Kỷ niệm 44 năm Ngày Bác mất (2-9-1969 - 2-9-2013):

Người quay những thước phim quý về Bác Hồ

Thứ Hai, 02/09/2013, 09:53
Ông là người con Nam Bộ thành đồng và cũng là người Việt Nam đầu tiên quay những thước phim tư liệu vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước tại Đại hội Đảng lần thứ II, diễn ra từ ngày 11 đến 19/2/1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang của Chiến khu Việt Bắc.

Những hình ảnh cảm động và sâu lắng nhất về Hồ Chủ tịch những ngày sống ở Việt Bắc cưỡi ngựa, lội suối, đi công tác, ngồi câu cá, làm việc… Sau đó đưa sang Trung Quốc tráng rọi phim mang về Việt Bắc, rồi tiếp tục mang về miền Nam chiếu phục vụ cho đồng bào, chiến sĩ Nam Bộ xem và trở thành tư liệu vô giá về Bác Hồ kính yêu. Nhà quay phim số 1 ấy là cụ Nguyễn Thế Đoàn.

“Phần thưởng lớn nhất đời tôi”

Ngày đó, chị Thu Lan, con gái cụ báo tin cụ xao nhãng thói quen đọc Báo Nhân Dân vào mỗi sáng trên căn gác nhà riêng tại góc đường Sương Nguyệt Anh - Tôn Thất Tùng, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Dấu hiệu không phải bất thường của tuổi già, nhưng trái với “dự định” của cụ sống tròn 100 tuổi. Nghe có khách đến chơi, cụ ngồi bật dậy như không hề bệnh đau gì cả, chị Lan dìu cụ lần dò đến ghế ngồi để cụ kể chuyện. Những câu chuyện mà không phải ai trong đời cũng có cơ hội được chứng kiến, được sống như cụ trong những ngày ở Việt Bắc, bên cạnh Bác Hồ. Sinh thời, chưa bao giờ nghe cụ Đoàn ca thán điều gì về công lao, thành tích. Cụ chỉ nói một câu: “Phần thưởng lớn nhất của đời tôi là được sống bên Bác Hồ hai tháng…”.

Cụ kể lại, vào năm 1950, Trung ương Đảng triệu tập đại biểu cả nước về dự Đại hội Đảng lần II tại chiến khu Việt Bắc, lãnh đạo Quân khu 9 cử nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn cùng họa sĩ Lê Minh Hiền ra Việt Bắc quay phim về Bác Hồ để đồng bào, chiến sĩ miền Nam có dịp ngắm Bác và Trung ương tại vùng căn cứ địa. Cụ đi cùng đoàn các đồng chí Ung Văn Khiêm, Ba Lê, Phan Trọng Tuệ, Võ Văn Kiệt, họa sĩ Diệp Minh Châu, Nguyễn Văn Chính... đi bộ qua Campuchia, sang Thái Lan, từ đó chia hai đoàn đi bằng tàu biển sang Hồng Kông và đảo Hải Nam (Trung Quốc) rồi vòng về chiến khu Việt Bắc. Cho mãi đến phiên bế mạc Đại hội, Nguyễn Thế Đoàn mới nhận máy quay Bell Hoovell và 50 cuộn phim Kodak. Theo phân công, Nguyễn Thế Đoàn quay phim, Đinh Đăng Định chụp ảnh, Diệp Minh Châu vẽ Bác.

Cụ Nguyễn Thế Đoàn năm 97 tuổi.

Ngoài những cảnh quay Bác mặc quần áo chàm giản dị, cụ Đoàn còn đề nghị Bác mặc bộ ka-ki đại cán kiểu Tôn Trung Sơn để quay. Tổ làm phim theo Bác quay được nhiều cảnh như: Bác đánh máy chữ, vác cuốc trồng rau, cưỡi ngựa đi công tác, lội suối băng rừng, luyện võ, đánh bóng chuyền, câu cá, thăm đồng bào… những hình ảnh vô giá mà Nguyễn Thế Đoàn quay được làm rơi nước mắt đồng bào, chiến sĩ cả nước khi xem. Hình ảnh vị lãnh tụ dân tộc lội suối, tự tay giặt quần áo, rồi phơi trên que cây vừa che nắng trên đường về. Bác giải thích với mọi người đi cùng: “Làm như thế để quần áo chóng khô thôi, cháu ạ”.

