Nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Điệp: 30 năm và hành trình tìm kiếm đỉnh cao
PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, qua cuộc Hội thảo này, ông có thể đánh giá một cách tổng quát về vấn đề phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế. Theo ông, thuận lợi và khó khăn của văn học Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế là gì?
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp: Cuộc Hội thảo Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế do Viện Văn học tổ chức vừa qua nằm trong chương trình tổng kết thực tiễn ba mươi năm đổi mới đất nước mà Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đang tiến hành. Mặt thuận lợi của văn học thời kỳ đổi mới là tinh thần dân chủ được đề cao, giao lưu văn hóa rộng mở, các thử nghiệm, sáng tạo được khuyến khích, chính sách quản lý văn hóa, văn học đã có nhiều đổi mới. Đặc biệt, với tinh thần đổi mới tư duy, Đảng ta đã có những chủ trương mới mẻ, phù hợp với sự phát triển năng động của thực tiễn. Tôi nghĩ, đây chính là hành lang tư tưởng thông thoáng, cởi mở cho hoạt động sáng tạo văn học thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, văn học thời kỳ đổi mới đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trong đó đáng chú ý là tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và tình trạng thương mại hóa trong văn học; thị phần văn học bị thu hẹp trước sự lên ngôi của văn hóa nghe nhìn; ảnh hưởng của những tư tưởng xa lạ với mỹ cảm truyền thống của dân tộc dẫn đến nguy cơ làm tan biến bản sắc văn hóa...
Mặt khác, thái độ duy kinh tế mà xem nhẹ phát triển văn hóa, lối sống thực dụng cũng góp phần gia tăng hội chứng vô cảm của các cá thể hiện đại, dẫn đến thái độ hư vô trong lối sống và trong thực tiễn sáng tạo văn học. Xuyên suốt ba mươi năm qua, các yếu tố thuận lợi và khó khăn, thành tựu và hạn chế luôn đan xen tồn tại. Sự nghiệp đổi mới văn học cũng cho thấy văn học Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào trình độ tư duy nghệ thuật của thế giới. Hầu như mọi trào lưu, tư tưởng nghệ thuật mới của thế giới đều xa, gần ảnh hưởng đến thực tiễn văn học thời kỳ đổi mới và được vận dụng ở những mức độ khác nhau. Dĩ nhiên, việc tiếp thu những tư tưởng nghệ thuật mới của nhân loại đòi hỏi bản lĩnh và sự chủ động của người tiếp nhận. Đó phải là quá trình tiếp nhận để sáng tạo chứ không phải là sự sao chép vụng về.
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Văn học. |
PV: Thông qua sự khảo sát, ông có thể điểm danh một số nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới?
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp: Trong ba mươi năm qua, văn học Việt Nam đã xuất hiện nhiều gương mặt đáng chú ý mà trong khuôn khổ của một bài phỏng vấn, tôi không thể nói hết về họ. Tuy nhiên, có thể nhắc đến một số hiện tượng nổi bật. Về văn xuôi, sau những mở đường của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường... là Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Chu Lai, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Sương Nguyệt Minh...Về thơ, sự đổi mới trước hết bắt đầu từ chính các nhà thơ thời chống Mỹ như Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Tạo... và tiếp đó là lứa các thi sĩ trưởng thành sau 1975 như Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Anh Thái, Mai Văn Phấn, Inrasara, Trần Quang Quý, Trương Đăng Dung... Trong thơ, cũng không thể bỏ qua sự tái xuất của Lê Đạt, Trần Dần... Tuy sự đổi mới và mức độ thành công của mỗi người là rất khác nhau, nhưng tựu trung lại, có hai xu hướng chính: đổi mới trên nền truyền thống và đổi mới theo nghệ thuật hiện đại phương Tây. Tùy vào thể trạng của mỗi cá tính sáng tạo, nhà văn có thể lựa chọn phương thức đổi mới sao phù hợp với sở trường nghệ thuật của mình. Dĩ nhiên, trong nỗ lực cách tân nghệ thuật, bên cạnh những thành tựu rất đáng ghi nhận là những hạn chế mà biểu hiện rõ nhất là sự nóng vội, thậm chí cực đoan, làm sai lệch bản chất sự thật và lịch sử.
