Nguyễn Hữu Thắng: Gian nan là nợ

Thứ Ba, 16/11/2004, 15:11

Nếu không có những cuộc cải tổ ở CLB bóng đá PIJCO- SLNA, biết đâu Nguyễn Hữu Thắng, trợ lý số một, học trò cưng của ông Nguyễn Hồng Thanh và Nguyễn Thành Vinh, đã là người được BHL nhắm chọn để kế nhiệm ông Vinh dẫn dắt bóng đá SLNA bước vào mùa giải mới. Cuộc đời con tạo xoay vần. Chàng hậu vệ năm xưa, HLV trẻ có tài của SLNA, giờ lại loay hoay trong bể khổ của những tin đồn để tìm lại sự cân bằng cho cuộc sống của chính mình.

Gặp lại Hữu Thắng khi mà xứ sở của dòng sông Lam thơ mộng và cuộn chảy đã bớt đi những đợt gió Lào và nắng lửa. Thành phố Vinh chuyển mình sang thu với chút óng ả của nắng đầu mùa, của bộn bộn những cánh đồng chín vàng mùa thu hoạch. CLB PIJICO - SLNA vắng hoe hoải. Cái không khí chộn rộn hào hứng trước đây không còn nữa. Có lẽ, cùng với sự thay đổi mạnh mẽ về mặt tổ chức, nhân sự, thì cái không khí xưa cũng dường như mất đi để nhường chỗ cho một tinh thần mới. Mọi người ở đây, ai vào công việc nấy bận rộn với những toan lo của mình. Chỉ có Hữu Thắng là rỗi rãi hơn. Không còn giữ cương vị là HLV phó đội 1 của SLNA, anh có nhiều thời gian để chơi thể thao. Không chiều nào sân tennis vắng bóng chàng trai to con của xứ Nghệ.

Hữu Thắng không như những cầu thủ nổi tiếng từng khoác áo đội tuyển quốc gia sau khi giã từ sân cỏ thường chìm vào quên lãng của thời gian. Chàng hậu vệ “thép”, người mang băng đội trưởng đội tuyển quốc gia trong 3 năm liền (1997-1999), được lịch sử bóng đá ghi danh một thời là trung vệ cừ khôi của hàng hậu vệ thép mạnh nhất Đông Nam Á, sớm trở lại sân cỏ với chức danh huấn luyện viên của bóng đá Sông Lam Nghệ An. Nếu như so với những ngôi sao cùng thời trong hàng hậu vệ “thép” ấy là Đỗ Khải, Công Minh, Mạnh Cường, Tiến Dũng sau khi giải nghệ loay hoay để tìm cho mình một chỗ đứng thì có vẻ như sự nghiệp HLV bóng đá đang trải thảm cho từng bước đi của Hữu Thắng. Anh được giới chuyên môn đánh giá có phong cách huấn luyện thông minh và độc đáo, và là một trong những HLV trẻ đã gặt hái được ít nhiều thành công trên đấu trường bóng đá quốc gia.

Hữu Thắng thực sự chia tay với đời cầu thủ từ năm 2001, và ngay lập tức được chính thầy của mình chọn làm trợ lý số một cho công tác huấn luyện đội 1 SLNA. Từ năm 2001 đến nay, mặc dù thời gian không nhiều đối với đời một HLV vào nghề còn quá trẻ như anh, nhưng Hữu Thắng đã thuyết phục khán giả, những người hâm mộ bóng đá và cấp trên của mình bằng những thành tích bất ngờ. Năm 2000 - 2001 vừa là cầu thủ trên sân, vừa là HLV phó giúp việc cho ông Vinh đưa đội 1 của SLNA đoạt Cúp Vô địch quốc gia. Năm 2002 - 2003 Hữu Thắng với tư cách là HLV chính giúp việc cho ông Nguyễn Hồng Thanh đã đoạt về chiếc Siêu cúp.

Cuối năm 2003 Hữu Thắng với vai trò là HLV chính đã đưa đội 1 SLNA đoạt cúp Hà Nội mở rộng năm 2003 và Cúp JVC trước SEA Games 22. Cần phải nói thêm rằng, ở giải Siêu cúp và Cúp JVC, Cúp Hà Nội mở rộng, đội 1 SLNA trong tay HLV Hữu Thắng chủ yếu là các cầu thủ không nằm trong đội hình chính. Vì tất cả những vị trí chủ chốt, những ngôi sao sáng của SLNA lúc bấy giờ như Văn Quyến, Quốc Vượng, Công Vinh …. đều tập trung cho Đội tuyển Quốc gia. Thế nhưng dưới sự dẫn dắt của HLV trẻ Hữu Thắng, SLNA đã thắng trận giòn giã trong các giải giao hữu.