Có lần Nguyễn Thế Đoàn dậy sớm tập thể dục, nhìn thấy Bác đang lướt những thế võ Thái cực quyền, cụ Đoàn mừng quá chạy vào lấy máy bấm quay sè sè… Bác bảo họa sĩ Hiền đóng vai đối phương đấm tấn công, nhanh như chớp, Bác nhẹ nhàng gạt tránh đòn, di chân gạt phắt làm họa sĩ Hiền ngã lăn quay ra đất. Sau đó, 50 cuộn phim được mang sang Trung Quốc để tráng. Khi về Việt Bắc chiếu, Bác khen: “Cháu quay rất thật, Bác vừa ý lắm”. Bác gọi Nguyễn Thế Đoàn là “chú quay quay”.

Khi cụ Đoàn trở về Nam Bộ, Bác ân cần dặn dò và tặng “chú quay quay” bức ảnh chân dung có chữ ký của Bác. Nguyễn Thế Đoàn xin hôn Bác từ biệt để bày tỏ lòng kính yêu với vị Cha già dân tộc, Bác xúc động bảo: “Nụ hôn này Bác không chỉ dành riêng cho cháu, mà còn dành cho chiến sĩ đồng bào Nam Bộ đang anh dũng đấu tranh với kẻ thù”.

Chuyện đời của nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn

Cụ Nguyễn Thế Đoàn là người khai sinh ra điện ảnh Quân khu 9, là một trong những bậc tiền bối của điện ảnh Việt Nam. Những thước phim tài liệu vô giá về Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc đã được các thế hệ sau này dùng làm tài liệu tuyên truyền về Bác. Cụ Đoàn đã không thực hiện được lời hứa của mình là sẽ sống đến 100 tuổi, cụ đã qua đời lúc 2h sáng 12/8/2009, hưởng thọ 98 tuổi. Cụ tên thật là Nguyễn Văn Nghiệp, sinh ngày 2/5/1911 tại xã Tân Mỹ, huyện Chợ Mới (An Giang).

Năm 18 tuổi, cụ qua Nam Vang (Phnompenh, Campuchia) học nghề chụp ảnh, hoạt động cách mạng và được Đặc ủy lâm thời kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 6/1930, tham gia treo cờ đỏ búa liềm tại thủ đô Nam Vang. Hai tháng sau, cụ bị bọn tay sai thực dân bắt đưa về nhốt tại khám lớn Sài Gòn, nhưng không tìm ra chứng cứ nên thả tự do. Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ được giao nhiệm vụ phụ trách Công an, là Huyện ủy viên lâm thời Rạch Giá.

Trong một lần xem phim “Trận Mộc Hóa” ghi lại chiến công oai hùng của Bộ đội Tiểu đoàn 307, đồng chí  Phan Trọng Tuệ - Chính ủy Quân khu 9 quyết định giao cho Nguyễn Thế Đoàn lập “Tổ xi-nê Quân khu 9” với những tên tuổi điện ảnh đầu tiên như: Khương Mễ, Nguyễn Thế Đoàn, Mai Lộc, Vũ Sơn, Nguyễn Hiền, Tô Cương...

Năm 1954, cụ tập kết ra Bắc rồi sang Đức học nâng cao về kỹ thuật phim. Cụ kể lại, ở Hà Nội nhiều lần được vào Phủ Chủ tịch thăm Bác. Trong suốt bữa cơm, Bác luôn hỏi thăm tình hình đồng bào, chiến sĩ miền Nam đấu tranh ra sao và hỏi thăm về mộ phần thân phụ Người là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Cao Lãnh - Đồng Tháp… Cụ Nguyễn Thế Đoàn là cây đại thụ của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, người đầu tiên quay những thước phim tư liệu vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc năm 1952. Những ngày cuối cùng trên giường bệnh, cụ đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhì

Hoàng Châu
.
.
.