Người vẽ tranh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ

Thứ Bảy, 22/05/2010, 16:00
Từ tình yêu và sự tôn kính đặc biệt với Bác Hồ và qua những trang hồi ký của các tướng lĩnh, Báo ANTG, Cảnh sát toàn cầu là nguồn cảm hứng để họa sĩ Nguyễn Văn Phúc (TP Cần Thơ) sáng tác thành những bức tranh sinh động về những câu chuyện, cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác.
>> Gần 50 năm sưu tập ảnh Bác Hồ

Để tái hiện hình ảnh, câu chuyện về cuộc đời của Người, họa sĩ Nguyễn Văn Phúc phải mày mò nghiên cứu, phác thảo và miệt mài lao động để có được những bức tranh tràn đầy ý nghĩa về Bác Hồ kính yêu.

Xem bức tranh sơn dầu có chủ đề "Bác Hồ nhường ngựa cho viên phi công Mỹ" đặt tại Hội Văn học Nghệ thuật TP Cần Thơ, khiến chúng tôi hết sức ngỡ ngàng vì từ trước đến nay những câu chuyện về cuộc đời hoạt động của Bác chỉ được đọc từ những tài liệu sách, báo, hồi ký của các tướng lĩnh, các nhà nghiên cứu... chứ chưa thấy ai thể hiện bằng tranh.

Chúng tôi tìm đến nhà tác giả là họa sĩ Nguyễn Văn Phúc. Căn nhà nằm sâu trong một con hẻm nhỏ ở phường An Bình, khá yên tĩnh và người họa sĩ ở tuổi trên 60 vẫn miệt mài với những bức tranh còn đang dang dở.   

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở tỉnh Hưng Yên, ông Phúc chọn hướng đi là ngành mỹ thuật. Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, ông về công tác tại Viện Khảo cổ học và trở thành chuyên gia hàng đầu về trống đồng và thạp.

Năm 1980, sau 14 năm công tác, ông chuyển vào Cần Thơ công tác tại Đài truyền hình, rồi sang giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ cho đến khi nghỉ hưu. Cuộc sống gia đình còn khó khăn nên ngoài thời gian sáng tác, ông còn tranh thủ hợp tác với các công ty du lịch miệt vườn để giới thiệu du lịch, văn hóa và bán tranh, tượng do mình sáng tác.

Theo lời họa sĩ Phúc kể, năm 2002 là mốc thời gian đáng nhớ, vì ông chuyển qua tranh sơn dầu và bắt đầu nghiên cứu, tìm tài liệu, phác thảo và vẽ tranh về những câu chuyện trong quá trình hoạt động cách mạng của Bác Hồ. "Tôi đọc nhiều tác phẩm về chiến tranh, hồi ký của các tướng lĩnh, trong đó có cuốn "Bác Hồ - Những kỷ niệm không quên" của Thượng tướng Phùng Thế Tài. Tôi có suy nghĩ, từ trước đến giờ ít thấy tranh vẽ về những cuộc đời, câu chuyện hoạt động cách mạng của Bác. Vì vậy, tôi muốn thể hiện tình cảm của mình đối với Người".

Bức tranh "Bác từ chối đi giày mới" được họa sĩ Phúc đặt trên bàn thờ Bác.

Từ suy nghĩ và nguồn cảm hứng qua những cuốn hồi ký, họa sĩ Nguyễn Văn Phúc đã vẽ bức tranh lớn với chủ đề "Bác từ chối đi giày mới". Và bức tranh này được chính họa sĩ đặt nơi trang trọng nhất trong nhà để thờ Bác Hồ. "Tôi rất cảm động trước việc làm của Bác. Một vị lãnh tụ nhưng vẫn tiết kiệm tối đa để vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì cách mạng. Từ đó trong tôi luôn thôi thúc phải vẽ bức tranh về câu chuyện tiết kiệm của Bác nhằm giáo dục ý thức tiết kiệm cho con cháu hôm nay và thế hệ mai sau noi theo".

Trong số những bức tranh mà họa sĩ Phúc đã vẽ, để lại ấn tượng nhất là bức "Bác Hồ nhường ngựa cho viên phi công Mỹ". Bố cục bức tranh khá chặt chẽ, nội dung bức tranh toát lên đầy đủ ý nghĩa của một câu chuyện mà Bác đã làm trong quá trình hoạt động cách mạng.

Bức tranh "Bác nhường ngựa cho viên phi công Mỹ".

Họa sĩ Phúc tâm sự: "Tôi đã đọc hồi ký của Thượng tướng Phùng Thế Tài nhưng khi xem bài báo nói về câu chuyện Bác nhường ngựa cho viên phi công Mỹ trên tờ báo Cảnh sát toàn cầu, nhiều chi tiết mới và khá cụ thể, rất hay. Từ câu chuyện viết bằng văn chương, tôi đã nghiên cứu, phác thảo và vẽ hơn 6 tháng mới hoàn thành tác phẩm".

Trò chuyện với chúng tôi, họa sĩ Phúc còn "khoe" rất nhiều bản thảo mà ông sắp thực hiện về những giai đoạn hoạt động cách mạng của Người, với các chủ đề như: Bác đi chiến dịch Thu Đông (kể về mẩu chuyện trên đường công tác, xe bị hư, chính Bác là người dùng tay quay để khởi động máy xe, để tài xế ngồi trên xe điều khiển); "Ý nguyện của mọi thời đại" (kể chuyến đi Pháp năm 1946, Bác dùng tay bịt nòng pháo đại bác của Pháp); "Bác nói chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp"...

Họa sĩ Nguyễn Văn Phúc tâm sự: "Cái khó khi vẽ tranh về cuộc đời hoạt động Cách mạng của Người, từ những tác phẩm văn chương (đó mới chỉ là ý tưởng) để chuyển thể thành tác phẩm mỹ thuật, bố cục nói về Bác, đòi hỏi có sự sáng tạo, nghiên cứu rất nhiều. Tuy nhiên, quan trọng nhất là tình cảm và sự tôn kính với Bác, thì tác phẩm mới thành công"

Nam Giao
.
.
.