xứng với tiềm năng và vị trí của văn học nghệ thuật Thủ đô. Sắp tới, Hội sẽ cấp thiết củng cố lại bằng cách củng cố tổ chức, đầu tư kinh phí và nhân lực để tờ báo xứng đáng là sân chơi, là diễn đàn của văn nghệ sĩ trí thức Thủ đô. Hội cũng sẽ nâng cấp hơn nữa tờ Tạp chí "Tản Viên Sơn". Nhân đây, tôi cũng nói thêm về Giải thưởng của Hội cũng phải được cải tiến nhằm tạo ra uy tín cao hơn nữa trong đời sống văn nghệ cả nước, tôn vinh những người thực sự có đóng góp xứng đáng, tránh kiểu biểu dương "dàn đều", bình quân chủ nghĩa.

- Chúng ta đều biết Hà Nội là nơi hội tụ của các văn nghệ sĩ đến từ nhiều vùng đất khác nhau trên cả nước. Số lượng văn nghệ sĩ "Hà Nội gốc" không nhiều. Với một đặc thù văn nghệ như vậy, Hội có chiến lược gì để những đóng góp của các văn nghệ sĩ vừa là tiêu biểu cho Thủ đô, lại vừa giữ được bản sắc của từng cá nhân?

+ Hà Nội luôn là điểm mở rộng và hội tụ của văn nghệ sĩ cả nước. Thái độ của Hội là sẵn sàng mở cửa, ghi nhận những đóng góp của bất cứ ai, dù họ đến từ đâu. Nói như cố GS Trần Quốc Vượng thì Hà Nội chính là nơi tập hợp - chọn lọc - kết tinh - lan tỏa những giá trị tinh hoa của cả nước. Văn hóa văn nghệ càng đặc biệt thể hiện rõ tinh thần này. Ngay trong kết nạp hội viên hay xét tặng giải thưởng của Hội, chúng tôi bao giờ cũng rất cởi mở, không bó hẹp trong phạm vi nào cả. Có rất nhiều hội viên của các Hội địa phương khi trở về Hà Nội sinh sống được kết nạp vào Hội Hà Nội. Về giải thưởng của Hội Hà Nội, thì khi chọn tác phẩm chúng tôi cũng không nhất thiết là chỉ hạn chế tác giả phải là hội viên Hội Hà Nội, miễn là họ sáng tác hay về Hà Nội.

- Để có một đội ngũ kế cận trong tương lai thì công tác phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo lực lượng văn nghệ sĩ trẻ cũng là rất quan trọng. Về vấn đề này, Hội có chiến lược gì trong thời gian tới, thưa ông?

+ Hội Văn nghệ Hà Nội đã quan tâm đến công tác phát hiện, bồi dưỡng tác giả trẻ trong thời gian qua, nhưng đúng là vẫn chưa thường xuyên, liên tục. Vì vậy, đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của nhiệm kỳ này, là bài toán phức tạp mà những người làm công tác quản lý Hội chúng tôi phải suy nghĩ nghiêm túc, nếu không sẽ tạo ra sự hụt hẫng về đội ngũ kế cận trong tương lai. Nhìn Đại hội vừa rồi cũng có thể thấy, 2/3 số đại biểu đều gần như đã "tóc bạc da mồi" cả rồi. Ngay vừa đây, để chọn lựa vài nhà văn trẻ tiêu biểu đi dự Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc, phải đòi hỏi dưới 35 tuổi, nhưng có tác phẩm xuất sắc, mà "bói không ra người"!

- Hiện đang có một sự chênh lệch rất lớn trong mức độ hưởng thụ văn hóa giữa khu vực nội thành và khu vực ngoại thành. Để xóa nhòa ranh giới này trong tương lai, ông nghĩ rằng sẽ phải ưu tiên những công việc gì?

+ Đây là một vấn đề rất lớn đặt ra trong đời sống văn hóa văn nghệ Hà Nội. Ngay địa bàn Hà Nội cũ cũng vẫn chưa đồng nhất trong việc hưởng thụ văn hóa chứ đừng nói là Hà Nội mở rộng. Muốn xóa nhòa ranh giới này, đúng là không phải chuyện một sớm một chiều. Nếu chúng ta có một quy hoạch tổng thể phù hợp cho vấn đề này như mở rộng hạ tầng, giao thông, thông tin liên lạc… thì trong tương lai 10-15 năm nữa có thể khoảng cách này sẽ dần mất đi. Giải pháp trước mắt, theo tôi là phải tích cực đầu tư chiều sâu cho khu vực ngoại thành, ưu tiên những "vùng sâu vùng xa" chứ không cào bằng. Mặt khác phải nâng cao ý thức người dân để mỗi người phải có khát vọng mãnh liệt vươn lên tầm hưởng thụ văn hóa thực sự của một Thủ đô. Ngoài ra những người làm văn hóa nghệ thuật, không chỉ các văn nghệ sĩ, mà kể cả các nhà quản lý, các cán bộ tuyên truyền, các cán bộ văn hóa huyện, xã, phường, các đội chiếu bóng, các đoàn nghệ thuật chuyên và không chuyên… phải có ý thức đưa văn hóa nghệ thuật về phục vụ bà con ở khu vực ngoại thành, các khu vực hẻo lánh, kiên quyết xóa bỏ nạn "đói văn hóa" ở đây.

Xin cảm ơn ông và chúc cho những dự định của ông trở thành hiện thực

Bình Nguyên Trang
.
.
.