Nguyên mẫu Robinson Crusoe

Chủ Nhật, 19/07/2009, 16:53
Tuy nhiên, việc tìm kiếm tung tích về khảo cổ học (và cả về sự kiện lịch sử thời đó) để xác nhận Robinson Crusoe ngoài đời là có thật bằng xương bằng thịt đã khiến các nhà khảo cổ tốn không ít thời gian và công sức. Và họ đã thành công.

“Robinson Crusoe" - cuốn tiểu thuyết của nhà văn Anh Daniel Defoe viết cách nay gần 300 năm được bạn đọc thế giới và Việt Nam rất yêu thích. Robinson Crusoe - nhân vật nổi tiếng của cuốn sách cùng tên này đã được Chính phủ Chile lấy đặt tên cho hòn đảo Mas-a-Tierra trên Thái Bình Dương cách bờ biển Chile 650km, bởi vì đây là nơi tạm cư của nhân vật nổi tiếng đó.

Những xác định ban đầu là có thật

Cách đây 300 năm, năm 1709, các thuỷ thủ của chiếc tàu biển Diuk của Anh khi đi ngang qua hoang đảo Mas-a-Tierra đã nhìn thấy đống lửa bốc khói trên sườn đồi của đảo. Vị thuyền trưởng Woodes Rogers đã phái một đội thuỷ thủ lên bờ. Khi trở về tàu, các thuỷ thủ đã đưa về chiến lợi phẩm là một sinh thể khó nhận ra hình người xù xì lông lá, khoác trên mình tấm da thú.

Đó là công dân Anh có tên Alexander Selkirk, người đã từng 4 năm 4 tháng sống một mình trên đảo này. Đây chính là nguyên mẫu của nhân vật Robinson Crusoe trong tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng của nhà văn Daniel Defoe.

David Kaldwell - nhà khảo cổ học và là người lưu giữ các hiện vật tại Bảo tàng Quốc gia Scotland ở thành phố Edinburge đã "vẽ lại" cuộc đời của Robinson Crusoe thực ngoài đời này. Ông đã dẫn đầu một đoàn thám hiểm lên đảo Mas-a-Tierra và đã phát hiện được những di tích thuộc túp lều của Alexander Selkirk. Đó được coi là những vật chứng quan trọng để xác định sự kiện thú vị này.

"Ở Bảo tàng chúng tôi còn lưu giữ một số đồ vật của Alexander Selkirk: chiếc hòm đi biển, cái bát ăn mà người ta cho rằng nó đã theo ông ta suốt thời gian sống trên đảo. Chúng tôi cũng đã biết được không ít sự việc của con người đó trước và sau khi đến đảo này - nhà khảo cổ học David Kaldwell nói. Mấy năm trước nhà nghiên cứu Nhật Bản Tacahashi đã tới thuyết phục chúng tôi cùng lên đảo này để tìm kiếm các di tích của Selkirk.

Vậy là, đoàn chúng tôi cùng hai nhà khoa học Chile đã lên đường đi tìm kiếm những di vật của sự kiện xảy ra cách nay 300 năm của Robinson Crusoe thực ngoài đời.

Chạy ra biển để tránh sự trừng phạt

Họ đã bàn thảo để xác định vấn đề một cách logic do suy ra từ tiểu sử của Alexander Selkirk và dòng họ ông ta. Ông sinh năm 1676, là một con người có cá tính, có bản lĩnh, có tài tháo vát và năng động, nhưng tính khí nóng nảy. Dòng họ của ông qua mấy đời đều sống ồn ào và hay gây gổ, vi phạm trật tự công cộng nổi tiếng gần xa...

Do tính nóng và hồ đồ mà ông phạm tội giết người cha nát rượu cố hữu. Để thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật, ông ta đã gia nhập bọn cướp biển từ năm 19 tuổi, rồi tung hoành đó đây và nhanh chóng trở thành "nhà hàng hải".

Một thời gian Selkirk đã phục vụ trên các tàu cướp biển. Vào thời đó các toán cướp biển trên thế giới thực tế là phục vụ cho Chính phủ của họ và họ đánh nhau với bọn cướp biển khác dưới màu cờ của đất nước mình. Tính nóng nảy của ông là nguyên nhân chính khiến ông phải lên đảo hoang đó. Ông đã không được lòng vị thuyền trưởng mới của tàu.

Khi chiếc tàu tới đảo để lấy nước ngọt thì Alexander từ chối đi tiếp với họ, cố chứng minh cho người thuyền trưởng biết là tàu ở trạng thái hỏng hóc nặng cần được sửa chữa gấp. Nhưng vị chỉ huy đó cho rằng rời bến ngay là hơn mà không cần đem theo ông ta. Rồi chiếc tàu đó đã bị chìm, còn "nhà hàng hải" nóng tính Selkirk thì buộc phải "trở thành Robinson" trên đảo từ năm 1705.

Nhiều tàu thuyền thỉnh thoảng cập bến đảo này - do vậy đây là nơi có nước ngọt. Cây rừng xanh tươi, khí hậu ấm áp -  vậy thì tất có muông thú, tức sẽ có cái ăn. Selkirk suy đoán như vậy và biết rõ điều này. Tuy nhiên một điều ông không ngờ là phải sống nơi đây tới 4 năm và 4 tháng trong cô đơn, hoang vắng! Vào thời này quan hệ giữa Anh và Tây Ban Nha là thù địch, do vậy nếu bị tàu Tây Ban Nha phát hiện thấy thì người Anh này khó bảo toàn mạng sống!

