Người thổi hồn vào nhôm ở đất Tây Đô

Chủ Nhật, 10/07/2016, 13:59
Không tạo ra ấn tượng bằng màu sắc, nhưng những tác phẩm của “lão gò nhôm” luôn hoàn hảo với các đường nét gò nổi thật tinh xảo từ đôi tay điệu nghệ trên nền một tấm nhôm.

Người họa sĩ ấy là ông Nguyễn Văn Phúc (72 tuổi, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Quê gốc ở tỉnh Hưng Yên, ngay từ nhỏ ông Phúc đã có niềm đam mê hội họa. Để nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật của mình, ông đã thi vào Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Đến năm 1980 ông vào Cần Thơ công tác do yêu cầu của công việc.

Trải qua rất nhiều công việc từ khảo cổ, làm thiết kế sân khấu hội trường, rồi dạy học… nhưng với họa sĩ Nguyễn Văn Phúc, chưa bao giờ ông hết niềm đam mê với hội họa. Giải thích về việc chọn nhôm làm chất liệu sáng tác, họa sĩ Nguyễn Văn Phúc, chia sẻ: “Sau khi về hưu, tôi muốn sáng tạo ra một thứ nghệ thuật bằng chính nguồn năng lượng mình tỏa ra. Từ suy nghĩ đó, tôi quyết định tìm đến với tranh gò nhôm. Nhôm là một chất liệu có giá thành khá rẻ (150.000đ/m²), lại bảo quản được lâu, không bị rỉ như đồng”.

Họa sĩ Nguyễn Văn Phúc bên tác phẩm “Bác nhường ngựa cho viên phi công Mỹ”.

Khi sáng tác tranh, “lão gò nhôm” (biệt danh của ông Phúc – PV) ngồi bệt lên trên tấm nhôm được trải trên nền gạch, tay cầm búa gõ liên tục lên chiếc dùi đục được đặt lấy điểm tựa là bàn chân để giữ nhịp. Khi ấy, có một thứ âm thanh rất quen thuộc phát ra “cách cách, tùng, xèng” và trên miếng nhôm xuất hiện những đường nét đậm nhạt khác nhau, những mảng màu do ánh sáng hắt ra từ những lát nhôm được đánh bóng, tạo thành những khuôn hình độc đáo, tinh vi, đậm chất nghệ thuật.

Đề tài về Bác Hồ là một trong những nguồn cảm hứng sáng tác của người họa sĩ tài hoa này. Ông Phúc dành nhiều thời gian sưu tầm, nghiên cứu, suy ngẫm nhiều tài liệu viết về Bác, từ đó có cái nhìn trọn vẹn về chân dung vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Ông đã khắc họa được hình ảnh của Bác trong lúc làm việc, cũng như đời thường qua những tác phẩm: “Bác nhường ngựa cho viên phi công Mỹ”; “Bác từ chối đi giày mới”… nhằm giáo dục con cháu thế hệ sau. 

“Lão gò nhôm” là biệt danh của họa sĩ Nguyễn Văn Phúc.

Ông Phúc, cho biết: “Bác Hồ là biểu tượng của cả một dân tộc chứ không của riêng ai. Do đó, mình khai thác về đề tài Cách mạng và Bác Hồ cũng là một cách tỏ lòng biết ơn đối với Đảng, với Bác”. Ngoài ra, đề tài làng quê Nam Bộ cũng tạo cho họa sĩ Nguyễn Văn Phúc nguồn cảm hứng sáng tác với phong cảnh nền là lá dừa nước, cánh cò… những chi tiết đời thường gắn liền với vùng đồng bằng sông nước. Ông có khá nhiều tác phẩm tái hiện lại toàn cảnh chợ nổi, như: “Miệt quê Phong Điền”, hay những phong tục sinh hoạt đời thường: “Đám cưới giờ Tí”, “Tiếng trống trường”…

Vừa gò tranh, ông Phúc vừa chia sẻ: “Để có những bức tranh mang tính nghệ thuật cao, người họa sĩ phải bỏ ra khá nhiều tâm lực, trí sáng tạo, cộng với sự kiên trì của đôi tay hàng tháng trời. Vì chất liệu nhôm rất dễ biến dạng trong lúc gò để tạo ra các đường nét của bức họa”. Nói đến tranh gò nhôm của họa sĩ Nguyễn Văn Phúc, nhiều người không khỏi trầm trồ ngưỡng mộ, từ đường nét, đến ý tưởng và có cả âm thanh trong tranh. Không có điều kiện làm triển lãm, nhưng căn nhà nhỏ của ông cũng là nơi dừng chân của không ít người yêu hội họa, cả khách trong nước lẫn khách quốc tế.

Mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng họa sỹ Nguyễn Văn Phúc vẫn cống hiến cho niềm đam mê hội họa của mình.

Năm nay đã ngoài 70, lại mang trong người căn bệnh tim, nhưng bằng chính niềm đam mê ấy, ông Phúc vẫn miệt mài bên tấm nhôm, vẫn gò, vẫn đục để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật  khiến người xem mê mẩn.

Trần Lĩnh
.
.
.