Nhà báo, nhà văn, AHLĐ Sơn Tùng: Nhân cách và con chữ

Thứ Ba, 19/06/2012, 12:15
Nhà văn Sơn Tùng quan niệm: “Đạo là gốc của văn. Văn nhân đích thị dấn thân hành đạo”. Và ông đã không chỉ để lại những tác phẩm văn chương đi cùng năm tháng mà còn để lại cho hậu thế một tấm lòng. Ông chính là một tấm gương sáng của sự dấn thân, dâng hiến cho đời và cho nghề văn.
>> Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng

Với tôi, nhà văn Sơn Tùng là một hiện tượng trong làng văn bởi chính sự dấn thân và cống hiến của ông cho văn chương khiến người ta phải nể trọng. Từ một thương binh nặng, chỉ cần nỗ lực vượt qua bệnh tật để sinh hoạt hằng ngày thôi đã là việc hết sức khó khăn rồi; đằng này ông lại cầm bút viết văn và trở thành nhà văn có tên tuổi với khối lượng tác phẩm khiến cho người ta phải giật mình kính nể.

Từ trước đến giờ, tôi có ba lần được gặp nhà văn Sơn Tùng:

Lần thứ nhất. Cách đây đến hai mươi năm, ông đến để thăm và chia buồn với bố tôi khi bà nội tôi vừa mới mất. Tôi vẫn còn nhớ, vợ ông đã đèo ông đến bằng chiếc xe đạp cọc cạch. Và, tôi vẫn còn nhớ dáng hình cùng với bộ quần áo ông mặc. Hồi đó, tôi chỉ là một đứa trẻ, đứng lấp ló từ xa để nhìn ông đang trò chuyện cùng bố. Về sau này, qua sách báo, phim ảnh, qua lời kể của bố, tôi mới biết đó là Sơn Tùng, một nhà văn rất nổi tiếng. Kẻ hậu sinh xin mạn phép nhà văn được dùng hai chữ “nổi tiếng”, mặc dù có thể ông không thích nó, nhưng thật khó để tìm từ khác thay thế một cách trọn vẹn.

Ngay từ hồi đó tôi bắt đầu đọc những tác phẩm của ông, bởi sau mỗi lần in sách ông đều gửi tặng bố tôi. Chữ ký đề tặng của ông luôn làm tôi ngạc nhiên, mỗi khi cầm những cuốn sách đó. Giải thích về chữ ký đặc biệt của mình, ông bảo đó là cây tùng mọc thẳng trên núi, nhưng cũng có thể xem như một nén nhang thắp trên mộ những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Trên mỗi trang sách ký tặng, bao giờ ông cũng ghi một câu nói tâm đắc, như: “Mắt mù không đáng sợ. Sợ nhất kẻ tim mù!” hay “Thành nhân trước khi thành nghiệp”. Có lẽ chỉ với trang sách đề tặng đó thôi đã phần nào khắc họa được cốt cách con người ông.

Lần thứ hai. Đó là mùa hè năm 2011, ông đến Hội Nhà văn Việt Nam để nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Chủ tịch nước. Có lẽ đối với rất nhiều người, trước ngày nhà văn Sơn Tùng được nhận danh hiệu cao quý đó, từ lâu ông đã thực sự trở thành một người anh hùng. Một anh hùng hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Một anh hùng vượt qua những cơn đau thể xác, miệt mài cống hiến cho nền văn học Việt Nam. Và đặc biệt, một anh hùng về nhân cách và phẩm giá con người.

Hôm đó, khi chiếc xe ôtô chở nhà văn Sơn Tùng tiến vào sân trụ sở Hội Nhà văn, tất cả các đồng nghiệp, anh em bè bạn đang đứng đợi, ùa đến vây quanh. Tác giả của Búp sen xanh được bế ra từ ôtô trong vòng tay của người thân và bè bạn.

