Người khôi phục tranh dân gian làng Sình (Huế)

Chủ Nhật, 28/03/2010, 17:50
Ông Kỳ Hữu Phước, nghệ nhân cao tuổi duy nhất của làng Sình, nơi được cả nước biết đến với Hội vật tháng 10 hàng năm, và nghề làm tranh dân gian luôn ý thức với việc bảo tồn nghề truyền thống của cha ông.

Cũng dùng mộc bản và vẽ trên giấy dó, nhưng khác với tranh Đông Hồ, trong tranh Sình mộc bản là để in nét rồi từ đó mới đi màu bằng tay.

Năm 1996 là thời điểm ông Phước bắt đầu khôi phục nghề cổ. "Tôi thuyết phục được vài gia đình cùng làm tranh và mang ra chợ Đông Ba rao bán. Hóa ra người dân Huế vẫn nhớ và muốn dùng tranh Sình". Chia sẻ 25 mộc bản cho mọi người trong làng, ông Phước tràn trề niềm tin rằng nghề của cha ông sẽ được khôi phục.

"Muốn giữ nghề phải giữ người. Hơn nữa tụi trẻ biết nghề sẽ tự sáng tạo thêm những mẫu tranh mới, các sản phẩm du lịch có giá trị hơn. Đó cũng là cách để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống", ông Phước tâm sự.

Đến nay đã có 30 hộ dân ở làng Sình trở lại với nghề tranh dân gian. Nhưng tỉ lệ đó còn thấp và thực tế thu nhập của nghề vẫn chưa cao. Trung bình, một ngày vợ chồng ông Phước và bà Gái thu nhập 20.000 đồng, nghĩa là nghề truyền thống một năm chỉ mang lại cho họ vẻn vẹn 7 triệu đồng.

Những con người yêu nghề vẫn quyết tâm giữ nghề, cho dù là gian nan.

 

Mai Kỳ
.
.
.