Nhà phê bình Nguyễn Hòa với “Bàn phím và cây búa”

Thứ Ba, 06/11/2007, 11:41
Sáng sớm hôm đó, Nguyễn Hòa gọi điện cho tôi, giọng khẩn trương như thường khi: “Chú qua Báo Nhân dân tí, anh có việc liên quan”. Tôi hối hả qua, hóa ra là “Bàn phím và cây búa” của anh đã được “sinh hạ” bởi Nhà xuất bản Văn học, một tập sách phê bình hiếm hoi của năm 2007.

23 bài viết, phần lớn đã được đăng trên các diễn đàn văn học nghệ thuật và luôn nhận được những phản hồi gay gắt. “Cây búa” của Nguyễn Hòa thực sự mang lại một góc nhìn riêng trên một cái nền phê bình đang bị không ít người coi là nhợt nhạt thiên về tụng ca và PR...

Một trong những vấn đề bức xúc nhất mà Nguyễn Hòa luôn riết róng trong những bài viết, đó là chuyện “đạo văn” trong nghiên cứu khoa học. Điều đó được hiện rõ ngay trên những cái tít bài. “Tiến sỹ Hoàng Xuân Lương “đạo văn” như thế nào?”; “Tiến sỹ Trần Ngọc Dung “đạo văn”?; “Về nỗi đam mê “đạo văn” của Vũ Ngọc Tiến trong “Diễn trình tư tưởng dân chủ ở Việt Nam”...

Nhiều người cho rằng anh có sự... đố kỵ với những người theo đuổi chuyện... khoa bảng, nghĩa là thường “soi” rất kỹ các công trình của các vị tiến sỹ. Nhiều người cho rằng anh cực đoan. Nhưng thực chất Nguyễn Hòa là một người làm việc nghiêm túc và anh nhìn mọi vấn đề một cách trực diện, không giấu giếm, không sợ hãi. Một cách làm việc rất “gấu” mà nhiều vị nghiên cứu khoa học... phát hoảng.

Nhưng không phải không có những sóng gió và nếu không phải là anh, không phải là người có bản lĩnh, có thể đã không tiếp tục được hành trình của mình. Anh tâm sự trước bài viết “Tiến sỹ Hoàng Xuân Lương “đạo văn” như thế nào?”: “Đọc cuốn sách “Văn hóa người Mông ở Nghệ An” của Tiến sỹ Hoàng Xuân Lương, tôi phát hiện đây là một cuốn sách “đạo văn”...

Sau khi tôi công bố bài viết trên báo, một số bạn bè ở tỉnh X cho biết, ở đó người ta tung hoang tin rằng tôi đã được rủ rê tham gia một “trận đánh quyền lực” có liên quan tới phe nọ phái kia. Cũng thật nhanh chóng, “khổ chủ” của cuốn sách đã có mặt tại Hà Nội và bằng mọi cách tìm gặp đề nghị tôi không công bố tiếp. Nể tình lặn lội đường xa, cũng vì thấy khổ chủ tỏ ra chân thành, tôi đã không cho đăng tiếp.

Nhưng thật đáng buồn, ít ngày sau, một cơ quan ở tỉnh X đã gửi đến các đơn vị dưới quyền một văn bản làm méo mó sự thật”... Và để... bảo vệ ý kiến của mình, Nguyễn Hòa sau đó tiếp tục đi sâu và vạch tiếp những phần “đạo” của cuốn sách và theo anh, đó là cách tốt nhất làm sáng tỏ sự lành mạnh và nghiêm túc của mình trong phê bình...

Một mảng nữa mà Nguyễn Hòa riết róng không kém, đó là đời sống văn học. Trong cách nhìn của anh, đời sống văn học không... tươi màu và các giải thưởng văn học nhiều khi lại là nơi... chia phần. Nguyễn Hòa cũng là người thẳng thắn nhất nói lên những lập luận của mình về “Bóng đè”, cuốn sách của Đỗ Hoàng Diệu gây xôn xao trong làng xuất bản và được không ít người nhân danh nhà phê bình tung hô như một phát hiện mới.

Anh cho rằng, “người viết văn phải hết sức tỉnh táo khi họ trở thành “ngôi sao của báo chí”. Trong trường hợp ấy, người viết nào có đủ bản lĩnh và nội lực mới có đủ sáng suốt để đi tiếp con đường văn chương, còn người viết nào say mê với một danh tiếng hão để tự huyễn hoặc mình thì sớm hay muộn, con người thật của họ với tất cả sự thiếu hụt trong kiến văn, hời hợt trong suy nghĩ, vớ vẩn trong hành xử... cũng sẽ lộ diện và như thế với họ, sự nghiệp văn chương sẽ mãi mãi chỉ là ảo ảnh ở tương lai mà thôi”! Với “Bóng đè”, Nguyễn Hòa khẳng định “nếu Đỗ Hoàng Diệu có một sự nghiệp văn chương thì sự nghiệp ấy đang ở trước mặt chứ không phải ở những gì chị đã viết”...

Tôi nhớ đã có lần Nguyễn Hòa trả lời phỏng vấn báo chí, anh không ngại bị gọi là cực đoan, nhưng anh cho rằng anh không cực đoan mà chỉ thích nói lên sự thật.

“Khi viết phê bình, tôi chỉ có cuốn sách ở trước mặt. Để nói đúng thì phải suy nghĩ kỹ lưỡng, phải cố gắng dựa trên một nền tảng kiến văn rộng và sâu, phải có những luận chứng thuyết phục chứ không nói dựa. Thường thì tôi im lặng trước một ý kiến nào đó nghĩa là tôi đồng tình, lại có tác phẩm tôi định giá là rất hay nhưng lại viết về nó rất ít. Tôi nghĩ, nếu cả người khen và người được khen đều thiếu tỉnh táo, thì khen quá lời sẽ là tạo ra một nguy cơ thật sự. Tôi không thích đưa ra quá nhiều câu chữ ngợi khen, chứ không phải thích bới lông tìm vết. Cái quan trọng là cố gắng biết mình là ai, ý kiến của mình trung thực như thế nào...” - Nguyễn Hòa tâm sự.

Và đúng như những gì anh tâm niệm, Nguyễn Hòa đã và đang tiếp tục con đường của mình: “Thà nói những lời chân thành, tuy có đôi lúc phũ phàng, nhưng còn có ích hơn những lời vuốt ve giả dối”...

“Bàn phím và cây búa” - cái tựa đã cho thấy đây là một cuốn sách không hiền lành. Gần 300 trang sách đều là những vấn đề nhiều bức xúc trong đời sống văn học nghệ thuật cũng như nghiên cứu khoa học. Một tập sách đang “nóng” dần lên trong giới nghiên cứu và phê bình vì nó là những tiếng nói róng riết và nhất quán...

Theo Diệp Đồng (An ninh Thủ đô)
.
.
.