Đã mấy năm nay ông bệnh nặng phải nằm viện thường xuyên. Ngồi trên xe lăn, ông nhìn mọi người rồi chảy nước mắt mà không nói được. Cả hội trường thực sự xúc động, vang dậy tràng pháo tay, khi chiếc xe lăn của nhà văn Sơn Tùng tiến vào. Người đi sau đẩy chiếc xe, không ai khác chính là vợ ông, bà Phan Thị Hồng Mai, một người phụ nữ đã từ lâu cũng được phong anh hùng ở trong lòng những người yêu mến, kính trọng.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, một người bạn thân thiết, thủy chung từ trong bom đạn, thân tình chào đón và thăm hỏi vợ chồng nhà văn Sơn Tùng. Suốt mấy năm qua, khi nhà văn Sơn Tùng luôn trong tình trạng nguy kịch, chiến đấu quyết liệt với bệnh tật để giành lại sự sống, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vẫn luôn đến thăm, lúc ở bệnh viện, khi ở nhà để động viên một người bạn, một người anh mà ông vô cùng kính trọng. Chủ tịch nước từng nói với mọi người rằng: “Đối với tôi, anh Sơn Tùng là một đại sư phụ”.

Còn nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nói trong buổi lễ hôm đó rằng: “Nhà văn viết bằng tài năng, viết bằng cảm xúc thăng hoa thì có nhiều. Nhưng nếu ai muốn biết nhà văn đã viết bằng máu như thế nào thì xin hãy đến gặp Sơn Tùng… Tấm gương trong sáng của người anh hùng, nhà văn Sơn Tùng là sách ở ngoài sách, là chữ ở ngoài chữ, là lời ở ngoài lời”.

Lâu rồi, tôi mới lại thấy một buổi lễ tôn vinh nhà văn diễn ra trong không khí xúc động, nhận được sự quan tâm của nhiều nhà văn, độc giả và báo giới đến vậy.

Nhà văn Sơn Tùng.

Lần thứ ba. Trước Tết Nhâm Thìn khoảng hai tháng, tôi và một người bạn đến nhà thăm ông. Trước khi đến ngõ Văn Chương, trên phố Khâm Thiên, trong đầu tôi lại nhớ đến những trang sách mà ông ký tặng bố tôi. Phía cuối mỗi trang sách đó, ông luôn đề hai chữ “Ngõ Văn” hoặc “Chiếu Văn”. Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến con ngõ này.

Nó khác hẳn với những gì tôi nghĩ trước đây, mỗi khi đọc được hai chữ “Ngõ Văn” trong sách của ông. Đó là một con ngõ rất rộng nhưng ồn ào, náo nhiệt. Trường học và chợ búa xen kẽ. Người xe đi lại tấp nập. Căn nhà của ông nằm trên tầng hai của một khu tập thể cũ nát.

Vậy mà mấy chục năm qua, ông đã nhiều lần từ chối lời đề nghị phân nhà của các vị lãnh đạo cao cấp, của các cơ quan, đoàn thể, rồi cũng có lần ông nhường lại tiêu chuẩn cho một gia đình già cả neo đơn bên hàng xóm. Đối với ông, mọi thứ tiện nghi hay danh vọng chỉ là cái vỏ bọc tầm thường. Ông chỉ luôn tâm niệm và hướng tới một điều là giữ cho tâm hồn mình trong sáng, ngay thẳng, sống nhân nghĩa và làm điều thiện. Dẫu cho thân thể tàn phế nhưng không tàn phế tâm hồn.

Cũng có lần, một người bạn Nhật Bản đến thăm ông, đã không khỏi ngạc nhiên và xúc động khi thấy điều kiện sống của một nhà văn tên tuổi, một thương binh nặng lại quá khó khăn như vậy. Với sự ngưỡng mộ, kính trọng của mình, ông bạn người Nhật muốn tặng nhà văn Sơn Tùng một ngôi nhà. Nhưng rồi, nhà văn Sơn Tùng đã cảm ơn và từ chối rằng, mục đích sống của đời ông không phải vì ngôi nhà hay vì những thứ vật chất nào khác.

Trong căn nhà chật hẹp này, với mọi đồ vật đều nhẵn bóng bởi nước men thời gian, đã từng chứng kiến sự hiện diện của biết bao tầng lớp người trong xã hội. Họ là những vị quan chức, tướng lĩnh số một của đất nước. Họ là những văn nghệ sĩ có tên tuổi. Họ là những vị khách từ một đất nước xa xôi, hay từ một miền nào đó của Tổ quốc mà ông không hề quen biết. Họ là những người dân lao động chân lấm tay bùn, buôn thúng bán mẹt. Họ cũng có thể là một người tâm thần hay một giang hồ hảo hán. Vâng, không biết có bao nhiêu con người như thế đã đến đây.

