Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND

Chủ Nhật, 23/12/2012, 09:56
Ngày 22/12, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam (CMNVN) đã ghi thêm một dấu mốc vào trang vàng lịch sử, với việc đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước để ghi nhận những cống hiến to lớn của tập thể nghệ sĩ Nhà hát đối với đất nước trong suốt hơn 6 thập kỷ qua.

Đây thật sự là niềm vui, niềm tự hào chung của các thế hệ nghệ sĩ Nhà hát, khi nhiều ngày trước khi buổi lễ diễn ra, các thế hệ nghệ sĩ đều rộn ràng sắp xếp lịch để về lại ngôi nhà chung đón niềm vinh dự mà chính họ đã góp sức tạo lên: Lệ Quyên, Kiều Hưng, Ái Vân v.v…

Nhà hát CMNVN ra đời năm 1951, tại Tuyên Quang với tiền thân là Đoàn Văn công Nhân dân TW. Từ chiếc nôi này, các thế hệ văn nghệ sĩ hàng đầu của Việt Nam đã trưởng thành, bằng tài năng, sự sáng tạo và bằng cả trái tim, để làm nên những thành tích đáng tự hào, với những cái tên đã đi vào lịch sử văn hóa, nghệ thuật (VHNT) nước nhà: Nguyễn Xuân Khoát, Thế Lữ, Lưu Hữu Phước, Học Phi, Đỗ Nhuận, Đặng Đình Hưng, Nguyễn Văn Thương, Đào Mộng Long, Thương Huyền v.v… cùng những giọng ca không thể nào quên: Quốc Hương, Ngọc Dậu, Trần Hiếu, Kiều Hưng, Thanh Huyền, Tân Nhân, Khánh Vân v.v… Họ đã trở thành niềm tự hào không chỉ của Nhà hát, mà còn của nhân dân.

Tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam.

Cũng từ chiếc nôi này, các nghệ sĩ đã lên đường, đáp ứng nhiệm vụ cao cả trong từng giai đoạn lịch sử. Trong các cuộc kháng chiến, cùng với các đoàn quân giương cao lá cờ quyết chiến quyết thắng trên các mặt trận, các tiết mục nghệ thuật của Đoàn Ca múa nhạc TW đã trở thành món ăn tinh thần quan trọng của những người lính tiền tiêu, góp sức cho những lá cờ chiến thắng tung bay.

Suốt hơn 60 năm qua, ở đâu có đấu tranh giành độc lập, tự do, là ở đó có mặt các nghệ sĩ của Nhà hát sẵn sàng cất lên lời ca tiếng hát, động viên tinh thần người ra trận. Họ có mặt hầu hết ở khắp chiến trường từ Bắc chí Nam, về bưng biền, giữa đại ngàn Trường Sơn, hay ngay bên trận địa pháo ở miền Bắc. Trong cuộc đồng hành cùng dân tộc, có những người đã ngã xuống, như liệt sĩ - nghệ sĩ Phương Thảo đã hy sinh anh dũng khi biểu diễn cho bộ đội xem giữa 2 trận đánh.

Không chỉ phục vụ các chiến sĩ ngoài tiền tuyến và nhân dân ở hậu phương, các nghệ sĩ của Nhà hát còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngoại giao, giới thiệu văn hoá Việt Nam ra nước ngoài qua các chuyến giao lưu quốc tế, hay biểu diễn phục vụ nguyên thủ các nước đến Việt Nam.

Hơn 6 thập kỷ qua, Nhà hát CMNVN luôn khẳng định vị thế là con chim đầu đàn trong lĩnh vực biểu diễn ca múa nhạc Việt Nam. Với những đóng góp hết mình, các nghệ sĩ của Nhà hát đã được trao 8 giải thưởng Hồ Chí Minh, 79 giải thưởng Nhà nước, 25 nghệ sỹ được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, 2 Nhà giáo Nhân dân, hơn 80 Nghệ sĩ Ưu tú. Nhà hát còn nhận được nhiều Huy chương Vàng các Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, Huy chương Vàng quốc tế, nhiều Huân chương Kháng chiến, Huân chương Lao động v.v…

Nhà hát cũng 3 lần được trao Huân chương Độc Lập. Các thế hệ nghệ sỹ của Nhà hát luôn đồng hành, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, khẳng định những giá trị của văn hóa Việt trong các cuộc đua tài cùng bạn bè năm châu. Với niềm tự hào về truyền thống, các nghệ sĩ hôm nay đang tiếp bước cha anh, làm rạng danh tên tuổi của Nhà hát với các chương trình nghệ thuật phong phú, đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc nhưng vẫn thấm đẫm hơi thở thời đại, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả.

Với việc Nhà hát được nhận danh hiệu Anh hùng, NSƯT Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Nhà hát CMNVN khẳng định: Vinh quang này thuộc về các thế hệ nghệ sĩ đi trước, những người đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp văn hóa. Cũng với tình cảm trân trọng quá khứ, tôn vinh những nghệ sĩ tiền bối, Nhà hát sẽ tổ chức 4 đêm diễn đặc biệt, do các thế hệ nghệ sĩ tên tuổi của Nhà hát biểu diễn

Thanh Hằng

.
.
.