Người góp giọng ca vàng cho 2 chương trình lớn kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống CAND

Chủ Nhật, 22/08/2010, 15:18
Được hát giữa lòng chiến khu xưa, trong một chương trình nghệ thuật lớn, đầy ý nghĩa, đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, cũng là Ngày truyền thống của lực lượng Công an, với các nghệ sĩ tham gia chương trình, thực sự là một dấu ấn khó quên. Với NSƯT Ngọc Khang, một giọng ca vàng của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, điều này càng mang một kỷ niệm sâu sắc.

1. Bởi gần 30 năm bước chân vào hoạt động nghệ thuật, nhưng đây là lần đầu tiên, ca sĩ Ngọc Khang biểu diễn trong chương trình lớn với lực lượng Công an. Cũng là lần đầu tiên, anh được hát giữa vùng đất chiếc nôi cách mạng. Trở về Hà Nội sau đêm diễn, ca sĩ Ngọc Khang vẫn vẹn nguyên cảm xúc như khi anh hát "Người Hà Nội" trong chương trình "Công an nhân dân - vì nước quên thân, vì dân phục vụ":

Đó là những cảm xúc không thể diễn tả nổi. Hai hôm trước (17/8), được góp mặt trong chương trình kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống của lực lượng Công an ở sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội, tôi đã được thấy tính quy mô, nhưng không ngờ, chương trình "Công an nhân dân - vì nước quên thân, vì dân phục vụ" lại hoành tráng và đậm tính nghệ thuật đến thế. Dường như cảm xúc đó khiến không chỉ tôi, mà các nghệ sĩ tham gia đều thấy choáng ngợp.

Trên đường đi, chúng tôi đã được tận mắt ngắm nhìn các di tích cách mạng, rồi đặt chân đến Khu Di tích Lịch sử Nha Công an Trung ương, thăm Bảo tàng Công an nhân dân, khiến trong tôi dâng trào niềm xúc động xen lẫn tự hào. Vì thế, chương trình với chúng tôi không chỉ đơn thuần là biểu diễn nghệ thuật, mà còn như mang cả hồn thiêng sông núi của vùng đất chiến khu, truyền cho chúng tôi cảm hứng nghệ thuật khôn cùng.

Tôi đã từng biểu diễn ca khúc "Người Hà Nội" ở nhiều chương trình lớn trong nước và quốc tế, ở nhiều nhà hát sang trọng, nhưng chưa bao giờ tôi xúc động như lần này. Bởi khi xe đưa các nghệ sĩ đến Khu Di tích Lịch sử Nha Công an Trung ương lúc 3h chiều, giữa lúc trời đổ nắng chang chang, mà đã có hàng ngàn người dân, cả người già, trẻ em và phụ nữ, đang ngồi chờ dưới những gốc cây, bên các bờ cỏ, để chờ đến tối xem biểu diễn.

Chưa bao giờ tôi được bắt gặp những gương mặt háo hức trước một chương trình nghệ thuật như thế. Những hình ảnh đó tác động rất mạnh đến cảm xúc của mỗi nghệ sĩ, tạo nên chất xúc tác để chúng tôi thể hiện thành công các tiết mục của mình. Chương trình "Công an nhân dân - vì nước quên thân, vì dân phục vụ" sẽ mãi là kỷ niệm đẹp với tôi, khi lần đầu tiên được hát "Người Hà Nội" giữa đại ngàn, với một lượng khán giả đông hiếm thấy.

Mọi người không chỉ trật tự lắng nghe mà còn hết sức nhiệt tình, khi luôn dành cho các nghệ sĩ món quà vô giá là những tràng vỗ tay mỗi khi kết thúc một tiết mục. Tôi đã hát "Người Hà Nội" bằng cả trái tim, bằng những cảm xúc dồn nén và thăng hoa, như một món quà gửi tặng các chiến sĩ Công an nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập lực lượng, cũng là món quà gửi đến Đại lễ khi Thăng Long - Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi.

2. Các nghệ sĩ có mặt trong chương trình "Công an nhân dân - vì nước quên thân, vì dân phục vụ" đều là các nghệ sĩ hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam. Ca sĩ Ngọc Khang cũng là một người như thế. Với chất giọng nam cao, trong sáng và vạm vỡ, anh đã từng giành 3 Huy chương Vàng trong các cuộc thi, liên hoan âm nhạc chuyên nghiệp.

Sau khi đỗ thủ khoa Nhạc viện Hà Nội, Ngọc Khang được sang học tại Nhạc viện Traicopxki (Nga). Tốt nghiệp năm 1997, ca sĩ Ngọc Khang đã đầu quân cho Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam và nhanh chóng khẳng định qua các nhạc phẩm của dòng nhạc chính thống, trong nhiều chương trình nghệ thuật lớn của cả nước.

Giọng teno âm vang, hoành tráng và trữ tình của ca sĩ Ngọc Khang đã trở nên quen thuộc với khán giả qua các ca khúc "Người Hà Nội", "Trường ca sông Lô", "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" rồi "Tùy hứng qua cầu", "Nhớ Hà Nội", "Khúc mùa thu", "Chị tôi" vv… Từ năm 2002-2003, ca sĩ Ngọc Khang đã có những live show ấn tượng với khán giả. Anh cho biết, tới đây, đúng ngày đầu năm 2011, anh sẽ tiếp tục tặng khán giả một live show của mình.

Để có một giọng hát ấm, được khán giả yêu mến, cùng với năng khiếu trời cho và niềm đam mê hết mình với âm nhạc, là sự khổ công rèn luyện của ca sĩ Ngọc Khang. Anh kể, anh phải hy sinh rất nhiều: không được uống rượu, chơi bời, kiêng ăn cay, kiêng cả đồ ăn quá nóng, hay quá lạnh v.v… để giữ giọng hát.

Nhưng ca sĩ Ngọc Khang không hối tiếc. Anh cũng không muốn rẽ ngang sang dòng nhạc trẻ, dù so với các ca sĩ ở dòng nhạc trẻ, ca sĩ của dòng nhạc kinh điển như anh hiện thu nhập thấp hơn nhiều. Nhưng anh chia sẻ, anh sẵn sàng hy sinh cho âm nhạc đích thực, dù có thiệt thòi, có khó khăn như thế nào.

Kết thúc câu chuyện, ca sĩ Ngọc Khang tâm tình: Bao nhiêu công sức cố gắng, bao nhiêu đam mê nghề nghiệp, chỉ cần được góp mặt trong một chương trình lớn và có ý nghĩa như đêm nhạc hội "Công an nhân dân - vì nước quên thân, vì dân phục vụ", cũng đủ thấy tự hào

Thanh Hằng
.
.
.