Người trí thức làm điện ảnh

Chủ Nhật, 22/11/2009, 10:14
Ông Phạm Văn Khoa là một trí thức, là một nhà hoạt động sân khấu tâm huyết, là một đạo diễn sân khấu đã dựng nhiều vở kịch thành công, tiêu biểu nhất là vở "Trung phong chết trước lúc bình minh", nhưng đối với điện ảnh thì ông là người ngoại đạo, không qua trường lớp, và mãi đến tuổi 40 mới vào nghề. Nhưng ông Phạm Văn Khoa đến với điện ảnh không hoàn toàn lạ lẫm, vì ông đã có cái nền nghệ thuật sân khấu.

Một loại hình họ hàng anh em với nghệ thuật điện ảnh. Ông Phạm Văn Khoa còn có may mắn là trước khi vào nghề, ông đã có dịp hợp tác quốc tế làm hai phim tài liệu "Việt Nam kháng chiến" và "Việt Nam trên đường thắng lợi" từ đầu đến cuối phim ở cả trong nước và ngoài nước. Đối với ông đó là một lớp học thực sự, nhất là được làm việc với đạo diễn Roman Cacmen - một nghệ sĩ lớn tầm cỡ thế giới.

Năm 1961, ông Phạm Văn Khoa đã rời khỏi công tác lãnh đạo để trở về với cuộc đời của người nghệ sĩ, với tình yêu nghệ thuật mà ông đã nung nấu trong suốt cả cuộc đời của mình, trước là nghệ sĩ sân khấu, bây giờ là đạo diễn điện ảnh…

Trong những tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Phạm Văn Khoa bao gồm nhiều đề tài xã hội nông tôn, thành thị, chiến tranh, hoà bình, quá khứ, hiện tại, và thuộc nhiều thể loại mang màu sắc nghệ thuật khác nhau như chính kịch, tự sự, hài hước, đặc biệt về thể loại phim sân khấu, phim tư liệu nghệ thuật thì ông là người chiếm kỷ lục, chiếm tới 50% phim sân khấu của Điện ảnh Việt Nam.

Nhưng dấu ấn nghệ thuật của ông để lại là những phim về xã hội nông thôn trong thời phong kiến mang màu sắc bi kịch như: "Chị Dậu" chuyển thể từ tác phẩm văn học của Ngô Tất Tố, "Làng Vũ Đại ngày ấy" của Đoàn Lê chuyển thể từ tác phẩm văn học của Nam Cao; và một chùm phim hài "Sau cơn bão", "Kén rể", "Khôn dại" của nhà biên kịch Duy Cương. Trong mảng đề tài chiến tranh, đạo diễn Phạm Văn Khoa cũng làm nhiều phim, nhưng thành công nhất là "Lửa trung tuyến" (Bông sen bạc-LHPVN).

Chùm phim được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2007 của đạo diễn Phạm Văn Khoa có 3 tác phẩm điện ảnh: "Lửa trung tuyến", "Chị Dậu", "Làng Vũ Đại ngày ấy". Trong 3 tác phẩm điện ảnh ấy có hai phim "Chị Dậu" và "Làng Vũ Đại ngày ấy" là "tiếng khóc" của Phạm Văn Khoa cho các nhân vật của ông, những nhân vật nhỏ bé, những thân phận nghèo hèn, những kiếp người nô lệ dưới bao tầng lớp áp bức, sống trong khổ ải trầm luân, dưới bầu trời lúc nào cũng "tối đen như mực" của xã hội cũ.

Nếu không có tiếng khóc của mẹ con chị Dậu trong một cảnh ngộ nghèo đói xơ xác của người nông dân Việt Nam dưới chế độ phong kiến, đế quốc, phải đem con bán cho Nghị Quế để lấy tiền nộp sưu thuế cho cả người sống và người chết, và thuốc thang cho chồng đang ốm thập tử nhất sinh trên giường bệnh, thì sao người đời sau biết được nỗi nhục của một dân tộc bị áp bức.

