Nhà hát mòn mỏi những giấc mơ "an cư lạc nghiệp"

Thứ Hai, 15/09/2014, 09:19
Gần như đến hẹn lại lên, mỗi dịp Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp xúc, khảo sát hoạt động của các đơn vị nghệ thuật, câu chuyện về một nhà hát xứng tầm, khát vọng về một điểm đáp ứng đủ điều kiện cơ sở vật chất cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật, kể cả cho thuê, để nghệ sĩ biểu diễn một cách ổn định theo quan niệm "an cư lạc nghiệp" liên tục tái đi tái lại.

Đã có thời điểm, hàng loạt dự án xây dựng nhà hát rục rịch ra đời, nhưng đến thời điểm hiện tại, tất cả vẫn trong trạng thái mòn mỏi chờ. Tùy theo điều kiện của từng đơn vị, nghệ sĩ gói ghém hoạt động trong sự thương cảm của không ít các  nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật nước khác khi đến giao lưu, biểu diễn.

"Gọt chân cho vừa giày"?!

Là một trong số nghệ sĩ thành danh và "an cư" tại Dàn nhạc quốc gia Pháp, nhưng trong lần về thăm Việt Nam mới đây, tình cờ trùng với dịp tổ chức chương trình đặc biệt kỷ niệm 20 năm chương trình đầu tiên của Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh (HBSO), nghệ sĩ Hữu Nguyên buông lời cảm thán rằng, anh thật không ngờ và khâm phục các đồng nghiệp của mình ở Việt Nam khi có thể nỗ lực duy trì hoạt động nghệ thuật trong điều kiện cơ sở vật chất như hiện nay.

20 năm sau ngày đầu tiên ra mắt chương trình biểu diễn thành công, HBSO vẫn chờ đợi một "ngôi nhà" cho riêng mình. Nói theo cách của NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO hiện tại, thì 20 năm đối với một nhà hát không hẳn là một chặng đường dài nhưng với cuộc đời một con người, một nghệ sĩ biểu diễn, có khi đó lại là gần cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật. Thực tế, nhìn vào lớp nghệ sĩ tiên phong của nhà hát: NS.NGND Tạ Bôn, NSND Vũ Việt Cường, Kim Quy... sau 20 năm, tất cả nay đã "về chiều". Nhiều người trong lớp thế hệ đầu tiên ấy nay đã về với đất.

Người Việt, dù là các nghệ sĩ cũng vốn đều rất giỏi gói ghém cuộc sống theo kiểu "liệu cơm gắp mắm". Nhưng đâu đó từ hậu trường, phía sau sân khấu lấp lánh ánh đèn, những tiếng thở dài đang ngày một nhiều hơn. Nổi tiếng là cặp biên đạo tài năng với khá nhiều vở vũ kịch ra mắt và chinh phục khán giả vài năm trở lại đây nhưng nhắc đến câu chuyện nhà hát và sân khấu, đạo diễn Phúc Hải - Phúc Hùng không giấu được sự bức xúc. Phúc Hải chia sẻ rằng, để có những đêm diễn được khán giả đón nhận tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh, các nghệ sĩ phải làm việc rất cực trong điều kiện mà ít có nghệ sĩ nước ngoài nghĩ đến. Tất cả chỉ có một buổi để chạy thử chương trình trước đêm diễn. Hầu hết việc tập luyện hiện nay là trụ sở Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh. Tập luyện giữa không gian mà bốn bề là kính, nắng chói chang chiếu vào mà nghệ sĩ buộc phải tưởng tượng, nhập vai nhân vật trong khung cảnh lãng mạn, lúc hoàng hôn, khi đêm xuống...

Một tiết mục biểu diễn theo kiểu "gọt chân cho vừa giày" của HBSO trên sân khấu Nhà hát TP Hồ Chí Minh.

Còn nhớ, vài năm trước, dư luận một thời đã "dậy sóng" khi TP Hồ Chí Minh mạnh dạn đầu tư trang bị nhạc cụ hiện đại cho HBSO mà con số được tiết lộ không dừng ở dưới tiền tỷ. Điều đáng nói là sau khi được đầu tư, tất cả được cất kỹ trong kho vì không có điều kiện sử dụng.

Vài năm trở lại đây, khi chủ trương luân phiên hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật theo từng năm để tạo đà bật dậy, HBSO bắt đầu khởi sắc cùng nhiều chương trình, vở diễn định kỳ và không định kỳ tại Nhà hát thành phố. Nhưng nhà hát đã bắt đầu được tính tuổi bằng thế kỷ này cũng chỉ đáp ứng phần nào hoạt động biểu diễn. Đã có những cơ hội giao lưu, thưởng thức nghệ thuật quốc tế vuột mất khiến người nghệ sĩ tiếc hùi hụi chỉ vì điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu. Một trong những cơ hội ấy là lời đề nghị sang giao lưu biểu diễn của đoàn nghệ thuật Hoàng gia Anh cách đây không lâu. Chưa kịp mừng, khi khảo sát điểm diễn, đoàn từ bỏ kế hoạch. Lý do là sân khấu nhà hát thành phố quá nhỏ, không đủ "cho nghệ sĩ của họ nhảy hai bước", làm sao biểu diễn?!