 Hiểu điều đó nên ông "Robinson ngoài đời" này đã rất cân nhắc, cẩn trọng khi nhìn ra biển xem các tàu biển đi qua gần đó treo cờ gì. Và lá cờ Anh quốc trên cột buồm của một chiếc tàu mà Selkirk mòn mỏi trông chờ mãi mới thấy được phải sau... 52 tháng! Đó là tháng 2/1709.

Các nhà thám hiểm - khảo sát này đã thu được kết quả như ý sau khi đã thống nhất những lập luận thật logic: Selkirk không phô trương việc đã phải ở trên đảo này để không bị các nhà đi biển Tây Ban Nha phát hiện, do vậy mà túp lều của ông không được lộ rõ khi nhìn từ bờ biển lên.

Hai là, phần lớn trong ngày ông đi dạo và quan sát biển cả xem có "tàu Anh của mình" không. Vậy thì túp lều của ông phải ở trên mỏm cao nhất đảo... Từ tính cách và đời tư của nhân vật, từ hoàn cảnh người lâm nạn, từ thực địa của hòn đảo Mas-a-Tierra..., các nhà thám hiểm đã tìm ra được những di tích và di vật của Robinson thực cách nay 3 thế kỷ.

Robinson văn học phong phú hơn Robinson ngoài đời!

Đoàn thám hiểm - khảo cổ đã làm việc với niềm đam mê và phấn chấn để tìm hiểu cuộc sống trên đảo của nguyên mẫu của nhà văn Daniel Defoe. Sau một quá trình tìm kiếm, quan sát, rồi "hội chẩn", họ đã kết luận: người đã sống ở đây là một người Scotland.

 Trước hết là từ túp lều giống như các túp lều của những mục phu Scotland thời đó là bao giờ cũng có hai nơi: 1 túp lều để làm phòng ngủ, còn 1 (hơi xa hơn tí chút) để nấu ăn. Họ còn tìm được các di vật để cho rằng Selkirk đã thuần dưỡng được dê rừng và cả mèo hoang nữa, vốn có nhiều trên đảo - là nguồn nuôi sống nhân vật này nhiều năm liền cả vật chất lẫn tinh thần. Những chú dê và mèo ngoan, hiền lành là những người bạn duy nhất chia sẻ sự cô đơn, "động viên" ông ta cho tới ngày trở về quê hương.

Hơn nữa, sự có mặt của bọn dê ở đây là một trong các tương hợp cơ bản giữa nguyên mẫu và nhân vật của sách. Việc Robinson đã làm được một chiếc thuyền để rời đảo trở về cố quốc thì đó chỉ là một chuyện hoàn toàn sáng tác của sách. Vì theo thuỷ thổ, địa hình địa mạo, dòng nước chảy mạnh và luôn đổi hướng đột ngột nơi đây không cho phép một người cô đơn làm được điều đó.

Một sáng tạo nữa của nhà văn Defoe là nhân vật Thứ Sáu. Đó cũng là một nhân vật có thật. Có điều người này đã không phải là bạn cùng cảnh với Selkirk mà là một tu sĩ ẩn cư ở đảo này trước đó. Hơn nữa, Thứ Sáu là một thổ dân ở các đảo vùng biển Caribe lưu lạc tới đây, nhưng về sau phiêu bạt nơi đâu thì không ai biết.

Về được nước Anh, Alexander Selkirk đã trở thành một nhân vật nổi tiếng thật sự. Ông ta có thể an cư lạc nghiệp và sống cho tới cuối đời. Nhưng với bầu nhiệt huyết thích phiêu lưu mạo hiểm và lang bạt đó đây, ông lại đi làm... cướp biển, mặc dù tính tình đã thay đổi.

Từ con tàu lên các đảo, ngoài những vật dụng cá nhân và đồ nghề hàng hải, ông còn mang theo cuốn kinh Thánh. "Tôi lần đầu tiên đã cầu kinh và trở nên gần gũi với Chúa" - ông ta thường nói với bạn bè như vậy.

Alexander Selkirk chết ở tuổi 45 vì bệnh sốt rét vàng da trên một trong những chiếc thuyền của mình gần bờ biển Tây Phi vào năm 1721. Theo tục lệ của người đi biển, ông được an táng dưới biển.

Vậy là Robinson nguyên mẫu của Robinson văn học là có thật. Chỉ có điều là Robinson của nhà văn Defoe phong phú hơn nhiều. Robinson nguyên mẫu sống cô đơn trên hoang đảo 4 năm, 4 tháng, chỉ làm bạn với bọn dê và mèo rừng, bị thiên nhiên khuất phục, suýt thành người hoang dã... Còn Robinson văn học thì lại chinh phục được thiên nhiên, có tới 3 người bạn cùng cảnh, trở về quê hương trong khúc khải hoàn sau 28 năm 2 tháng và 19 ngày. Tiểu thuyết "Robinson Crusoe" được mọi người yêu thích là ở điều đó

Nguyễn Hữu Dy
.
.
.