Cũng không chỉ trong cái biển đen mênh mông thôn dã ấy có một thân phận chị Dậu trong bộ phim cùng tên của ông. Ở một địa chỉ khác, cuộc sống và con người trong cái "Làng Vũ Đại ngày ấy" còn đau đớn hơn nhiều.

Đạo diễn Phạm Văn Khoa để cho một nhân vật của mình, một trí thức nông thôn - giáo Thứ - đóng vai trò như một chứng nhân lịch sử của chính ngôi làng đã sinh đẻ ra mình để thấy hết những bi kịch xóm làng, gia đình diễn ra hàng ngày, cảm nhận đến tận cùng những nỗi đau giữa trần thế, những bi kịch cá nhân như Lão Hạc, sống trong quằn quại, cô độc và tuyệt vọng, sớm chiều chỉ có con Vàng làm bạn, chết dần chết mòn trong túp lều tranh; để thấy một Thị Nở - Chí Phèo với mối tình ngang trái, một giáo Thứ sống mòn sau luỹ tre làng, và để thấy một Bá Kiến giàu có lộng hành nham hiểm và độc ác ức hiếp dân lành.

Và chính cái xã hội ấy đã dồn nén, đùn đẩy con người đến tận cùng để nảy nòi ra một Chí Phèo lưu manh mang trong người tất cả những bệnh hoạn xấu xa nhất của xã hội phong kiến thối nát ở nông thôn Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX.

Chỉ chừng ấy thôi, bằng những hình tượng nghệ thuật của mình, đạo diễn Phạm Văn Khoa đã làm cho người xem phim phải bật khóc, xót xa, thương cảm những đồng bào của mình đã sống trong một quá khứ tối tăm, mà ở các miền quê yêu thương ấy có cả cha mẹ, ông bà, tổ tiên, và chính những ngày thơ ấu của chúng ta ở đó…

Có thể nói hai bộ phim "Chị Dậu" và "Làng Vũ Đại ngày ấy" là ông tâm đắc nhất. Ông đã dành 10 năm thai nghén cho phim "Chị Dậu". Năm 1970, ông đã hoàn thành giai đoạn kịch bản, nhưng phải đến mười năm sau đạo diễn mới tìm ra diễn viên đóng chị Dậu.

Qua bộ phim "Chị Dậu" ông đã làm cho người xem ngạc nhiên về màu sắc bi kịch trong phong cách đạo diễn Phạm Văn Khoa. Những phim trước đó người trong nghề biết đến ông nhiều về thể loại chính kịch "Lửa trung tuyến", "Lửa", "Lửa rừng".

Bên cạnh những cảnh bom đạn, gay cấn, căng thẳng, làm cho người xem mỏi mệt, bao giờ ông cũng gài những chi tiết vui, dí dỏm, những khoảng nghỉ ngơi, thư giãn. Đấy là những thủ pháp xử lý rất có hiệu quả, như một sở trường, một nét mạnh của ông.

Nhưng để tạo màu sắc bi kịch cho tác phẩm lên án cái ác, tố cáo sự tàn bạo của chế độ phong kiến thì ông đã dám làm khác trước, không dùng những thủ pháp nghệ thuật được coi là sở trường của mình, những yếu tố hài hước vốn có, để cho màu sắc bi kịch trong tác phẩm không bị phá vỡ đảm bảo một phong cách thống nhất cho bộ phim "Chị Dậu". Bộ phim "Chị Dậu" đã đoạt huy chương thành phố Nantes trong LHPQT Á-Phi-Mỹ-Latinh ở Pháp.

Nhiều người cho rằng ông có phần dễ dãi trong nghệ thuật, nhưng đấy chỉ là cách sống phóng khoáng, hoà nhã, vui vẻ ngoài đời của ông. Trong nghệ thuật ông là người khó tính, không dễ chấp nhận những điều ông cho là không đúng, không lô-gíc.

