Nhà hát Tuổi trẻ - Thương hiệu không tuổi già

Thứ Năm, 10/04/2008, 16:09
Nhà hát Tuổi trẻ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập vào sáng nay, 10/4. Hơn 200 cán bộ, diễn viên của Nhà hát, sau những tour diễn dài ngày, sau nhiều tháng tập và diễn không nghỉ, có một dịp để cùng nhìn lại hành trình của một nhà hát luôn sáng đèn. Ở nơi này, nghệ thuật không có tuổi già...

Ba chục năm để hình thành được một kịch mục phong phú, đội ngũ chuyên nghiệp và tài năng, có thể coi như một thành công không nhỏ. Ba chục năm, có những nghệ sỹ đã gắn gần như cả cuộc đời với hành trình này cùng Nhà hát.

Nhà hát Tuổi trẻ có được sự gắn bó ấy, bởi đây chính là cái nôi đào tạo nhiều diễn viên nổi tiếng. Như Lê Khanh, Lan Hương, Chí Trung, Ngọc Huyền, Anh Tú, Minh Hằng... thế hệ vàng của sân khấu Hà Nội sau thế hệ đầu của Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Trần Tiến... Họ được tuyển từ khi còn rất nhỏ, học và diễn, rồi lớn cùng những vai diễn. Cuộc đời họ đã đi theo ánh sáng sân khấu trên sàn diễn này, có lẽ cũng hơn hai chục năm.

Như Lê Khanh, con gái của một gia đình tài năng, rồi cũng bắt đầu đến với sân khấu từ sàn diễn này. Từ thời Romeo và Julliet, rồi trưởng thành bằng những vai diễn lớn, như Đan Thiềm, như Lý Chiêu Hoàng, trong những vở diễn lớn tạo nên đẳng cấp nghệ thuật của Nhà hát.

Hay như Chí Trung và Ngọc Huyền, họ cùng được tuyển vào Nhà hát để học kịch, rồi yêu nhau và thành vợ chồng. Họ là hình ảnh có thật về gia đình nghệ sỹ, sống và yêu, làm việc trong bận rộn.

NSND Lan Hương nói, chị mang ơn Nhà hát này, không chỉ bởi nơi này cho chị những vai diễn số phận, mà còn là nơi để chị bắt đầu sự nghiệp, trưởng thành và còn cho chị cả cơ hội cống hiến với đoàn kịch hình thể với những ý tưởng mới...

Nhà hát Tuổi trẻ có lẽ cũng là nơi dựng nhiều vở diễn lớn vào bậc nhất trên sân khấu Thủ đô, dù chức năng chính của Nhà hát là dựng những chương trình cho thanh niên, thiếu niên. Vượt qua những quy phạm và trách nhiệm, những người làm sân khấu này đã  để cho Nhà hát của mình lớn hơn, chuyên nghiệp và vươn rộng hơn vốn có.

Mới đây, tôi không hiểu vì sao người ta lại phản ứng kịch liệt chuyện Nhà hát Tuổi trẻ làm dự án dựng 100 vở kịch kinh điển thế giới. Có thể nói 100 vở là quá sức với bất cứ Nhà hát nào, nhưng với thực lực hiện nay tại sân khấu Thủ đô thì Nhà hát này có khả năng cao nhất. Và chất lượng vở diễn có thể không giống nhau, nhưng họ là những người có tâm huyết thực sự. Họ muốn được dựng những vở diễn lớn của sân khấu thế giới. Và hơn ai hết, họ hiểu được ý nghĩa những việc mình làm. Điều ấy, nếu có băn khoăn, thì những nghệ sỹ nên cùng đến giúp sức, thay vì những phán xét không thiện ý...

Nói họ có nhiều khả năng nhất hoàn toàn không phải là nhận xét cảm tính. Nhà hát này đã dựng thành công không ít vở lớn của thế giới như "Ê dốp - Con cáo và chùm nho", "Nhà búp bê", "Macbeth". Kịch trong nước cũng có những vở thành công và tạo nên dấu ấn nghệ thuật đậm nét như "Lời thề thứ 9", "Điều không thể mất", "Vũ Như Tô", "Rừng trúc"... Và quan trọng nhất, họ có được một đội ngũ nghệ sỹ tài năng, tâm huyết.

Ba mươi năm với một thương hiệu nghệ thuật là một chặng ban đầu ngắn ngủi. Nhưng ba mươi năm ấy đã có những thành tựu lấp lánh, được bắt đầu từ tài năng, tâm huyết, máu và nước mắt của những người chung sức cho thương hiệu ấy

Hoài Phố
.
.
.