Nhà phê bình Ngô Thảo: Từ cuộc đời chiến sĩ

Chủ Nhật, 01/05/2011, 11:49
Nhìn vào tiêu đề những cuốn sách đã xuất bản trong suốt đời viết của Ngô Thảo, chúng ta không có gì bàn cãi, rằng ông là một người lính cầm bút thực sự. Cho dù ông đã dừng lại đời quân ngũ với quân hàm thiếu tá, đã "xê dịch" đi làm rất nhiều công việc khác nhau, nhưng trên những trang viết, ông chưa bao giờ ngừng cái ý thức là một người lính. Nói như nhà thơ Mai Linh, thì đó là "một trật tự Ngô Thảo không gì thay đổi được".

Cuốn sách đầu tiên trong danh mục rất dài của Ngô Thảo là "Từ cuộc đời chiến sĩ", và cuối danh mục là "Thao thức với phần đời chiến trận". Ở tuổi 70, tưởng như chẳng cần phải vướng bận điều gì, người lính già ấy vẫn không đi ra khỏi cái bóng của quá khứ, của phần đời mà theo ông là ngắn thôi, nhưng là phần đời khốc liệt nhất. Và luôn luôn, ông cảm thấy "mắc nợ" phần đời ấy. Ông ngồi trước tôi, trên đầu là một chiếc mũ lưỡi trai màu trắng có in dòng chữ "Kỷ niệm chiến trường xưa", một kỷ vật của ông trong chuyến đi gần đây nhất với đồng đội trở lại nơi mình đã từng đóng quân, chiến đấu, cho dù sức khỏe của ông không được tốt.

Và ký ức về phần đời ấy dào dạt trở về: "Tôi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn rồi về Viện Văn học được nửa năm thì vào chiến trường, làm một anh lính pháo binh bảo vệ bờ biển Thanh Hóa, sau đó vào chiến trường Bình Trị Thiên bổ sung cho đợt Tổng tiến công Mậu Thân 1968. Từ 1968-1970 tôi tham gia trực tiếp 13 trận đánh trong tổng số 23 trận đánh của toàn đơn vị. Tôi làm trung đội trưởng trinh sát rồi làm Chính trị viên phó của đại đội. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ gian lao của dân tộc, tôi chỉ ở mặt trận 5 năm, nhưng cảm giác "mắc nợ" cuộc chiến tranh thì đeo bám tôi suốt cuộc đời".

Chọn lấy nhiệm vụ của một người làm phê bình, và cho dù là người ham đọc sách, đọc tất cả "những gì có chữ", thì Ngô Thảo chỉ "định vị" ngòi bút mình ở một hướng, là quan tâm đến văn học chiến tranh, các tác giả chiến tranh. Ngô Thảo quan niệm, nếu nhà văn xây dựng tác phẩm bằng ngôn ngữ của đời sống thì nhà phê bình là người phải biết xây dựng hệ thống tư tưởng của cá nhân anh ta trên nguyên liệu là tác phẩm của các nhà văn và kinh nghiệm, vốn sống của chính mình.

Nhà văn Ngô Thảo (thứ 2 từ trái qua)  với các bạn K5 - Khoa văn Đại học Tổng hợp (Liệt sĩ Chu Cẩm Phong, thứ 3 từ trái qua); (Liệt sĩ Nguyễn Hồng Tân, thứ nhất bên phải).

Đọc những trang viết của Ngô Thảo, chúng ta có thể gặp những nhà văn chiến sĩ, mà rất nhiều trong số họ đã hy sinh, chỉ còn lại tên tuổi  trong lịch sử, như Thôi Hữu, Thâm Tâm, Thúc Tề, Nguyễn Đình Lạp, Thanh Tịnh, Nguyễn Thi, Chu Cẩm Phong, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Dương Thị Xuân Quý,… Với nhà văn Nguyễn Thi, Ngô Thảo phải mất đến 2 năm tìm kiếm từ hơn 20 cuốn sổ tay Nguyễn Thi để lại, nhặt và ghi chép từng chi tiết nhỏ để hoàn thiện cuốn "Những năm tháng chưa xa", để bạn đọc có thể thấy hết được tầm vóc, tư tưởng của nhà văn liệt sĩ này.

Đối thoại với những con người ấy, Ngô Thảo không chỉ làm một công việc là tạc bia cho họ, những người đã in bóng dáng vào cuộc chiến tranh với vai trò là một nhà văn chiến sĩ, mà còn chỉ ra một bức tranh có tầm vóc về nền văn học cách mạng. Việc tập hợp những chân dung nhà văn chiến sĩ cũng chính là tập hợp một phần của lịch sử. Với ý thức trân trọng tuyệt đối tác phẩm, tư tưởng của từng nhà văn, Ngô Thảo viết về họ một cách nâng niu, như nâng niu chính quá khứ của mình, quá khứ mà thế hệ ông đã phải trả bằng máu. Và, lại xin dẫn lời nhà thơ Mai Linh ở đây, "bởi Ngô Thảo ý thức được rằng, máu là chi phí lớn nhất".