Với các loại hình nghệ thuật biểu diễn sân khấu khác, cơ sở vật chất cũng không phải là ngoại lệ. Trong một câu chuyện về chuyến đi thăm và học hỏi các bạn đồng nghiệp bên đảo quốc sư tử trở về của NSƯT Thành Lộc vài năm về trước, anh từng chia sẻ rằng thật sự choáng ngợp trước sân khấu, âm thanh, ánh sáng và cách làm việc chuyên nghiệp của nghệ sĩ nước bạn. Ấn tượng mạnh đến nỗi anh từng nghĩ về nước chắc là không dám tiếp tục làm nghề. Duyên may cho người hâm mộ tài năng của Thành Lộc là anh đã không từ bỏ như suy nghĩ bất chợt của thời điểm ấy, nếu không, sẽ không có một Idecaf sáng đèn hằng tuần làm điểm hẹn cho khán giả nhiều lứa tuổi đam mê sân khấu kịch.

Bao giờ an cư lạc nghiệp?

Thực tế, nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh đang có thể tự hào khi trở thành trung tâm hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi động nhất cả nước. Giới nghệ sĩ các đơn vị sân khấu xã hội hóa càng có cơ sở để tự hào hơn khi hàng loạt sân khấu liên tục sáng đèn đều đặn hằng tuần. Nhưng, sau những thành tựu ấy, những tiếng thở dài sau ánh đèn sân khấu đã không còn len lén nữa. NSND Hồng Vân, bà bầu của sân khấu Phú Nhuận nổi tiếng từng cho biết, vì sân khấu được ưu ái thuê địa điểm của nhà văn hóa quận nhưng vẫn là phận ăn nhờ ở đậu. Thời gian sử dụng ít, nếu nhà văn hóa cần địa điểm đột xuất đều buộc phải hoãn xuất diễn để trả mặt bằng. Kinh phí nhà nước có hạn, kéo theo việc duy tu bảo dưỡng có mức độ, nhưng với khán giả thì điều kiện tối thiểu là phông màn, ghế ngồi khi xem chương trình không thể viện bất cứ lý do nào để không đảm bảo.

Sân khấu Superbol Tân Sơn Nhất, địa chỉ được kỳ vọng là sân khấu kịch dành cho du khách đến TP Hồ Chí Minh, sau một thời gian hoạt động, thu không đủ chi chỉ vì tiền thuê địa điểm cao quá, khoảng 4.000 USD/tháng. Với sân khấu Hoàng Thái Thanh, câu chuyện điểm diễn cũng từng khiến ông bà bầu - cặp bài trùng NSUT Thành Hội - Ái Như mấy phen lao đao lận đận khi nhà thiếu nhi thành phố, điểm được thuê làm sân khấu bị đập đi xây mới. Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, cánh chim đầu đàn của sân khấu xã hội hóa một thời nay đã mất dần vị trí dẫn đầu, mà sân khấu nhỏ hẹp, không đáp ứng yêu cầu là một trong số những nguyên nhân.

Được biết, để đáp ứng nhu cầu biểu diễn, giao lưu và thưởng thức văn hóa nghệ thuật của thành phố hơn 9 triệu dân, từ chục năm trở lại đây, đã có khá nhiều dự án, đề án xây dựng nhà hát rục rịch khởi động nhưng phần nhiều đến nay vẫn như "bóng chim tăm cá". Nhà hát 5B Võ Văn Tần, sau những thông tin ban đầu về việc thành phố đồng ý xây dựng thành nhà hát hiện đại hơn thì đến nay dự án này vẫn "án binh bất động". Nhà hát cho HBSO, sau gần 10 năm kể từ khi thành phố có ý định chọn điểm đầu tư xây dựng, đến nay cũng không có gì khả quan hơn.

NSƯT Trần Vương Thạch cho biết: Ban đầu thành phố chọn địa chỉ 23 Lê Duẩn làm nhà hát, nhưng sau đó có ý kiến chê diện tích này nhỏ nên dời địa chỉ về Công viên 23/9. Có ý kiến lại cho rằng, xây dựng nhà hát ở công viên làm mất cây xanh, không gian xanh nên lại dự định dời về khu Thủ Thiêm, quận 2. Không hiểu vì lý do nào đó, thành phố không đồng ý và tiếp tục chỉ định quay lại Công viên 23/9. Tuy nhiên, đến nay, có nhà hát và nhà hát xây dựng ở đâu vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời.

Người Việt có câu "an cư mới lạc nghiệp". Nhà nước cũng có chủ trương tăng cường đầu tư nhiều hơn cho văn hóa, phát triển văn hóa nhưng đầu tư cho văn hóa, cho con người và cho cơ sở vật chất như thế nào để phát triển văn hóa trong thực tế cuộc sống còn nhiều lúng túng. Câu chuyện nhà hát ở một thành phố sôi động như TP Hồ Chí Minh là một trong những bài toán cần lời giải đáp cụ thể như một trong những thước đo trong hiện thực hóa chủ trương đúng đắn của nhà nước: tăng cường đầu tư cho văn hóa

Ngọc Nguyễn
.
.
.