Người giữ lửa truyền thống quan họ

Thứ Năm, 04/09/2008, 10:21
Quan họ và ca trù đang được Unesco xem xét để trở thành di sản phi vật thể. Trong thời buổi kinh tế thị trường, hát quan họ đang bị cải biên cho phù hợp với lối hát mới. Nó cũng trở thành một loại hình kinh doanh “hái ra tiền”, nhưng bài quan họ trở nên ngắn hơn, cung cách giao tiếp trong khi hát giữa các liền anh, liền chị cũng giản tiện hơn rất nhiều.

Nhưng từ bao năm nay, có một người đã bỏ công sức dìu dắt rất nhiều thế hệ học sinh về lối hát quan họ cổ mà không hề nhận về mình một chút học phí nào. Bà là nghệ nhân, Nghệ sĩ ưu tú Tạ Thị Hình, hiện trú tại 384 đường Nguyền Trãi, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Lớp học được tổ chức tại gia, không micro, không có dụng cụ âm nhạc chuyên nghiệp. Tất cả chỉ có cô và trò cùng hát. Là lớp học về hát dân ca quan họ nhưng lại không có dụng cụ để dạy hát, cô chỉ hát chay, đến đoạn dạo nhạc nhắc nhở cho học sinh "đến đoạn nhạc".

Cô lại đánh nhạc bằng miệng, hết đoạn dạo nhạc bằng miệng cả lớp lại hát. Chỉ với cách dạy như vậy từ năm 1988 đến nay, bà Hình đã dạy hát quan họ cho bao nhiêu thế hệ. Năm 1988, bà cùng một người bạn say mê quan họ là bà Tạ Thị Khánh lập ra lớp dạy hát miễn phí cho bà con trong và ngoài xã. Lớp học đầu tiên ra đời, bà bỏ ra 7 triệu để mua quần áo quan họ phục vụ học sinh học hát.

Với ý tưởng ban đầu của bà là dạy hát để thế hệ sau này lưu giữ được vốn quan họ cổ - bởi sử dụng các câu thơ, lối hát của các cụ rất trữ tình, đằm thắm. Nhưng về sau, học sinh của bà không những học được vốn quan họ truyền thống mà họ còn sống được bằng chính nghề hát nhờ "cô giáo làng" của mình.

Lớp học thường không đông, chỉ vài cặp học sinh hát với nhau. Tính ra từ ngày bà dạy đến giờ, học sinh của bà Hình ở mọi lứa tuổi, đông nhất là học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, người trung tuổi.

Đối với người dạy quan họ, khó khăn nhất là chọn cặp hát đối cùng nhau, sao cho hai người hát đối với nhau phải hợp về tính tình, sở thích. Vậy nên những liền anh, liền chị hát quan họ xưa kia mới có câu "tri kỷ" là thế. Một lớp học theo bà chọn được một em hát hay đã là quý lắm, với các em thiếu nhi, bà thường bồi dưỡng hát đơn, còn người lớn là hát theo từng cặp một.

Mỗi tuần bà dành khá nhiều thời gian để nghe học sinh trả bài. Qua đó nhiều giọng ca hay đã được bà phát hiện và đào tạo để trở thành những giọng ca vàng trong các cuộc thi toàn quốc.

Chị Nguyễn Thị Vượng - giải nhì dân ca quan họ toàn tỉnh Bắc Ninh năm 2007 cho biết: "Cô rất nhiệt tình, nhiều lúc mưa gió, người học còn ngại không muốn đi mà cô vẫn đội mưa đi dạy. Trong số chúng tôi, nhiều người thấy không nỡ phụ lòng cô nên cố gắng đi học cho đầy đủ. Nhiều bài quan họ cô dạy chúng tôi rất mới, tôi chưa từng nghe qua bao giờ".

Với anh Trung Kiên (đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh), người đã giành huy chương bạc trong Hội thi tiếng hát dân ca quan họ toàn quốc, thì: Cô đã dạy anh rất tỉ mỉ lối giao tiếp của các cụ ta ngày xưa mỗi khi hát đối đáp với nhau.

Cách nói năng, đi đứng như thế nào, tất cả các lễ nghi đó đều phải thể hiện bằng dáng điệu, lời ca. Tôi cảm thấy mình may mắn đã được học cô bởi có nhiều cử chỉ, dáng điệu lời ca cổ rất hay do người xưa truyền lại mà chưa có điều kiện giới thiệu nên nhiều người không biết.

Với vốn quan họ khá lớn: trên 300 bài quan họ cổ, bà đã truyền đạt cho các thế hệ học sinh khoảng 150 bài quan họ cổ. Hiện nay, ngoài việc truyền dạy quan họ miễn phí trong vùng, bà còn dạy cho các cháu ở Trường THCS Võ Cường vào các tiết văn nghệ, hướng dẫn các cháu nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh Bắc Ninh, tham gia dạy quan họ tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh, tham gia dạy hát cho các địa phương khi có lời mời.

Nhiệt huyết như thế nhưng bà không hề tính toán cho riêng mình, đối với những giờ dạy cho trường nghệ thuật ở tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang thì mỗi tiết được khoảng 30.000 đồng. Còn lại bà đều dạy miễn phí. Ở bà, niềm đam mê chẳng thể tính thiệt hơn, tiếp lửa truyền thống đã thành động lực, nhất là mỗi khi thấy các em học sinh ngồi hát.

Theo lời bà nói thì "Người dạy chỉ là giọt nước, còn các em chính là suối nguồn, mỗi khi được nghe các em hát đúng nhịp nghe sướng lắm".

Cống hiến hết mình cho việc lưu giữ truyền thống văn hóa xứ kinh Bắc, năm 1995, bà được Bộ VHTT tặng danh hiệu nghệ nhân, tháng 3/2001, bà được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Đây là một trong số rất hiếm những người trưởng thành từ văn nghệ không chuyên nhận được danh hiệu cao quý này. Trong cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật, bà đã đoạt 3 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 1 huy chương đồng trong các hội thi tiếng hát dân ca không chuyên toàn quốc cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Năm nay, 69 tuổi - ngoài việc dạy hát, bà Hình còn tham gia các hoạt động trong câu lạc bộ quan họ TP Bắc Ninh và làm tổ trưởng. Bà đã viết lại được 255 bài thơ cổ, gần 300 bài ca quan họ để Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh lưu giữ sau này.

Ước mong của người nghệ sĩ ấy thật đơn giản: Mong sao có đủ sức khỏe để viết và truyền đạt cho thế hệ sau những vốn liếng mà bà đã được thế hệ trước truyền lại để mãi mãi nét đẹp truyền thống quan họ xứ kinh Bắc, đời này nối tiếp đời kia sẽ không bị thất truyền và mai một

Sơn Trà
.
.
.