Nhà thơ Bàn Tài Đoàn: Tình sâu, nghĩa nặng

Thứ Ba, 27/11/2007, 10:03
Nhà thơ Bàn Tài Đoàn là một người chân thật hiếm có: thật trong đời, thật trong thơ, vẹn tròn ân nghĩa. Ông không quên bất cứ một ai, không quên bất cứ việc nghĩa nào dù lớn, dù nhỏ. Dường như suốt cả cuộc đời ông sống và viết để trả ơn và luôn mang trong mình nỗi lo không trả hết ơn nghĩa.

Nhà thơ người Dao Tiền Bàn Tài Đoàn, tên khai sinh là Bàn Tài Tuyên sinh ngày 28/9/1913 tại Xí Kèng, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật (đợt 1), tác giả của những bài thơ nổi tiếng: Muối của Cụ Hồ, Bác Hồ sống mãi trong lòng ta, Mình ơi... đã xuất bản gần 20 tập thơ, tiểu luận...

Cuối năm 2005 ông từ Nguyên Bình chuyển vào sống ở xã EASô, huyện EAKAR, tỉnh Đắk Lắk và mất tại đây ngày 17/11/2007, thọ 95 tuổi.

Nhà thơ Bàn Tài Đoàn là một người chân thật hiếm có: thật trong đời, thật trong thơ, vẹn tròn ân nghĩa. Ông không quên bất cứ một ai, không quên bất cứ việc nghĩa nào dù lớn, dù nhỏ. Dường như suốt cả cuộc đời ông sống và viết để trả ơn và luôn mang trong mình nỗi lo không trả hết ơn nghĩa.

Trước hết là ơn Đảng. Tất nhiên, như lời ông nói "Không có cách mạng, không có Đảng, không có Bàn Tài Đoàn". Điều đó luôn trở đi, trở lại trong thơ ông như một chủ đề xuyên suốt để ông trò chuyện với mình, với người Dao, hướng cả dân tộc đi theo con đường của Đảng đã vạch ra:

Đời Đoàn nhờ có Đảng chăm sóc
Dìu đi từng bước đến ngày nay
Văn chương khổ luyện trên ngòi bút
Mới có vài dòng chữ ở đây.

Và với Bác Hồ, vị Cha già dân tộc, ông tiên, người ông, người Cha trong mỗi gia đình người Dao "Ban ngày Bác cùng mặt trời chiếu/ Ban đêm lửa Bác sáng mọi nhà":

Đời ta có Hồ Chí Minh
Như vì sao sáng soi khắp trời
Ánh sáng soi tận núi rừng
Người Dao được mở mắt thấy đường đi.

Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp in đậm trong tâm trí nhà thơ với tình đồng chí, tình anh em sâu bền:

Một tình đồng chí, tình anh em
Học tiếng của nhau, ngày lại đêm
Tìm hiểu cuộc đời và nguyện vọng
Cầm tay dìu dắt, tìm đường sống.

Với nhà thơ Nông Quốc Chấn, tình thơ, tình đời sâu nặng, thật cảm động:

Đoàn với Chấn và Chấn với Đoàn
Hai người tình bạn nặng ngàn cân
Người ở xa nhau cách sông núi
Tấm lòng thì ở cạnh bên gần.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh lên Cao Bằng công tác đã vào Nguyên Bình thăm nhà thơ. Trong con mắt nhà thơ hình ảnh Tổng Bí thư là hình ảnh của Đảng - Mặt trời soi sáng cuộc đời người Dao. Thật cảm động khi được đọc câu thơ ông gửi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh viết bằng chữ Nôm Dao (Tác giả dịch ra tiếng Việt) với nét chữ run run:

Như ông mặt trời trên trời sáng
Soi sáng bốn phương khắp muôn nơi
Người Dao sống ở trong rừng thẳm
Ánh sáng mặt trời cũng đến soi.

Và với các bạn văn, bạn thơ ông không phân biệt tuổi tác, thứ bậc, lớp trước, lớp sau, ông nhớ Y Phương, Nông Viết Toại, Triệu Kim Văn, Hoàng Triều Ân, ông quý Dương Thuấn và nhiều người khác. Thật là ơn sâu, nghĩa nặng.

Những năm tuổi già, nhà thơ sống trong cảnh buồn, sức khỏe giảm dần theo ngày tháng, mắt mờ dần. Năm 85 tuổi ông vẫn lên dốc ủy ban huyện Nguyên Bình không cần người dìu, bữa ăn vẫn đều đều ba, bốn bát cơm, năm 90 tuổi vẫn minh mẫn, cười nói đọc thơ trong lễ mừng thọ. 91, 92 tuổi mắt mờ, hầu như không nhìn thấy gì.

Sau Tết Nguyên đán 2005, con trai nhà thơ, bác sỹ Bàn Tiến Khang đón nhà thơ về Thái Nguyên chữa mắt, ông ở Thái Nguyên 3 tháng, được mổ thay thủy tinh thể mắt trái, mắt ông sáng ra đôi phần, nhìn cây mít trước nhà đã phân biệt được lá xanh, lá vàng, nhìn lên mái ngói nhà hàng xóm biết được viên lành, viên vỡ...

Con cháu giữ ông ở lại tĩnh dưỡng một thời gian để mổ tiếp mắt phải nhưng ông khăng khăng đòi về Nguyên Bình. Ông bảo với tôi: "Ở thành phố lớn, tiêu tiền lớn".

Trước rằm tháng tám 2005 vài ngày, tôi vào thăm ông ở Nguyên Bình, mừng thấy ông ăn bánh dẻo, bánh nướng ngon lành. Ông kể với tôi chuyến "Về quê" của ông với nỗi buồn day dứt, vì không kịp, không có điều kiện trả ơn người nào, cơ quan nào đã đưa xe ông về đến tận nhà.Ông cứ nhắc đi nhắc lại với tôi: "Không biết tìm người ta ở đâu mà cảm ơn!". Nghĩ mà thương ông quá.

Cuối năm 2005, đột nhiên nhận được tin ông chuyển vào Nam sống với người con trai cả, tôi chạy vội ra Bến xe Cao Bằng tiễn ông, nhưng không kịp. Hơi bực mình, tôi gắt Chu Triều Đương, người báo tin cho tôi. Chu Triều Đương ngậm ngùi: "Thì tôi cũng vừa biết tin". Cũng may nhà thơ Trần Hùng, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Cao Bằng kịp tặng ông một khoản tiền của tỉnh Cao Bằng.

Giờ thì nhà thơ Bàn Tài Đoàn đã đi xa để lại niềm tiếc thương cho mọi người. Tỉnh Cao Bằng, Hội Nhà văn Việt Nam, những người bạn văn, bạn thơ yêu quí, gần gũi ông, những bạn đọc yêu thơ ông, những người Dao sống trên đất nước Việt Nam yêu mến, kính trọng ông đã bằng tấm lòng và việc làm cụ thể đưa ông về trời để hồn ông siêu thoát trong cõi Phật, cõi tiên

Hoàng Quảng Uyên

.
.
.