Chính HLV Nguyễn Thành Vinh đã nói về người kế nghiệp của mình: “Tôi đã phát hiện Hữu Thắng hơn 10 năm nay, và anh không chỉ là một cầu thủ chơi bóng tốt mà tiềm ẩn tư chất thiên bẩm và năng khiếu làm một HLV có nghề. Chúng tôi đã phát hiện và đào tạo để Hữu Thắng là một HLV giỏi thực sự của bóng đá SLNA”. Đó là lời phát biểu của thầy đối với học trò mình cách đây hơn 1 năm khi SLNA chưa trải qua những sóng gió và sự thay đổi về mặt tổ chức.      

Cho đến giữa năm 2004, trước khi thu xếp cho cuộc ra đi, ông Nguyễn Thành Vinh đã gọi học trò cưng của mình lên dặn dò với hy vọng và mong mỏi khi ra đi người học trò mà ông đào tạo sẽ thay thế vị trí của ông với tư cách là HLV của đội 1 SLNA. Nhưng buồn thay! Đó chỉ là câu chuyện bông lơn của số phận khi mà sau giải vô địch quốc gia, trước sự đổ bể và bê bối của Đội trẻ SLNA, Sở TDTT Nghệ An đã có một cuộc cải tổ lớn về công tác tổ chức, trong đó có ban huấn luyện. Chính trong thời gian này, CLBPIJCO - SLNA đứng trước quá nhiều sóng gió thường tình của một đơn vị đầy ắp những sự kiện, những xáo trộn về tổ chức. Búa rìu dư luận đã giáng xuống CLB cùng với những con người có trách nhiệm ở đây, với một đòi hỏi cấp thiết SLNA phải thanh lọc hết những vấn nạn, trở về là CLB hùng mạnh xứng đáng với niềm hâm mộ của khán giả.

Trong cuộc “thay máu” khá mạnh mẽ của toàn cục CLB, số phận của Hữu Thắng cũng được đặt lên bàn cân giữa bốn bề bủa vây của dư luận nhiều chiều. Người khen, kẻ chê, người ủng hộ, người không ủng hộ ở CLB dường như không còn là quan trọng nữa khi ông giám đốc điều hành cũ ra đi, và đương nhiên BHL cũ cũng buộc phải giải tán. Trong sự sắp đặt của tổ chức để chọn ban huấn luyện mới, Hữu Thắng và Nguyễn Văn Thịnh luôn được đưa lên bàn cân như là hai ứng cử viên sáng giá nhất cho đội 1. Hữu Thắng được đánh giá là có kinh nghiệm trận mạc, có uy tín trong cầu thủ, được các cầu thủ quý mến và tin cậy. Thế nhưng, Hữu Thắng từng ở BHL cũ, vì vậy anh hiểu rõ vị trí của mình ở đâu trong sự thay đổi này. Hữu Thắng đã đủ bản lĩnh và tỉnh táo để từ chối làm HLV ở BHL mới.--PageBreak--

Sự tỉnh táo đã giúp cho anh lấy lại sự cân bằng nhanh hơn đối với cú sốc trong công việc. Hữu Thắng nhanh chóng hiểu ra rằng, cuộc đời của một con người gắn liền với thể thao thì sẽ là một cuộc đời không bao giờ bình yên nếu không biết chèo chống qua những biến động. Đã mang lấy nghiệp vào thân, Hữu Thắng còn biết trách ai. Sau sự kiện này, anh cũng ngộ thêm một cách sâu sắc rằng, đời cầu thủ đã phải chịu quá nhiều áp lực, nhưng đời một HLV lại càng phải chịu nhiều áp lực hơn. Nếu không bản lĩnh, không dày dặn kinh nghiệm trận mạc và kinh nghiệm cuộc đời, sẽ không thể vượt qua những sóng gió của nghề. Mà Hữu Thắng còn quá trẻ để không cảm thấy sự nghiệp HLV của mình đã khép lại. Hữu Thắng chỉ buồn một nỗi, sau sự từ chối của anh, một một loạt báo chí đã cho rằng  lý do không được chọn làm HLV là do anh không nhiệt tình với nghề, kiêu căng khi đã tuyên bố: “Có giao chức HLV cho tôi, tôi cũng không nhận”. Hữu Thắng nói rằng, một số báo chí đã cố tình không hiểu hoàn cảnh của anh, không nắm rõ nội tình của sự việc. Anh buộc phải từ chối khi đã biết chắc chắn có nhận cũng không được. Hữu Thắng cười: “Rồi  mọi hiểu lầm, buồn vui cũng qua đi thôi mà, không lẽ mình cứ phải rơi vào thế gian nan mãi”.

Giờ đây, khi nhắc lại tất cả những sóng gió đã trải, Hữu Thắng trầm tĩnh hơn, bằng an hơn khi nói về nỗi buồn, sự thất vọng của mình: “Không thể nói là tôi không buồn trước tất cả những sự việc vừa qua. Có lẽ đây là giai đoạn khó khăn của tôi. Nhưng nghĩ cho cùng tôi còn quá trẻ để bước vào sự nghiệp của một HLV. Tôi luôn tin tưởng vào sự nỗ lực của chính mình. Bây giờ tôi muốn dồn hết tất cả thời gian cho việc học hành, chuẩn bị cho mình một hành trang thật vững chãi. Cuộc đời của người cầu thủ đã phải chịu nhiều sóng gió và áp lực. Đời HLV càng phải đương đầu với những sóng gió bội phần. Đã trót đam mê, dấn thân cùng trái bóng tròn, phải biết cắn răng chịu đựng cả những điều cay đắng nhất. Tôi tự nhủ mình, phải biết chấp nhận thực tại và chờ đợi ở tương lai”.

Dù vậy, tôi vẫn đọc thấy trong nét cười xa xăm của chàng trai xứ Nghệ mạnh mẽ này một nỗi buồn thăm thẳm. Sâu hơn cả nỗi buồn ấy là những thất vọng, đổ vỡ, những hoài nghi và sự đắng cay hiện rõ trên gương mặt anh. Nhưng mà thôi, có lẽ Hữu Thắng cũng nên ngẫm lấy sự đời qua hai câu thơ của các bậc tiền nhân: “Lao xao sóng vỗ ngọn tùng/ Gian nan là nợ anh hùng phải vay”.

Đây là giai đoạn khó khăn trong cuộc đời của anh, một người mà từ khi khoác áo cầu thủ cho đến khi giải nghệ, cuộc sống khá nổi tiếng của một ngôi sao bóng đá của anh chưa từng có tỳ vết về nhân cách. Thế mà cùng với sự đổ vỡ trong công việc, Hữu Thắng còn là nạn nhân của những lời đồn thổi quái ác: Rằng anh là một trong những tay mafia  trong bóng tối của cái gọi là quyền lực đen ở ngoài sân cỏ của bóng đá SLNA... Chính vì có quyền lực đen mà anh trở nên rất giàu có với một tập đoàn xe ôtô vận tải buôn bán xuyên Việt.

Thực ra, đời cầu thủ của anh cũng đủ để anh lo cho mình một cuộc sống khá tốt so với dân nghèo nơi tỉnh lẻ. Anh vừa mua được một căn nhà chung cư, có một miếng đất được tỉnh Nghệ An phân cho như là món quà về những thành tích trong thể thao của anh từ năm 1997 đến nay, thủ tục vẫn còn dang dở. Nhưng việc anh sắm một chiếc ôtô trị giá 250 triệu để làm phương tiện đi lại ở một tỉnh lẻ mà đa số đời sống cán bộ công nhân còn khó khăn như Nghệ An, thì sự nghi ngờ về khả năng giàu có của anh là bất chính. Thói đời ganh ghét vẫn là câu chuyện đau lòng cho biết bao người bao đời nay phải bỏ quê đi xa xứ. Sự nghi ngờ và những lời đồn đại bao giờ cũng là một bản án kinh hoàng không có kết thúc. Không có một tòa án nào xử bản án tin đồn để cho những người như Hữu Thắng chứng minh được rằng mình trong sạch.

Tất nhiên, cũng như các ngôi sao bóng đá khác bị nghi ngờ kể cả Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Triệu Quang Hà... Hữu Thắng cũng nằm trong cái gọi là bi kịch của những lời đồn đại. Không biết đến bao giờ bóng đá Việt Nam mới trở thành chuyên nghiệp để sân chơi của môn thể thao vua này không còn có chỗ cho thói đố kị, lòng ghen ghét và sự thao túng vì sức mạnh của những đồng đôla. Thôi thì cũng chẳng biết tin ai khi thú thực bóng đá Việt Nam vẫn còn là một sân chơi bán chuyên nghiệp và ở đó con người chưa thể bước qua được chủ nghĩa thực dụng để trở thành những chuẩn mực. Và một điều nữa, nhiều người vẫn còn mặc nhiên coi tin đồn như một  thói quen sống ích kỷ trong tính cách của chính mình

Lê Thị Thanh Bình
.
.
.