Nhà nhà làm lịch Tết...
Ngày cuối năm ghé vào nhà anh bạn, thấy cả hai vợ chồng anh đang vò đầu bứt tai than thở: "Tết nhất đến nơi rồi, tiền bạc chưa thấy đâu nhưng đủ các khoản chi tiêu chú ạ". Nói rồi anh bạn tôi kể ra một lô một lốc đủ các khoản chi tiêu vào dịp cuối năm, trong đó có cả khoản tiền mà hai cậu con trai của vợ chồng anh vừa xin để cho lớp tổ chức in lịch Tết. Theo như vợ chồng anh bạn thì từ trước tới nay nào có chuyện các lớp học tổ chức nộp tiền rồi in lịch đâu, bỗng dưng năm nay không hiểu can cớ gì mà nhiều lớp học thi nhau in lịch đến thế?
Quả thật trong vài năm trở lại đây, cứ vào dịp cuối năm lại rộ lên phong trào làm lịch. Các cơ quan, bộ, ngành lớn, các đơn vị sản xuất, kinh doanh phải quảng bá thương hiệu, tên tuổi hay cần quan hệ giao dịch với bạn hàng làm lịch thì đã đành. Thế nhưng giờ đây, mốt làm lịch đã như một thứ nạn dịch lan ra khắp nơi. Nào là lịch của ngành, rồi lịch của sở, xuống nữa là lịch của nhà trường, thậm chí đứa cháu tôi đang học lớp 7, cách đây mấy hôm cũng nằng nặc đòi tiền bố mẹ để góp cho lớp làm lịch.
Nhà nhà làm lịch, vì vậy, nhiều khi giữa hình ảnh trên những tờ lịch xem ra chẳng ăn nhập một chút nào với đơn vị, tổ chức đứng tên rất hoành tráng phía dưới. Ví dụ như phía trên ảnh cô gái mặc hở lưng, hở ngực đang ưỡn mông bên chiếc xe phân khối lớn, phía dưới lại là dòng chữ to đùng "Trường tiểu học Măng non kính chúc gia đình an khang thịnh vượng". Và có chuyện một cô người mẫu, diễn viên nổi tiếng cuối năm lại phải còng lưng quảng cáo không công cho hàng chục đơn vị, công ty từ một ngành lớn cho đến bà bán cháo lòng.
Riêng ở một số trường học, có nét "sáng tạo" hơn một chút là lịch thường chỉ làm đúng một tờ, trên đó in ảnh toàn cảnh ngôi trường, phía dưới là đủ các loại tên ăn theo như lớp A, lớp B, rồi công đoàn Y, chi đoàn Z...
Không chỉ ở các thành phố lớn mà nạn làm lịch đã theo về các thị trấn, thị tứ ở vùng xa xôi hẻo lánh. Chủ tiệm tạp hoá làm lịch, bà chủ bán thịt lợn hay bán mắm tôm, mắm tép tại các chợ quê cuối năm cũng nghiến răng bỏ tiền ra in một hai trăm tờ lịch ghi rõ tên cửa hàng của mình để tặng khách hàng.
Vào những ngày cuối năm, người viết bài này cũng đã có dịp dự một hội nghị lớn tổng kết công tác năm của một ngành. Hội nghị không phong bì, không lẵng hoa, đó cũng là một nét mới, thực hiện tiết kiệm. Thế nhưng trước lúc ra về, ngay tại chân cầu thang, mỗi đại biểu bị dúi vào tay một cuộn lịch và một cuốn tài liệu tham khảo xinh xinh, cả hai đều do một đơn vị trong ngành đứng tên đề tặng. Không nhận cũng không được mà nhận cũng chẳng xong vì cuốn lịch khổ to và dài thế, tay xách nách mang trông hết sức rườm rà, lếch thếch. Hội nghị lớn hàng ngàn người. Ngần nào người, ngần ấy lịch, lãng phí từ đấy mà ra chứ đâu? Cứ cái đà này có lẽ cũng nên có hẳn một chỉ thị xóa bỏ vấn nạn bùng phát lịch