Người ‘tô màu’ nhạc Việt bằng… trống trời

Thứ Năm, 10/09/2015, 07:00
Tại phố cổ Hội An, Quảng Nam, gần đây xuất hiện một loại nhạc cụ mới mà nhiều du khách mỗi khi ghé đến đều muốn một lần tìm hiểu và cảm nhận. Đó là những chiếc… “trống trời”, do ông Phạm Như Khoa, một người Pháp gốc Việt đang sống và làm việc tại đây sáng tạo nên…

Ghé thăm căn phòng nhỏ của ông Khoa ở đường Trần Hưng Đạo, phường Sơn Phong, TP Hội An, chúng tôi như đắm chìm trong những âm sắc thanh vang đang được ông Khoa say đắm gõ vào những chiếc “trống trời”. Người chủ nhân 55 tuổi cho biết: “Đây là một loại nhạc cụ có từ 8-32 nốt nhạc và nó có thể mô phỏng đầy đủ các nốt nhạc của nhiều loại nhạc cụ khác nhau như đàn guitar, bộ nhạc cụ của người Trung Quốc, Nhật Bản”.

Theo ông Khoa, việc làm “trống trời” chia làm 4 giai đoạn chính, đó là tìm nguyên vật liệu; nấu và đúc trống; cắt trống để tạo nốt nhạc và sơn màu. Để làm một chiếc “trống trời” đòi hỏi nhiều kỳ công, ban đầu phải sáng tạo từng bộ nốt cho nhạc cụ rồi mới tiến hành làm. Nguyên liệu làm trống không phải là vật liệu bình thường, mà chính là các loại thép dày và cứng, đặc biệt là những vỏ bom đạn thời chiến tranh còn sót lại.

Cũng theo ông Khoa, việc tạo nốt nhạc cho “trống trời” sao cho đúng rất khó nên có lúc ông phải cùng làm việc với nghệ nhân làng đúc đồng Phước Kiều làm việc tới tận khuya, nhiều khi thức trắng mấy đêm liền để thỏa lòng cho ra sản phẩm. Ban đầu rất nhiều sản phẩm bị hỏng do âm sắc chưa được chuẩn với các nốt nhạc chính của nhạc cụ...

Rồi khi vượt qua những khó khăn ban đầu, việc làm “trống trời” dường như hút ông, khiến ông say mê không dứt ra được. Tuy nhiên, làm “trống trời” không giống như các công việc bình thường khác, ngoài việc có thời gian, có công thức thì còn phải có nguồn cảm hứng và theo ông Khoa thì cảm hứng chính là thứ quan trọng nhất.

Ông Khoa say sưa biểu diễn các bản nhạc từ chiếc “trống trời” của mình.

Khi được hỏi cái tên “trống trời” do đâu mà ra, ông Khoa giải bày: “Tôi là một nạn nhân của chiến tranh khi không may bị hít phải chất độc da cam lúc nhỏ. Sau đó, tôi còn mắc bệnh Parkinson khiến cơ thể suy yếu, đi lại rất khó khăn. Tình cờ sau khi về sinh sống ở phố cổ Hội An, tôi sáng tạo được chiếc trống với nguyên liệu từ vỏ bom đạn còn sót lại sau chiến tranh nên tôi đặt tên là “trống trời” (ý nói bom đạn bị giặc bắn từ trên trời rơi xuống). Sau này, nó trở thành đam mê của tôi…”.

Từ đó, những sản phẩm của ông Khoa không ngừng được tạo ra; âm thanh vang vọng từ những chiếc “trống trời” cuốn hút người nghe, như vừa gắn kết con người lại với nhau, nhắn nhủ một điều rằng, tình yêu thương và niềm vui, hạnh phúc của con người sẽ vơi đi những nỗi đau mất mát do bom đạn trong chiến tranh…

Cũng vì thế, những chiếc “trống trời” của ông Khoa có một sức hút kỳ lạ đối với nhiều du khách trong và ngoài nước. Đó là họ không cần phải biết chơi nhạc, nhưng vẫn có thể ngẫu hứng đánh ra được những âm thanh trong ngần, độc đáo, đem lại sự thích thú, hứng khởi cho người nghe. Hiện tại, ông Khoa đã làm được khoảng hơn 400 “trống trời”, bán cho những người yêu nhạc ở Sài Gòn, Hà Nội và cả nước ngoài… 

Mặc cho căn bệnh Parkinson quái ác khiến thể trạng ông suy yếu, nhiều đêm vật vã thế, nhưng trong lòng người đàn ông này lúc nào cũng không ngừng sáng tạo, vì như ông nói, con người Việt Nam tuy nhỏ bé hơn, kinh tế có phát triển chậm hơn, song những luồng tư duy và sáng tạo của con người nơi đây là không ngừng tuôn chảy. Sáng tạo không chỉ giúp làm giàu, mà còn là phương tiện để hướng về tương lại, mang sự thành công và quảng bá hình ảnh đất nước tươi đẹp và thanh bình ra thế giới... 

Hà Ngọc
.
.
.