PV: Hiện nay, lớp nhà văn trẻ đang cựa quậy để tìm cho mình một hình thù, một hướng đi, tuy nhiên, họ vẫn chưa có một thành tựu nào cụ thể, rõ ràng. Với tư cách là một người chuyên nghiên cứu về văn học Việt Nam hiện đại và đương đại, ông có một nhận xét hoặc đánh giá nào về lớp nhà văn trẻ này?
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp: Tôi nghĩ, lớp nhà văn trẻ đã bắt đầu gây được sự chú ý với sự xuất hiện của Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Danh Lam, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh... Ưu thế của các nhà văn trẻ là được đào tạo cơ bản, nhanh nhạy trong việc nắm bắt cái mới, nhưng hạn chế của họ nằm ở vốn trải nghiệm văn hóa chưa thật dày dặn, chưa có những đột phá thực sự. Tinh thần tận hiến cho nghệ thuật đòi hỏi một sự kiên nhẫn phi thường chứ không phải nằm ở những cảm xúc vụn vặt hoặc chạy theo những vấn đề thời thượng để nhanh chóng... nổi tiếng. Đặt văn học Việt Nam trong tương quan với văn học thế giới sẽ thấy cái thiếu nhất của các nhà văn chúng ta là chưa hội đủ một tầm triết - mỹ sâu sắc, chưa đi đến kiệt cùng những suy tưởng cá nhân. Phần riêng, tôi luôn tin vào các nhà văn trẻ, vì họ sẽ là chủ công của văn học Việt Nam trong thời kỳ mới. Tôi chỉ muốn nói thêm rằng, sáng tạo văn chương không bao giờ đồng nghĩa với những cuộc dạo chơi và tự bằng lòng với những xúc cảm bản năng mà thực chất, đó phải là hành trình của những suy tư bất tận, những cuộc thám hiểm không có điểm dừng về lẽ sống và các giá trị nhân sinh. Lev Tolstoi, F. Dotstoiexky, F. Kafka hay Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử và nhiều tài năng nghệ thuật lớn của nhân loại đều thế.
PV: Với tư cách là Viện trưởng Viện Văn học và là một chuyên gia nghiên cứu văn học ông chờ mong điều gì sau cuộc hội thảo này?
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp: Tôi nghĩ, không một cuộc hội thảo nào có thể giải quyết mọi vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn. Vì thế, Hội thảo Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế vừa qua là một diễn đàn đối thoại mở, thẳng thắn về những thành tựu cũng như hạn chế của văn học dân tộc ba mươi năm qua để từ đó, chúng ta có được những suy nghĩ chính xác về chặng đường sắp tới. Muốn phát triển, chúng ta cần phải chú ý thích đáng đến tính đa dạng của thực tiễn, phải đổi mới nhận thức lý luận và tăng cường đối thoại khoa học. Thiết nghĩ, bất cứ sự phát triển nào cũng cần đến sự đối thoại và thái độ sòng phẳng với quá khứ trên tinh thần tôn trọng lịch sử. Khéo trong ứng xử thì cần, nhưng khéo trong khoa học thì không chừng, đó lại là một cản trở.
PV: Được biết, ông vừa ra mắt một cuốn sách mới “Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình và hiện tượng”, ông có thể chia sẻ một chút về tác phẩm mới của mình?
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp: Đây là công trình tập hợp những tiểu luận về thơ mà tôi đã viết trong ngót hai mươi năm qua. Trong suy nghĩ của tôi, với cuộc cách mạng có tên là Thơ mới 1932 – 1945, thơ Việt Nam đã thực sự bước vào quỹ đạo của tư duy nghệ thuật hiện đại. Nhưng nếu nhìn rộng hơn, thơ Việt từ đầu thế kỷ XX đến nay vẫn tiếp tục nằm trong quá trình hiện đại hóa. Đó là quá trình từ khởi truyền thống đến hiện đại, từ khu vực ra thế giới, từ thế giới đơn tuyến đến thế giới đa tuyến, đa kênh. Trong quá trình đổi mới, những nhà thơ đích thực chính là những người thấu hiểu một cách sâu sắc rằng, bản chất của sáng tạo chính là nỗ lực thoát khỏi tư tưởng mỹ học cũ để tìm đến những không gian mỹ học mới, nơi có khả năng vẫy gọi những kết tinh!
PV: Trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp!