Người viết nhiều sách về Bác Hồ

Thứ Hai, 10/05/2010, 12:25
Sau khi rời quân ngũ, với tấm lòng biết ơn và kính yêu Bác Hồ, Đại tá, Tiến sỹ sử học Nguyễn Văn Khoan đã dày công sưu tầm, nghiên cứu, tham gia viết, biên soạn 20 tác phẩm về Bác Hồ, trong đó có các bộ sách lớn: "Hồ Chí Minh toàn tập", "Biên niên tiểu sử Hồ Chí Minh", "Tiểu sử Hồ Chí Minh".

Riêng ông đã viết, biên soạn 12 cuốn sách về Bác, có cuốn tái bản lần thứ 3. Ông còn viết dịch chủ biên và tham gia biên soạn gần 60 tác phẩm về đề tài lịch sử, Việt kiều và về báo chí.

Ở tuổi 82, mái đầu bạc trắng như cước, nhưng Đại tá Nguyễn Văn Khoan vẫn khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Ông tiếp tôi tại phòng khách tầng 1 và cũng là nơi làm việc và nơi nghỉ của ông.

Chiếc giường cá nhân của ông được biến thành cái ghế để ông ngồi tiếp khách và ngay trên đầu giường có chiếc bàn thờ nhỏ, đặt trang trọng bức ảnh Bác Hồ lồng trong khung kính và một đĩa hoa tươi. Xung quanh phòng của ông rất nhiều sách chữ Việt, chữ Pháp, chữ Nga, chữ Trung Quốc đã nhuốm màu thời gian, có quyển chỉ dày chừng 5 mm, nhưng có quyển dày tới cả chục cm.

Tôi bày tỏ sự thán phục về khối lượng sách đồ sộ mà Đại tá Nguyễn Văn Khoan đã viết, tham gia viết, biên soạn về chủ đề Bác Hồ. Ông cười, nói "Chú quá khen đấy. Tài cán của tôi cũng bình thường thôi, có điều là tôi gặp may mắn".

Rồi ông kể, năm 1989, nhận quyết định về hưu, biết ông là Phó tiến sỹ Sử học (sau chuyển thành Tiến sỹ), ham học tập và nghiên cứu, từng biết Pháp văn, Nga văn, Trung văn và còn khỏe mạnh, mấy người bạn của ông - trong đó có ông Đặng Xuân Kỳ (con cố Tổng Bí thư Trường Chinh) công tác ở Viện Mác-Lênin-Hồ Chí Minh, mời ông tới Viện làm việc với tư cách cộng tác viên. Ông cùng một số cán bộ ở Viện được giao sưu tầm, chú thích các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh để in thành bộ sách lớn "Hồ Chí Minh toàn tập", "Biên niên tiểu sử Hồ Chí Minh" và "Tiểu sử Hồ Chí Minh".

Trong quá trình sưu tầm tài liệu biên soạn, ông có điều kiện được vào kho tư liệu của Trung ương, của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, đọc sách báo, đọc các văn bản, nghị quyết của Đảng, các bài viết của Bác Hồ, trong đó có một số tài liệu rất quý giá, chưa công bố. Vì vậy, ông đã thu thập được khá nhiều tài liệu về Bác và biết địa chỉ của một số người từng được gặp Bác, được Bác khen thưởng. Thế là, cùng với việc tham gia biên soạn ba cuốn sách "Hồ Chí Minh toàn tập", "Biên niên tiểu sử Hồ Chí Minh", "Tiểu sử Hồ Chí Minh" và 17 cuốn sách khác về Bác, ông đã tranh thủ thời gian đi gặp các nhân chứng, sưu tầm tài liệu viết, biên soạn những câu chuyện về Bác.