Cũng vì chung quá khứ ấy nên giữa Ngô Thảo và các đối tượng trong trang viết của ông không hề có khoảng cách. Ông và đồng đội ông, những người cầm bút viết văn trước tiên đều là những người lính cầm súng ngoài mặt trận. Mùi súng đạn có cả trong giấc mơ của họ. Và họ hiểu rằng, văn học chiến tranh dù muốn hay không, đầu tiên phải là một vũ khí chiến đấu.

Ngô Thảo kể: "Năm 1969 tại dốc Con Mèo ở phía Tây Trị Thiên, tôi gặp một đoàn cán bộ của Thông tấn xã Việt Nam đang đi vào chiến trường. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Thanh báo tin người bạn cùng Khoa Văn tổng hợp của tôi là Hồng Tân đã hy sinh ngoài chiến trường mùa hè năm 1968, cùng thời điểm với Nguyễn Thi, Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân). Tôi nhớ cũng vào những ngày đó, đơn vị tôi trúng B52, rất nhiều đồng đội hy sinh. Tôi và những người còn sống đi tìm và mang thi hài không còn nguyên vẹn của đồng đội về chôn cất. Vào chiến trường, chúng tôi chỉ được học cách cứu thương mà không học cách khâm liệm người chết nên bối rối không biết làm thế nào. Tôi được phân công đọc điếu văn tiễn đưa đồng đội dưới trời mưa tầm tã, dưới ánh sáng của ngọn đèn pin nhỏ như hạt ngô. Nhìn lên, bầu trời gầm rít tiếng máy bay địch. Cúi xuống, hai chân bám đầy vắt rừng. Bài điếu văn tôi đọc làm cả đơn vị xúc động và sau này tôi thường được tín nhiệm đi đọc điếu văn trong đám tang của bạn bè văn nghệ sĩ".

Ôn lại kỷ niệm này, Ngô Thảo "cay đắng" xem đây là "áng văn đầu tiên ở chiến trường" của mình.

Chiến tranh, một trong những khái niệm đau thương nhất của thế kỷ XX dân tộc Việt Nam đã trải qua, mà Ngô Thảo và những đồng đội của ông là những chứng nhân lịch sử. Ngô Thảo nói, những người rời khỏi cuộc chiến như ông sẽ vĩnh viễn không nguôi ám ảnh về những năm tháng ấy. Và ông cực đoan đến mức: "Cho dù tôi rất ủng hộ những câu chuyện hàn gắn, những cái bắt tay hữu hảo, hòa bình, và tôi hiểu chiến tranh phải là quá khứ, chiến tranh nên chỉ là quá khứ, nhưng tôi vẫn không mặn mà với những cuộc tiếp xúc với những người đã từng bên kia chiến tuyến. Có lẽ bởi bàn tay tôi đã từng chôn cất quá nhiều đồng đội, những thanh niên lứa tuổi 18-20 đẹp đẽ, sáng trong, chưa từng biết yêu và chưa kịp hiểu thế nào là chiến tranh và sự khốc liệt của nó. 172 đồng đội trong trung đoàn của tôi đã hy sinh ở rừng Lào và cho đến tận hôm nay, số người tìm được mộ chưa nhiều lắm. Hàng triệu người lính của chúng ta đã chết ngoài mặt trận, hàng triệu gia đình có người thân hy sinh đã thể hiện sự cao thượng bằng cách không đòi hỏi gì cho những mất mát của riêng mình. Tôi cảm thấy mắc nợ những con người bình thường ấy, những người sẵn sàng chết cho Tổ quốc khi cần và nếu được trở về họ lại sống bình thường như tất thảy, không ai tư lợi điều gì cho cá nhân. Những người lính bao giờ cũng chỉ nghĩ đến một điều duy nhất, là họ làm được gì cho nhân dân mà thôi".