Bộ phim thứ 2 thành công của ông là "Làng Vũ Đại ngày ấy", ở giai đoạn kịch bản mối quan hệ giữa biên kịch và đạo diễn rất khó khăn. Trong khi đạo diễn cho rằng các tác phẩm Chí Phèo, Lão Hạc, Giáo Thứ của Nam Cao xứng đáng mỗi truyện là một tác phẩm điện ảnh, mà không nên gom cả những tác phẩm văn học có giá trị và rất nổi tiếng của Nam Cao vào một bộ phim.

Ý nghĩ của ông được nhiều người tán thưởng, nhưng vẫn không thuyết phục được nữ tác giả kịch bản Đoàn Lê. Chị cho rằng một bộ phim không phải là sự minh họa của tác phẩm văn học. Có thể nó là một cái gốc, cái hồn, nhưng không hoàn toàn giống nhau, mà là sáng tạo nối tiếp sáng tạo, mới có thể tạo ra một nghệ thuật khác nó, có bản sắc, đặc thù, ngôn ngữ riêng là điện ảnh.

Sự liên kết 3 truyện ngắn của Nam Cao cũng là ý tưởng mở rộng không gian và chiều sâu của cái làng Vũ Đại ngày ấy, để người xem không chỉ biết đến Chí Phèo, Bá Kiến, mà còn Lão Hạc, Giáo Thứ… và bao nhiêu thân phận con người sống trong cái làng ấy, dưới chế độ phong kiến, để người xem có được cái nhìn toàn cảnh nông thôn tăm tối thời ấy.

Cũng may là không gây ra cuộc chiến một mất một còn như là căn bệnh thâm niên của nghề nghiệp nhưng đạo diễn Phạm Văn Khoa vẫn có ý kiến riêng của mình. Để giữ sự trong sáng, không lai tạp mang bản sắc Việt Nam của nhân vật Chí Phèo, ông không đồng tình để Chí Phèo là con của Bá Kiến - giống nhân vật Xmécđiacốp trong phim "Anh em nhà Caramazốp" của Đốtxtôiepxki-nay thêm nhân vật Binh Tư đặt bên cạnh Chí Phèo làm loãng câu chuyện. Đây là một nét rất bản lĩnh của đạo diễn Phạm Văn Khoa.

Cái bản lĩnh ấy dựa trên nền tảng học vấn, sự từng trải trong cuộc đời và vốn sống về nông thôn của ông. Có lẽ ít người biết người đạo diễn đến với bộ phim truyện đầu tiên "Chung một dòng sông" chính là ông Phạm Văn Khoa, nhưng vì không thống nhất được với nhà biên kịch Cao Đình Báu mà ông rút lui.

Ông cũng đã xin rút khi được giao làm bộ phim sân khấu "Xuý Vân" vì cho rằng tình yêu giữa Xuý Vân và Trần Phương về hoàn cảnh kịch trong thời phong kiến là thiếu lôgíc. Ngay cả bộ phim "Chị Dậu" chuyển thể từ một tác phẩm văn học có giá trị, được đánh giá rất cao trên văn đàn Việt Nam, đạo diễn Phạm Văn Khoa vẫn có thay đổi táo bạo về lối ra của câu chuyện.

Trong "Tắt đèn" chị Dậu không chịu cho "Cụ Cố" làm nhục đã chạy ra "bầu trời tối đen như mực"! Nếu làm đúng như văn học thì cái kết quá tối tăm, con người mất hết hy vọng về cuộc sống. Có thể hình tượng văn học ấy vẫn giữ nguyên giá trị trong dòng hiện thực phê phán, song trong nghệ thuật luôn đòi hỏi sự sáng tạo phù hợp với thời đại mình đang sống.

Đạo diễn Phạm Văn Khoa đã thay vào đó một bầu trời giông bão sấm sét, vừa nói lên sự giận dữ, vừa cho người ta hy vọng vào sự thay đổi của đất trời, vì sau mưa trời lại sáng. Đấy là ẩn dụ mang màu sắc triết học nâng cao tầm giá trị cho tác phẩm.