Ông tâm sự: "Sách về Bác Hồ dù viết bằng hình thức miêu tả hay kể chuyện, suy cho cùng vẫn là sách chính trị. Tôi sưu tầm tài liệu, viết, biên soạn loại sách này xuất phát từ lòng biết ơn và kính trọng đối với Bác và muốn thông qua đó, giúp bạn đọc hiểu những tình cảm, cách đối nhân xử thế, những sự chỉ đạo của Người đối với cán bộ về việc chăm lo đời sống của nhân dân, bộ đội trong những thời điểm cụ thể, bằng những việc làm cụ thể, để mọi người thêm gần gũi, kính yêu Bác. Sách tôi viết, biên soạn hoàn toàn không nhằm mục đích kiếm nhuận bút. Sách in ra, ngoài phần các cơ quan, đơn vị mua làm tài liệu tuyên truyền, bao giờ tôi cũng nhận về một, hai trăm cuốn để tặng các cơ quan, trường học và bạn bè…".

"Trong quá trình sưu tầm tài liệu viết, biên soạn sách về Bác, ông có gặp khó khăn gì không?", tôi hỏi Đại tá Nguyễn Văn Khoan. Ông cười: "Có chứ". Theo ông kể, tôi được biết, yêu cầu nghiêm ngặt khi viết sách về Bác là phải bảo đảm tư liệu chính xác, mà tư liệu về Bác Hồ thì nhiều vô kể, gồm sách của ta, sách của nước ngoài, tài liệu đánh máy và cả tài liệu viết tay, xếp cao hơn đầu người.

Muốn viết được một cuốn sách về Bác, ông phải đọc hàng chục cuốn sách, bài báo chữ Việt, chữ Nga, chữ Trung Quốc và phải đi gặp các nhân chứng trong các sự kiện lịch sử để sưu tầm tài liệu một cách cụ thể và tỉ mỉ. Khi viết phải cân nhắc từng câu, từng chữ để vừa nêu bật nội dung, lại vừa giản dị, giúp bạn đọc dễ hiểu, dễ nhớ. Bản thảo viết xong phải nhờ một số đồng chí lãnh đạo có trách nhiệm thẩm định, cho ý kiến sửa chữa rồi mới đưa xuất bản…

Với cách làm việc cẩn trọng như vậy, nên sách do Đại tá Nguyễn Văn Khoan viết, sưu tầm, biên soạn được hơn 10 nhà xuất bản, trong đó có các nhà xuất bản lớn như Chính trị quốc gia, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao động ấn hành, được phát hành rộng rãi trong cả nước và được một số học giả uy tín viết lời giới thiệu.

Cuối năm 2009, Nhà xuất bản Công an nhân dân đã ấn hành cuốn sách "Tấm gương Bác - ngọc quý của mọi nhà" của Đại tá Nguyễn Văn Khoan với 297 câu chuyện về Bác. Sách dày gần 500 trang và được Giáo sư Đinh Xuân Lâm giới thiệu. Trong lời giới thiệu có đoạn: "Đây là những bài viết ngắn gọn, có nội dung súc tích, dễ đọc, dễ nhớ, phản ánh tình cảm gắn bó của Bác Hồ với bộ đội, cán bộ, nhân dân. Mối quan hệ mật thiết và cách ứng xử linh hoạt, có tình, có lý của Bác Hồ với mọi người qua những câu chuyện bình thường, cụ thể trong đời sống hàng ngày đã được thuật lại một cách tự nhiên đến xúc động lòng người. Điều đáng trân trọng nêu cao, đó là giá trị giáo dục to lớn xuyên suốt các bài viết từ đầu đến cuối công trình (cuốn sách) qua từng bài, làm cho người đọc tiếp nhận một cách dễ dàng mà sâu sắc, lâu dài, mãi mãi".

Từ sau ngày Bác Hồ đi xa, tôi vẫn thường chú ý đọc sách viết về Bác nhưng ít thấy tác giả nào viết được 4 - 5 cuốn sách về Người. Vì vậy, với tôi, Đại tá Nguyễn Văn Khoan có thể là người lập "kỷ lục" viết sách về Bác Hồ chăng?

Duy Thủy
.
.
.