Họ đến đây chính vì ông là Sơn Tùng. Họ đến vì ông là một nhà văn nổi tiếng. Nhưng quan trọng hơn, họ đến vì có một nhân cách đáng quý: thẳng thắn và kiên trung, nhẹ nhàng và nhân ái, đang hiện hữu trong căn nhà tuềnh toàng này giữa thời buổi phải trái, trắng đen, thật giả lẫn lộn. Tất cả những con người đó đều trở thành thượng khách trong căn nhà này. Không phân biệt nghèo hèn, chức vị.

Cách đây không lâu, khi ông được đưa từ bệnh viện về, có một người hàng xóm chạy sang. Anh ta quỳ gối từ ngoài cửa, vừa khóc, vừa vái lạy rồi lê gối vào đến giường nhà văn Sơn Tùng: “Ông ơi, con thương ông quá. Con là thằng chẳng ra gì, suốt ngày rượu chè cờ bạc, đánh vợ đánh con. Nhờ có ông dạy bảo mà con đã thay đổi. Con đã biết đi làm, kiếm tiền nuôi vợ con. Bây giờ ông ra nông nỗi này. Con thương ông quá ông ơi”.

Cũng có khi, nửa đêm, một người tâm thần đập cửa ầm gọi tên ông. Nhà văn Sơn Tùng vẫn bình thản ra mở cửa mời anh ta vào, rồi hỏi đêm hôm vác dao đến đây làm gì. Người đàn ông kia trả lời: “Tự nhiên cháu nghĩ đến bác nên đến để thăm. Bây giờ bác nghỉ, cháu xin phép về”. Sơn Tùng là thế đó.

Sự nghiệp văn chương của nhà văn Sơn Tùng chủ yếu với hai đề tài: Viết về danh nhân, đặc biệt là viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và viết về đề tài chiến tranh. Có thể nói, Sơn Tùng là nhà văn viết về Hồ Chí Minh hay nhất, nhiều nhất và công phu nhất. Ông là người đầu tiên đã khai mở cách viết mới, cách nhìn nhận mới về Bác Hồ một cách chân thực và sinh động để lại dấu ấn trong lòng công chúng yêu văn học.

Ông chính là một người anh hùng cầm bút, cho chúng ta những cảm nhận sâu sắc về một nhân cách và phẩm giá của một con người và của một nhà văn. Ông chính là một tấm gương sáng của sự dấn thân, dâng hiến cho đời và cho nghề văn. Đó là một sự dấn thân cao đẹp và “vẹn tròn” như chiếc nón bài thơ quê hương mà ông đã viết trong bài thơ “Gửi em chiếc nón bài thơ” từ hơn 40 năm trước, sau này được nhạc sĩ Lê Việt Hoà phổ thành bài hát rất nổi tiếng.

Nhà văn Sơn Tùng quan niệm: “Đạo là gốc của văn. Văn nhân đích thị dấn thân hành đạo”. Và tôi thực sự thấu hiểu câu nói đó khi bước vào căn phòng làm việc của ông. Ngay ở cửa ra vào phòng làm việc có dán một lá bồ đề đã khô. Ở vị trí trang trọng nhất của căn phòng là một ban thờ, gồm bốn bức ảnh của các danh nhân đất Việt: Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du và Hồ Chí Minh.

Và lần thứ ba này tôi cũng chỉ lặng lẽ nhìn ông nằm đó với một thân hình gầy gò, chân bị co lại. Ông đâu có nói được, chỉ phều phào mà không thành tiếng. Rồi ông lại khóc khi nghe anh bạn tôi đọc những bài thơ của ông. Trước khi ra về, tôi đã nắm chặt tay ông. Tôi thầm mong ông tiếp tục sống. Dẫu biết rằng cuộc sống hiện tại thật là nghiệt ngã đối với ông. Nhưng tôi vẫn thầm mong như vậy, để tự nhủ với mình rằng có một nhân cách, một tấm lòng như thế vẫn còn hiện hữu trên cõi đời này

Trần Vũ Long
.
.
.