Trong bộ phim "Lửa trung tuyến", câu chuyện về một sĩ quan Quân đội đang chỉ huy chiến đấu có nhiều thành tích thì nhận được nhiệm vụ về trung tuyến phụ trách một kho vũ khí. Tuy chấp hành mệnh lệnh nhưng nghĩ rằng mình bị đánh giá không đúng nên phải lui về tuyến sau "giữ kho".

Vì tâm trạng luôn bức xúc nên trong công việc anh hay cáu gắt, không vui vẻ, thiếu chan hòa với anh chị em chiến sĩ, phân công có nhiệm vụ trong coi bảo vệ kho vũ khí. Để sửa chữa phê bình cho người sĩ quan mang tên Dũng ấy, đạo diễn Phạm Văn Khoa không xử lý nghệ thuật bằng cách tạo ra những cuộc họp kiểm điểm "đao to, búa lớn" hay hô khẩu hiệu như thường thấy trên phim thời đó. Đạo diễn đã để cho một cô dân công tên là Nhàn (Ngọc Lan đóng) tính nết tinh nghịch, hồn nhiên và rất xinh, trêu. Thấy bộ mặt khó đăm đăm của anh chỉ huy đi qua, cô hỏi:

- Anh Dũng đi chợ cho em gửi cái này.

Dũng nghiêm giọng hỏi:

- Cô muốn gì?

- Mắm tôm!

Chưa nói xong cô gái đã vội chạy đi cười vang cả khu rừng. Anh sĩ quan vừa tức, vừa đỏ mặt tía tai, nhưng anh cũng thấu hiểu là Nhàn đã phê bình cái bộ mặt lúc nào cũng khó đăm đăm và hay gắt gỏng của anh.

Hay trong cảnh máy bay địch đến bắn phá, mọi người phải khẩn trương phân tán. Các cô dân công tranh nhau nhảy vội lên chiếc xe tải, trong đó có một chị quá to béo không leo lên xe tải được, các cô khác phải hò nhau nâng mông chị ta lên. Hình ảnh rất cảm động nhưng không tránh được tiếng cười.

Thế đấy, trong một bộ phim chiến tranh rất căng thẳng, nhưng cái tài của đạo diễn là vẫn gài được những chi tiết, tình huống gây hài hợp lý tạo nên những giây phút thư giãn, làm cân bằng không khí và nhịp điệu. Bộ phim "Lửa trung tuyến" đã đoạt giải Bông sen bạc trong LHPVN lần II; được Bằng khen của Hội Nghệ thuật điện ảnh Liên Xô.

Trong LHPQT Maxcơva, bộ phim "Lửa trung tuyến" như một cửa sổ để cho các nhà điện ảnh thế giới nhìn vào một nền điện ảnh đang còn non trẻ của Việt Nam. Nhà lịch sử điện ảnh nổi tiếng thế giới Gioócxadun sau khi xem bộ phim đã nói với đoàn điện ảnh Việt Nam: "Đất nước các bạn nằm trên dải Đông Dương. Tôi vẫn nghĩ rằng nền văn hóa của các bạn giao tiếp nhiều với hai nền văn hóa lớn Ấn Độ và Trung Quốc tất có chịu ảnh hưởng. Vậy mà xem phim của các bạn, tôi ngạc nhiên và khoan khoái thấy nó chẳng Ấn Độ mà cũng chẳng Trung Quốc".

Đấy là một câu nói và rất khích lệ của Gioócxadun dành cho những ngày đầu của phim truyện Việt Nam.

Ba tác phẩm điện ảnh "Lửa trung tuyến", "Chị Dậu", "Làng Vũ Đại ngày ấy" là cụm các tác phẩm điện ảnh tiêu biểu của đạo diễn Phạm Văn Khoa đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước (2002) trong đó ghi: "...có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tác dụng tốt trong công việc giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ của nhân dân, góp phần đáng kể vào sự phát triển của nền văn học nghệ thuật Việt Nam"

NSND Hải Ninh
.
.
.