Nói về các tác phẩm văn học chiến tranh, tôi muốn hỏi Ngô Thảo, điều gì làm ông ưu tư, "thao thức" nhất. Sắc sảo và sòng phẳng, như chính phong cách viết phê bình của mình, ông chia sẻ: "Những người cầm bút đã trải qua chiến tranh và thành danh sau chiến tranh họ làm tốt một việc là viết về hiện thực chiến tranh đầy đặn hơn, có chiến thắng và có mất mát. Nhưng hạn chế của họ là nhìn nỗi đau chưa sâu sắc, hoặc là lãng mạn quá hoặc là bi lụy quá. Chúng ta cần ở họ sự đào sâu hơn nữa những mất mát của chiến tranh, những nỗi đau ở tầng ngầm hơn nữa. Quy mô của các tác phẩm viết về chiến tranh của nhiều nhà văn phần lớn vẫn là một chiến dịch, một trận đánh, chưa có ai nhìn xa hơn, tổng quát hơn. Các nhà văn vẫn viết trong tâm thế những người trong cuộc. Chưa ai tự cho phép mình đứng ra ngoài cuộc chiến để nhìn vào. Và điều này mới là quan trọng, chúng ta không ngây thơ khi nói về chiến tranh, nhưng phải thừa nhận chiến tranh đã tạo ra một thế hệ con người không ai thay thế, làm nên biểu tượng "người lính Cụ Hồ", một biểu tượng đẹp nhất của thời đại. Văn học chiến tranh, nói một cách sòng phẳng, là chưa xây dựng hoàn thiện được hình ảnh đẹp này. Với vai trò của mình, văn học chưa chỉ ra cho chúng ta thấy việc xây dựng con người trong thời chiến cần những kỷ cương gì và thời bình thì cần những kỷ cương gì. Tôi không hy vọng lớp nhà văn trẻ, những người không trực tiếp trải nghiệm chiến tranh, sẽ lấp được khoảng trống này. Sau đây, những nhà văn trẻ nếu viết về chiến tranh, với tâm thế "nhìn từ xa", thì phải nhìn cho ra được những "quặng quý" nhất của nó là gì và khắc họa nó trên trang viết một cách thuyết phục".

Chỉ cho người đọc thấy những hạn chế của văn học chiến tranh và cả đề xuất những cách thức cho tương lai, nhưng Ngô Thảo không quên khẳng định những đóng góp to lớn của văn học chống Mỹ: "Khi nhìn vào các giải thưởng tôi nghĩ còn thiếu một sự công tâm cần thiết cho văn học chống Mỹ. Cho đến nay, thế hệ chống Mỹ chỉ có duy nhất một người được Giải thưởng Hồ Chí Minh, là anh Lưu Quang Vũ, với những đóng góp của anh trong kịch sân khấu. Với văn xuôi và thơ, chưa có ai được Giải thưởng Hồ Chí Minh là rất đáng suy nghĩ. Những Thu Bồn, Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Nguyễn Khoa Điềm là những gương mặt sáng của văn học chống Mỹ, sao chúng ta lại không công bằng khi đánh giá họ?".

Còn một điều này tôi muốn hỏi Ngô Thảo từ lâu, và tôi nghĩ ông có thể trả lời một cách sâu sắc nhất, đó là, liệu những "di sản tinh thần" từ cuộc chiến tranh mà ông và đồng đội ông đã đi qua, đã để lại, có giúp ích được gì cho xây dựng xã hội hôm nay hay không. Và tôi đã nhận được một câu trả lời giản dị, nhưng nó buộc mình phải suy ngẫm rất lâu. "Tôi cho rằng di sản tinh thần quan trọng nhất từ cuộc chiến tranh chúng ta có thể tìm ngay trong câu hát quen thuộc: "Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, anh em ơi, vì nhân dân quên mình".

Thực tế hôm nay, chúng ta đang thấy dường như có quá nhiều người vì mình mà quên đi nhân dân. Nhìn vào các tác phẩm văn học cổ điển viết về chiến tranh ta đều gặp những nhân vật bất chấp những mất mát của số phận riêng để mang lại những giá trị đẹp cho con người. Chúng ta không mang chiến tranh ra để giáo huấn, nhưng rõ ràng nhìn lại cuộc chiến tranh thì có thể thấy, lý tưởng cao nhất của người lính đi ra mặt trận là bình yên và hạnh phúc cho nhân dân. Thời bình chúng ta đang sống, có không ít ví dụ về những người làm quan chức mà không được dân mến, dân tin. Vậy, nếu thời chiến tranh chúng ta đã tạo ra được mẫu người dám chết cho lý tưởng thì trong thời bình chúng ta cũng phải tạo ra được một lớp người không bị tha hóa, biết đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích của cá nhân mình. Có như vậy thì những mất mát của hàng triệu con người trong quá khứ mới không là vô ích. Và văn học, với vai trò đặc biệt của mình, cũng cần phải kế thừa những di sản tinh thần vô giá đó, để góp phần xây dựng một xã hội của tình người, của sự cao thượng và lòng nhân ái"

Bình Nguyên Trang
.
.
.